Bình thường và bất bình thường

(CL)- Báo chí chỉ phản ánh thông tin chân thực. Và muốn thông tin được chân thực thì thông tin đến với nhà báo phải được đầy đủ, chính xác.

 

clip_image001

Nếu không có thông tin chính thức sẽ có nguy cơ xuất hiện những  tin đồn thất thiệt xung quanh việc làm này

Sau nhiều ngày kể từ khi xảy ra sự cố rò nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2, đến nay các cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa có báo cáo chính thức kết luận về vụ việc. Thế nhưng, từ trước đây mấy ngày, ông Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam đã hùng hồn tuyên bố: “Đây là các “khe nhiệt” bình thường của thủy điện chứ không phải các vết nứt như báo chí phản ánh nên không có vấn đề gì mà phải lo lắng. Chính quyền địa phương cũng không nên lo lắng và người dân cũng vậy! Việc khoan để bơm cao su vào chỉ để kiểm tra, xử lý nhằm đảm bảo tuổi thọ của đập, chứ không hề ảnh hưởng đến an toàn của đập”. Ông Vân còn khuyến cáo báo chí nên dừng đưa tin về vụ việc này vì “cứ để cho báo chí lên miết thì dân Quảng Nam hoang mang lắm”. 

Ở đây ta tạm không bàn đến vấn đề an toàn, chất lượng của đập, vấn đề trách nhiệm của thiết kế, thi công hay tư vấn… mà hãy đề cập đến quyền được thông tin và tiếp cận thông tin. Cứ cho là sự cố rò nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 là việc hoàn toàn “bình thường”, đập vẫn an toàn đúng như lời ông Vân nói, nhưng việc khuyên báo chí “đứng ngoài” của ông thì rõ ràng là không “bình thường” chút nào. 

Bởi, nếu dù cho báo chí hoàn toàn không đưa một dòng tin nào nhưng việc rò rỉ nước ở đập Sông Tranh 2 vẫn là một thực tế không ai phủ nhận được. Cũng khó có thể coi việc những công nhân của đơn vị thi công đi hàn, bịt những chỗ rò nước là bình thường. Nếu là việc “bình thường” thì sao đơn vị quản lý lại không để cho nó diễn ra bình thường mà phải xử lý? Và câu chuyện sẽ diễn biến như thế nào nếu xuất hiện một tin đồn thất thiệt bắt nguồn từ việc “hàn”, “bịt” rất thủ công và phản cảm kia?

Báo chí chỉ phản ánh thông tin chân thực. Và muốn thông tin được chân thực thì thông tin đến với nhà báo phải được đầy đủ, chính xác. Trong câu chuyện xung quanh đập Sông Tranh 2 trên đây, sự vào cuộc của báo chí rõ ràng không thể làm trầm trọng thêm tình trạng rò nước của đập, ngược lại, còn khiến vấn đề được nhiều cấp, nhiều ngành quan tâm hơn, từ đó có được những kết luận xác đáng và phương án xử lý hiệu quả hơn. Ở một phía khác, nếu có một kết luận chắc chắn rằng, sự cố trên vẫn nằm trong tầm kiểm soát, đập vẫn an toàn thì báo chí sẽ là kênh thông tin để người dân yên tâm chứ không thể xảy ra tình trạng ngược lại.

Trong vụ việc cưỡng chế ở Tiên Lãng mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương và cảm ơn báo chí đã thông tin rất kịp thời, đa dạng, phong phú, có nhiều bài phân tích đa chiều về vụ việc. Điều đó đã góp phần tích cực để các cơ quan chức năng làm sáng tỏ và có sự chỉ đạo phù hợp. Thủ tướng cũng rất mong báo chí ngày càng đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển chung cả nước, đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế đất nước.

Trở lại vụ việc đập Sông Tranh 2. Rõ ràng việc báo chí có nhiều bài phản ánh về sự cố rò nước ở đập thủy điện này là việc bình thường đối với thông tin về một sự việc. Ngược lại, nếu ai đó ngăn cản báo chí hoặc bưng bít thông tin về vụ việc này mới là điều bất thường.

PV 

Nguồn: congluan.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn