Xung quanh giải Nobel Văn học 2012

MẠC NGÔN, ÔNG LÀ AI?

Thanh Hà – RFI

clip_image001

Truyện của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn được trưng bày tại Hội chợ Frankfurt, Đức, 11/10/2012. REUTERS

Chuyến công du đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông François Hollande nhân Thượng đỉnh khối Pháp ngữ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ trích chính sách khắc khổ của châu Âu là hai đề tài lớn được các báo quan tâm. Nhưng ở phần tin văn hóa, sự kiện nổi bật là Nobel Văn học 2012 về tay nhà văn Trung Quốc, Mạc Ngôn.

Các báo Pháp phác họa lại chân dung và hành trình văn học của một nhà văn với bút hiệu rất lạ là «Không Nói – Mạc Ngôn».

L'Humanité mệnh danh ông là «một Rabelais của Trung Quốc». Trong lúc chính Ủy ban Nobel lại so sánh tác giả Trung Quốc với những William Faulkner của Mỹ hay Gabriel Garcia Marquez, tác giả của «Trăm năm cô đơn» và «Tình yêu thời thổ tả».

«Một giải Nobel đáng ghi nhớ», tựa của tờ Libération. Tờ báo chơi chữ với tính từ «épique». Trong tiếng Pháp «épique» vừa có nghĩa là «đáng ghi nhớ», vừa có nghĩa là «mang tính sử thi».

Libération không quên lưu ý độc giả: Mạc Ngôn không phải là văn sĩ Trung Quốc đầu tiên đoạt Nobel, bởi vì trước ông, một nhà văn lớn khác người Trung Quốc là ông Cao Hành Kiện vào năm 2000 đã đăng quang với tác phẩm «Linh sơn». Thế nhưng, [trước đó] Cao Hành Kiện đã từ bỏ quê hương để sống lưu vong tại Pháp và từ năm 1997 ông đã nhập quốc tịch Pháp. Chính quyền Bắc Kinh ngày đó đã bực mình vì giải thưởng tặng cho Cao Hành Kiện.

Lần này, quyết định của Ủy ban Nobel không gây tranh cãi, do những tác phẩm của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn đã được nhìn nhận và đánh giá cao cả ở trong lẫn ngoài nước. Tính từ đầu thập niên 80 tới nay, nhà văn 57 tuổi này đã sáng tác khoảng 80 tiểu thuyết và truyện ngắn, trong số đó 17 tác phẩm đã được dịch sang tiếng Pháp.

«Báu vật của đời», «Hồng cao lương gia tộc», «Tửu Quốc», «Đàn hương hình» là những tác phẩm đưa tên tuổi ông đến với độc giả thế giới. «Hồng cao lương gia tộc» từng được đạo diễn Trương Nghệ Mưu đưa lên màn ảnh lớn qua bộ phim mang tựa đề «Cao lương đỏ». Bộ phim này từng đoạt giải Gấu vàng của liên hoan điện ảnh phim quốc tế Berlin năm 1988.

Tuổi thơ cơ cực

clip_image003

La Croix nhắc lại tuổi thơ cơ cực của Mạc Ngôn gắn liền với mảnh đất nơi ông sinh ra là huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông. Ông từng trải qua cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1966, từng bị đói kém và bị bắt nghỉ học vì lý lịch gia đình. Năm 1976 khi Mao Trạch Đông qua đời, ông nhập ngũ và từ đó trở đi Mạc Ngôn không ngừng sáng tác. Nhưng phải đến đầu những năm 80, ông mới tìm được một chỗ đứng trên văn đàn Trung Quốc.

Theo như lời dịch giả Sylvie Gentil, người đưa những tác phẩm của ông đến với độc giả Pháp, điểm son của Mạc Ngôn là ông «thấm nhuần và làm chủ được văn học ngoại quốc (Nhật, Nga), để từ đó tạo ra một ngôn ngữ riêng biệt». Năm 2009 trong một buổi nói chuyện dành cho báo La Croix, giải Nobel Văn học tương lai Trung Quốc này đã thổ lộ: «Ông nghiện viết như người ta nghiện rượu, càng viết lại càng say». Chính vì thế mà tờ báo Pháp La Croix cho rằng: «Thế giới hư cấu của Mạc Ngôn thấm đẫm lịch sử xã hội và nhân văn Trung Quốc».

Chứng nhân của lịch sử đương đại Trung Quốc

clip_image004

Với văn phong đa sắc thái, ông đã vạch trần «thái độ hèn nhát của những cán bộ cộng sản Trung Quốc, hay sự tàn bạo trong guồng máy chính trị» trên quê hương mình. Nhưng bên cạnh đó thì «mỗi nhân vật của Mạc Ngôn đều rất giàu lòng nhân ái và rộng lượng».

Bản thân nhà văn Mạc Ngôn thường bị chỉ trích thân chính quyền cộng sản Bắc Kinh. Về điểm này, La Croix bênh vực cho tác giả khi cho rằng: «Ở cương vị một nhà văn, ông đã thành công ít nhất trên một điểm, đó là không đem văn học để phục vụ Đảng và Nhà nước. Mạc Ngôn là một nhân chứng của thời đại, và những tác phẩm của ông nói lên những thay đổi đột ngột mà xã hội Trung Quốc đã và đang trải qua».

Hai lần trả lời báo Cộng sản L'Humanité vào năm 2004 và 2009, Mạc Ngôn đã khẳng định: Ông viết văn không phải để phê bình chế độ hay xã hội. Đó không phải là mục đích ông hướng tới. Bởi lẽ ông không đại diện cho một ai. Năm năm sau buổi nói chuyện đầu tiên với phóng viên của tờ L'Humanité, cũng nhà văn người Trung Quốc này nhắc lại: «Trong sách, tôi nghiêm khắc với guồng máy hành chính quan liêu, nhưng tôi chỉ phê bình với tư cách của một người viết văn. Những phê bình đó chỉ phản ánh qua những gì tôi viết hay kể lại trong sách. Tôi không phải là một nhà văn muốn can thiệp trực tiếp vào các hoạt động chính trị. Làm như thế không có ích».

Mạc Ngôn, một nhà văn thân chế độ?

clip_image005

Cảnh phim Cao lương đỏ chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Mạc Ngôn

Thông tín viên của báo Libération tại Bắc Kinh cho biết là cách nay không lâu, khi được hỏi ông nghĩ gì về việc giải Nobel Hòa bình năm 2010, Lưu Hiểu Ba bị lãnh án 11 năm tù, tác giả «Báu vật của đời» đã trả lời là ông không hay biết chuyện đó và không muốn bình luận nhiều về trường hợp của nhà bất đồng chính kiến họ Lưu.

Cũng vì muốn tránh làm phật lòng Bắc Kinh, ông Mạc Ngôn đã hai lần từ chối ra nước ngoài tham dự hội chợ sách quốc tế. Lần thứ nhất là vào năm 1989, vài tháng sau biến cố Thiên An Môn, và lần thứ nhì là vào năm 2009. Vào năm 2009, hai nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc là khách mời của hội chợ sách Frankfurt. Nhìn đến sự nghiệp sáng tác của Mạc Ngôn, thì tới nay, chỉ có một cuốn sách duy nhất của ông bị «kiểm duyệt», đó là «Báu vật của đời» với lý do tác phẩm này có nhiều «tình tiết nóng»!

clip_image007

Le Figaro trở lại với câu hỏi Trung Quốc đón nhận thế nào giải thưởng Nobel năm nay? Mọi người còn nhớ, mới chỉ cách nay 2 năm (tức là vào năm 2010) khi Ủy ban Nobel trao tặng giải thưởng Hòa bình cho nhà đấu tranh nhân quyền Lưu Hiểu Ba, thì chính quyền Bắc Kinh đã «nổi cơn thịnh nộ» và gọi các thành viên Ủy ban này là «những thằng hề». Lần này, tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc đã không che giấu niềm tự hào khi ghi nhận «Đây là giải Nobel Văn học đầu tiên được trao tặng cho một nhà văn Trung Quốc. Các văn sĩ Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc đã đợi quá lâu» để được vinh dự này.

Le Figaro lưu ý độc giả rằng Nhân Dân nhật báo quên mất sự kiện ông Cao Hành Kiện được vinh danh cách nay đúng một con giáp.

T.H.

Nguồn: Viet.rfi.fr

* * *

NOBEL VĂN CHƯƠNG 2012, MỘT GIẢI THƯỞNG NHIỀU TRANH CÃI

Nguyễn Hưng Quốc

clip_image004[1]

Nhà văn Mạc Ngôn

Giải Nobel văn chương năm nay được trao cho Mạc Ngôn, nhà văn Trung Quốc. Không có giải thưởng nào làm hài lòng mọi người. Tranh cãi ngay sau khi giải thưởng được công bố là chuyện bình thường. Tuy nhiên, lần này, những tranh cãi không tập trung vào chất lượng nghệ thuật mà chủ yếu vào thái độ chính trị của người được giải. Hơn nữa, những tranh cãi ấy chủ yếu là giữa những người Trung Quốc với nhau.

Sinh năm 1955 trong một gia đình nông dân tại Sơn Đông, Mạc Ngôn lớn lên trong giai đoạn Cách mạng văn hóa tàn khốc của Mao Trạch Đông; một giai đoạn hẳn đã để lại cho ông nhiều kinh nghiệm cay đắng. Nhưng ông nhanh chóng vượt qua chúng để thích ứng với không khí chính trị ở Trung Quốc: Ông đi bộ đội, học ở Học viện nghệ thuật Quân Giải phóng và trở thành một cán bộ khá cao cấp trong Cục chính trị thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội. Hiện nay ông là Phó Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc.

Với những chức vụ như thế, rất dễ hiểu, Mạc Ngôn được xem là một công thần của chế độ. Nhiều người cho là ông hèn. Không chừng chính cái bút hiệu ông chọn cũng nói lên điều đó: Mạc Ngôn, trong chữ Hán, có nghĩa là không nói. Trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ báo El Pais bằng tiếng Tây Ban Nha năm 2008, ông kể:

“Tôi chọn cái bút hiệu ấy để nhớ những năm tôi không thể nói lời nào với ai khác. Đó là những ngày hỗn loạn của Cách mạng văn hóa, khi trong làng của tôi lúc nào người ta cũng xung đột với nhau. Bố tôi là một nông dân, nhưng gia đình tôi sống khá thoải mái; ông sợ tôi nói năng bậy bạ có thể gây phiền phức cho gia đình. Bởi vậy, ông bảo tôi đừng nói gì cả; cứ làm như một thằng câm”.

Chọn bút hiệu Mạc Ngôn vì một bài học sợ hãi từ bố. Nhưng sau đó, Mạc Ngôn lại nâng sự khuất phục lên thành một thứ chủ nghĩa anh hùng. Trong bài nói chuyện tại Hội chợ sách Frankfurt năm 2009, ông kể chuyện: một hôm, Beethoven và Goethe đang đi dạo trên đường phố thì gặp một nhà quý tộc đi ngược chiều; Beethoven tiếp tục rảo bước, còn Goethe thì ngả mũ chào. Mạc Ngôn nói tiếp:

“Lúc còn nhỏ, tôi nghĩ Beethoven thật vĩ đại. Nhưng, khi lớn tuổi, tôi nhận ra là việc làm của ông thật dễ dàng, trong khi đó, làm như Goethe thì có thể cần nhiều can đảm hơn”.

Trong các bài báo bằng tiếng Anh tôi đọc được, không thấy ai dẫn thêm lý do tại sao Mạc Ngôn lại cho việc Goethe ngả mũ chào một nhà quý tộc mà ông không thích lại là một hành vi can đảm.

Tuy nhiên, khó có thể nói cách hành xử của Mạc Ngôn tại Hội chợ sách Frankfurt năm 2009 ấy là can đảm khi ông và các cán bộ khác bỏ ra khỏi phòng hội nghị phản đối khi một số nhà văn lưu vong người Hoa chuẩn bị lên phát biểu.

Cũng không can đảm chút nào khi, khá gần đây, cùng với một số cây bút khác, ông chép tay lại bài nói chuyện về văn nghệ của Mao Trạch Đông tại Diên An năm 1942 để làm thành một “ấn bản đặc biệt” để tưởng niệm cái biến cố đầy tai tiếng ấy. Đó chính là cương lĩnh văn học nghệ thuật chật hẹp và đầy tính giáo điều đã gây tai họa cho văn học Trung Quốc cũng như cho cả văn học Việt Nam trong suốt cả hơn nửa thế kỷ.

Càng không can đảm chút nào khi, thay vì lên án chế độ kiểm duyệt gắt gao ở Trung Quốc, Mạc Ngôn, trong nhiều bài phát biểu và phỏng vấn khác nhau, luôn luôn tìm cách biện hộ cho nó.

Ví dụ, trong bài phỏng vấn trên báo Times năm 2010, ông cho kiểm duyệt là chuyện chả có gì đáng làm ầm ĩ vì “ở nước nào cũng có một số sự kiềm chế đối với việc viết lách”.

Lúc khác, ông lại phát biểu: “Tôi tin các hạn chế hay kiểm duyệt là điều tốt cho việc sáng tạo văn chương” vì “một trong những vấn đề lớn nhất của văn chương là thiếu sự tinh tế”. Kiểm duyệt sẽ khiến nhà văn tìm cách “chôn sâu tư tưởng của mình và chỉ gửi gắm chúng qua các nhân vật trong tiểu thuyết”.

Có lúc, trước sự phê phán của nhiều người, ông tìm cách biện minh:

“Một nhà văn nên bày tỏ sự phê phán hay bất bình của mình trước các góc tối trong xã hội cũng như những sự xấu xa trong bản tính của con người, tuy nhiên, chúng ta không nên dùng một kiểu diễn tả giống nhau. Vài người có thể sẽ xuống đường gào thét, nhưng chúng ta cũng nên bao dung đối với những người trốn trong phòng kín và dùng văn chương để bày tỏ ý kiến”.

Với nhiều người, đó chỉ là một cách nói. Họ vẫn cho Mạc Ngôn chọn con đường dễ dãi và an toàn nhất trong một chế độ độc tài và độc ác. Bởi vậy, những người phản đối giải Nobel dành cho ông kịch liệt nhất chính là các đồng hương và đồng bào của ông.

Cách đây mấy ngày, chỉ nghe tin đồn phong thanh là Mạc Ngôn có tên trong danh sách được chọn, nhà văn Yefu đã tuyên bố: “Giải Nobel không nên trao cho một nhà văn chỉ biết ca tụng chế độ chuyên chế. Đó là một nguyên tắc thiết yếu”.

Sau khi giải Nobel được công bố, nghệ sĩ Ngải Vị Vị phát biểu: “Đối với một nhà văn đương đại, tránh né các vấn đề rõ ràng của cuộc đấu tranh của ngày hôm nay là một cái gì không thể bàn cãi được. Tôi không thể tách rời văn chương ra khỏi cuộc đấu tranh của dân tộc”.

Rồi ông nói thêm: “Tôi không chê trách Ủy ban giải Nobel, nhưng [quyết định trao giải cho Mạc Ngôn] đã gửi một tín hiệu phản ánh một khẩu vị thật kém cỏi (bad taste)”.

Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ sử dụng giải Nobel văn chương dành cho Mạc Ngôn như một công cụ để tuyên truyền không những cho chính sách văn học nghệ thuật của họ mà còn để củng cố vị thế nước lớn của họ: Họ đã mạnh về kinh tế và quân sự, nay, họ còn chứng tỏ cả sức mạnh trong cái giới nghiên cứu thường gọi là “quyền lực mềm” mà một siêu cường quốc cần có.

Nên nhớ đây là giải Nobel đầu tiên mà Trung Quốc hoan hỉ đón nhận. Trước, giải Nobel văn chương dành cho Cao Hành Kiện (năm 2000) không làm họ ưng ý: một phần vì, lúc ấy Cao Hành Kiện đã vào quốc tịch Pháp, do đó, không còn là nhà văn Trung Quốc nữa; phần khác, về tư tưởng, ông tự xem mình và cũng được mọi người xem là một cây bút ly khai. Giải Nobel hòa bình trao cho Lưu Hiểu Ba (năm 2010), một tù nhân lương tâm đang bị Trung Quốc giam giữ lại càng làm cho Trung Quốc giận dữ.

Chỉ có món quà dành cho Mạc Ngôn là ngọt ngào.

Cho những tên cai ngục.

***

Chú thích: Tất cả các trích dẫn ở trên đều được đăng rải rác trong các bài viết về Mạc Ngôn trên các báo: The New York Times, The Washington Post, Los Angeles Times, Telegraph, The Wall Street Journal, Global Times, v.v. ngày 11/10/2012.

N.H.Q.

Nguồn: voatiengviet.com

* * *

ĐÒI TỰ DO CHO LƯU HIỂU BA, MẠC NGÔN ĐƯỢC KHEN NGỢI

Thanh Phương

Ngày 12/10/2012, nhà văn Trung Quốc vừa đoạt giải Nobel Văn học 2012 Mạc Ngôn đã kêu gọi trả tự do cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình 2010. Sau lời kêu gọi này, Mạc Ngôn đã nhận được lời khen ngợi từ những người ủng hộ nhà ly khai Trung Quốc đang bị giam cầm.

clip_image008

Mạc Ngôn trong buổi họp báo ngày 12/10/2012 tại Sơn Đông. REUTERS/Jason Lee

«Sáng kiến cho Trung Quốc» (Initiatives for China), một nhóm vận động tự do cho Lưu Hiểu Ba, đặt trụ sở tại Washington, tuyên bố «rất hài lòng» với lời kêu gọi nói trên của nhà văn Mạc Ngôn. Nhóm «Sáng kiến cho Trung Quốc» nói: «Chúng tôi biết rằng Mạc Ngôn, xuất thân từ gia đình nông dân, trong thâm tâm vẫn là một nhà văn rất đồng cảm với những người chịu đau khổ dưới đáy xã hội Trung Quốc».

Nhóm này hy vọng là nhà văn Mạc Ngôn sẽ nói về tình trạng Lưu Hiểu Ba và vợ của nhà ly khai là bà Lưu Hà, trong bài diễn văn nhận giải Nobel Văn học tại Stockholm.

Ông Lưu Hiểu Ba, cũng là một nhà văn, đã bị kết án 11 năm tù vào cuối năm 2009, sau khi tham gia viết Hiến chương 08 kêu gọi thay đổi dân chủ ở Trung Quốc. Vợ của ông, bà Lưu Hà thì bị quản thúc tại gia suốt hai năm qua.

Về phần nhóm «Freedom Now», nhóm hỗ trợ pháp lý quốc tế cho Lưu Hiểu Ba, thì ca ngợi nhà văn Mạc Ngôn về «lời kêu gọi can đảm» của ông đòi trả tự cho giải Nobel Hòa bình 2010.

Trước đó, nhiều nhà đối lập hàng đầu của Trung Quốc như nghệ sĩ Ngải Vị Vị và cựu tù chính trị hiện sống lưu vong Ngụy Kinh Sinh đã cáo buộc nhà văn Mạc Ngôn là một kẻ cộng tác với chính quyền Trung Quốc.

Báo chí Nhà nước Trung Quốc ngày 12/10/2012 đã ca ngợi Mạc Ngôn như một vị anh hùng dân tộc, trái ngược hoàn toàn với sự im lặng tuyệt đối khi Lưu Hiểu Ba được trao tặng giải Nobel Hòa bình cách đây 2 năm.

T.P.

Nguồn: Viet.rfi.fr

* * *

NHÀ VĂN MẠC NGÔN ĐOẠT GIẢI NOBEL VĂN HỌC NÓI LÊN ĐIỀU GÌ?

Vũ Hoàng, phóng viên RFA

Vũ Hoàng có cuộc trao đổi với nhà văn Võ Thị Hảo từ Việt Nam về khôi nguyên Nobel văn học năm nay là ông Mạc Ngôn nhà văn Trung Quốc đã quen thuộc với nhiều độc giả Việt Nam.

clip_image009

Nhà văn Mặc Ngôn của Trung Quốc, người được giải Nobel 2012 về Văn chương. imaginechina

Vũ Hoàng : Thưa nhà văn Võ Thị Hảo, Vũ Hoàng xin được hỏi ý kiến của nhà văn về ông Mạc Ngôn, tức là người mới được giải Nobel Văn học 2012. Không biết nhà văn Võ Thị Hảo có những ý kiến chung gì về ông Mạc Ngôn không, cũng như về những tác phẩm của ông không ạ?

Nhà văn Võ Thị Hảo : Tôi nghĩ rằng nhà văn Mạc Ngôn được giải Nobel Văn Học rất là xứng đáng, bởi vì Mạc Ngôn có những tác phẩm rất là hay và nói về cái thực tại rất là đáng buồn đối với những gì đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm gần đây, chẳng hạn như tác phẩm Báu vật của đời, hoặc Đàn hương hình, hoặc Cao lương đỏ, hoặc Cây tỏi nổi giận.

Tôi nghĩ rằng đấy là một nhà văn mặc dù sống trên mảnh đất Trung Quốc cũng có rất nhiều áp lực đối với nhà văn đó, nhưng mà nhà văn đó đã dũng cảm nói lên sự thật. Tôi nghĩ rằng một người như thế thực sự là đã góp phần vào để cho tôi thấy họ nhìn ra được cái thực tại của Trung Quốc trong nhiều năm gần đây. Tôi mừng khi Mạc Ngôn đoạt giải Nobel Văn học.

Vũ Hoàng : Vâng. Thưa nhà văn Võ Thị Hảo, Vũ Hoàng xin hỏi một câu khác, tức là đối với những tác phẩm văn học của nhà văn Mạc Ngôn thì bà đánh giá thế nào, độc giả Việt Nam đón nhận những tác phẩm đó ra sao, và sức ảnh hưởng của những tác phẩm của Mạc Ngôn tới người đọc Việt Nam như thế nào ạ?

Nhà văn Võ Thị Hảo : Tôi thấy ở Việt Nam có nhiều bạn đọc họ ưa thích tác phẩm của Mạc Ngôn, nghĩa là trong tầng lớp những người thật sự quan tâm tới xã hội, tới những gì đó thuộc về sự bất công. Trung Quốc và Việt Nam là hai mô hình thể chế khá là giống nhau, và những cái gì là tồi tệ, những cái gì là bất công, những cái gì làm cho con người đau khổ trong nhiều năm qua ở Trung Quốc như thế nào thì nó cũng làm cho người Việt Nam đau khổ như vậy, bởi vậy cho nên độc giả Việt Nam, trong đó có tôi, chia sẻ về điều đó.

Và tôi thấy rằng ở Trung Quốc, mặc dù thể chế ở Trung Quốc cũng là độc tài và chuyên chế nhưng mà họ đã chấp nhận để cho những người như Mạc Ngôn hoặc nhiều nhà văn khác được viết một cách tự do về cái thời kỳ Cách Mạng Văn Hoá, về thời kỳ Đại Nhảy Vọt, và phê phán xã hội Trung Quốc hiện nay.

Tôi nghĩ rằng Trung Quốc dù sao họ cũng cởi mở hơn, họ có nới rộng hơn về quyền tự do sáng tác của nhà văn; trong khi đó thì ở Việt Nam, nếu Mạc Ngôn mà sống ở Việt Nam thì sẽ không được xuất bản những tác phẩm như vậy.

Tôi có thể chứng minh (điều đó) khi tôi còn làm việc ở Công ty Văn hóa và Truyền thông Võ Thị, khi xuất bản một vài tác phẩm nói về thời cách mạng văn hóa thì đưa lên nhà xuất bản họ đều bỏ đi, họ không dám chấp nhận cho giấy phép xuất bản, và nếu có xuất bản thì cũng bỏ đi.

Tôi thấy ngay ở Việt Nam mà người ta còn duyệt những tác phẩm viết về Trung Quốc, trong khi ở Trung Quốc thì người ta đã thừa nhận những điều đó rồi.

Tôi nghĩ rằng một nhà văn như Mạc Ngôn ở Trung Quốc mà được giải Nobel Văn học thì đấy là dấu hiệu đáng mừng cho người Trung Quốc.

V.H. – V.T.H.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn