Công an Trung Quốc cản BBC tới Tây Tạng

Damian Grammaticus

Phóng viên BBC ở Bắc Kinh

Đây là đợt trấn áp mới nhất ở Trung Quốc khiến chúng tôi gặp khó khăn khi muốn tới Tây Tạng.

clip_image001

TQ tiếp tục trấn áp Tây Tạng trong khi ngăn cản phóng viên tới đưa tin.

Một lực lượng công an hùng hậu được huy động và một khu vực có diện tích bằng nước Anh bị rào lại.

Cảnh sát cầm chân chúng tôi trong chín giờ liền và buộc chúng tôi phải ‎ký giấy hứa rằng sẽ không bao giờ cố lên Tây Tạng nữa. Chúng tôi từ chối và họ dọa trong vòng hai ngày visa của chúng tôi có thể bị hủy và chúng tôi có thể bị trục xuất khỏi Trung Quốc.

Điều làm Trung Quốc phát hoảng như hiện nay là một làn sóng phản đối mới trong đó người Tây Tạng tự thiêu vì họ nói đã bị trấn áp về chính trị và tôn giáo tới mức không chịu nổi. Đó là những cảnh tượng hãi hùng. Đây là hình ảnh một ni cô 35 tuổi tự thiêu.

Trong số những người hy sinh bản thân có vị Lạt Ma là Sopa và nhà sư này ghi lại lý do.

Ông nói Trung Quốc nên để Đức Đạt Lai Lạt Ma về Tây Tạng. Và điều mà Trung Quốc lo sợ đang diễn ra. Những cuộc phản đối đang lan rộng. Hình ảnh video lộ ra bên ngoài trong tuần trước cho thấy những người Tây Tạng giận dữ bao quanh đồn cảnh sát. Còn đây là phản ứng của chính quyền Trung Quốc và sự trấn áp ngày càng mạnh tay, nhắm vào những người mà họ gọi là ly khai, có ý định tách Tây Tạng khỏi Trung Quốc.

Bất bình tăng lên

Để tới được Tây Tạng, chúng tôi phải lên máy bay, bay trên nóc nhà của thế giới. Trung Quốc nói những người tự thiêu là khủng bố nhưng họ muốn giữ kín việc trấn áp của chính quyền. Cảnh sát Trung Quốc cảnh báo người Tây Tạng không được nói chuyện với chúng tôi và bám đuôi khắp mọi nơi.

Đây là một chiếc xe cảnh sát khác đeo bám chúng tôi và tôi có thể đếm được 1, 2 ,3 4 cảnh sát. Họ theo chúng tôi xuống tận ngôi làng này. Và một trong số họ đã chui vào taxi của chúng tôi vì ở khe ghế ngồi ông ta đánh rơi cái này, thẻ cảnh sát của ông ta. Họ nói chuyện với cả người lái taxi của chúng tôi và ông sợ tới mức không muốn liên hệ gì với chúng tôi nữa.

Và các cảnh sát đã tiến vào. Họ tóm lấy một người Tây Tạng vừa bước lên phía chúng tôi, đề nghị ông không nói gì với chúng tôi và đuổi ông đi.

Khi chúng tôi rời đi, cảnh sát bám đuôi và muốn chúng tôi nộp những hình ảnh đã quay. Ngay cả ở đây, trên vùng núi cao này, Trung Quốc vẫn là quốc gia bị ám ảnh bởi lực lượng an ninh, toan giấu đi sự trấn áp của họ. Nhưng sự bất bình của người Tây Tạng đang ngày càng tăng lên.

Phóng viên BBC Damian Grammaticus hiện thường trú tại Bắc Kinh. Video này đã được chiếu trên truyền hình BBC tối 9/02/2012 ở Anh Quốc.

http://www.youtube.com/watch?v=rWhQ83ijn5g

D.G.

Nguồn: bbc.co.uk

------------------------------------------------------------

Hai người Tây Tạng bị công an Trung Quốc truy tầm và bắn chết

Thụy My

Hôm qua 09/02/2012 tại Tứ Xuyên, lực lượng an ninh Trung Quốc đã truy lùng và bắn chết hai người Tây Tạng từng tham gia cuộc biểu tình phản kháng ở huyện Lô Hoắc cách đây hơn hai tuần. Sự kiện này xảy ra sau khi trước đó vào tối thứ Tư, lại có thêm một vụ tự thiêu tại Tứ Xuyên.

clip_image002

Đàn áp của Trung Quốc gây bất bình dư luận ở ngoài: Người Hàn Quốc biểu tình trước Sứ quán Trung Quốc tại Seoul, đòi chấm dứt các vụ giết người Tây Tạng, ngày 01/02/2012. Reuters

Theo Radio Free Asia (RFA), đài phát thanh đặt tại Mỹ có chương trình phát bằng tiếng Tây Tạng, thì nhà sư Yeshe Rigsal, 40 tuổi và người em trai là Yeshe Samdrub, 38 tuổi, đã bị chính quyền tầm nã sau khi tham gia cuộc biểu tình ngày 23/1 tại Lô Hoắc, thuộc khu tự trị Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên.

Những người biểu tình phản đối chính sách của Trung Quốc và đòi hỏi Đạt Lai Lạt Ma phải được trở về Tây Tạng. Cuộc biểu tình đã bị đàn áp thẳng tay, công an bắn chết ít nhất một người.

Hai anh em nhà sư nói trên đã lẩn trốn hơn hai tuần, cho đến khi công an Trung Quốc tìm ra được họ đang trốn trên vùng núi. Lực lượng an ninh bèn bao vây và bắn chết cả hai, theo như lời một nhà sư ở tu viện Drepung (Ấn Độ) dẫn nguồn tin từ địa phương cho biết.

RFA cũng cho biết tối 8/2 một nhà sư đã toan tự thiêu tại Thanh Hải, nơi có nhiều người Tây Tạng sinh sống. Tổ chức phi chính phủ Free Tibet cũng xác nhận sự kiện này. Nguồn tin từ Dharamsala, trụ sở chính phủ Tây Tạng lưu vong nói thêm, người tự thiêu đã bị lực lượng an ninh đưa đi nơi nào không rõ, và cũng không ai biết gì về tình trạng sức khỏe của nhà sư này. Hôm nay công an và chính quyền địa phương không trả lời hãng tin Pháp AFP.

Như vậy trong vòng chưa đầy một năm, đã có ít nhất 18 người Tây Tạng đa số là các nhà sư, đã tự thiêu tại các vùng có dân Tây Tạng sinh sống ở Trung Quốc. Trong những tuần lễ gần đây, chính quyền Trung Quốc luôn ngăn trở báo chí ngoại quốc đến các khu vực này. Thủ tướng Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay cho biết hàng trăm xe quân đội chở lính Trung Quốc trang bị súng đại liên tự động đã ngược lên Tây Tạng, trong lúc người dân tại chỗ đang chuẩn bị mừng năm mới vào ngày 22/2.

Ông Trần Toàn Quốc, viên chức Trung Quốc cai quản khu tự trị Tây Tạng, tuần này đã kêu gọi tăng cường đấu tranh chống lại «bè lũ Đạt Lai Lạt Ma».

Tuy Trung Quốc luôn khẳng định đã «giải phóng Tây Tạng một cách tự do» và đầu tư phát triển kinh tế tại đây, nhưng nhiều người dân Tây Tạng không còn chịu đựng được sự đô hộ ngày càng tăng thêm của người Hán tộc, và sự đàn áp tôn giáo cũng như ý đồ đồng hóa về văn hóa của Bắc Kinh.

T.M.

Nguồn: Viet.rfi.fr

--------------------------------------------------------------

Đức Đạt Lai Lạt Ma, TGM Tutu lên án Trung Quốc đàn áp tại Tây Tạng

Kurt Achin | New Delhi

Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đức Đạt Lai Lạt Ma, tiếp Tổng giám mục Nam Phi Desmond Tutu tại thành phố Dharamsala, miền bắc Ấn Độ. Tại đây Tổng giám mục Tutu khẩn thiết yêu cầu Trung Quốc thay đổi chính sách tại Tây Tạng.

clip_image003

Đức Đạt Lai Lạt Ma (trái) và Đức Tổng giám mục Desmond Tutu sau khi viếng thăm 1 ngôi chùa Tây Tạng ở Dharamsala, 10/2/2012. Hình: REUTERS

Đức Đạt Lai Lạt Ma hôm thứ Năm yêu cầu người được giải Nobel Hòa Bình như Ngài, Đức Tổng giám mục Desmond Tutu, tiếp tục cầu nguyện cho người Tây Tạng:

“Người Tây Tạng chúng tôi đang trải qua một giai đoạn khó khăn, và đặc tính yêu thương của nền văn hóa Tây Tạng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn”.

Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đề cập một tháng dài đàn áp của lực lượng Trung Quốc. Các người Tây Tạng lưu vong nói có ít nhất 6 người biểu tình ôn hòa Tây Tạng bị bắn trong những tuần lễ gần đây.

Chính phủ Trung Quốc công nhận có giết một người Tây Tạng mà họ gọi là một “kẻ cướp,” và nói thêm những cuộc biểu tình được hoạch định cẩn thận bởi “những đám đông côn đồ” được huấn luyện dùng bạo lực chống lại cảnh sát.

Người Tây Tạng nói Trung Quốc theo đuổi một chính sách tràn ngập Tây Tạng bằng những di dân không phải người Tây Tạng, và có đầu óc kỳ thị người Tây Tạng. Hình ảnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma bị cấm đoán, và nhiều nhà sư nói họ bị đe dọa trừng phạt nếu không theo “những chương trình cải tạo” có tính cách làm họ xa rời truyền thống văn hóa Tây Tạng.

Đức Tổng giám mục Tutu kêu gọi Trung Quốc nới rộng sự kìm kẹp đối với người Tây Tạng:

“Thưa các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh, chúng tôi khẩn cầu các vị cho phép Tây Tạng tự trị như Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc qui định”.

Đức Tổng giám mục Tutu, một nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc, trước đây thường được mô tả là lương tâm của Nam Phi, gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma là “một người yêu chuộng hòa bình nhất trên địa cầu”. Ông kêu gọi Trung Quốc cho phép nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng được trở về quê hương. Đức Tổng giám mục Tutu nói:

“Xin Thượng Đế đẩy nhanh ngày chúng ta sẽ tiến vào một nước Tây Tạng tự do”.

Ông Lobsang Sangay, Thủ tướng được bầu của chính quyền lưu vong Tây Tạng có trụ sở tại Dharamsala, nói ông lo ngại Trung Quốc vẫn còn leo thang đàn áp tại Tây Tạng:

“Chúng tôi được tin hàng trăm đoàn xe chở binh sĩ Trung Quốc có súng liên thanh tự động đang tiến về phía Tây Tạng. Vào dịp Tết Tây Tạng ngày 22 tháng Hai tới, với những lễ hội có đông người tụ tập, chúng tôi lo ngại nhiều người Tây Tạng sẽ phải trải qua nhiều điều không may”.

Thủ tướng Lobsang phát biểu tại một buổi thắp nến cầu nguyện trong tuần này, được tổ chức để tưởng nhớ ít nhất 19 người Tây Tạng tự thiêu trong năm qua để phản đối chính sách của Trung Quốc.

K.A.

Nguồn: voanews.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn