Đôi lời nhắn nhủ với trí thức hải ngoại yêu nước

(trao đổi với GSTS Vĩnh Sính)

Lê Quốc Trinh

Tôi là Lê Quốc Trinh, 65 tuổi, kỹ sư cơ khí làm việc lâu năm tại Canada, xin nhờ trang Bauxite Việt Nam chuyển lá thư này đến quý bạn thân hữu trí thức hải ngoại từng hoạt động trong phong trào "Việt kiều yêu nước" trong những năm dầu sôi lửa bỏng, trước 1975.

Lá thư này bắt nguồn từ bài viết "Đôi lời nhắn nhủ với anh Vĩnh Sính" đăng trên Trang Mạng Dân Luận hồi tháng 01/2012, tạo nhiều tranh cãi (nghe nói cũng xuất hiện trên blog AnhBaSam). Lý do tôi điều chỉnh lại bài viết này và gửi cho Bauxite Việt Nam vì tôi tình cờ đọc được bài "Fukushima lắng nghe và suy ngẫm" của GS Tô Văn Trường trên Mạng AnhBaSam. Những gì tôi lo ngại cho an toàn sinh mạng người dân Việt đã từ từ trở thành hiện thực và tôi không thể nào ngậm miệng mãi được khi nhìn thấy các vị trí thức có tâm có tầm như GS Nguyễn Khắc Nhẫn (Pháp) hay GS Phạm Duy Hiển (Việt Nam) cứ phải kêu gọi lạc lõng một mình trên sa mạc.

Sau đây là bài viết chỉnh sửa lần thứ hai để tâm tình với các bạn "cựu trí thức yêu nước xưa kia":

Tình cờ đảo mắt qua những bài vở trong Dân Luận năm ngoái tôi đọc được một bài viết của anh Vĩnh Sính nói về tính kiên cường quả cảm của người dân Nhật sau hai trận thiên tai động đất và sóng thần đi đến sự sụp đổ của nhà máy nguyên tử Fukushima, hồi tháng ba 2011. (Ref: Từ động đất và sóng thần, suy ngẫm về đặc trưng của văn hoá Nhật Bản, Dan Luan 30/03/2011).

Anh Vĩnh Sính là bạn tôi trong Hội Việt kiều yêu nước tại Canada, anh hoạt động ở Toronto còn tôi thì ở Montreal thời kỳ 1973-1987. Trước khi đến Canada anh đã là du học sinh tại Nhật, đậu bằng Tiến sĩ và Giáo sư đại học. Tôi ít liên lạc với anh nhưng được biết anh đạt được nhiều thành quả ở trong nước qua công trình giới thiệu thành phố Hội An cho giới du lịch Nhật Bản.

Bài này tôi viết nhằm mục đích nhắc anh nhớ lại một chuyện xảy ra gần đây liên hệ đến những dự án hạ tầng cơ sở do Nhật Bản viện trợ và thiết kế cho Việt Nam. Nhân chuyện đường hầm hiện đại Kim Liên (Hà Nội) bị ngập lụt ngay sau buổi khai trương cắt băng khánh thành (10/2009), vì nhà thầu Việt Nam viện cớ chưa sửa soạn máy bơm kịp cho sự cố, tôi mới viết một bài phản biện (trên Bauxite Việt Nam) vạch trần mánh lới nhà thầu sử dụng người dân như cái bung xung để làm áp lực tài chính với Nhà Nước. Trong suốt hai năm sửa soạn, xây dựng công trường, họ phải đào một cái hố sâu để làm đường hầm, do đó vì mưa bão liên tục (trận đại hồng thuỷ ở Hà Nội năm 2009) nhà thầu đương nhiên phải sử dụng thường xuyên nhiều máy bơm để thoát nước. Tôi cũng hiểu rõ tính chất "mafia" trà trộn trong thế giới xây dựng của Nhật mà lo ngại cho những công trình tại Việt Nam. Đó là lý do mà tôi đã E-Mail với anh Vĩnh Sính đề nghị anh chuyến dịch bài phản biện (đăng trên Bauxite Việt Nam, 10/2009) ra tiếng Nhật để nhờ dư luận Nhật theo dõi làm áp lực ngõ hầu bảo đảm an toàn cho người dân Hà Nội.

Qua kinh nghiệm tôi tham gia nhiều dự án bạc tỷ ở Canada, thì Mafia không có nghĩa chỉ là "xã hội đen" như mọi người lầm tưởng. Trong lĩnh vực xây dựng Mafia ám chỉ những thế lực chính trị nấp sau các công ty đại gia hay nghiệp đoàn công nhân để làm áp lực "đen tối" với Nhà Nước nhằm chia chác lợi nhuận bằng những thủ đoạn mờ ám. Phương thức thông thường là hạ giá trị đấu thầu thấp nhất để giành giựt giao kèo, nhưng sau khi ký kết thì trở mặt tìm đủ mọi hình thức để rút tỉa ngân sách, cản trở tiến độ công trình, đi đến cắt ruột công trình, giảm thiểu chất lượng hay số lượng vật tư, gây nhiều tai nạn lao động, hoặc phá hỏng công trình. Sau khi thực hiện công trình họ thi nhau tuyên bố phá sản để xoá hết những vết tích gian lận trong giao kèo. Điều này làm tôi lo ngại cho an toàn công cộng, trước hết là an toàn lao động của đội ngũ công nhân, sau nữa là người dân sử dụng công trình mỗi ngày. Ít ai có thể tưởng tượng được rằng năm ngoái ở tỉnh bang Quebec (Canada), khi chính phủ quyết định thành lập tổ điều tra tham nhũng trong xây dựng (corruption dans la construction) theo yêu cầu của dân chúng, thì ba công đoàn lớn (syndicat) phản đối mãnh liệt. Họ ra lệnh cho tất cả công nhân lao động đình công hàng loạt trên khắp mọi công trình xây cất. Lệnh này ban truyền tức khắc gây đến một sự cố hy hữu: "Hai công nhân đang mặc áo lặn làm việc dưới đáy sông sâu đột nhiên bị cắt đường ống dưỡng khí (oxygene) do người trên tàu thi hành". Nếu họ không chuẩn bị một bình dưỡng khí cá nhân khẩn cấp thì tính mạng họ xem như gửi vào tay Hà Bá rồi.

Lời từ chối dịch thuật của anh Vĩnh Sính lúc đó làm tôi thất vọng, nhưng tôi không giận. Cho đến khi nhà máy nguyên tử năng Fukushima bị động đất và sóng thần tàn phá tan hoang, nhiều thông tin lộ rõ những sai lầm thiết kế và xây dựng của nhà máy, trong đó nhà thầu Nhật chịu trách nhiệm không ít. Rồi đến khi chính phủ Việt Nam ngỏ lời yêu cầu Nhật Bản viện trợ ODA, thiết kế, quản lý để xây hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, tôi đã từng viết thư ngỏ phản đối ngay. Gần đây khi dân chúng Nhật xuống đường biểu tình phản đối chính phủ Nhật tham gia vào dự án ĐNH cho Việt Nam, vì họ hiểu rõ hiểm hoạ khôn lường của công trình này, mà nhân sự là yếu tố quyết định hàng đầu, thì tôi thực sự thở phào. Ít ra dân chúng Nhật còn có lương tâm của một dân tộc văn minh, họ tự động phản kháng để tránh một hiểm hoạ cho dân tộc Việt Nam trong tương lai, tôi thành thật cám ơn những người bạn Nhật. Anh Vĩnh Sính nghĩ sao sau khi đọc bài viết của GS Tô Văn Trường "Fukushima lắng nghe và suy ngẫm"? Kinh nghiệm đau đớn của cầu Cần Thơ (2006, 51 công nhân, kỹ sư thiệt mạng) có đủ làm bằng chứng hay không? Bài học về những tai nạn lao động thảm khốc ở cầu Pháp Vân (Hà Nội), cầu Chợ Đệm (xa lộ Trung Lương), cao ốc Keangnam (Hà Nội) có đủ để gióng tiếng chuông báo động chưa?

Đề cập công trình xây Đường hầm Thủ Thiêm cuối năm 2010 (Sài Gòn), báo chí tường thuật có quá nhiều lỗi lầm khuất tất trong khâu xây dựng, lắp ráp, mà mối nguy cơ thấm nước sẽ đe doạ dân Sài Gòn trong thời gian dài. Tôi cũng đã có ba bài đăng trên Bauxite Việt Nam và báo Người Việt online để gióng lên tiếng chuông báo động. Tôi cũng không ngờ rằng công trình Đường hầm Thủ Thiêm do kỹ sư Nhật thiết kế chỉ được họ bảo hành trong thời gian ngắn ngủi một năm mà thôi. Đến nước này thì mối lo ngại của tôi bắt ép tôi phải lên tiếng nhắn nhủ công khai với anh Vĩnh Sính trên các trang mạng, ít ra để báo động lần cuối với giới trí thức làm khoa học - kỹ thuật ở hải ngoại nhưng còn một chút suy tư về đất nước. Tôi đành lựa chọn cách thức công khai này chính vì tôi biết nhiều trí thức hải ngoại chưa từng nếm mùi vị thực tiễn trong ngành xây dựng công nghiệp nặng, họ chưa hình dung nổi những nguy cơ ẩn tàng đe doạ môi trường sống, cho đến khi chuyện vỡ lở thì đành cúi đầu chấp nhận. Mới đây tôi lại được biết tin một đường hầm to lớn đang xây dưới biển Nhật đã bị sụp đổ gây thiệt mạng cho 5 công nhân (Tuổi Trẻ online, 07/02/2012). Thử tưởng tượng nếu đường hầm Thủ Thiêm bị sự cố nghiêm trọng như thế thì sẽ có bao nhiêu người bị liên hệ? Những người làm khoa học - kỹ thuật chắc hẳn không bao giờ quên định luật Murphy (vào tra Google để biết Murphy’s Law: "Anything that can go wrong will go wrong").

Về đề tài Điện hạt nhân Ninh Thuận từng gây lo sợ cho rất nhiều trí thức trong nước, tôi có nghe một Việt kiều Tiến sĩ vật lý nguyên tử ở Hoa Kỳ dõng dạc tuyên bố rằng Điện hạt nhân an toàn hơn tất cả những công trình khác (thuỷ điện, nhiệt điện), ông ủng hộ quyết định Nhà Nước hết mình, nhưng ông lại quên khuấy rằng chính phủ Mỹ của ông đã ra lệnh chấm dứt hẳn những dự án Điện hạt nhân kể từ khi xảy ra sự cố lò nguyên tử Three Mile Island (1979). Ông quên rằng dự án càng đồ sộ (trên 10 tỷ US$) thì thế lực Mafia càng lộng hành, ngấm ngầm ăn sâu vào mọi cấp hành chánh gây sức ép mãnh liệt và tinh vi lên đội ngũ khoa học - kỹ thuật. Ông Tiến sĩ làm sao kiểm soát cho nổi, theo bọn chúng thì hưởng lợi nhuận, chống lại thì sẽ bị loại trừ bằng đủ mọi thủ đoạn. Tôi nhớ mãi công trình xây cất khu thi đấu thể thao cho Thế vận hội Montreal năm 1976, hồi đó Mafia lộng hành đặt bom phá phách nhiều chỗ và nhà thầu làm ăn thế nào mà đến bây giờ lâu lâu lại thấy vài tấm đà bêtông cốt sắt nặng cả chục tấn thi đua nhau đổ sập như sung rụng, may là chưa gây thương tích nhân mạng, nhưng chính phủ cứ phải trấn an người dân liên miên, báo chí phê phán mạnh.

Để kết luận tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trí thức hải ngoại yêu nước rằng: Nếu chúng ta thật tình đấu tranh cho lý tưởng yêu nước thì ngày nay đứng trước vận mệnh trôi nổi của tổ quốc chúng ta có thể nào nhắm mắt ngồi yên hay không, nhất là chúng ta trót mang thân phận người trí thức? Làm người trí thức "có tầm" đạt được bằng cấp cao như Giáo sư Tiến sĩ đã là khó, tôi vẫn biết thế, nhưng khó hơn nữa là "cái tâm" biết coi trọng sinh mạng an toàn của người đồng loại. Sở dĩ người Nhật được thế giới khâm phục vì lẽ họ còn giữ được bản sắc nhân đạo của một xã hội văn minh, họ gặp nguy khốn qua hai cơn thiên tai khủng khiếp nhưng họ vẫn bình tĩnh dàn xếp chuyện nội bộ, không vì đồng tiền mà bán rẻ lương tâm.

Mong rằng dân tộc Việt Nam cũng sẽ thoát qua khỏi cơn bĩ cực khó khăn trên con đường Công nghiệp hoá để thoát khỏi thân phận "con trâu đi trước, cái cày theo sau", nếu quả thực người trí thức yêu nước ở hải ngoại còn biết giữ vững hai chữ lương tâm trong tâm khảm ngõ hầu sát cánh với trí thức trong nước, cùng nhau xây dựng quê hương.

L. Q. T., Canada

05/03/2012

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn