Nga: tiến lên quá khứ (phần 1)

Walter Mayr, Christian Neef, Matthias Schepp

Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 09/2012

Ứng cử viên tổng thống Vladimir Putin không học gì từ phong trào chống đối cả, ông ấy sống trong một thế giới khác, không có một viễn cảnh nào cho đất nước của mình. Vị thủ tướng có thể sẽ thắng cuộc bầu cử vào ngày Chủ Nhật tới đây – nhưng ông ấy sẽ trở thành một nguyên thủ quốc gia tạm thời.

Người đàn ông mà Vladimir Putin muốn cho về hưu rất thích đóng vai kẻ khác. Lần thì ông ấy là Boris Akunin, nhà văn hình sự người Nga được đọc nhiều nhất. Lần thì ông ấy tự xưng là Anna Borrissova, rồi ông ấy viết từ cách nhìn của một người phụ nữ. Hay ông ấy nấp sau người theo Chủ nghĩa Dân tộc Anatolij Brusnikin.

Từ một vài tuần nay, Akunin là người dẫn đầu phe đối lập. Nhưng điều đấy hoàn toàn không có liên quan gì đến hư cấu cả, điều đấy bây giờ là hiện thực nghiêm chỉnh, vâng, chính sách lớn lao – chính sách có thể thay đổi nước Nga. Trong những cuộc biểu tình phản đối gian lận tại cuộc bầu cử Quốc Hội Nga, Boris Akunin thuộc vào trong số những người phát ngôn chính; trong số hàng trăm nghìn người yêu cầu Vladimir Putin từ chức từ nhiều tuần nay, không có ai được yêu mến nhiều hơn là ông ấy. Vào Chủ Nhật tới đây, Akunin và những người đồng quê hương với ông ấy lại được kêu gọi đi bỏ phiếu, lần này là cho chức vụ tổng thống quan trọng hơn nhiều. Putin đã dọn đường để trở lại điện Kremlin, ông ấy muốn trở thành nguyên thủ quốc gia lần thứ ba.

Nhưng bây giờ thì có một điều thật không thể tin được đang xảy ra: một phần người dân không còn muốn chấp nhận nữa, Akunin cũng không – ông ấy bây giờ là công dân Grigory Chkhartishvili. Tên thật của ông ấy là như thế, cái tên được ghi vào trong hộ chiếu. Nhưng tất cả mọi người chỉ gọi ông ấy là Akunin.

"Putin đã đánh mất đất nước của ông ấy", Akunin nói. "Tôi không mong cho ông ấy số phận của Muammar al-Gaddafi, nhưng ông ấy cần phải giao dây cương về cho một người kế nhiệm. Là sử gia, tôi biết là các hệ thống độc tài sẽ thất bại, khi hố ngăn cách giữa người cai trị và những người bị cai trị trở nên quá lớn."

Trên giá sách trong phòng làm việc của Akunin có những tác phẩm cổ điển của văn học thế giới, mấy cái cửa sổ lớn của ngôi nhà đồng quê ông ấy cho phép người ta nhìn ra những cây thông phủ tuyết ở trong vườn. Xung quanh đều im lặng. Một sự im lặng phi thật, khi người ta biết những gì đang diễn ra ở Moscow cách đấy chỉ 30 kilômét về phía Đông và trong đất nước này.

Ở đấy, thế giới đã đảo lộn, hàng chục nghìn người đứng lên chống lại Vladimir Putin, biệt hiệu Vova. "Vova, anh bị sa thải rồi", những người chống điện Kremlin hô to, và: "Nước Nga – đấy là chúng tôi!", những cuộc tranh cãi về lần thay đổi quyền lực sôi động trong Internet. Vào tuần rồi, điện Kremlin cũng huy động thêm một lần nữa 130.000 người ủng hộ mình. Nó muốn bảo đảm chiến thắng cho ông thủ tướng vào ngày Chủ Nhật, ngay ở vòng bầu đầu tiên.

clip_image002

Đoàn ô tô của những người ủng hộ Putin ở Moscow vào ngày 18 tháng 2. Ảnh: Der Spiegel.

Hơi thở của cuộc nổi dậy Ả Rập đã đến với nước Nga? Trước đây ba tháng, dường như chắc chắn là Putin, 59 tuổi và từ mười hai năm nay là tổng thống hay thủ tướng, sẽ vào điện Kremlin thêm mười hai năm nữa. Thế nhưng bây giờ thì bất thình lình thì người ta đã có thể nhìn thấy được sự chấm dứt của một kỷ nguyên.

Dường như đất nước khổng lồ này đã thức tỉnh dậy từ sự bất động của nó, dường như bức tường bao quanh chính quyền đang sụp đổ dần, dường như những điều cấm kỵ của thời Putin đã bị phá bỏ. Người của tự do chủ nghĩa, dân tộc chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa hợp nhất với nhau trong sự căm ghét người sếp vĩnh viễn của điện Kremlin. Người ta nói về bầu cử lại, về một chính phủ liên minh và về việc trả tự do cho các tù nhân chính trị. "Nếu như Putin không tự vượt qua chính bản mình và thay đổi sự việc, thì tất cả sẽ chấm dứt trên các quảng trường của những thành phố", cựu tổng thống Mikhail Gorbachev cảnh báo. Và Mikhail Prokhorov, nhà tỉ phú, người tự ra tranh cử, nói: "Những gì đang xảy ra trong nước Nga là một thảm họa."

Trong mùa Thu, khi Putin tuyên bố lần trở về điện Kremlin của mình, Akunin và vợ của ông ấy đã nghĩ đến việc di cư: "Chúng tôi đã hết hy vọng rằng người dân sẽ tỉnh dậy từ sự lãnh cảm của họ. Không ai đoán trước được lần nổi dậy này." Nhưng bây giờ thì có thể nhìn thấy được một vết rạn nứt đi xuyên qua xã hội. Đất nước này bị chia cắt: giữa những người muốn giữ Putin lại, vì họ lo sợ một thời kỳ rối loạn mới – như trong những năm 90 sau khi Gorbachev từ chức hay sau 1917 khi Nga hoàng Nicholas II ra đi. Và những người bây giờ hô to trên đường phố Moscow: "Chúng tôi không phải là đối lập. Chúng tôi là chủ của các anh. Putin cút đi!" Không phe nào tha cho phe nào. Moscow là "thành trì cuối cùng chống lại một đế chế toàn thế giới của cái xấu", các nhà diễn thuyết thân điện Kremlin nhắc đi nhắc lại cho thính giả: sau Afghanistan, Iraq và Lybia, bây giờ người Mỹ cũng muốn thống trị cả nước Nga, những người biểu tình đều là tay sai của Washington.

Nhà đạo diễn điện ảnh được coi trọng Stanislav Govorukhin, lãnh đạo cuộc tranh cử của Putin, còn lấy cả thời Nga hoàng ra để mô tả tính bi kịch của những ngày tháng này: "Năm 1911 họ đã ám sát người thủ tướng cải cách Stolypin – khi nước Nga đang đứng ngay trước lần đột phá trở thành một thế lực công nghiệp dẫn đầu." Bây giờ, kịch bản đấy đang lặp lại, ông ấy quả quyết như thế. Nó lại hiện diện, nỗi lo sợ cách mạng và nội chiến, nó được điện Kremlin cố tình khuấy động lên. Màu của cuộc Cách mạng Cam, cái trước đây đã quét phăng chế độ độc tài trong Ukraine sau một cuộc bầu cử gian lận, là "màu của nước đái chó trong tuyết", người tổng biên tập của tờ báo dân tộc chủ nghĩa "Savtra" nổi giận nói trong một cuộc biểu dương lực lượng. Nếu như Putin bị lật đổ và những người chống đối bước vào điện Kremlin, thì sẽ có mối nguy hiểm của một cuộc đấu tranh của mọi người chống lại mọi người. Rồi thì từ cam sẽ thành "đỏ của máu".

"Putin còn tệ hơn cả Hitler", những người tự do chủ nghĩa phản bác lại. Alexej Navalny, người đấu tranh chống tham nhũng và theo Chủ nghĩa Dân tộc, tuyên bố ông ấy sẽ "cắn đứt cuống họng" của những người điện Kremlin.

Tại sao đất nước này lại bất thình lình vuột ra khỏi bàn tay của Putin, con người đa tài về chính trị đấy, ông ấy đã phạm phải lỗi lầm nào? Các hứa hẹn mà bây giờ ông ấy đưa ra hàng ngày có thật không, sau lần bầu cử, ông ấy có quay trở lại như một nhà cải cách không? Hay những điều Akunin nói là đúng: rằng Putin "vẫn còn chưa hiểu những gì đang xảy ra"? Cứ cho là ông ấy thắng cử vào ngày 4 tháng 3 đi – thì cuộc bầu cử này mang tính hợp pháp hóa cho tới đâu, và số phận nào rồi sẽ chờ đợi nước Nga: cách mạng hay khôi phục? Và Putin còn có được sự ủng hộ nào ở nông thôn? Cả ở Yekaterinburg và Yaroslavl, ở Orenburg và Volvograd, những người đi bầu cũng đã loại bỏ điện Kremlin trong tháng 12 vừa rồi.

Các biên tập viên SPIEGEL đã đi qua đất nước Nga khổng lồ để tìm hiểu xem tại sao thế giới của Vladimir Vladimirovich Putin lại rối tung lên: trong thành phố cạnh Thái Bình Dương Vladivostok và trong vùng Biển Đen của Krasnodar, ở Novosibirsk và trong vùng Mordovia.

ATJASHEVO, HÒN ĐẢO CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC PHƯỚC

Mặt trời biến mất ở chân trời sau những cánh đồng đầy tuyết của ngôi làng 6000 dân Atjashevo. Ca sáng chấm dứt cho Anna Baburova, 48 tuổi. Nhà máy thịt Atjashevski đang hoạt động tốt, hôm nay họ hẳn đã sản xuất được khoảng 70 tấn xúc xích. Anna Baburova đứng ở máy cắt. Các con dao băm nát và trộn lẫn thịt lợn và thịt bò với thịt mỡ từ lưng, trước khi khối thịt đấy đi vào ruột làm xúc xích và trở thành "Jevropeiskaja" hay "Braunshveigskaja" hun khói.

"Trước đây, chúng tôi lấy xúc xích từ Moscow, bây giờ chúng tôi mang chúng đến đấy", Anna Baburova nói. Bí mật của Atjashevo nấp ở đằng sau câu nói đấy. Làng Atjashevo nằm trong nước Cộng hòa Mordovia, nước không lớn hơn tiểu bang Mecklenburg – Vorpommern [của Đức] là bao, từ Moscow, người ta có thể đến đấy với một chuyến tàu đêm theo hướng Volga. Hơn 800.000 người sống ở đây, một phần ba thuộc dân tộc Mordovia, nói tiếng Erzya và Moksha. Trước đây, chỉ có những người ngồi trong vô số các trại giam giữa những khu rừng rậm của Mordovia mới biết đến nước cộng hòa này.

clip_image004

Cửa hàng trong làng Atjashevo: "Vâng, lần chuyển giao quyền lực từ Medvedev sang Putin là kỳ lạ, nhưng một ứng cử viên mới mang lại gì cho chúng tôi?" Ảnh: Der Spiegel

Trong những năm vừa rồi, nó đã khiến cho người ta bàn tán nhiều về nó: Mordovia là nước cộng hòa duy nhất ở ngoài vùng Caucasus mà điện Kremlin có thể dự tính rằng sẽ nhận được trên 90% số phiếu. Đảng Nước Nga Thống Nhất của Putin đã đạt được 91,62% trong tháng 12. Vùng Atjashevo, cách Saransk thủ đô của nước Cộng hòa 80 kilômét, còn vượt qua cả con số đấy nữa. Nước Nga Thống Nhất thu được 16.998 phiếu trong huyện, 99,83%. Chỉ có 25 phiếu bầu cho những người Cộng sản; không một ai bỏ lá phiếu của mình vào thùng cho năm đảng còn lại.

Đấy là một kết quả – theo các thước đo của châu Âu – đáng sợ. Ở Mordovia, người ta gian lận còn tốt hơn cả ở những nơi khác trong nước Nga bao la? Hay những con số đấy là thật? Có thể như thế hay không trong một nước cộng hòa mà lương tháng trung bình chỉ nằm ở khoảng 300 euro, tuy là ở gần Moscow?

"Chúng tôi ở đây là những con người rất thực tế", Raissa Kusnezova nói. Bà ấy là một phụ nữ tóc đen, 55 tuổi và lãnh đạo tờ báo của làng và huyện của Atjashevo – tờ báo có tên là "Vperjod", tiến lên. Người ta có thể giải thích hiện tượng đấy qua lịch sử, bà Kusnezova nói. Mãi đến những năm 80, xung quanh Atjashevo vẫn còn không có đường trải nhựa. Bà chỉ có cách đi bộ qua đoạn đường 30 kilômét từ làng quê của bà ra thị trấn, nếu như không có chiếc máy cày nào cho bà đi cùng. Sau khi Liên bang Xô viết chấm dứt, lộn xộn đã xảy ra. Ngoại trừ nhà máy sản xuất bóng đèn của Saransk, toàn bộ nền công nghiệp đều sụp đổ, làng quê chỉ có điện từng giờ một. Những người dân chủ của đảng Jelzin sa vào trong việc kinh doanh và đấu tranh chia phần, một loạt vụ giết người đã khiến cho cả vùng đều nín thở. "Cả những người Cộng sản cũng không thể chỉ cho chúng tôi được con đường nào để đi ra khỏi đống phân đấy cả", Kusnezova nói. Bà ấy là một người phụ nữ có những lời nói rõ ràng.

Nhưng rồi Nikolai Merkushkin đã đến. Merkushkin là sếp của nước cộng hòa, đã là nhiệm kỳ thứ tư, ông ấy là Putin của Mordovia. Một con người của hành động. Ông ấy đã khởi động lại nền công nghiệp, mang khí đốt về làng quê và tạo sinh khí cho nông nghiệp. Người ta cho nông dân vay tiền với những điều kiện thuận lợi, ông tổng thống đã lấy tiền từ Moscow về nước cộng hòa. Putin đã đến thăm năm lần, trước kia, chưa từng có một lãnh đạo chính phủ nào đến thăm. Nhìn thoáng qua lần đầu, các yêu cầu đền đáp lại dường như chỉ là tượng trưng. Phô trương trên mười ngôi nhà dùng làm sân chơi thể thao trên băng mới được xây trong nước Cộng hòa là huy hiệu của Nước Nga Thống Nhất. Như thể đảng nhà nước này hay đích thân Putin đã tài trợ cho nó. Cả trong Atjashevo, đúng vào thời điểm bầu cử trong tháng 12, cũng có một "Dinh thự băng tuyết" được dựng lên, tốn kém 178 triệu rúp Tổng thống Merkushin đã đích thân đến dự lễ khai mạc.

"Có đúng không," ông ấy gọi to những người dân của làng Atjashevo, "trước đây mười năm các anh chị còn không dám mơ đến điều đấy nữa?" Những ai muốn tiếp tục có một cuộc sống ổn định cho con cháu của mình, những ai muốn nhà ở, đường xá và bệnh viện được xây lên – người đấy phải quyết định bỏ phiếu cho ai. Người đấy không thể nào thích thú với một thắng lợi của giới đối lập được, những người mà bây giờ đang biểu tình ở Moscow. Hay của những người Cộng sản, của đảng mà trong đó chỉ có những "cựu phạm nhân hình sự" …

Raissa Kusnezova đã in lại những lời nói của Tổng thống. "Những người ở Moscow điên rồi", bà ấy nói. Vâng, cách chuyển giao quyền lực từ Medvedev sang Putin là "kỳ lạ", "nhưng một ứng cử viên mới mang lại gì cho chúng tôi? Chúng tôi không bỏ phiếu một cách mù quáng", bà ấy nói, "chúng tôi biết sự tiến bộ là do ai mà có. Chúng tôi tin vào Putin".

Sự biết ơn cầm tay những người bỏ phiếu của Atjashevo dẫn đi. Khi người ta cho rằng khí đốt vào đến tận nhà hay sân vận động được xây ở Saransk nhân dịp giải Vô địch Bóng đá Thế giới 2018 là công lao của đảng nhà nước thì ai cũng biết phải đánh dấu chéo vào ở nơi nào.

Cả Anna Baburova cũng đầy lòng cảm kích. Nhà máy thịt của Atjashevo đã suýt phá sản năm 1998, ngày nay có máy móc nhập từ Đức ở trong đó. Và mỗi một người trong số 870 nhân viên đều mang khoảng 20.000 rúp về nhà vào cuối tháng, khoảng 500 euro. "Nếu không có Putin thì tôi không có được việc làm này", Baburova nói. "Tôi chưa từng bao giờ quan tâm đến chính trị. Tôi có một căn nhà, 1500 mét vuông đất và bao giờ cũng chỉ có một mục đích: nuôi hai đứa con gái của tôi khôn lớn."

*

Mordovia giống như phần còn lại của Đế chế đỏ, một Liên bang Xô viết tí hon, người ở Moscow nói như thế. Trong thực tế, nó là một tỉnh mà ở đấy người ta có thể tham quan hệ thống Putin thuần khiết: nhà nước bảo đảm một cung cấp cơ bản, cho tới chừng nào mà người dân không xen vào chính trị. Điều đấy thành công ở nơi có những người không được giàu có cho lắm sinh sống. Putin đã thành công với công thức đấy. Ông ấy đã tạo tăng trưởng sau những rối loạn của Perestroika và của thời Jelzin, ông ấy đã chiến thắng người Chechnya, trả hết nợ cho nước Nga phá sản và tăng thu nhập. Thành công mà ông ấy có thể ăn mừng chỉ có một khuyết điểm: nó mang mầm mống của một sự suy tàn mới ở bên trong nó. Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Putin, bắt đầu năm 2004, và những năm sau đấy ngày nay được nhà chính trị học Nikilao Slobin gọi là "những năm bị đánh mất".

Về mặt hình thức, các thể chế dân chủ vẫn còn tồn tại, những cái do Jelzin thành lập. Nhưng chúng giống như một ngôi nhà trống rỗng. Kiểm duyệt, Quốc hội bị bỏ túi, tư pháp phục tùng, trung tâm hóa nghiêm ngặt quyền lực và một vai trò được cường điệu hóa cho mật vụ và quan liêu – đấy là hệ thống Putin. Không phải người dân, nhà nước mới là thước đo mọi việc.

Phải nhìn kỹ thì mới biết được điều đấy hoạt động như thế nào. Vì bản tổng kết kinh tế ngày nay cũng không có vẻ tồi: năm ngoái, nước Nga đạt tăng trưởng 4,3%. Nhưng con số đấy đánh lừa: sự phi công nghiệp hóa đất nước vẫn tiếp tục. Các doanh nghiệp do nhà nước chỉ đạo, các doanh nghiệp mà giới chính trị gia cùng kiếm được nhiều tiền từ đấy, bóp ngạt tinh thần kinh doanh và cạnh tranh. Từ nhiều thập niên nay, nước Nga không còn mang được một chiếc ô tô mới hay một chiếc máy bay mới nào ra sản xuất hàng loạt nữa. Đất nước này sống nhờ vào bán dầu và khí đốt, Bộ trưởng Bộ Tài chính Alexej Kudrin than phiền vào mùa Thu. Nếu giá dầu giảm mạnh thì nước Nga sẽ đứng ở trước bờ vực của sự thất bại.

Bản báo cáo còn cho biết 84 tỉ đô la đã chảy ra nước ngoài trong năm vừa rồi, phần lớn người dân vẫn còn nghèo dưới thời Putin và giới trung lưu thành thị mới không nhìn thấy khả năng cùng quyết định và vì vậy mà nổi lên chống lại – cứ hai người đại diện của tầng lớp này thì có một người mang tài sản của mình ra nước ngoài, Viện Nghiên cứu Dư luận Levada ghi nhận.

Putin không có một viễn cảnh để thay đổi điều đấy, chính trị dưới thời của ông đã suy tàn trở thành một sự giả vờ. "Nước Nga tồn tại trong đầu của ông ấy không hề có liên quan gì đến đất nước trong hiện thực cả", Slobin nói.

W. M., C. N., M. S.

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn