André Hồ Cương Quyết: Hành trình về đảo Lý Sơn

Tường An, Thông tín viên RFA, Paris

VIETNAM-CHINA-FRANCE-POLITICS-SEA-DIPLOMACY  

Andre Hồ Cương Quyết tác giả bộ phim "Hoàng Sa – Nỗi đau mất mát". AFP

 

Trong chuyến du hành Âu châu vừa qua, ông André Menras với cái tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết đã trình chiếu nhiều lần cuốn phim “Hoàng sa, Nỗi đau mất mát” để quyên góp tài chánh trở về Việt nam giúp những ngư dân Quảng Ngãi đã bị tàu Trung quốc bức hại.

Phim “Hoàng sa, Nỗi đau mất mát” đến Châu Âu

André Menras Hồ Cương Quyết, người Pháp có quốc tịch Việt Nam. Cuộc đời ông đã có nhiều gắn bó với Việt nam từ thập niên 60 và cho mãi đến sau này, khi Trung Quốc bắt đầu ngang nhiên coi vùng biển Việt nam như 1 phần lãnh thổ của họ thì ông đã lên án mạnh mẽ hành động bành trướng của Trung Quốc bằng cách tham gia các cuộc biểu tình chống đường lưỡi bò. Ông đã bỏ gần 5 năm để nghiên cứu mối quan hệ Việt-Trung và ăn ở hàng tháng trời ở đảo Lý Sơn để tìm hiểu thân phận của người dân ở đảo này. Cùng với đài truyền hình TP HCM, ông đã hình thành bộ phim nói về cuộc đời của những ngư dân bất hạnh, về những ngôi mộ gió của những người đàn bà góa không biết thân xác chồng đang trôi dạt phương nào. Chẳng thế mà người dân ở đây thường gọi ông bằng cái tên thân mật là “ông Tây Lý Sơn”.

Tháng 2 vừa qua, “ông Tây Lý sơn” đã trở về Pháp với hành trang trong người là bộ phim “Hoàng sa, nỗi đau mất mát”. Ông đã đi từ Pháp, đến Đức, rồi sang Đông Âu để trình chiếu bộ phim này với mục đích thành lập một quỹ hỗ trợ giúp ngư dân Bình châu và đảo Lý Sơn. Trong 2 tháng, ông đã đi 4 nước, 12 thành phố và trình chiếu bộ phim khoảng 20 lần với sự giúp đỡ của người (Việt) ở địa phương. Tổng cộng ông đã quyên được 322 triệu đồng. Số tiền đó không chỉ là món quà vật chất mà còn là tấm lòng, là tình nghĩa, là trái tim của những người Việt tại hải ngoại còn nghĩ đến thân phận của những ngư dân tội nghiệp suốt đời còng lưng bám biển. Ông André Hồ Cương Quyết đánh giá đó là một thành công:

clip_image002

Áp phích phim Hoàng Sa, nỗi đau mất mát. RFA file

Chuyến vừa rồi có thể nói là hoàn toàn thành công, những thành công là thu thập một quỹ đáng kể: 322 triệu đồng VN, tức 11 ngàn euros, giúp đỡ về vật chất rất nhiều và cả về tinh thần, nếu mà không có sự hỗ trợ của bạn bè ở những nước này tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ như vậy, không bao giờ.

André Hồ Cương Quyết

“Chuyến vừa rồi có thể nói là hoàn toàn thành công, những thành công là thu thập một quỹ đáng kể: 322 triệu đồng VN, tức 11 ngàn euros, giúp đỡ về vật chất rất nhiều và cả về tinh thần, nếu mà không có sự hỗ trợ của bạn bè ở những nước này tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ như vậy, không bao giờ! Bởi vì họ đã chịu những chi phí về máy bay, về ăn ở, đi lại. Họ hỗ trợ rất nhiệt tình, họ dành cho đất nước Việt nam một tình yêu rất lớn.

Tự nhiên mà nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, những người có chính kiến khác nhau, nhưng mà tất cả đều hướng về Việt Nam, muốn giúp đỡ Việt Nam, muốn giúp đỡ về vấn đề con người, nhân đạo, giúp đỡ Việt nam khẳng định chủ quyền của mình ở biển đảo, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Như vậy, cái đó là hoàn toàn thành công”.

Tuy nhiên, có lẽ số phận của bộ phim Hoàng Sa đã gắn liền với những mất mát từ khi nó mới ra đời. Nó đã bị cấm chiếu lần đầu ngày 29/11/2011 bởi công an TP HCM. Bị cấm chiếu lần thứ hai tại Montpellier - thành phố nơi ông cư ngụ - bởi chính quyền tại đây lo sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Và buổi chiếu phim lại bị hủy bỏ một lần nữa tại Paris. Theo ông André, có những người đã cố tình quên đi mục đích của bộ phim - đã được xem hơn 80.000 lần trên youtube - mà chỉ bám vào quá khứ để căm thù ông. Và vô hình chung, họ đã tiếp tay với Trung Quốc ngăn chận sự thật về số phận của các ngư dân. Ông nói về những trở ngại gặp phải khi chiếu phim ở Pháp:

Khi chúng tôi tổ chức dự định chiếu phim Hoàng sa, nỗi đau mất mát của ông André nhằm mục đính giúp ngư dân ở đảo Lý Sơn thì chúng tôi nhận được nhiều) email phản đối ... việc dẫn lý do họ phản đối là vì André Menras đã từng tham gia phản chiến trong Mặt trận giải phóng miền Nam 50 năm về trước.

“Tất nhiên tôi đã gặp một số trục trặc, thí dụ như ở thành phố Montpellier, chính quyền của thành phố không cho thuê phòng để chiếu phim, bởi vì họ sợ làm Trung Quốc không hài lòng. Và, ở Paris, có một chuyện cũng là buồn, vừa là buồn, vừa là đáng cười: ở quận 13, anh em đã tổ chức chiếu phim rồi, có một nhóm Việt kiều đe dọa mình, nếu mà mình chiếu phim họ sẽ đến phá, và họ sẽ dùng bạo động để phá cuộc gặp gỡ này. Thì tất nhiên, cái đó là chuyện nhỏ, họ sủa như con chó nhưng mà không có hiệu quả. Họ đã sủa như con chó, nhưng mà mình vẫn cứ đi. Mình vẫn cứ làm. Có một số người lạc hậu, luôn luôn hướng về quá khứ, muốn trả thù.  Đặc biệt họ là Trung Quốc hoặc và là bạn bè của Trung Quốc. Họ thấy dư luận thế giới được thấy rõ Trung Quốc đã đối xử như thế nào đối với những người lao động trên biển, hoàn toàn hòa bình, không có tinh thần hiếu chiến, chỉ đi mưu sinh để nuôi gia đình của họ”.

Lời hăm dọa là sẽ đến “chất vấn” André Menras nếu buổi chiếu phim được tiến hành tuy không làm ai sợ nhưng cũng gây nên một tâm trạng chán ngán cho những người trong cuộc. Sự việc Hà Nội ngăn cấm phổ biến rộng rãi bộ phim nhạy cảm này vì lo sợ mất đi mối hữu hảo đối với Trung Quốc là chuyện có thể xảy ra dưới một chế độ độc đảng. Nhưng việc phản đối chiếu bộ phim này ở một nước tự do như nước Pháp quả là một điều khó hiểu. Ông Nam, người trong ban tổ chức chiếu phim ở Paris – mà cuối cùng ông phải hủy bỏ – phân tích lý do tại sao có những người chống đối ông chiếu bộ phim này.

“Khi chúng tôi tổ chức dự định chiếu phim “Hoàng sa, nỗi đau mất mát” của ông André Menras nhằm mục đính giúp ngư dân ở đảo Lý Sơn thì chúng tôi nhận được (rất nhiều) email phản đối của một số người Việt (tại Paris và vùng phụ cận), họ việc dẫn lý do họ phản đối là vì André Menras đã từng tham gia phản chiến trong Mặt trận giải phóng miền Nam 50 năm về trước.

Tuy nhiên, tôi biết đó không phải là lý do chính đáng là bởi vì trước khi chúng tôi dự định tổ chức thì đã có ít nhất 5 buổi chiếu phim tổ chức ở vùng Paris này do người Pháp tố chức và sau khi chúng tôi (hủy bỏ) buổi tổ chức thì Hội sinh viên VN tại Pháp cũng đã tổ chức chiếu phim của André Menras ngày 11/5, tức là vài ngày sau đó, nhưng mà không thấy bất kỳ một người nào lên tiếng phản đối, thì, những người đã viết email phản đối chúng tôi , tại sao họ lại im lặng một cách khó hiểu như vậy?

clip_image003

Giúp đỡ các ngư dân Lý Sơn. Photo Ho Cuong Quyet

Ngay cả một email lên tiếng cũng không có, mặc dù cũng có người đã nhắc nhở họ. Thành ra chúng tôi phải đi đến cái kết luận và đặt câu hỏi là:  Việc họ chỉ chống đối chúng tôi chiếu phim André Menras bất kỳ mục tiêu của chúng tôi là gì có phải là vì lý lịch phản chiến của André Menras hay không? Hay là vì những lý do thầm kín nào khác? Đó là câu hỏi mà chúng tôi phải đặt ra”.

Tất cả cho ngư dân Lý Sơn

Trở về Việt Nam, ông André Quyết đã mang đến đảo Lý Sơn số tiền quyên được và thật nhiều nghĩa tình của những người Việt còn có một tấm lòng. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền đảo Lý Sơn, ông đã lập danh sách gồm 37 gia đình ở Bình Châu và 40 gia đình ở Lý Sơn. Trong đó có những ngư dân đã bị Trung quốc cướp tàu, đòi tiền chuộc, đó là những góa phụ mà chồng đã bị mất tích ngoài biển khơi.

Ông Lê Vinh, thuyền trưởng tàu QNG66101, cũng đã nhận được 10 triệu từ quỹ hỗ trợ của ông Quyết. Từ năm 2003 đến 2012 ông đã bị tàu hải quân Trung quốc bắt tổng cộng 3 lần, có lần ông bị giam 19 ngày và họ đòi 50.000 nhân dân tệ tiền chuộc. Hiện ông không đi biển nữa vì bị bệnh tiểu đường. Ông kể lại những lần ông bị bắt giữ và tịch thu tài sản trên tàu:

“Nó bắt em cũng nhiều, theo đuổi cũng nhiều, đánh đập thì cũng có, nó lấy hàng hóa, lấy dầu, lấy hải sâm, đủ thứ vật liệu trên tàu rồi nó đuổi về. Về rồi mình cũng đi tiếp. Năm 2003 em bị bắt, nó đưa em qua đảo Hải Nam. Qua đảo Hải Nam nó nhốt em dưới tàu 19 ngày. Sau liên lạc được với vợ con em thì nó phạt em là 50.000 nhân dân tệ. Sau cùng, thời điểm đó gia đình vay ngân hàng, cầm sổ đỏ, thiếu nợ trong chị em, người trợ giúp  5 triệu, 10 triệu, vài chục triệu để mà nộp cho Trung Quốc. Nộp tiền rồi nó mới thả về. Rồi cũng đi ra biển lại chứ biết đi đâu. Năm 2009 bắt em tại đảo Phú Lâm, nhốt em mười mấy ngày, phạt em 50.000 nhân dân tệ, rồi em cũng nộp phạt, nộp phạt rồi cho về, cho về rồi em cũng đi nữa. Nói chung, năm 2012 em bị bắt lần nữa là 3 lần”.

Anh Quyết đây giúp đỡ gia đình rất là nhiều, mỗi lần anh Quyết ra đảo Lý Sơn thì tất cả thuyền viên trong gia đình thì đều được sự hỗ trợ của anh Quyết

Góa phụ Ngô Thị Việt

Ngày 3 tháng 3 năm 2012, 21 thuyền viên trên hai chiếc tàu của ông Lê Vinh và ông Trần Hiền lại bị hải quân Trung Quốc vây bắt và đòi 70.000 nhân dân tệ. Sau 49 ngày bị giam trên đảo, 21 ngư dân được trả về. Tuy nhiên, tàu của ông Lê Vinh đã bị Trung Quốc giữ lại. Ông Lê văn Phương, cháu của ông Lê Vinh cũng là thuyền viên trên tàu, đã sống qua những ngày tháng hãi hùng trên đảo Phú Lâm, nơi ông bị Trung Quốc giam giữ. Ông kể:

clip_image004

Giúp đỡ các phụ nữ ở đảo Lý Sơn. Photo Ho Cuong Quyet

“Lúc bọn em đang lặn ở ngoài đảo Hoàng Sa thì tàu kình [kiểm – BVN] ngư của Trung Quốc tới bắt bọn em dơ tay lên trước mũi tàu rồi tịch thu tất cả đồ. Bọn em tưởng nó cho về, sau này nó tịch thu đòi rồi nó đánh ông chú, em của ông Lê Vinh, ông này nắm lái, còn em chỉ là thuyền viên trên tàu thôi. Nó đánh ông chú khóc kể lể quá chừng luôn, van xin để nó thả về mà nó không cho. Nó đưa bọn em lên tàu, lên tàu rồi nó bắt đưa về đảo Phú Lâm luôn, gần tới đảo thì tụi nó bịt mắt tụi em lại, nó lấy vải đen bịt mắt lại tụi em không thấy đường gì hết. Sau đó nó đưa lên xe máy, chắc xe quân đội của nó, nó chở bọn em đi, khi nó dừng lại thì nó đã đưa bọn em vào tù, không nhìn thấy khu vực như thế nào.

Vô đó thì nó đòi phạt tiền, nó tưởng tụi em chịu phạt tiền nên nó cho ăn cháo buổi sáng, cơm nguội tụi nó ăn còn dư rồi tụi nó chế nước dầm ra cho mình ăn, còn nói chung đồ ăn là đồ ăn thừa thải của nó không hà! Thời điểm 49 ngày trong đó cũng khổ lắm, tụi em bứt lá chuối ăn mà đói lắm, khổ lắm!”.

Ông nói các thuyền viên trên tàu đều bị tra tấn và lấy cung:

“Lâu lâu nó lấy cung, mỗi lần lấy cung là từ 2-3 người , mỗi phòng là 2-3 đứa. Nó bịt mắt lấy cung, nếu mà mấy anh em khai đúng theo một lạch thì nó không đánh, còn khai không đúng theo một lạch thì nó đánh, đá, cũng đau những so với bọn em thì bọn em chịu được. Rồi thì nó hỏi trước đây em có đi lính hay không? Nó hỏi em có làm nhân quân hay không? Em nói em không có đi lính. Rồi nó hỏi đảo Lý Sơn thì được bao nhiêu người lính, đóng ở đó là bao nhiêu người nhân quân ở đó. Em nói em là người dân bình thường em không biết. Nó hỏi chính phủ có thúc đẩy bọn em ra đây hay không, bọn em trả lời không, nó hỏi đồng trạm có biểu bọn em ra đây không, em nói không có, nói có sợ bọn nó đánh nên bọn em nói không có”.

Trong dịp này, góa phụ Ngô Thị Việt cũng đã nhận được 6 triệu từ quỹ hỗ trợ, chị ngỏ lời tri ân sự giúp đỡ của những tấm lòng tuy xa nhưng cũng rất gần này. Chồng chị đã mất tích trong một chuyến đi biển cách đây 2 năm. Để tang chồng, chị chỉ biết lập nên một ngôi mộ gió để người chết có thể tìm thấy một nơi chốn bình yên trong những hình tượng bằng đất sét.

“Anh Quyết đây giúp đỡ gia đình rất là nhiều, mỗi lần anh Quyết ra đảo Lý Sơn thì tất cả thuyền viên trong gia đình thì đều được sự hỗ trợ của anh Quyết. Cách đây 2 năm, chồng của chị đi biển ra đảo Hoàng Sa, đi vào ngày 23/12. Anh ấy ra đi với 6 thuyền viên, lúc đó ra đi thì mất tích luôn, đi biền biệt không thấy về nữa. Trước đó thì đã từng bị Trung Quốc đánh đập rồi bắt chồng của chị là thuyền trưởng Lê Minh Tân, cứ mỗi lần ra thì bị dí, đánh đập, rồi chạy về. Chuyến đi cuối cùng này thì ra đi biền biệt. Ở nhà cứ chờ chồng về để đi làm nuôi con, trông miết, trông mõi mòn thì mất tích luôn không thấy về nữa. Trông mỏi mòn mà không thấy rồi chị làm bàn thờ, làm mộ gió đàng hoàng. Làm để cho chồng, nếu như Trung Quốc có đánh đập, có bắn giết thì cũng được siêu thoát”.

Quả là đến lúc dừng lại dùi cui, để mở mắt nhìn và để dỏng tai nghe: con đường đàn áp là bế tắc. Hỡi quý ông mang dùi cui... và cái nỗi thịnh nộ đó, mà mỗi ngày các phản ứng hèn hạ của quý ông mỗi làm cho thêm người cùng nếm trải, đang đưa ... cả đất nước này đến thảm hoạ.

André Quyết

Những câu chuyện thương tâm ở đảo Lý Sơn sẽ không bao giờ chấm dứt khi Trung Quốc còn ngang tàng quấy phá vùng biển nuôi sống trên 20.000 dân ở đảo này. Trước sự đàn áp những cuộc biểu tình chống bành trướng Trung Quốc của công an. Ông André Quyết đã viết:

“Quả là đến lúc dừng lại dùi cui, để mở mắt nhìn và để dỏng tai nghe: con đường đàn áp là bế tắc. Hỡi quý ông mang dùi cui, cái vị máu trong miệng đó, và cái nỗi thịnh nộ đó, mà mỗi ngày các phản ứng hèn hạ của quý ông mỗi làm cho thêm người cùng nếm trải, đang đưa quý ông, và gia đình, và cả đất nước này đến thảm hoạ. Mà kẻ hưởng lợi độc nhất là xâm lược Bắc Kinh”.

Và ông không lùi bước trước một áp lực nào ngăn cản việc ông chiếu phim để nhắc nhở cho thế giới biết đến những mảnh đời bất hạnh ở một hòn đảo đìu hiu gió cát. Ông sẽ trở lại Pháp để chiếu phim. Có lẽ lần trở về này, ông sẽ phải nhờ người Pháp tổ chức đế tránh bị những “kẻ lạ” hăm dọa như kỳ vừa rồi chăng? Trong nhiều trường hợp, khoảng cách giữa “anh hùng” và “anh hèn” có lẽ cũng không xa. Ông André cương quyết nói:

“Phim này là một phim có nhiều vấn đề, mà sẽ có nhiều vấn đề nữa, bởi vì tôi sẽ trở về Pháp và tiếp tục chiếu phim này và trở về Đức nữa, chiếu tiếp phim này”.

T.A.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn