Giá trị của Hiến pháp năm 1946 so với các bản Hiến pháp tiến bộ

Phan Thành Đạt

Kỳ 1. Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp của thể chế nghị viện

Ở mỗi xã hội mà quyền con người không được đảm bảo, nguyên tắc tam quyền phân lập không được tôn trọng, Hiến pháp được ban ra hay không, cũng chẳng có ý nghĩa gì. «Điều 16, bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp, ngày 26 tháng 8 năm 1789 ».

Hiến pháp năm 1946 là văn bản pháp lý có giá trị nhất trong 4 bản Hiến pháp của Việt Nam. Đã có nhiều nhà luật học và các chính khách của Việt Nam mong muốn Nhà nước trở lại với bản Hiến pháp đầu tiên này. Bởi vì bản Hiến pháp ghi nhận các quyền cơ bản của con người và coi trọng nguyên tắc tam quyền phân lập. Hai yếu tố cơ bản được khẳng định trong điều thứ 16 của Bản tuyên ngôn về các quyền tự nhiên của con người, theo tinh thần của cuộc cách mạng Pháp năm 1789.

Cũng có ý kiến cho rằng Hiến pháp năm 1946 có những thiếu sót nghiêm trọng và khó có thể trở thành bản Hiến pháp lý tưởng cho một thể chế dân chủ. Người viết bày này mong muốn đóng góp thêm ý kiến về bản Hiến pháp nổi tiếng này, để góp phần làm sáng tỏ những nội dung cơ bản của bản Hiến pháp đầu tiên, cũng như hiểu rõ hơn ý nguyện của các nhà soạn thảo bản Hiến pháp này. Bài viết sẽ đề cập đến những điểm tiến bộ cũng như hạn chế của bản Hiến pháp, phân tích một số hạn chế của các bản Hiến pháp khác, đồng thời so sánh Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam với các bản Hiến pháp này để hiểu cặn kẽ hơn bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam.

I. Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp của thể chế nghị viện

Hiến pháp năm 1946 về cơ bản, chịu ảnh hưởng của các bản Hiến pháp của Châu Âu, mà chủ yếu ở đây là các bản Hiến pháp của Pháp. Có nhiều lý do để khẳng định điều này, vì vào thời điểm năm 1946, nhiều thành viên trong nhóm soạn thảo Hiến pháp được tiếp thu nền giáo dục phương Tây, nên các tư tưởng về dân chủ, tự do, về cách thức xây dựng các cơ quan hành chính, các mối quan hệ giữa cơ quan công quyền và nhân dân có đặc điểm theo mô hình phương Tây. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp thiết lập Nhà nước theo cách thức của các nước tư bản, khác với Hiến pháp của Liên bang Xô Viết năm 1977 và Hiến pháp của các nước Đông Âu trước năm 1991. Hơn nữa, vào thời điểm năm 1946, Việt Nam mới giành được độc lập, đội ngũ trí thức phần lớn được đào tạo dưới thời Pháp thuộc, nên ảnh hưởng văn hóa Pháp vẫn còn đậm nét. Các nhà soạn thảo Hiến pháp ý thức được trọng trách được quốc dân đồng bào giao phó vào thời điểm lịch sử quan trọng. Nên họ cố gắng soạn ra một bản Hiến pháp tiến bộ, văn minh. Họ đi tìm các giá trị tiêu biểu về dân chủ, nhân quyền… ở các bản Hiến pháp của nước Pháp, đặc biệt là các đạo luật có tầm vóc ngang với Hiến pháp thời Đệ tam Cộng hòa.

Hiến pháp năm 1946 về cơ bản là bản Hiến pháp thuần túy của chế độ đại nghị, chế độ chính trị phổ biến tại Châu Âu, có những nét khác biệt với chế độ tổng thống của Hoa Kỳ. Bản Hiến pháp này có những điểm tiến bộ của chế độ nghị viện, nhưng cũng thể hiện những bất cập của thế chế nghị viện. Để hiểu rõ về nội dung của Hiến pháp năm 1946, điều cần thiết là nắm rõ cơ chế hoạt động của thể chế nghị viện.

A. Đặc điểm cơ bản của chế độ nghị viện

Chế độ nghị viện xuất hiện vào thế kỉ 18 tại nước Anh, sau khi Hoa kỳ giành được độc lập, các nghị sĩ Anh muốn quy trách nhiệm chính trị của Chính phủ trước thất bại quân sự của Anh tại các vùng thuộc địa ở Bắc Mỹ, lúc đó người đứng đầu Chính phủ là Lords North, thủ tướng thứ 10 của nước Anh. Lords North lo sợ vì có thể bị truy cứu trách nhiệm. Ông và toàn bộ nội các quyết định từ chức để tránh sức ép từ phía Nghị viện theo thể thức impeachment. Từ sự kiện này, hình thức bỏ phiếu bất tín nhiệm của Nghị viện đối với Chính phủ được hình thành.

Đối lập với thể thức này là nguyên tắc giải tán Nghị viện. Hai nguyên tắc tương hỗ và đối lập nhau, đây cũng là hai đặc điểm cơ bản của thể chế nghị viện, nhằm phân biệt với các thể chế chính trị khác. Bỏ phiếu bất tín nhiệm hay bỏ phiếu trừng phạt «la motion de censure» là vũ khí hữu hiệu của Nghị viện để gây sức lên Chính phủ, buộc cơ quan hành pháp này phải từ chức. Đối lập lại là phương thức giải tán Nghị viện (giải tán Quốc hội là phương thức phổ biến), giải tán Quốc hội (la dissolution) là vũ khí nằm trong tay cơ quan hành pháp, quyền tối cao này thuộc về Tổng thống. Trong hoàn cảnh mà Chính phủ bị Nghị viện lấn át, hay có những bất ổn về chính trị. Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội để nhân dân bầu ra một cơ quan lập pháp mới.

Bỏ phiếu bất tín nhiệm và giải tán Quốc hội là hai phương thức sáng tạo tuyệt vời của của con người, thông qua hai cách này mà cơ quan lập pháp gây sức ép lên cơ quan hành pháp và ngược lại, buộc mỗi cơ quan phải hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Trong khi đó, cơ quan tư pháp giữ vai trò độc lập, không chịu sức ép của hai cơ quan kia. Cơ quan tư pháp đứng ngoài giám sát và xét xử hai cơ quan kia. Hai quyền này phải được thực hiện hài hòa và cân bằng nhau, theo cách nhận xét của Montesquieu «Les pouvoirs sont de concert». Hai thứ vũ khí lợi hại: Giải tán Quốc hội và bỏ phiếu bất tín nhiệm phải luôn luôn cùng tồn tại với nhau, nếu thiếu một trong hai, sẽ dẫn đến mất cân bằng quyền lực. Ví dụ nếu không có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm, cơ quan hành pháp sẽ lấn át tư pháp và tư pháp trở thành công cụ trong tay cơ quan hành pháp, điều này rất nguy hiểm (ví dụ các thể chế chính trị ở Lybie, Syrie, Iran, Bắc Triều Tiên), còn nếu không có quyền giải tán Quốc hội, sẽ dẫn đến thể chế nghị viện có quyền lực tuyệt đối «le Régime parlementaire absolu» có thể gây bất ổn về chính trị, nhưng về cơ bản không đáng lo. Các giá trị về dân chủ, tự do vẫn được đảm bảo vì quyền lực thuộc về Nghị viện, chính là thuộc về tay nhân dân. Vì nhân dân bầu trực tiếp ra các nghị sĩ. Chế độ nghị viện có quyền lực tuyệt đối (cách gọi của nhà luật học người Pháp Carré de Malbert) thể hiện ở chỗ cơ quan lập pháp gây sức ép mạnh đối với cơ quan hành pháp, buộc Chính phủ phải từ chức, mỗi khi Chính phủ không tôn trọng các nguyên tắc được Nghị viện vạch ra, thông qua các đạo luật. Ngược lại cơ quan hành pháp mà đại diện là Tổng thống không thể gây sức ép ngược lại đối với Nghị viện. Nghĩa là phương thức bỏ phiếu trừng phạt luôn được Nghị viện áp dụng để buộc Chính phủ từ chức, nhưng Tổng thống, người đại diện cơ quan hành pháp không thể giải tán Nghị viện (thường là Quốc hội).

Dưới thời nền cộng hòa đệ tam của Pháp (1875-1940), Nghị viện bỏ phiếu trừng phạt, khiến 24 Chính phủ khác nhau lần lượt phải giải tán, Chủ tịch hội đồng bộ trưởng và các thành viên nội các luôn ở tình trạng sẵn sàng có thể bị bãi chức bất kỳ lúc nào. Mặc dù có bất ổn về chính trị, nhưng thời kỳ đệ tam cộng hòa là giai đoạn vàng son về các quyền dân sự và tập thể, tự do lập hội được thiết lập, tự do báo chí (luật về tự do báo chí năm 1883), tự do tín ngưỡng (luật tách biệt quyền lực Nhà nước không liên quan gì đến tôn giáo năm 1905), các tổ chức công đoàn được thành lập để bảo vệ người lao động… Hơn nữa, vào giai đoạn đầu của thời kỳ này, nước Pháp có nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới sau Anh. Nền cộng hòa đệ tứ của Pháp (1945-1958) được thiết lập sau Đại chiến thế giới lần thứ 2, về cơ bản đây vẫn là chế độ nghị viện có quyền lực mạnh, vì 10 chính phủ khác nhau đã lần lượt phải từ chức trước sức ép của Nghị viện. Chính vì vậy, De Gaulle đã có ý tưởng thiết lập nền cộng hòa đệ ngũ, nhằm củng cố vị thế của Tổng thống và giảm bớt tầm ảnh hưởng của Nghị viện (ý tưởng được trình bày qua bài diễn văn Bayeux, nhân kỷ niệm thành phố đầu tiên của Pháp được giải phóng).

Chế độ nghị viện là thể chế chính trị đặc trưng của Châu Âu, tuy nhiên, không có một mẫu hình tiêu biểu của thế chế chính trị này, chỉ có duy nhất mẫu hình cơ bản của nước Anh trong giai đoạn đầu. Mô hình về thể chế nghị viện sơ khai của Anh vào thế kỷ 18, Montesquieu đã quan sát và tìm hiểu mẫu hình chính trị này, và ông đã phân tích khá kỹ lưỡng trong tác phẩm «Tinh thần luật».

Chế độ nghị viện của Anh, được truyền bá rộng khắp Châu Âu. Mỗi nước xây dựng thể chế nghị viện theo các riêng của mình, cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh riêng của các nước. Ví dụ chế độ nghị viện có Chính phủ chịu trách nhiệm trước Tổng thống và Quốc hội, học theo thế chế nghị viện ở Anh (trước đây Chính phủ chịu trách nhiệm trước nhà vua và Hạ viện ở Anh, hiện nay Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm trước Hạ viện), ở Pháp, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội nhưng không chịu trách nhiệm trước Thượng viện.

Chế độ nghị viện có thể là lưỡng viện hay một viện (các nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển áp dụng chế độ một viện ; các nước như Pháp, Bỉ, Anh, Đức, theo chế độ hai viện). Cơ quan hành pháp có thể giải tán một viện hay hai viện. Ở Ý, Tổng thống có thể giải tán cả hai viện. Ở Pháp, Tổng thống chỉ có thể giải tán Quốc hội. Còn ở các nước có truyền thống quyền lực lập pháp mạnh hơn hành pháp như Anh, Thụy Điển, khả năng giải tán Nghị viện là không thể thực hiện được, trừ khi Nghị viện tự giải tán. Qua những phân tích trên, có thể thấy, thể chế nghị viện ở các nước có nhiều nét khác nhau, không có một mẫu hình chung cho Châu Âu, nhưng có các nhóm thể chế nghị viện mang đặc điểm khá giống nhau vì nước này học theo nước khác. Ví dụ các nước Đông Âu đã học theo mô hình chính trị của Đức và Pháp sau năm 1991.

Cách gọi «chế độ nửa nghị viện, nửa tổng thống» (nhận xét của nhà luật học Maurice Duverger) đối với một số nước như Pháp cũng không chuẩn, vì về cơ bản thể chế của Pháp vẫn là chế độ nghị viện vì hai phương tiện của thể chế này (bỏ phiếu trừng phạt và giải tán Quốc hội) vẫn tồn tại cho dù ít được sử dụng. Chỉ có thể gọi là thể chế nghị viện, quy định tổng thống có quyền lực lớn «le régime parlementaire à correctifs présidentiels». Hiến pháp 1946 xác lập thể chế nghị viện sơ khai cho Việt Nam, vì đến thời điểm hiện tại, thế chế nghị viện đã được con người xây dựng và củng cố hoàn thiện hơn, so với thời điểm năm 1946. Hiểu rõ về thể chế nghị viện, sẽ giúp chúng ta hiểu cặn kẽ về Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam.

B. Hiến Pháp năm 1946 xây dựng thể chế nghị viện mạnh và cơ quan hành pháp yếu

Hiến pháp năm 1946 kế thừa những tinh hoa của thể chế nghị viện ở Châu Âu. Hiến pháp quy định cơ quan lập pháp có 1 viện, các đại biểu được nhân dân trực tiếp bầu ra, họ không những đại diện cho địa phương mình mà đại diện cho toàn dân (điều thứ 25). Điều quan trọng này khẳng định trước hết, nghị sĩ đại diện cho dân tộc, họ sẽ quyết định các chủ trương, chính sách mang tầm quốc gia và quốc tế. Họ không bị lệ thuộc và chịu sức ép của các cử tri tại địa phương mình khi bàn bạc đến các vấn đề vĩ mô, khi các vấn đề đó có thể ảnh hưởng đến lợi ích địa phương. Họ đặt lợi ích toàn cục cao hơn. Hiến pháp 1946 cũng khẳng định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất (điều thứ 22), chỉ có Quốc hội và nhân dân mới có quyền quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia. Cơ quan hành pháp mà đại diện là Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước và Chính phủ chỉ thừa hành các quyết định đó.

Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội thông qua hình thức bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu phương thức này được Quốc hội thông qua với đa số phiếu, Thủ tướng và các thành viên nội các buộc phải từ chức, một Chính phủ mới sẽ được thành lập. Đặc điểm cơ bản nhất của thế chế nghị viện đã được Hiến pháp năm 1946 vận dụng. Tuy nhiên đây là thể chế nghị viện mất cân bằng, như dưới thời nền cộng hòa đệ tam và đệ tứ của Pháp vì cơ quan lập pháp được phép gây sức ép lên cơ quan hành pháp, nhưng ngược lại cơ quan hành pháp mà đại diện là Chủ tịch nước không có quyền giải tán Quốc hội. Điểm yếu này của Hiến pháp năm 1946 cũng là bất cập của thể chế nghị viện có quyền lực mạnh ở Pháp trước năm 1958. Các nhà lập hiến của Việt Nam tỏ ra lúng túng, và chưa tìm ra cách thức khắc phục để tạo cân bằng quyền lực giữa hai nhánh hành pháp và lập pháp. Họ bèn đưa ra phương pháp Nghị viện tự giải tán (điều thứ 33), điều này rất khó thực hiện. Vì các nghị sĩ được nhân dân bầu ra, họ ý thức được trách nhiệm của mình, họ sẽ không từ bỏ vai trò được giao phó, trừ khi bị ép buộc từ chức bằng các biện pháp mạnh.

Chủ tịch nước được Hiến pháp ban cho nhiều quyền lực và không chịu bất cứ trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc. Có thể các đặc điểm này khiến chúng ta xếp Hiến pháp năm 1946 vào thể loại Hiến pháp xây dựng chế độ nửa nghị viện nửa tổng thống «le régime semi-présidentiel», nhưng về thực chất Hiến pháp năm 1946 vẫn là Hiến pháp của thể chế nghị viện. Bởi vì thẩm quyền của Chủ tịch nước mang tính nghi lễ nhiều hơn so với các quyền thực tế, Chủ tịch nước đại diện cho quốc gia ký các hiệp ước quốc tế, Chủ tịch nước bầu Thủ tướng chính phủ là thành viên của Nghị viện, bổ nhiệm các viên chức ngoại giao và quân sự cao cấp… Trong thể chế nghị viện quyền lực của Chủ tịch nước, hay Thủ tướng chính phủ sẽ không bao giờ ngang bằng Nghị viện khi mà các nhân vật này được Nghị viện bầu ra. Thậm chí các đại diện này của bộ máy hành pháp chỉ là những người thực hiện và tuân thủ chính sách của Nghị viện. Nếu đi lệch các quy định này, Chính phủ sẽ phải giải tán. Trừ khi Chủ tịch nước được nhân dân trực tiếp bầu ra, như việc bầu cử Quốc hội. Chỉ khi đó, cơ quan hành pháp mới có quyền lực ngang bằng với cơ quan lập pháp. Nền cộng hòa đệ ngũ của Pháp đang vận hành theo cơ chế này. Chủ tịch nước được hưởng quyền miễn tố khi vi phạm luật, trừ trường hợp phản quốc. Giải thích về quyền miễn tố của Tổng thống, luật hành chính của Pháp quy định Tổng thống là người đại diện cho quốc gia, trọng trách rất lớn, để Tổng thống yên tâm gánh vác trách nhiệm, và thực hiện tốt bổn phận của mình vì lợi ích quốc gia.Tất cả các sai phạm về dân sự, thậm chí hình sự đều được miễn tố. Quyền miễn tố sẽ không còn, sau khi Tổng thống đã miễn nhiệm được một tháng. Khi đó Tổng thống trở lại là công dân bình thường, như tất cả các công dân khác, Tổng thống mãn nhiệm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về sai phạm của mình trong giai đoạn giữ vai trò cao nhất nước. Như vậy miễn tố ở đây không phải là không xét xử, nhưng sẽ tiến hành sau. Quyền miễn tố của Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 1946 dựa trên tinh thần đó. Chủ tịch nước chỉ bị xét xử khi bị phạm tội phản bội tổ quốc. Điều này học theo tinh thần của Hiến pháp Pháp. Khi Tổng thống phạm tội phản bội đất nước. Quốc hội sẽ chuyển thành Tòa án tối cao để xét xử. Hiến pháp năm 1958 hiện nay đã hạn chế quyền miễn tố của Tổng thống, và cũng không còn sử dụng từ phản quốc nữa. Điều 68 quy định Tổng thống sẽ bị Tòa án tối cao bãi chức, nếu Tổng thống thiếu trách nhiệm hoặc làm những việc không đúng với bổn phận được giao. Thống chế Pétain là trường hợp duy nhất bị kết tội phản quốc khi hợp tác với Đức quốc xã. Hiến pháp Mỹ 1787 nêu khá chi tiết về tội phản quốc, điều 2 quy định Tổng thống, Phó tổng thống và các viên chức nhà nước sẽ bị cách chức nếu bị tố cáo và bị kết tội phản bội, tham nhũng, hay các tội hình sự và dân sự. Tổng thống Mỹ khi phạm các tội trên, Hạ viện sẽ tiến hành truy tố và Thượng viện sẽ xét xử. Điều 3 giải thích thêm về tội phản bội tổ quốc, hay tội phản động: «Tội phản bội nước Mỹ thể hiện bằng hành động gây chiến với nước Mỹ, đứng về phía kẻ thù, giúp đỡ và che trở kẻ thù». So với Hiến pháp Mỹ, Hiến pháp năm 1946 có thiếu sót khi không giải thích thêm tội phản bội tổ quốc của Chủ tịch nước. Đó cũng là thiếu sót của các bản Hiến pháp Pháp trước năm 1958.

Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 1946 thực ra không có nhiều ảnh hưởng, vì Chủ tịch nước vẫn bị Quốc hội chi phối. Ví dụ để phản đối người đứng đầu cơ quan hành pháp, Quốc hội tuy không thể phế truất, nhưng vẫn có cách gây sức ép hiệu quả, bằng cách bỏ phiếu bất tín nhiệm với Chính phủ, buộc Chủ tịch nước phải chọn một Chính phủ được Quốc hội ưng thuận, và Chính phủ nếu muốn tồn tại, buộc phải thi hành các chính sách của Quốc hội, thay vì tuân thủ mệnh lệnh của Chủ tịch nước. Trong thể chế nghị viện, Chủ tịch nước có nhiều quyền mang tính nghi lễ, còn thực quyền tập trung trong tay Nghị viện và Thủ tướng. Với chế độ nghị viện có quyền lực tuyệt đối, Thủ tướng và toàn bộ nội các chỉ là những người thừa hành mệnh lệnh của Quốc hội (hoặc Thượng viện và Hạ viện). Hiến pháp năm 1946 thiết lập thể chế nghị viện mạnh với cơ quan hành pháp yếu. Chủ tịch nước cho dù giữ vị trí độc lập, nhưng không có nhiều thực quyền.

Hiến pháp năm 1946 quy định Phó chủ tịch nước được chọn trong dân, và không giải thích gì thêm. Do đó vị trí của Phó chủ tịch nước không rõ ràng. Nếu Phó chủ tịch nước được dân bầu trực tiếp (điều thứ 46), vị trí của Phó chủ tịch còn cao hơn Chủ tịch và sẽ là đối trọng với Quốc hội. Nếu Phó chủ tịch được chỉ định trong nhân dân, nhưng không phải là thành viên của Quốc hội. Đây sẽ là sáng kiến rất hay, vì vai trò và quyền lợi của nhân dân được đề cao vì trong Hiến pháp năm 1946, nhân dân là người chủ thực sự.

C. Hiến pháp năm 1946 đề cao vai trò của nhân dân

Trong bốn bản Hiến pháp của Việt Nam từ 1946 đến nay, tất cả đều đánh giá cao vai trò của nhân dân. Nhà nước được xây dựng phục vụ lợi ích của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Nhưng Hiến pháp năm 1946 để lại nhiều ấn tượng hơn cả. Bản Hiến pháp đề cao tinh thần đoàn kết của các tầng lớp trong xã hội, nhấn mạnh tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam. Hiến pháp đề cao tính bình đẳng nam nữ, không phân biệt tín ngưỡng, quan điểm chính trị của mỗi người. Mỗi người Việt Nam đều có trách nhiệm góp công, góp sức kiến thiết đất nước văn minh tiến bộ. Điều này rất quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ từ trung ương đến địa phương với sự tham gia của các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Những người tài giỏi và có tấm lòng với dân với nước sẽ có nhiều cơ hội phát huy và được trọng dụng. Nhờ đề cao quyền bình đẳng và tính đa dạng, cùng nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia phồn thịnh theo tinh thần của Hiến pháp năm 1946. Đặc biệt, bản Hiến pháp này còn bảo vệ ngôn ngữ và các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số sống trên lãnh thổ Việt Nam. Hiến pháp bảo vệ các quyền cơ bản của công dân và công dân có nhiều dịp tham ra vào các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.

Hiến pháp bảo đảm các quyền cơ bản của công dân

Công dân có các quyền cơ bản như quyền tự do ngôn luận, tự do đi lại, quyền sở hữu, quyền bình đẳng trước pháp luật, công dân có quyền được mời luật sư biện hộ (điều thứ 7 đến điều thứ 12). Các công dân thuộc về các dân tộc thiểu số có quyền sử dụng ngôn ngữ của mình trước tòa, được giúp đỡ về mọi mặt để tiến kịp trình độ chung. Điều này thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc ít người, phát triển trong sự đa dạng và tôn trọng văn hóa của 54 dân tộc, để cùng nhau chung sống trong hòa bình và phát triển. Tránh tình trạng dân tộc đa số lấn át dân tộc thiểu số, hay chính quyền đại diện cho dân tộc đa số, lấn át thiểu số như ở một số quốc gia. Ví dụ ở Trung Quốc, dân tộc Hán lấn át dân tộc thiểu số ở Tây Tạng, và có thể nền văn hóa đặc sắc lâu đời của người Tây Tạng sẽ bị xóa sổ.

Hiến pháp năm 1946 còn quy định công dân có các quyền tham gia vào các sự kiện trọng đại của đất nước. Điều thứ 32 nêu rõ tất cả các sự kiện liên quan đến vận mệnh của quốc gia, được Quốc hội thông qua, sẽ được đưa ra toàn dân phúc quyết. Việt Nam có thể căn cứ vào điều này để khẳng định tính vi hiến của công hàm ngoại giao ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.Vì công nhận chủ quyền biển đảo, hay sang nhượng đất đai là sự kiện liên quan đến vận mệnh quốc gia, phải được nhân dân phúc quyết theo tinh thần của Hiến pháp năm 1946. Công dân còn có quyền sửa đổi Hiến pháp thông qua trưng cầu dân ý (điều thứ 70). Quốc hội không có quyền sửa đổi Hiến pháp, quyền này thuộc về nhân dân. Như vậy, có thể đánh giá rằng Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp khó sửa, hay còn gọi là Hiến pháp cứng, như các bản Hiến pháp khó sửa của Mỹ hay Bồ Đào Nha (Điều 5 Hiến Pháp Mỹ quy định sửa đổi Hiến pháp chỉ được thông qua khi 2/3 số nghị sĩ ở Thượng viện và Hạ viện đồng ý sửa đổi Hiến pháp, hoặc theo yêu cầu của 2/3 các cơ quan lập pháp của các bang. Sửa đổi Hiến pháp chỉ được thực hiện khi được 3/4 các bang phê chuẩn. Hiến pháp Bồ Đào Nha quy định cần có sự nhất trí của 4/5 số nghị sĩ, Hiến pháp mới có thể được sửa đổi). Điều thứ 30 còn nêu rõ nhân dân có quyền vào xem các phiên thảo luận của Quốc hội. Điều này dựa theo tinh thần Cách mạng Pháp năm 1789 (Tình hình xã hội trở nên phức tạp sau cuộc Cách mạng, và cả trong những năm tiếp theo. Xã hội Pháp chỉ ổn định hơn, khi Napoléon cầm quyền). Sau cuộc Cách mạng Pháp, Quốc hội được bầu ra, các nhóm Girondin và Jacobin có khuynh hướng chính trị khác nhau, nhiều cuộc thảo luận, thậm chí tranh cãi tại Quốc hội. Quần chúng Paris đến theo dõi các cuộc thảo luận của các đại biểu và yêu cầu họ có thái độ nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm cao. Hiến pháp năm 1946 kế thừa điều này. Các nhà lập hiến mong muốn Quốc hội phải thực sự là cơ quan lập pháp của nhân dân.

(Còn tiếp)

P.T.Đ.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn