Tưởng niệm 100 năm Hàn Mạc Tử

Đặng Tiến

Ngày 22-9-1912, thi sĩ Hàn Mạc Tử chào đời tại thị xã Đồng Hới, Quảng Bình, tính đến hôm nay vừa chẵn 100 năm. Hôm qua, 21-9-2012, tại Quy Nhơn đã diễn ra cuộc Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm sinh của ông. Nhân dịp này, từ nước Pháp, nhà phê bình quen biết Đặng Tiến gửi cho BVN một chùm 3 bài về Hàn Mạc Tử, nói rõ nguyên ủy việc ông tìm ra bản thảo tập thơ Gái quê gần với nguyên tác nhất mà chúng ta sắp xuất bản nay mai, đồng thời cũng đưa ra những đính chính tư liệu cần thiết thuộc «đời và thơ Hàn Mạc Tử» sau nhiều năm bỏ nhiều công sức nhiên cứu cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ.

BVN trân trọng công bố thành một chùm dưới đây, hai bài sau đặt đưới tiểu mục Phụ lục 1Phụ lục 2 theo đúng tinh thần của tác giả.

Bauxite Việt Nam

Hàn Mạc Tử là nhà thơ lớn, đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc cách tân thơ Việt Nam qua nhiều giai đoạn hiện đại hóa, đồng thời đã trải qua một đời sống vật chất bi thiết. Đã nhiều người đề cập đến đời sống mà không mấy ai quan tâm vào những đóng góp lớn lao của Hàn Mạc Tử cho nền thi ca Việt Nam.

Nhà phê bình lý luận Phan Cự Đệ trong một biên khảo 1993, đã «xét lại» giá trị của thơ Hàn Mạc Tử, và tổng lược đồng thời đánh giá : «trong khoảng trên dưới một chục năm trời hoạt động trong thi đàn, Hàn Mạc Tử đã từ cổ điển, lãng mạn tiến nhanh sang tượng trương, siêu thực, góp một phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa thi ca Việt Nam» (1).

Một nhận định như thế, đến từ một cây bút phê bình nổi tiếng, và nổi tiếng chính thống, tưởng cũng là một bước «đổi mới», tiến đến thái độ công minh đối với một tác gia văn học, có tác dụng tốt, dù muộn màng, là trả văn học về cho văn học.

Tuy nhiên, trong biên khảo công phu, dài 70 trang nói trên, Phan Cự Đệ chưa kịp đề cập đến những cái mới nơi Hàn Mạc Tử, vượt qua biên giới phong trào Thơ mới 1932-1945. Ngày nay, độc giả và người làm thơ thế kỷ XXI, đọc lại một số câu, hoặc bài thơ Hàn vẫn còn sửng sốt trước vẻ tân kỳ, sáng tạo. Yếu tố mới thì nhiều lắm, nhưng điều chính là Hàn Mạc Tử đã dâng hiến đời sống chân thành, thảm khốc, ngắn ngủi của mình cho thi ca, đã để «hồn trào ra đầu ngọn bút / mỗi lời thơ đều dính não cân ta». Ông đã làm thơ bằng cuộc sống thực, đau đớn, bi thương, bệnh hoạn, khốn cùng.

«Tôi làm thơ?

- Nghĩa là tôi yếu đuối quá ? Tôi bị cám dỗ, tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật. Và cũng có nghĩa là tôi mất trí, tôi phát điên…

Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt cuộc sống».

Tấm lòng chân thực và thành khẩn ấy, tự nó đã tạo giá trị nhân bản cho tác phẩm. Huống chi nhà thơ còn là bậc tài năng lớn, hoàn toàn làm chủ kỹ thuật điêu luyện, ngôn ngữ phong phú, hình tượng độc sáng, đi từ lối Đường luật cổ điển chuyển sang nguồn thi hứng hoàn toàn hiện đại, gần với trường phái siêu thực phương Tây thời đó – vẫn còn mới mẻ đến ngày nay.

Cuộc sống nghiệt ngã của tác gỉả, rồi lịch sử dân tộc đa đoan, đã giới hạn âm vang của tài thơ. Trong một thời gian dài, tác phẩm Hàn Mạc Tử chỉ được phổ biến rộng rãi tại các thành phố, ở nửa phần đất nước. Từ cuộc Đổi mới, cụ thể là từ 1987, tác phẩm Hàn Mạc Tử đã được truy tầm, phổ biến. Đặc biệt là Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã cố gắng in lại những tập thơ ấn hành trước 1945 theo đúng nguyên bản, và không tị hiềm chính trị. Tuy nhiên, nhà xuất bản không tìm ra tác phẩm Gái quê của Hàn Mạc Tử, do tác giả tự xuất bản, in tại Nhà in Tân dân, Hà Nội, xong ngày 23-10-1936 . Để cho đủ bộ sưu tập, và in ấn kịp thời toàn bộ 12 cuốn, nhà xuất bản năm 1992 đã phải đành lòng in lại tập thơ theo bản chép tay của Chế Lan Viên, mà nhà Văn học đã xuất bản 1987, gồm có 21 trên 34 bài trong nguyên tác; trong phần chọn in lại, có bài bị cắt xén. Từ bấy đến nay, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã có lời hứa cố công tìm lại Gái quê, bản in 1936, nhưng vô hiệu.

Chúng tôi lưu cư tại nước ngoài non nửa thế kỷ, nhưng vẫn quan tâm đến văn học nước nhà. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Hàn Mạc Tử, chúng tôi thử tìm lại thi tập Gái quê, bản in Tân dân, năm 1936, dọ hỏi những gia đình thân thuộc với nhà thơ, trong và ngoài nước, thì họ cho biết đã từng sở hữu, nhưng hiện thời lạc mất. May mắn được bà Hoàng Thị Quỳnh Hoa, ở Maryland, Mỹ, có lưu giữ một bản sao trong tư liệu người cô là Hoàng Thị Kim Cúc (Huế, nhân vật «áo trắng» trong bài thơ Thôn Vỹ, có gìn giữ kỷ niệm về nhà thơ), do Trần Như Uyên đánh máy lại năm 1969, từ một bản đánh máy khác của nhà thơ Phan Văn Dật, cùng ở Huế.

Sau khi đối chiếu với nhiều nguồn tư liệu sẵn có, thì chúng tôi nhận thấy bản đánh máy đáng tin cậy.

Ví dụ bản Gái quê của Chế Lan Viên 1987, sau này Nhà xuất bản Hội Nhà văn 1992 và 1998 lấy lại, đều không có bài Hát giã gạo mà Vũ Ngọc Phan chê «suồng sã» và ghi trang 31(2); so sánh với bản mục lục mà ông Nguyễn Đình Niên(3) đề xuất trong luận văn cao học đệ trình tại Sài Gòn, tháng 7.1973, thì đúng số trang.

Bài Nụ cười (trang 7), Bẽn lẽn (trang 10), cũng đúng số trang. Ngoài ra bài Tình quê, trang 35, nổi tiếng, có hai câu :

Dầu ai không mong đợi

Dầu ai không lóng nghe

Bản đánh máy, cũng như nhiều bản đang lưu hành, ghi «lắng nghe». Đối chiếu với văn bản của những tác gia uy tín, chắc chắn đã từng đọc Gái quê từ bản gốc in 1936, như Trần Thanh Mại, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, thì đúng là «lóng nghe». Để nói rằng bản đánh máy chúng tôi có dưới tay, vì chỉ là bản sao, nên chưa chắc đã chính xác từng chữ một, nhưng lỗi đánh máy thì có thể phục chế. Quý hồ là nó gồm đủ 34 đề thơ, thay vì 21 theo bản Chế Lan Viên; và gồm cả lời tựa của Phạm Văn Ký. Chưa kể bài Em lấy chồng, tr. 47, gồm 4 khổ thơ, bản Chế Lan Viên gạt bỏ 3 khổ, chỉ chừa đoạn cuối. Theo ông chủ trương, thì trong một tuyển tập, «mình có quyền cắt»(4).

Nói tóm lại, văn bản Gái quê chúng tôi đề xuất, không dám nói là trung thực tuyệt đối so với bản in tại Nhà in Tân dân 1936, nhưng chắc chắn là đầy đủ, không bị cố tình đục bỏ, cắt xén.

Toàn tập 34 bài không phải bài nào cũng hay. Và «nhiều bài có thể là của ai cũng được» như lời phê phán công bình của Hoài Thanh(5), nhưng toàn tập không thể thiếu trong việc khôi phục sự nghiệp Hàn Mạc Tử, trong đồng bộ phong trào Thơ mới 1932-1945.

Mai kia mốt nọ, có ai tìm ra được ấn bản 1936, thì phục chế lại bản in lần này, cũng không phải khó khăn.

Niềm vui là cơ duyên tìm được văn bản thất tung lâu nay, đúng vào dịp kỷ niệm một trăm năm ngày sinh nhà thơ, 22 tháng Chín 1912.

Cũng là nén hương xa, từ ngoài nước, gửi về quê hương, tưởng niệm một nhà thơ lớn lao và bất hạnh của đất nước.

Orléans, Pháp, 21.9.2012

Đ.T.

Ghi chú : Trong bài này chúng tôi dùng chính tả Hàn Mạc Tử – bút danh cuối cùng của nhà thơ, theo những phát hiện mới đây – thay vì Hàn Mặc Tử.

Bút danh Hàn Mặc Tử được lưu truyền vì đã được sử dụng trong nhiều tuyển tập được phổ biến rộng rãi trước đây.

(1) Phan Cự Đệ, Thơ văn Hàn Mạc Tử, tr.22, NXB Giáo dục, 1993, Hà Nội.

(Nói là «trên dưới một chục năm trời », kỳ thật Hàn Mạc Tử chỉ sáng tác thơ mới trong năm năm cuối đời, từ bài «Sống khổ và phấn đấu» trên báo Công luận, ngày 6.4.1935. Mười năm sau Phan Cự Đệ có điều chỉnh : «chỉ trong mấy năm, từ 1935 đến 1940 ông đã làm cuộc hành trình văn học dài bằng một thế kỷ… ông là người tiên phong đưa thơ vào con đường hiện đại, hòa nhập vào mặt bằng thơ hiện đại thế giới», trong Văn học Việt Nam thế kỷ XX, tr 454, NXB Giáo Dục, 2004, Hà Nội.

Nhà phê bình Hà Minh Đức cũng đã có nhận định đại khái như vậy : «Hàn Mạc Tử đã thổi vào thơ sinh khí của tuổi trẻ và hơi ấm của cuộc đời, để tạo nên những câu thơ có dáng vẻ riêng». Trong Thơ Hàn Mạc Tử, khổ bỏ túi, tr. 7, NXB Giáo Dục, 1994, Hà Nội.

Chúng tôi nhớ lại: Hai ông Đệ và Đức là những bậc thẩm quyền trước đây đã nhiều lần phê phán nặng nề Hàn Mạc Tử, làm cho người ta... e nể.

(2) Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, tập III, 1942, tái bản nhiều lần, tr.707, NXB Khoa Học Xã Hội, 1989, Hà nội.

(3) Nguyễn Đình Niên, Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử, tr 53, NXB Seacaef, California, 2009.

(4) Chế Lan Viên, Tuyển tập Hàn Mặc Tử, Tựa, tr 25, NXB Văn Học, 1987, Hà Nội.

(5) Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, 1942, tr 205, in lại 1967, Sài Gòn. Lê Tràng Kiều trên Hà Nội Báo tháng 11- 1936, trong mục điểm sách, cũng có dè dặt như thế.

***

Phụ lục 1

TIỂU TRUYỆN SƠ LƯỢC

Đặng Tiến

Hàn Mạc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, lần lượt, có khi cùng một lúc, lấy bút hiệu Minh Duệ Thị, Phong Trần, PT, Lệ Thanh, hay Hàn Mặc Tử, thỉnh thoảng trên báo còn dùng dăm ba bút danh khác.

1912: Nhà thơ ra đời khoảng 8 giờ sáng ngày 22 tháng 9. Âm lịch, nhằm giờ Thìn, ngày 12 tháng 8 năm Nhâm Tý, tại làng Lệ Mỹ, nơi cửa biển Nhật Lệ, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Gia đình Công giáo thuần thành, ông có tên thánh Phanxicô (François) không phải Phê-rô (Pierre) như nhiều tư liệu ghi nhầm.

Thân phụ làm công chức thương chánh (quan thuế), gốc Thanh Hóa, tên Nguyễn Văn Toản, nguyên họ Phạm. Mẹ tên Nguyễn Thị Duy.

1921: Thân phụ thuyên chuyển đi làm việc nhiều nơi có cửa khẩu: Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Quy Nhơn, Bồng Sơn, rồi trở lại Sa Kỳ. Tử di chuyển theo gia đình, việc học không ổn định.

1926: Cụ Nguyễn Văn Toản bị bệnh, qua đời. Gia đình dời về Quy Nhơn, số nhà 20 đường Khải Định; ở cùng người con cả là Nguyễn Bá Nhân, làm thầu khoán, yêu văn thơ, dưới bút danh Mộng Châu, cùng em xướng họa.

Hàn Mạc Tử làm thơ từ đấy, bút hiệu Minh Duệ Thị, thường là thơ theo luật Đường.

Tử học tiểu học tại Quảng Ngãi; khi dời vào Quy Nhơn học hai lớp cuối cùng bậc tiểu học, và thi không đỗ.

1928 - 1930: Ra Huế, theo học Trường dòng Pellerin (Bình Linh), ngoại trú, lớp Nhất niên B, tức lớp 6 bây giờ. Không phải là lớp Premiere áp cuối bậc trung học thời ấy. Phải ở lại lớp, đỗ bằng Tiểu học, thời ấy gọi là Pháp Việt Sơ học, rồi thôi học.

1930 - 1931: về lại Quy Nhơn.

Dưới bút danh Phong Trần, đã có thơ đăng báo. Xướng họa và giao tiếp với cụ Phan Bội Châu, được cụ đề cao.

1932 - 1933: Làm thư ký Sở Đạc điền (Địa chính) Quy Nhơn. Đọc sách, nghiên cứu; có thơ đăng nhiều báo: Tiếng dân, Phụ nữ tân văn,… Đơn phương yêu Hoàng Cúc (Hoàng Thị Kim Cúc) và bắt đầu liên lạc thư từ với Mộng Cầm (Huỳnh Thị Nghệ).

1934 - 1935: Thôi việc, theo bạn bè vào Sài Gòn làm báo. Phụ trách trang văn chương báo Sài Gòn, viết cho báo Công luận, Trong khuê phòng. Lấy bút hiệu Lệ Thanh và Hàn Mạc Tử.

Dưới bút hiệu Lệ Thanh, được một giải thưởng thơ gì đó.

1936: Anh ruột là Nguyễn Bá Nhân qua đời vì tai nạn.

Cảm thấy sức khỏe suy giảm và trở về Quy Nhơn. Chấm dứt quan hệ tình cảm, sau hai năm giao du thân mật với Mộng Cầm, cư ngụ tại Phan Thiết.

Xuất bản tập thơ Gái quê, ký Hàn Mặc Tử, in tại Nhà in Tân dân, Hà Nội, xong ngày 23.10.1936, 48 trang, khổ 12,50 x 19,40, gồm 34 bài. Tự phát hành.

Về Huế, bán tác phẩm tại Hội chợ, gặp lại Hoàng Cúc, vẫn là sơ giao.

1937: Bệnh phong (cùi) phát lộ rõ, nhưng vẫn sinh hoạt văn nghệ tại nhà. Gặp gỡ bạn bè văn nghệ, đứng tên xuất bản đặc san Nắng xuân. Thành lập Trường Thơ Loạn, mà tuyên ngôn là bài tựa thi tập  Điêu tàn  của Chế Lan Viên.

Khi bệnh phát nặng thì rời nhà, sống lẩn tránh nhiều nơi ngoại vi thành phố, có khi về nhà. Cắt đứt liên lạc thư từ với bạn bè. Mai Đình (Lê Thị Mai) đến thăm nhiều lần, trong quan hệ văn chương.

Tài chánh khó khăn, phải nhờ cậy bè bạn, nhất là Quách Tấn.

1938: tập hợp tác phẩm thành tập Thơ điên, sau đổi tên là Đau thương, nhưng không tìm ra được nhà xuất bản, và cũng không còn khả năng tự xuất bản như với tập Gái quê trước đó.

1939: Tiếp tục sáng tác trong hoàn cảnh quẫn bách.

Đề tựa cho Tinh huyết của Bích Khê, viết bạt cho Một tấm lòng của Quách Tấn. Tập hợp bản thảo tập thơ Xuân như ý rồi Thượng thanh khí.

Liên lạc thư từ với Thương Thương (Trần Thị Thương Thương), một nữ sinh Huế 15 tuổi, qua liên hệ của bạn văn là Trần Thanh Địch, chú ruột cô gái, muốn an ủi người bệnh. Quan hệ này, chỉ qua thư từ, và cái tên Thương Thương, đã gây cảm xúc và cảm hứng cho Hàn Mạc Tử sáng tác tập Cẩm châu duyên gồm một số bài thơ và hai kịch thơ Duyên kỳ ngộQuần tiên hội; tác phẩm cuối cùng này nửa chừng đã đình chỉ theo lời gia đình cô gái yêu cầu ngưng sử dụng tên cô..

1940: Bệnh tình nguy kịch, gia đình đưa vào Bệnh viện Quy Nhơn, ngày 8 tháng 9; rồi chuyển vào Trại cùi Quy Hòa, ngoại thành Quy Nhơn, ngày 20 tháng 9.

Qua đời về bệnh kiết lỵ lúc 5 giờ 45 sáng, ngày 11 tháng 11 năm 1940, và được mai táng ngay buổi chiều ngày hôm đó tại nghĩa địa của bệnh viện, theo thông lệ của trại cùi; người trong Viện không biết bệnh nhân quá cố là nhà thơ Hàn Mạc Tử; gia đình không được thông báo.

Mộ phần Hàn Mạc Tử sẽ được cải táng, dời về Gành Ráng, Quy Nhơn, năm 1959. Trùng tu 2008.

Ngày nay, thơ Hàn Mạc Tử được nhiều nơi in lại và phổ biến rộng rãi.

Đ.T.

Đối chiếu và thiết lập, Orléans ngày 10-7-2012

***

Phụ lục 2

HÀN MẠC TỬ, NHỮNG ĐIỂM TỒN NGHI

Đặng Tiến

Trước tiên là bút danh: Hàn Mạc hay Hàn Mặc?

Giới nghiên cứu gần đây đã đồng thuận về bút hiệu sau cùng trong sinh thời nhà thơ, chính thức là Hàn Mạc Tử. Lúc đầu ông ký Hàn Mặc Tử (có dấu ă trên chữ Mặc) trên báo Công luận, ngày 29.3.1934; và ở trang 3 tập Gái quê, 1936, là tác phẩm duy nhất được xuất bản lúc sinh tiền. Do đó, Vũ Ngọc Phan, trong Nhà văn hiện đại, cuốn III, đã ghi tên Hàn Mặc Tử(1) và trong bài phê phán Trần Thanh Mại(2) đã nêu bằng chứng, từ tập Gái quê, và cho rằng chữ Hàn Mạc Tử, mà Trần Thanh Mại(3) đã dùng trong sách mình là sai và vô nghĩa. Hoài Thanh và Hoài Chân trong Thi Nhân Việt Nam(4), cũng đồng tình rằng  «chữ Hàn Mạc Tử không có trong từ điển», tuy nhiên vẫn ghi Hàn Mạc Tử theo Trần Thanh Mại.

Về tên người, vấn đề không phải là ý nghĩa, mà là cách sử dụng của đương sự trước khi qua đời, là Hàn Mạc Tử, bắt đầu trên Sài Gòn tiểu thuyết, 21.9.1937, và thường xuyên, nhiều nơi, từ 1939. Ngày nay, bia mộ mới nhất của nhà thơ ghi Hàn Mạc Tử.

Về bút hiệu Lệ Thanh, các tư liệu nghiêm chỉnh nhất, từ Võ Long Tê, Phan Cự Đệ, Phạm Đán Bình, đều cho rằng tác giả sử dụng từ 1934, khi vào Sài Gòn làm báo. Thật sự là trước đó: trên Phụ nữ tân văn, đã có tên Lệ Thanh dưới các bài thơ Cảm hứng, số báo 163, ngày 11.8.1932, hay bài Vợ chồng đi thuyền, số tiếp theo(5).

Dưới bút danh Lệ Thanh, tác giả được một giải thưởng thơ gì đó của Thi xã Gia Định, có lẽ khoảng 1934.

Thứ đến là tên thánh (nhận được khi rửa tội) của người Công giáo Nguyễn Trọng Trí (tên thật của Hàn Mạc Tử), là Phanxicô (François) chứ không phải là Phêrô (Pierre) như người em ruột Nguyễn Bá Tín đã ghi(6) và nhiều người khác cứ thế mà ghi tiếp vì không nghi ngờ gì. Thậm chí, tại Gành Ráng, nơi mộ phần xây 1959, trên tấm bia cẩm thạch khắc tên «Hàn Mặc Tử tức Phero Phanxico Nguyễn Trọng Trí», do chính tay Nguyễn Bá Tín (sđd, tr. 121) vẽ mẫu chữ để khắc vào bia đá. Nhưng bên cạnh đó, lại có một thánh giá bằng xi măng cốt sắt, làm 1957, dời từ nghĩa địa Quy Hòa về, ghi rõ tên thánh François Nguyễn Trọng Trí.

Bút tự (chữ ký) cuối cùng của nhà thơ, một ngày trước khi qua đời, tại trại cùi Quy Hòa, là François Trí.

Gần đây, một nhà biên khảo nghiệp dư, vì trân trọng Hàn Mạc Tử, đã tìm ra được chứng chỉ rửa tội của Nguyễn Trọng Trí, ngày 25-9-1912, tại họ đạo Tam Tòa, Giáo xứ của nhà thơ tại Đồng Hới, sau 1954 dời vào Đà Nẵng và còn lưu giữ hồ sơ. Tác giả Phanxipăng, trong một bài báo gần đây, cũng đã trình bày rành rẽ việc tên rửa tội của nhà thơ là Phanxicô(7).

Ngoài ra, theo thông tin từ Giáo phận Quy Nhơn, tên thêm sức, theo nghi thức Công giáo, tại Nhà thờ chính tòa Quy Nhơn, năm 1933, của nhà thơ là Phanxicô-Xa viê. Nhưng nay chưa tìm ra giấy tờ.

(Ngoài đề 1: người làm việc nghiên cứu văn học Việt Nam thật vất vả: một chi tiết nào nhỏ nhặt đều phải rà soát: gian nan một cách phù phiếm).

Việc sinh thành Hàn Mạc Tử cũng thành vấn đề: Trần Thanh Mại trong một tài liệu cơ bản, cho rằng Hàn sinh thiếu tháng vì thân mẫu uống rượu (sđd, tr. 27), gia đình nhà thơ đã cải chính(8). Nhưng có thể là Hàn Mạc Tử lúc sơ sinh sấu nhược, lớn lên vóc dáng nhỏ bé, như nhiều nhân chứng ghi nhận, chủ yếu là bạn thiếu thời là Bùi Tuân(9): «Hàn Mạc Tử là một đứa trẻ bạc nhược, cằn cỗi, tưởng chừng không thể lớn lên được» Không biết tình trạng này có liên hệ gì đến việc, về sau, nhà thơ yểu mệnh hay không.

* *

*

Về học trình, vì thân phụ làm quan thuế thuyên chuyển nhiều nơi, nên việc học hành của cậu bé dễ bị gián đoạn. Học lớp Ba tại Quảng Ngãi, lớp Nhì và lớp Nhất tại Quy Nhơn (1926 - 1928). Theo hồi ký đáng tin cậy của Bùi Tuân (sđd, tr. 28) thì Tử không đậu «ri-me» (tiểu học). Nguyễn Bá Tín ghi lại «hai chúng tôi cùng vào học Trường trung học Quy Nhơn. Đến lớp Nhất anh Trí ra Huế học Trường Pellerin (sđd, tr. 20) là không hợp lý, có lẽ ý ông Tín là «sau lớp nhất» nhưng nhiều người theo đó mà sai lầm; ngày nay nhà trường còn lưu chiểu học bạ của nhà thơ(10) xác nhận hồi ký Bùi Tuân: «Nguyễn Trọng Trí vào lớp Nhất niên B Trường Pellerin ngày 5.9.1928. Cuối năm học 1928-1929 chàng không được lên lớp, có lẽ vì chưa có bằng tiểu học. Cuối niên học ấy, tháng 6-1930, Trí thi đậu bằng tiểu học» (tr. 33). Và thôi học (Bùi Tuân, sđd, tr. 33).

«Nhất niên» là lớp đầu tiên bậc trung học, bây giờ gọi là lớp 6, không phải là «lớp nhất» bậc tiểu học (cours supérieur) hay «lớp đệ nhất», cuối bậc trung học trước kia. Điều này đã tạo ra nhầm lẫn vì có người hiểu, và dịch «nhất niên» thành Première(11) theo chương trình Pháp.

Pellerin, tên Việt là Bình Linh, là một trường trung học lớn, do các sư huynh dòng La-san cai quản; trường Công giáo, có nội trú, nhưng theo Bùi Tuân (sđd, tr. 29), Hàn ở trọ bên ngoài, nhà ông bà Phan Thiện Tuần, và đi học đều đặn, chứ không «học hai ngày nghỉ một» như Trần Thanh Mại đã ghi (sđd, tr. 25). Học trình chăm chỉ, học lực trung bình, giỏi luận quốc văn, theo học bạ nhà trường còn lưu trữ.

Từ học vấn sang học bổng. Nhiều tư liệu, có lẽ bắt nguồn từ Quách Tấn, ghi lại rằng Hàn vì xướng họa, rồi tiếp xúc với nhà cách mạng Phan Bội Châu đang bị an trí tại Huế từ 1926, nên bị xóa tên trong danh sách học sinh được học bổng đi Pháp. Điều khó tin vì nhà thơ học lực tầm thường, mà cũng không có tư liệu cụ thể nào chứng tỏ điều này. Nhưng cơ quan cấp học bổng là Hội như Tây du học, do Thượng thư Nguyễn Hữu Bài sáng lập và chủ trì. Ông này quen biết với gia đình Hàn Mạc Tử, cho nên dù giả thuyết không đáng tin, nhưng cũng không nên loại trừ. Duy nó không quan trọng, và không chứng minh được gì. Nhiều người nhắc lại, thổi phồng vì muốn chứng tỏ ông là nhà thơ yêu nước. Và lấy thêm minh chứng khác: trong tập Gái quê, tr. 42, có bài Lòng quê tả tâm sự một nhà cách mạng bị tù, Chế Lan Viên đã thổi phồng, gắn huân chương cách mạng cho bạn(12); khổ nỗi bài này không phải của Tử mà là do ông «lược dịch» thơ Tàu của Uông Tinh Vệ, một chính khách Trung Quốc, đăng trên báo Sài Gòn hai số 18 và 25 tháng 11.1935, ký bút hiệu Lệ Thanh.

Phan Cự Đệ, vì chưa bao giờ thấy toàn tập Gái quê, 1936, nên cho rằng Tuyển tập 1987 ghi nhầm(13), kỳ thật là in đúng, Chế Lan Viên chỉ bỏ sót, hay đã cắt bỏ 1/3 tập thơ khi công bố năm 1987, chứ không thêm vào. Điều này thêm một chứng minh việc phát hiện và tái bản tập thơ Gái quê theo nguyên bản 1936 là cần thiết.

* *

*

Sinh thời ngắn ngủi, và yêu đương thật sự cũng không bao nhiêu, nhưng cuộc đời tình ái của Hàn Mạc Tử đã gây ra dư luận và tranh luận. Điều này tự nó «cũng vui thôi», nhưng mải lo lập thuyết hay giả thuyết về tiểu tiết đời tư, ít người bình luận đến sự nghiệp văn học của Hàn Mạc Tử, chính ra phải là đề tài thiết yếu.

Bài này cũng không thoát khỏi vòng luẩn quẩn kia, nhưng mục tiêu là cố tình minh định đôi sự tồn nghi, để độc giả an tâm đi vào tìm hiểu sự nghiệp văn học của Hàn, mà không cần thắc mắc về tiểu truyện và huyền thoại.

* *

*

Bài thơ được phổ biến nhất của Hàn Mạc Tử là Đây thôn Vỹ Dạ, đã tạo nên nhiều giai thoại nhất. Bài thơ được sáng tác cuối năm 1939, lúc tác giả ở Quy Nhơn, bệnh đã trầm trọng, nhận được một tấm bưu ảnh phong cảnh Huế của cô Hoàng Thị Kim Cúc, từ Huế, gửi lời thăm chúc sức khỏe; Hàn trả lời, cảm ơn bằng bài thơ này, dưới tên Ở đây thôn Vỹ Giạ, ngày nay còn bút tích nhờ đương sự Kim Cúc tồn trữ.

Hoàn cảnh và thời điểm sáng tác đã nhiều người biết qua nhiều tư liệu, như của Quách Tấn, viết từ 1959, đăng trên báo Lành mạnh, Huế, từ ấy, in lại trên báo Văn(14) và nhiều nơi khác. Thế mà Chế Lan Viên, cuối 1986 trong bài tựa tuyển tập Bài thơ thôn Vỹ, in 1987, tại Huế đặt nó vào đặc san Nắng xuân (Quy Nhơn), chỉ ra được một số 1937, khiến nhiều người nhầm theo, kể cả danh gia Hà Minh Đức(15) đã bình giảng cho học sinh, sinh viên, hay các vị Mã Giang Lân, Vũ Quần Phương, v.v.

Tập Nắng xuân, «sách chơi Xuân Đinh Sửu», 1937, là tập san, đứng tên Chủ biên Nguyễn Trọng Trí, 32 trang, có 2 bài thơ ký Hàn Mặc Tử, là Mùa xuân chín, tr. 4 và Thi sĩ Chàm, tr. 14, đề tặng Chế Bồng Hoan là… Chế Lan Viên !

Chuyện tình thôn Vỹ, tóm tắt như sau: Năm 1932 Hàn Mạc Tử 20 tuổi, vào làm Sở Đạc điền, Quy Nhơn, đơn phương yêu thầm một thiếu nữ tên Hoàng Thị Kim Cúc, thường được gọi tắt là Hoàng Cúc, thuộc gia đình gia thế ở cùng đường Khải Định. Yêu mơ mộng vậy thôi, chỉ có bày tỏ cùng một bạn thơ là Hoàng Tùng Ngâm, em họ cô Cúc. Sau đó Tử thôi việc vào Sài Gòn làm báo. Về lại Quy Nhơn, xuất bản tập Gái quê, 1936. Cuối năm, ra Huế tặng Gái quê cho các em cô Cúc nhưng không tặng cô – dường như cô không muốn nhận. Có đến nhà cô, ở Vỹ Dạ nhưng chỉ đứng ngoài vườn nhìn vào. Năm 1939, khi bệnh đã trở nặng, thì Hoàng Tùng Ngâm có mách chị. Bà chị cảm động, gửi một tấm bưu ảnh 4x6 cm tả phong cảnh Huế cổ điển: con đò, dòng sông, ánh sáng, khóm trúc. Phía sau có dòng chữ thăm hỏi và chúc sức khỏe, không ký tên, không đề ngày tháng, do cậu em chuyển đi. Sau đó, tháng 11.1939, cô nhận được, vẫn do cậu em chuyển lại, bài thơ chép tay dưới tựa đề chính xác: Ở đây thôn Vỹ Giạ. Câu chuyện đơn giản và đơn phương như vậy, không như người đời thêu dệt về sau: rằng Hàn Mạc Tử muốn tiến đến hôn nhân nhưng nhà gái chê «không xứng mặt đông sàng» (Quách Tấn, sđd, tr. 93). Rằng Kim Cúc đã gửi một «phiến ảnh 6x9, chị mặc áo dài lụa trắng, đứng trong vòm cây cây xanh mát» (Nguyễn Bá Tín, sđd, tr. 50). Hai tác giả là thân cận với thi nhân mà còn lệch lạc như thế, trách chi kẻ khác lắm điều thêu hoa dệt gấm. Bà Kim Cúc (1913-1989) là một cư sĩ Phật giáo, sống tại Huế, hy sinh trọn đời độc thân cho Phật sự và sự nghiệp giáo dục, qua đời tại Huế, sau một tai nạn lưu thông xảy ra tại Sài Gòn.

Tình sử Mộng Cầm, thì ít gây tranh luận hơn, và vì vậy cũng mơ hồ hơn. Tư liệu chủ yếu là bài phỏng vấn của Châu Hải Kỳ. Bà ấy cho biết: năm mười bảy tuổi, học lớp Nhất, đã làm thơ và có thơ đăng báo Công luận (1933), từ đó giao thiệp thư từ với Hàn Mạc Tử, đang làm Sở Đạc điền. Khi Hàn vào Sài Gòn làm báo, thì có tìm địa chỉ và đến thăm lúc bà đang học nữ hộ sinh tại Mũi Né, Phan thiết, khoảng tháng 4-1934. Và hai bên đi đến «giao du thân mật», khoảng hai năm, khi bà về Phan Thiết dạy học và mỗi cuối tuần nhà thơ đi tàu lửa từ Sài Gòn ra thăm chơi, có hôm đi thăm Lầu Ông Hoàng mắc mưa. Có lúc Hàn đề nghị đi đến hôn nhân, nhưng bà từ chối, theo bà vì biết Hàn Mạc Tử mắc bệnh hiểm nghèo, rồi lấy lý do tôn giáo bất đồng, bà còn cho biết : «đó là mối tình văn thơ, còn xác thịt thì hoàn toàn không nghĩ tới»(16). Hai bên ngưng «giao du thân mật» (chữ của bà) vào giữa năm 1936, nhưng vẫn liên lạc đến cuối năm. Sáu tháng sau đó bà lấy chồng, và bị nhiều người trong giới văn chương chê trách: Quách Tấn, Trần thanh Mại… Và Bích Khê.

Bà tên Huỳnh Thị Nghệ (1917-2007), không phải họ Lê như trong một số tư liệu, cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu, nhưng Hàn MạcTử chỉ gặp và kết bạn với Bích Khê sau khi quen Mộng Cầm.

Cùng làm thơ như Mộng Cầm là Mai Đình, tên thật là Lê Thị Mai (1917-1997), sinh trưởng trong một gia đình công chức, gốc Thanh Hóa, định cư tại Phan Thiết; theo Võ Long Tê «làm nghề cô giáo nữ công ở các trường tư thục Sài Gòn Chợ Lớn, đồng lương có thể nói là gấp đôi gấp ba lương công chức trung cấp, do vậy mà thường thấy Mai Đình chạy vô chạy ra trục Sài Gòn Quy Nhơn» (17), hoàn toàn trái ngược với hình ảnh phổ biến, do Trần Thanh Mại đưa ra, một cô gái «đi giang hồ… Gió đời cứ đưa tấp nàng tới bến kia ghềnh nọ» (sđd, tr. 141). Họ Trần còn mô tả một «cốt chuyện ly kỳ làm sao! một nhà thơ phung với một cô gái đi giang hồ» (sđd, tr. 148). Cuốn sách nổi tiếng, đã kéo theo nhiều tác phẩm hư cấu, nào truyện, kịch, tuồng, cải lương. Sự thật là: bà Mai Đình đến thăm nhà thơ năm 1937; về sau trở lại dăm ba lần, có lần ở lại hai hôm, chứ không có chuyện «tuần trăng mật kéo dài đến hai tháng. Nàng đi chợ, nấu ăn, sắc thuốc, giặt quần áo cho nhà thi sĩ» (sđd, tr. 146-148) khiến gia đình nhà thơ đã quyết liệt cải chính(18). Thậm chí, nhiều lần, Trần Thanh Mại đã thẳng thừng xem bà như là gái giang hồ «ong qua bướm lại đã thừa xấu xa» (sđd, tr. 146).

Bà Mai Đình làm thơ hay, có gia đình ổn định, tham dự kháng chiến chống Pháp, lập nghiệp tại Hà Nội, làm ngân hàng; về sau dời vào TP Hồ Chí Minh, trong nhà vẫn có bàn thờ Hàn Mạc Tử.

Tình sử cuối cùng của Hàn là Thương Thương, sinh 1924, con gái Thượng thư Trần Thanh Đạt, nữ sinh Huế, một mối tình tưởng tượng, do bạn nhà thơ là Trần Thanh Địch, chú ruột cô gái bịa đặt để an ủi nhà thơ, khi ông đã bệnh nặng, năm 1939. Về chuyện này, tư liệu đã ghi đúng, trừ việc cô gái lúc ấy 15 tuổi, chứ không phải 12 như Trần Thanh Mại, cũng là chú ruột, đã viết (sđd, tr.184).

Cuộc tình tưởng tượng, qua thư từ này, và cái tên cô gái, đã tạo cảm hứng cho Hàn Mạc Tử, năm 1940 viết tập thơ, lúc đầu có tựa đề Thương Thương, sau đổi thành Cẩm châu duyên, gồm một vài bài thơ và 2 vở kịch thơ Duyên kỳ ngộQuần tiên hội, là tác phẩm dài cuối đời, phải bỏ dở theo lời gia đình cô gái yêu cầu ngưng sử dụng tên Thương Thương.

* *

*

Cuối cùng, về bệnh trạng Hàn Mạc Tử, cũng có đôi điều cần thống nhất.

Sau bốn năm ẩn lánh đó đây tại nhiều địa điểm ngoại vi thành phố Quy Nhơn, để chữa bệnh theo đông y, như Gò Bồi, Xóm Động, Thôn Tấn, có khi về nhà, cho đến cuối 1940 thì bệnh tình nguy kịch.

Ngày 8.9.1940 phải nhập viện Quy Nhơn là do quyết định của gia đình, chủ yếu là theo lời khuyên của người anh rể lả Bửu Dõng, y tá bệnh viện Quy Nhơn chứ không phải do chính quyền bắt ép, hay do có người chỉ điểm. Phòng thí nghiệm bệnh viện tìm ra vi trùng Hansen gây bệnh phong cùi, nên ngày 20.9.1940, Hàn Mạc Tử được chuyển vào Viện cùi Quy Hòa, do các dì phước dòng tu Phanxicô trông nom, dưới tên Nguyễn Trọng Trí, không ai biết là nhà thơ nổi tiếng; rồi qua đời vì bệnh kiết lỵ gia trọng, ngày 11.11.1940, lúc 05.45 giờ, chớ không phải 11 giờ trưa như Trần Thanh Mại đã ghi chắc nịch (sđd, tr. 258) khiến nhiều người, kể cả Quách Tấn nhầm theo.

Tìm hiểu sai lầm sơ đẳng này, thì nghe nhiều người giải thích: vì nhà thơ qua đời ngày 11 tháng 11, nên ghi giờ 11… cho có ý nghĩa (!!!)(19). Theo thông lệ của Viện, việc chôn cất được cử hành ngay buổi chiều ngày hôm đó.

Và bệnh nhân François Nguyễn Trọng Trí được mai táng tại nghĩa trang của Viện, chớ không phải lại Đèo Son như Chế Lan Viên đã ghi trong tiểu sử «Tuyển tập» đã dẫn.

Trong Nhà văn hiện đại tập 3, viết 1942, chương Hàn Mạc Tử, Vũ Ngọc Phan đã nhận định công minh và thực tế:

«Từ ngày Hàn Mặc Tử từ trần đến nay, mới trong khoảng hai năm trời, mà người ta đã nói rất nhiều và viết rất nhiều về Hàn Mặc Tử. Chứng bệnh của thi sĩ, cuộc đời đầy đau thương của thi sĩ, lời thơ thành thực của ông, khi nghẹn ngào, khi hoạt bát, nhưng bao giờ cũng chứa chan tình tứ hay một tin tưởng cao xa, đã làm cho nhiều người chú ý đến đời ông và thơ ông.

Song dư luận bao giờ cũng rất kỳ, đã chú ý đến người và đến thơ, thì dư luận gần như trộn lẫn người với thơ làm một. Cho nên nói một cách công bình, thì gần đây «người» của Hàn Mặc Tử đã làm quảng cáo cho thơ của Hàn MặcTử rất nhiều. Đến nỗi về ông, người ta đã viết một giọng say sưa, ông là một thi sĩ mà trên thế giới không một thi sĩ nào sánh kịp» (sđd, bản 1989, tr. 706).

«Người ta», trong câu cuối, ám chỉ Trần Thanh Mại, tác giả cuốn Hàn Mạc Tử mà chúng tôi, trong bài này đã nhiều lần tham chiếu.

Nhận định của Vũ Ngọc Phan, từ thời điểm 1942 cho đến nay – tròn 70 năm – đã «cổ lai hy», nhưng vẫn chưa chịu già: cho đến nay «người ta» vẫn tiếp tục nói nhiều, viết nhiều, nhất là trên các mạng, «… trộn lẫn người với thơ làm một… Người đã làm quảng cáo cho thơ…» Không những nói hay viết, người ta còn dựng kịch, làm tuồng, phim ảnh, ca hát. Mộ phần nhà thơ trở thành nơi du lịch, thương mại náo nhiệt, hấp dẫn bằng giai thoại ly kỳ.

Nhưng có một việc tối thiểu, là tìm lại tập thơ Gái quê, bản gốc, tác phẩm duy nhất được in ấn, xuất bản năm 1936, sinh thời tác giả, thì không ai làm. Bắt đầu từ gia đình, đến thân bằng quyến thuộc trong làng văn chương hay giới sưu tập, có người có địa vị trọng vọng. Gì đến nỗi không tìm ra được một ấn phẩm đã xuất bản chưa lâu?

Chúng tôi ở ngoài nước, cũng vì tò mò thôi, tìm thử, cũng không công khó gì lắm, thì có được bản Gái quê in 1936; tuy chỉ bản đánh máy, nhưng sau khi đối chiếu với nhiều nguồn tư liệu thì thấy chính xác, đầy đủ hơn những bản hiện lưu hành in theo bản chép tay của Chế Lan Viên từ 1987.

Niềm vui, có thể nói là cơ duyên, là tìm ra được tác phẩm nguyên gốc đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm sinh Hàn Mạc Tử. Do đó, nhân tiện, chúng tôi rà soát lại những tư liệu về nhà thơ, rải rác từ 70 năm nay. Nhân thấy lắm điều bất nhất, chúng tôi so sánh và tìm căn cứ hợp lý nhất đề xuất trong bài này.

Phần nào, chúng tôi cũng có học tập biên khảo của Giáo sư, nhà văn Pháp, Etiemble khi ông bỏ ra non một đời người để nghiên cứu «Huyền thoại Rimbaud» (Le Mythe de Rimbaud), một nhà thơ thiên tài người Pháp, đã có cuộc đời ly kỳ và ngắn ngủi (1854 - 1891).

Bộ «Huyền thoại» này gồm 5 tập, đặc biệt là cuốn 2: Sự hình thành của huyền thoại, hơn 500 trang, ấn hành năm 1954, kỷ niệm bách niên ngày sinh của Rimbaud, như chúng ta tưởng niệm Hàn Mạc Tử năm nay.

Dĩ nhiên là công việc chúng tôi hôm nay, vội vàng và hời hợt, chưa đáng là hạt bụi so với công trình đồ sộ và uyên bác của Etiemble; nhưng vẫn phải nói ra, tựa hồ giọt nước nhớ đầu nguồn.

Việc sưu khảo của chúng tôi chỉ giới hạn ở những tư liệu, sách báo may mắn có sẵn dưới tay, chốn tha hương, nên nhất định còn nhiều thiếu sót; phương tiện đối chiếu hạn chế, nên những đề xuất chưa chắc đã chính xác, cho nên tạm gọi bài này là những điểm tồn ghi.

Mong mai kia, ngày tiên tháng Phật rộng dài, thời gian sẽ có lời giải đáp thỏa đáng.MHM

Orléans, Pháp, 02.8.2012

Đ.T.

(1) Vũ Ngọc Phan, NXB Tân Dân, 1942, Hà Nội, ấn bản Vĩnh Thịnh, tr 326, 1951, Hà Nội, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội in lại 1989, tr. 706

(2) Vũ Ngọc Phan 1989, nt, tr. 480

(3) Trần Thanh Mại, Hàn Mạc Tử, NXB Võ Doãn Mại, 1942. Tái bản nhiều lần.

(4) Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, 1942, in lại nhiều lần, bản 1967, tr. 203

(5) Nguyễn đình Niên, Kinh nghiệm về thân phận người làm thơ trong Hàn Mạc Tử (luận án cao học Sài Gòn 1973), tr 41, NXB SEACAEF, 2009, California.

(6) Nguyễn Bá Tín, Hàn Mặc Tử anh tôi, tr 13, NXB Tin, 1990, Paris.

(7) Phạm Xuân Tuyển, Đi tìm chân dung Hàn MạcTử, NXB Văn học, Hà Nội, 1997, tr. 60-61.

Phanxipăng trên báo Nghiên cứu và phát triển, số 6-2010.

(8) Nguyễn thị Như Lễ (chị ruột), báo Lành mạnh, Huế, ngày 1-11-1959. Nguyễn Bá Tín nhắc lại, sđd, tr. 17)

(9) Bùi Tuân, Một tình bạn thanh cao, tr 21, tủ sách Bùi Gia, 2010, TPHCM, đã đăng trên tạp chí Vinh Sơn, Huế, ngày 1.2.1952.

(10) Văn (tạp chí), số 179 ra ngày 1-6-1971, tr. 86, Sài Gòn

(11) H.Peras et VT Bích, Hàn MặcTử Le Hameau des Roseaux, NXB Arfuyen, 2001, Paris

(12) Chế Lan Viên, Tuyển tập Hàn Mặc Tử, Tựa, tr. 18, NXB Văn học, 1987, Hà Nội.

(13) Phan Cự Đệ, Thơ văn Hàn Mạc Tử, tr. 108, NXB Giáo dục, 1993, Hà Nội.

(14) Tạp chí Văn, tr. 94 ; số 73 - 74, ngày 7-1-1967, Sài Gòn.

(15) Hà Minh Đức, Tổng tâp Văn học Việt Nam hiện đại tr. 41-45 ; NXB Hà Nội, 1998; Hà Nội

(16) Báo Văn số 179, đd, tr. 89-92. Đã đăng trước trên Phổ thông số 63, ngày 15-8-1961, Sài Gòn. In lại nhiều nơi.

(17) Trích theo Chế Lan Viên, tựa Tuyển tập Hàn MạcTử, tr. 21, NXB Văn Học, 1987, Hà Nội.

(18) Nguyễn Thị Như Lễ, Những điểm sai lầm về Hàn Mạc Tử, báo Lành mạnh, 1-11-1959. Huế. In lại nhiều nơi.

(19) Phạm Xuân Tuyển, sđd, tr. 153, Phạm Đình Khiêm và Võ Long Tê, Như hương trầm bay lên, tr. 173 và 179, NXB Tôn giáo, 2010. TPHCM.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn