Miến Điện: Tương lai của Bán đảo Đông Dương?

Với truyền thống Phật giáo Nam tông hiền hoà và thuần thục, Miến Điện đang nhanh chóng giở qua trang quân phiệt vì quyền lợi tối cao của dân tộc.

Hai nhân vật chính là Tổng thống Thein Sein (cựu lãnh tụ phe quân phiệt nhưng yêu nước) và Bà Aung San Suu Kyi, Chủ tịch Liên minh Dân chủ quốc gia (NLD), một lãnh tụ đối lập sáng giá đã bị đàn áp và bỏ tù hơn 15 năm.

Hai người cùng tuổi (NS 1945) và phật tử thuần thành đã thực lòng hợp tác trong gần 2 năm qua để xây dựng dân chủ và bảo vệ nhân quyền, bầu cử tự do, mang lại uy tín cho quốc gia trên trường quốc tế, mở rộng bang giao với Ấn Độ anh em láng giềng và dứt khoát hợp tác với Tây phương tự do dân chủ (Mỹ, Nhật, Anh, Đức, Pháp (Liên Âu)...) tạo thế quân bình để sớm thoát khỏi thế lệ thuộc TQ; mạnh dạn tiến lên quy chế một quốc gia độc lập, trung lập như những năm 1950 - 1970, khi U Thant làm Tổng thư ký của Liên Hiệp Quốc 2 nhiệm kỳ (1961 -1971) đại diện cho khối các quốc gia phi liên kêt.

Hoa Kỳ đã thấy rõ những hạn chế rõ ràng và nặng nề của Hà Nội (chế độ cộng sản rập khuôn TQ, độc đảng chuyên chế, lệ thuộc Bắc Kinh, tham nhũng và khả năng quản lý yếu kém).

Ngoại giao Mỹ đã chọn Miến Điện làm điểm tựa nhằm ngăn cản TQ khống chế Bán đảo Đông Dương.

Với sự hỗ trợ chân thành và toàn diện của Mỹ và đồng minh, trong những ngày tháng tới Miến Điện sẽ đi những bước khổng lồ về tự do dân chủ nhân quyền và phát triển kinh tế tài chánh, tự thân là một nước giàu tài nguyên, với dân chúng và trí thức có trình độ học vấn tương đối cao.

Ấn Độ, qua chính sách Look East (hướng về phía Đông) sẽ tăng cường thêm vị thế của Miến Điện, một tỉnh anh em trong thời thuộc Anh British India & Burma.

Miến Điện đúng là bản lề trong chiến lược châu Á của Mỹ và Tây phương.

Chắc chắn sự trỗi dậy của một nước Miến Điện dân chủ tự do và hùng cường trung lập sẽ có ảnh hưởng tốt cho quốc gia Việt Nam 4000 năm văn hiến.

Tin tưởng.

Thái Sơn Nguyễn

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Tổng thống Mỹ thăm Miến Điện, bản lề trong chiến lược châu Á

Tú Anh

clip_image001

Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp nhà đối lập Miến Điện Auing San Suu Kyi tại Nhà Trắng ngày 19/9/2012. REUTERS/Kevin Lamarque

Vừa tái đắc cử, Tổng thống Barack Obama sẽ đến Rangoon vào trung tuần tháng 11/2012. Trong chuyến viếng thăm lịch sử này, lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ gặp Tổng thống Thein Sein và lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, hai đối thủ chính trị, nhưng cùng quyết tâm đưa Miến Điện vào con đường dân chủ thân Tây phương.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ phải dành nhiệm kỳ hai để tập trung vào các hồ sơ quốc tế, sau khi đã mất nhiều tháng dài lo vận động tái tranh cử. Theo thông báo của Nhà Trắng, Đông Nam Á sẽ là địa điểm công du đầu tiên của vị Tổng thống vừa tái đắc cử. Lần lượt ông sẽ đến Miến Điện, Thái Lan và sau đó sang Cam Bốt dự thượng đỉnh Đông Á trong chuyến đi 4 ngày từ 17 đến 20/11/2012.

Washington đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa của chặng Miến Điện. Trong vài giờ ghé thăm, Tổng thống Obama sẽ gặp Tổng thống Thein Sein và lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi để bày tỏ sự hậu thuẫn của chính phủ Mỹ đối với tiến trình dân chủ đang từng bước được thực hiện tại Miến Điện.

Báo chí Miến Điện, nhất là của đối lập, không che giấu niềm hy vọng tương lai của quốc gia Đông Nam Á này thoát khỏi gọng kềm của Bắc Kinh. Chủ nhiệm tờ báo uy tín The Irrawaddy, nhà báo Aung Zaw, nhắc nhở, đây là lần đầu tiên một vị Tổng thống Hoa Kỳ đặt chân đến Miến Điện kể từ 50 năm nay. Dù thời gian thăm viếng ngắn ngủi, nhưng sự kiện này mang nhiều giá trị tiêu biểu.

Trước tiên, theo nhà báo Aung Zaw, chiến lược của Hoa Kỳ sử dụng Miến Điện như «bản lề tại Á châu» sẽ được Đông Nam Á quan tâm theo dõi, nhất là những quốc gia muốn chống lại ảnh hưởng bá quyền của Trung Quốc. Tình trạng này sẽ tiếp tục tạo thế thuận lợi cho Washington. Từ trước đến nay, do Miến Điện bị cấm vận, Trung Quốc là bạn hàng chính yếu của Miến Điện về kinh tế lẫn vũ khí. Tuy nhiên, từ khi Barack Obama lên làm Tổng thống vào tháng 01/ 2009, Washington đã từng bước khuyến khích Miến Điện cải thiện nhân quyền, cải tổ chính trị bằng chính sách giảm nhẹ cấm vận thay vì leo thang trừng phạt theo chính sách của người tiền nhiệm.

Kết quả là vào năm 2011, tập đoàn tướng lãnh bảo thủ rút lui, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi và hàng ngàn tù nhân chính trị được tự do, đối lập được phục hoạt và đắc cử vẻ vang vào Quốc hội. Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu giảm nhẹ cấm vận.

Quan hệ song phương được cải thiện với hệ quả: Mặc dù Trung Quốc là nguồn cung cấp vũ khí chính yếu cho quân đội Miến Điện, nhưng Washington và Naypyidaw đã nối lại đối thoại quân sự bị cắt đứt thời chế độ quân phiệt. Quân đội Miến Điện đã được mời tham gia cuộc tập trận thường niên Kim Mãng Xà do Mỹ tổ chức tại Thái Lan. Bắc Kinh tự cho mình là «ân nhân» của Miến Điện từ quân sự, kinh tế đến nỗ lực ngoại giao, nhiều lần dùng quyền phủ quyết bảo vệ tập đoàn quân sự tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Cho nên, theo nhà báo Aung Zaw, Bắc Kinh theo dõi rất kỹ diễn tiến quan hệ giữa «con nợ» của họ là Miến Điện với siêu cường Hoa Kỳ như thế nào.

Chiến lược «chinh phục» Miến Điện có thể xem là thành công lớn của chính quyền Obama không những về ngoại giao mà nó còn mở đường xây dựng một chính sách điạ chính trị toàn diện: Tái định vị tại châu Á. Nhà Trắng thông báo: Tổng thống Obama sẽ nhân chuyến công du từ 17 đến 20/11 để thảo luận với các đối tác châu Á toàn bộ các hồ sơ có liên quan từ hợp tác kinh tế, thương mại, năng lượng, an ninh đến nhân quyền.

Trong khuôn khổ chiến lược mới, các đơn vị Thủy quân lục chiến đầu tiên đã được gửi đến Úc trước khi Tổng thống Obama lên đường sang Miến Điện, Thái Lan và tham dự Thượng đỉnh Đông Á tại Cam Bốt.

T.A.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn