Bàn về thuyết “Phải thiện chí” của ông Phạm Nguyên Long

Hoàng Ninh

Những ngày qua tên tuổi của ông Phạm Nguyên Long, nguyên là nghiên cứu viên cao cấp của Viện Đông Nam Á – Viện Khoa học xã hội Việt Nam, bỗng thu hút được rất nhiều sự quan tâm của độc giả. Sự quan tâm ấy không phải đến từ những cuốn sách về Đông Nam Á ông cho xuất bản trước đó mà từ một cuộc trả lời phỏng vấn báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Cuộc phỏng vấn này đã được báo Giáo dục Việt Nam đăng liên tiếp trong ba ngày (14-16/8/2012) với những hàng tít rất đáng chú ý:

- Ngày 14: Biển Đông: “Việt Nam cần bình tĩnh, tránh sa vào bẫy của Trung Quốc”

- Ngày 15: Dã tâm “thiên tử, thiên triều” và mâu thuẫn nội bộ lớn của Trung Quốc

- Ngày 16: Dù Trung Quốc có gây hấn, hiếu chiến, Việt Nam vẫn phải tỏ thiện chí”

Mọi sự chú ý được đổ dồn vào phần cuối bài phỏng vấn với tiêu đề: “Dù Trung Quốc có gây hấn, hiếu chiến, Việt Nam vẫn phải tỏ thiện chí”. Chữ “phải” ở đây thể hiện một sự đương nhiên, hèn yếu và cam chịu, chính là cảnh bị ngoại xâm phương bắc nô dịch mà bất cứ một người Việt Nam nào cũng không thể chấp nhận nó. Nhưng chữ “phải” này, rất may, không do ông Phạm Nguyên Long nói ra mà do báo Giáo dục Việt Nam đã “hồn nhiên” điền thêm vào, có lẽ là để “câu khách” chăng?

Vấn đề là nội dung cuộc trả lời phỏng vấn đã có nhiều sự mâu thuẫn trong chính nội tại của nó. Chúng ta cùng xem lại câu trả lời chứa đựng dòng tít trên: “Dù Trung Quốc bị thế giới lên án, thậm chí như học giả Lý Lệnh Hoa (Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc) đã viết: “Trung Quốc có nguy cơ trở thành kẻ thù chung của thế giới”, tỏ ra hiếu chiến và có những hành động gây hấn gây ra căng thẳng leo thang trên Biển Đông thì chúng ta vẫn thể hiện thiện chí với Trung Quốc vì chúng ta muốn hòa bình, hợp tác để cùng phát triển. Chúng ta không muốn Trung Quốc bị cô lập vì nhân dân Trung Quốc và nhân dân Việt Nam luôn là bạn bè thân tình.” và câu trả lời trước đó: “Chúng ta thể hiện chính nghĩa. Mình đúng, mình chính nghĩa trong khi đó Trung Quốc là kẻ đi gây hấn một cách ngang ngược. Và chính vì thế, ta mới có được sự ủng hộ của những lực lượng tiến bộ và không chỉ các nước bất đồng với Trung Quốc về Biển Đông như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc… mà ngay cả những học giả chân chính của Trung Quốc khi nghiên cứu về Biển Đông cũng phê phán những hành động “vô lý” của Trung Quốc”. Cho rằng Trung Quốc là kẻ đi gây hấn ngang ngược, là kẻ phi nghĩa, vô lý, nhưng ông Long khẳng định chúng ta (Việt Nam) vẫn thể hiện thiện chí với Trung Quốc vì chúng ta muốn hòa bình. Từ điều này có thể diễn giải ra rằng: Trung Quốc xâm lược Việt Nam và Việt Nam vẫn thể hiện thiện chí với hành động đó của Trung Quốc! Điều đó thật chẳng khác nào quỳ gối đưa tay dâng nước cho giặc.

Dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay luôn yêu chuộng hòa bình, luôn biết đứng lên đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đứng lên chống lại ngoại bang xâm lược chính là đứng lên bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Dân tộc Việt Nam đã được cả thế giới tiến bộ ngợi ca là một tấm gương anh hùng cho điều đó, nhưng không biết ông Phạm Nguyên Long đang lo lắng cho Tổ quốc Việt Nam hay lo lắng cho điều gì mà kêu gọi chúng ta tỏ thiện chí, nhún nhường trước hành động xâm lược của quân thù? Thì ông đã nói không thể nào rõ ràng hơn: ông lo lắng Trung Quốc bị cô lập: “Chúng ta không muốn Trung Quốc bị cô lập vì nhân dân Trung Quốc và nhân dân Việt Nam luôn là bạn bè thân tình”. Với ông, nhân dân Trung Quốc và nhân dân Việt Nam không chỉ là “bạn” mà còn là “bạn thân” nữa. Phải chăng ông Long không biết rằng “người bạn thân phương Bắc” kia không chỉ đang ngang nhiên xâm lược, chiếm đóng biển đảo của ta, cướp bóc, bắt bớ trái phép ngư dân ta mà còn tìm mọi cách phá hoại kinh tế của ta, làm suy thoái giống nòi của ta, đồng hóa dân tộc ta với dân tộc Hán, chúng chưa bao giờ từ bỏ âm mưu biến đất nước ta thành châu, huyện của chúng, giờ đây chúng còn thâm độc hơn, nham hiểm hơn khi xưa gấp bội.

Ông Long đã giải thích cho quan điểm “nhân dân hai nước là bạn thân tình” bằng việc cho rằng tư tưởng bá quyền không phải của toàn nhân dân Trung Quốc, mà chỉ của chính quyền họ: “Những hành động gây hấn của Trung Quốc không có đồng minh tham gia. Tư tưởng bành trướng bá quyền nước lớn có phải thực là của toàn bộ nhân dân Trung Quốc hay không? Câu trả lời ở đây là không phải”. Điều này đúng được một chỗ, là chắc chắn không phải 100% người Trung Quốc đồng thuận với việc làm của chính quyền nước họ, mà cái đúng này thì ở đâu cũng vậy. Chúng ta đều biết rằng hệ thống chính trị ở Trung Quốc được thắt chặt tới mức nào, truyền thông ở nước họ bị kiểm soát và tạo thành hệ thống nói dối khủng khiếp tới mức nào. Từ khi sinh ra, một người Trung Quốc đã được nhồi nhét đủ thứ màu mè về đất nước Trung Hoa “bá quyền, vô địch”, là trung tâm của thế giới, đứng trên toàn thế giới. Từ các cơ quan truyền thông tới sách giáo khoa, đâu đâu cũng nói rằng Việt Nam hung hăng, xâm lược họ, chiếm đóng biển đảo của họ, rằng Việt Nam tàn ác, dã man,…, thì thử hỏi trong đầu óc đa phần người Trung Quốc nghĩ gì. Những lời lẽ hung hăng đối với Việt Nam trên các diễn đàn ở Trung Quốc gần đây, sự thóa mạ những người dám nói lên sự thật vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông,… tất cả đã cho thấy dân chúng Trung Quốc nghĩ gì. Ấy vậy mà ông Phạm Nguyên Long vẫn ảo tưởng về “một tình bạn tốt đẹp” giữa Việt Nam và Trung Quốc, ông nên sửa lại câu nói của mình thành: “Tôi không muốn Trung Quốc bị cô lập vì nhân dân Trung Quốc và tôi luôn là bạn bè thân tình”. Khi đó chẳng ai dám trách cái quyền cá nhân của ông, có trách, chỉ trách ông là người Việt Nam.

Tiếp tục giải thích cho việc ông không muốn Trung Quốc bị cô lập, ông Long nói: “Nếu Trung Quốc bị cô lập thì Mỹ sẽ độc quyền tại khu vực. Trong khi đó các nước Đông Nam Á không tán thành cách hành xử của Trung Quốc nhưng cũng rất ngại tình trạng Mỹ độc quyền tại khu vực này. Điều này xuất phát từ tình thế hiện nay, Đông Nam Á đang có rất nhiều lợi thế do vị trí địa chính trị của mình mà các nước lớn đều muốn hợp tác về nhiều mặt, bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa và cả an ninh”. Hóa ra ông Long không muốn Trung Quốc bị cô lập vì ông lo cho Việt Nam và cả Đông Nam Á nằm trong vùng độc quyền của Mỹ, qua đó đánh mất lợi thế được nhiều nước lớn mong muốn hợp tác với khu vực. Ở đây ông Long đã lẫn lộn giữa tầm ảnh hưởng và chiếm đóng, một quốc gia chịu sự ảnh hưởng của nước khác là chuyện bình thường trong thế giới hiện đại nhưng một quốc gia chịu sự chiếm đóng của quốc gia khác thì không còn đầy đủ ý nghĩa là một quốc gia nữa, đó là một quốc gia mất tự chủ, bị nô lệ. Trung Quốc đang tiến hành xâm lược Biển Đông bằng nhiều biện pháp khác nhau, biến Biển Đông thành cái ao nhà của họ. Chúng ta đau đớn khi nhìn trụ sở chính quyền huyện Hoàng Sa phải đặt ở quận Hải Châu - TP Đà Nẵng. Chúng ta đau đớn khi nghĩ lại cảnh tượng hàng trăm chiến sĩ Hải quân hi sinh khi chống lại sự xâm lược của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta đau đớn khi nhìn những ngư dân bị Trung Quốc ngang nhiên cướp bóc ngay trong lãnh hải nước ta, phá hoại tàu thuyền, ngư cụ, khiến cho bao gia đình chịu cảnh tang thương, tán gia bại sản, lâm vào nợ nần chồng chất. Vậy mà, với tư cách một chuyên gia về khoa học xã hội, căn cứ vào tất cả những gì ông Long nói, phải chăng ông cho rằng “thà bị Trung Quốc chiếm đóng còn hơn sống trong cảnh lo sợ một ngày nào đó bị Mỹ độc quyền ảnh hưởng”.

Trong toàn bộ nội dung trả lời cuộc phỏng vấn, ông Phạm Nguyên Long đã cố gắng thể hiện mình là một chuyện gia tầm cỡ với hiểu biết sâu rộng và những phân tích sắc sảo để đi tới khẳng định chắc nịch tương lai ở Biển Đông. Nhưng bao trùm những phân tích của ông là một sự ảo tưởng về hòa bình. Có lẽ ông đã quên chiến lược chiến tranh chớp nhoáng trên biển của Trung Quốc, dùng sức mạnh quân sự vượt trội để nhanh chóng đánh chiếm một số hòn đảo và sau đó coi như “chuyện đã rồi”. Ông cũng không biết rằng một thế lực hung bạo, hiếu chiến và phi nghĩa chỉ muốn những kẻ yếu thế sợ sệt co rúm lại để nó dễ dàng nuốt chửng, nó chỉ sợ những tiếng nói từ phía chính nghĩa lên án nó, những người chính nghĩa tập hợp nhau lại để cô lập nó, qua đó làm suy yếu tham vọng xâm lược của nó. Với vai trò là người “hiến kế”, ông Long đã đi cổ súy và biện minh cho sự hèn yếu, là cái nguyên nhân dẫn đến họa mất nước, không những thế ông đã không có thái độ dứt khoát đối với kẻ thù xâm lược, gây lầm lạc về tình hình đang diễn ra. Nếu ông Phạm Nguyên Long hiểu rõ những điều đó thì mọi người sẽ không hiểu ông đang nghĩ gì!

Nhân dân Việt Nam luôn khát khao và nỗ lực để xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ, giàu đẹp và văn minh. Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, lại phải trải qua biết bao cuộc chiến tàn khốc, đau thương để giữ vững nền độc lập của dân tộc, hơn lúc nào hết, giờ đây Việt Nam chỉ mong muốn được hòa bình để phát triển đất nước, làm bạn với tất cả năm châu. Tuy nhiên, chúng ta không thể chấp nhận bất cứ một sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nào của đất nước, bởi hèn yếu là mất nước, ta muốn hòa nhưng chúng chẳng chịu hòa, không thể để chúng được thể lấn tới. Toàn thể dân tộc Việt Nam kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu.

Lời cuối, xin chúc ông Phạm Nguyên Long thật nhiều sức khỏe!

H. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn