Phòng chống tham nhũng từ cội nguồn sinh ra nó(1)

Đào Công Tiến

Tham nhũng – Mấy nét khái quát

Tham nhũng là sự chiếm đoạt cái không phải của mình cho mình, như chiếm đoạt tiền, của cải, tài sản và cả quyền lực của dân, của nước.

Tham nhũng bởi lòng tham và sự gian trá bằng hành vi “trộm cắp” dường như chưa dùng đến bạo lực, hoặc “cướp giật” đã có cậy nhờ đến sức mạnh, như cướp có hung khí, cướp có vũ trang ... Đỉnh cao của lòng tham và sự gian trá của tham nhũng ở Việt Nam trong hiện tại là sự hòa quyện cả tiền và chức quyền trong cả mục tiêu và thủ đoạn tham nhũng. Những cá nhân và tổ chức tham nhũng liên kết trong những nhóm lợi ích cục bộ đã bòn rút nguồn sống của người dân, xâm hại lợi ích của quốc gia, dân tộc, chà đạp lên dân quyền và pháp quyền, chà đạp công lý.

Những hằn sâu trong bức xúc của xã hội ngày một đong đầy lên bởi tham nhũng, có thể nhận thấy dễ dàng từ những câu chuyện hết sức bần tiện, như ăn chặn tiền cứu trợ thiên tai, trợ cấp xóa đói nghèo, trợ cấp người có công với nước, bày trò ma thuật “quy hoạch treo” để cướp đất của dân. Đến những chuyện đục khoét tàn phá nền kinh tế hết sức nghiêm trọng như những vụ tham nhũng ở PMU 18, ở Vinashin, Vinalines...

Không phải chỉ có tham nhũng tiền, tài sản, của cải như đã nêu ở trên, mà còn có tham nhũng quyền chức – mua quan bán chức đã và đang phát bệnh cả trên diện rộng và độ sâu của nó. Theo đó là mua, bán bằng cấp, vay mượn tri thức, để mua bán cái ghế quyền lực. Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 6, BCH Trung ương Khóa XI đã tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quy hoạch cán bộ nói chung và cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược theo các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước cho nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Quá đề cao quy hoạch cán bộ không chỉ hạn chế cạnh tranh của thị trường nhân lực, gia tăng sự ỷ lại, dựa dẫm làm suy giảm động lực phát triển, mà còn tạo kẽ hở cho những “hợp đồng mua quan bán chức”, làm nghiêm trọng hóa tham nhũng quyền lực.

Nguyên nhân – Nhìn từ gốc của vấn đề

Có rất nhiều nguyên nhân đã được nói tới và ngay trong những kỳ họp của Quốc hội cũng đã đề cập khi thảo luận dự thảo luật phòng chống tham nhũng.

Tuy nhiên, những nguyên nhân đã được nêu ra phần lớn chỉ là sự chống đỡ, thậm chí là chống đỡ thụ động. Chỉ như vậy thôi thì không tìm được lời giải về giải pháp để phòng chống tham nhũng có hiệu quả. Đã đến lúc cần phải nhìn thẳng vào sự thật để nhận dạng cho rõ nguyên nhân căn cơ – từ gốc sinh ra tham nhũng: (1) từ nền kinh tế quá nặng về công hữu hóa và Nhà nước hóa; (2) từ sự tập trung và lạm dụng thái quá quyền lực, nhất là ở cơ quan lãnh đạo của Đảng; (3) sự bất cập của dân chủ, công khai, minh bạch.

- Nền kinh tế công hữu hình thành và phát triển vượt quá giới hạn an toàn của quản lý, đã tạo ra những đống tài sản và tiền của “vô chủ”, tạo nhiều kẽ hở cho sự lãng phí, thất thoát và từ đó cũng làm sinh sôi, nảy nở lòng tham ở không ít người bởi sự khêu gợi và dễ dàng dâng hiến từ những của cải “vô chủ” đó.

Hiện thực trước và sau đổi mới cho thấy những khuyết tật của nền kinh tế “công hữu hóa”, “Nhà nước hóa”, “kế hoạch hóa tập trung bao cấp”, nhất là việc duy trì chúng ở mức độ vượt quá tầm quản lý. Và cũng chính những khuyết tật này đã là “bà đỡ” cho tham nhũng, nên được những kẻ vụ lợi muốn trì kéo duy trì để đục khoét bằng tham nhũng.

Thêm vào đó là chế độ tiền lương không đủ sống, mà phải chịu những khoản thuế, phí và biến động giá đến “oằn vai”. Lương, thuế, phí, giá và không ít những chính sách an sinh xã hội đã và đang vận động không theo tinh thần “khoan sức dân” tạo nên tâm lý “phải được sống”, “phải được công bằng” bằng mọi cách kể cả bằng tham nhũng và đã trở thành cái cớ cho sự biện minh của những kẻ tham nhũng.

- Sự tập trung quyền lực thái quá cho hệ thống lãnh đạo và quản lý, nhưng thiếu những chế tài tương thích để hạn chế sự lộng quyền cho tham nhũng – làm cho không ít người có lòng tham, có thể tham nhũng được. Những người có lòng tham, tham nhũng được, phần lớn là người của doanh nghiệp nhà nước, của hệ thống chính trị, mà không cần chứng minh cụ thể cũng thấy được trong hiện thực tham nhũng ở Việt Nam.

- Chế tài cho cái gọi là “nền kinh tế công hữu” và “sự tập trung quyền lực” là thể chế dân chủ, công khai, minh bạch. Điều này còn quá nhiều bất cập nên đại chúng vẫn còn thiếu điều kiện vào cuộc để làm được nhiều điều phải làm trong việc phòng chống tham nhũng.

Giải pháp – Tiếp cận từ cái căn cơ nhất

Tham nhũng với những hành vi nguy hại và nguyên nhân của nó, không phải đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề chính trị, xã hội. Do đó giải pháp chung nhất, căn cơ nhất để phòng chống tham nhũng phải là đổi mới đồng bộ cả thể chế chính trị, kinh tế, xã hội để giải quyết các vấn đề nổi cộm như: (1) kinh tế công hữu hình thành và phát triển vượt tầm quản lý là mảnh đất để tạo ra lòng tham và tham nhũng được; (2) tập trung và lạm dụng quyền lực dẫn tới nạn ban phát “quyền tham nhũng” và “quyền bao che tham nhũng”; (3) dân chủ, công khai, công bằng và minh bạch còn nhiều bất cập nên chưa đủ tầm kiểm soát tham nhũng.

Có thể cụ thể hóa hơn chút nữa với những giải pháp sau đây:

Thúc đẩy nhanh và mạnh hơn tiến trình tái cấu trúc lại cơ cấu của nền kinh tế và đổi mới quản lý theo mô hình kinh tế thị trường hiện đại cùng với xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền, chứ không phải kinh tế “công hữu hóa”, “nhà nước hóa”, “kế hoạch hóa tập trung bao cấp”. Theo đó, là việc sắp xếp và đổi mới quản lý theo hướng chuyển đổi hình thức sở hữu và cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp nhà nước không cần phải giữ lại, song song với việc tạo điều kiện và khuyến khích phát triển lớn mạnh kinh tế thuộc khu vực tư nhân. Để có được điều đó, có nhiều việc phải làm, nhưng sẽ không dễ dàng thực hiện suôn sẻ nếu không tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc còn lại bằng sự đổi mới tư duy lý luận, tư tưởng quá lạc hậu.

Không coi “công hữu (bao gồm sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể) ngày càng trở thành nền tảng”. Nếu nói nền tảng thì phải nói đến sở hữu tư nhân bao gồm các yếu tố vật thể và phi vật thể – vốn và nguồn lực lao động của người dân, tham gia vào sự hình thành và phát triển không chỉ đối với khu vực kinh tế tư nhân, mà còn ở cả các khu vực kinh tế khác.

Không nói “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” mà phải nói nhà nước pháp quyền của dân do dân vì dân giữ vai trò chủ đạo. Vai trò chủ đạo đó phải được thực hiện bằng chức năng quản lý và một phần nào đó bằng sức mạnh kinh tế nhà nước, chứ không phải chỉ bằng kinh tế nhà nước để tiếp tục duy trì nền kinh tế công hữu vượt tầm quản lý.

Ủng hộ việc cho đảng viên được làm kinh tế tư nhân không giới hạn quy mô và ngành nghề, miễn thuộc ngành nghề mà luật pháp không cấm. Thiết nghĩ cũng không cần giới hạn gì nữa, chẳng hạn những việc được cho phép làm của cơ quan hành pháp. Điều này sẽ góp phần giải tỏa tâm lý “kỳ thị kinh tế tư nhân” để khu vực kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh xứng tầm với vai trò, vị trí của nó trong cấu trúc cần có của nền kinh tế.

Đất đai, với sự tuyệt đối hóa chế độ công hữu và quyền của người sử dụng với tư cách là chủ của tư liệu sản xuất – đất và chủ của tài sản – đất trong sự cấu thành của bất động sản còn bị treo lơ lửng, đã và đang là đối tượng của tình trạng trục lợi, tham nhũng. Thiết nghĩ nên có sự phân định rạch ròi về hai loại quyền đối với đất đai – chủ quyền quốc gia là tài nguyên và đa chủ sở hữu đối với đất là tư liệu sản xuất, là tài sản.

Đất, với tư cách là tài nguyên thiên nhiên như các tài nguyên khác, là của Quốc gia – thuộc chủ quyền Quốc gia, ai khai thác sử dụng phải chịu sự kiểm soát của luật pháp, và phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

Đất được đưa vào sử dụng với tư cách là tư liệu sản xuất (trong sản xuất nông nghiệp), là yếu tố cấu thành tài sản (trong cấu thành bất động sản), là của nhà sản xuất, của chủ tài sản – thuộc quyền sở hữu của nhà sản xuất, của chủ tài sản. Trong nền kinh tế nhiều thành phần, đất đai trong sử dụng – hay nói một cách khác, là giá trị sử dụng của đất, cũng phải theo thể chế “đa dạng hóa sở hữu”. Như vậy đất đai sẽ không còn là vật “vô chủ” để cho những lòng tham dễ dàng trục lợi tham nhũng.

- Chính sách tiền lương với mức lương tương thích với cống hiến và công bằng giữa các đối tượng hưởng lương sẽ có tác dụng phòng chống tham nhũng trên các mặt: (1) xóa đi cái cớ “lương không đủ sống” biện minh cho tham nhũng; (2) nâng cao kỷ cương lề luật và trách nhiệm với công việc của người ăn lương. Mức lương hiện tại còn quá thấp. Một bộ phận, nhất là cán bộ có chức có quyền ngoài lương còn có một số khoản thu nhập khác từ công quỹ. Sự hình thành các khoản thu nhập ngoài lương và quá trình thực hiện còn chứa đựng những bất cập về công bằng, công khai và minh bạch nên còn tạo nhiều kẽ hở cho nạn trục lợi, tham nhũng. Do đó, cần ưu tiên việc nâng lương và cải cách chính sách thu nhập bằng tiền lương. Qua việc bài trừ tham nhũng một cách hiệu quả, nhân sách nhà nước sẽ được bảo vệ đầy đủ, nên nhờ thế chính sách tăng lương cũng sẽ thực hiện được dễ dàng hơn và đi vào thực chất hơn so với hiện nay.

- Kiềm chế và giảm bớt sự tập trung thái quá quyền lực cho các cơ quan lãnh đạo của Đảng, để tập trung cho pháp quyền với đủ thực quyền cả về lập pháp, hành pháp, tư pháp. Phải có sự phân công rạch ròi giữa các quyền đó, để có sự tôn trọng quyền và trách nhiệm của nhau và có cả sự giám sát, kiềm chế lẫn nhau nhằm tránh tình trạng lạm dụng quyền lực dẫn đến sự ban phát “quyền tham nhũng” hay “quyền bao che tham nhũng”.

- Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng thì phòng chống tham nhũng cũng vậy. Việc phát hiện nhiều vụ tham nhũng và đòi xử lý tham nhũng trong thời gian qua của người dân và giới báo chí là một minh chứng khá rõ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là chống tham nhũng một cách thụ động. Xử lý tham nhũng, nhất là phòng chống tham nhũng từ những cội nguồn sinh ra tham nhũng thì dân làm chưa được bao nhiêu. Do đó phải thúc đẩy nhanh, mạnh tiến trình dân chủ hóa xã hội để tạo đủ quyền và trách nhiệm của người dân trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng. Đó là quyền và trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng tổ chức và chọn lựa nhân sự cho hệ thống chính quyền ít có mầm tham nhũng; quyền và trách nhiệm trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin từ thông tin đại chúng và từ sự dân chủ công khai minh bạch của chính quyền. Và quyền được đòi hỏi phải xử lý nghiêm minh các tổ chức và cá nhân tham nhũng.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 5, BCH Trung ương Khóa XI, đã đưa ra chủ trương “Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban” và lập lại Ban Nội chính Trung ương để “đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng”. Chủ trương được đưa ra cũng xác định không tổ chức Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố về phòng chống tham nhũng, mà “Tỉnh ủy, Thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác phòng chống tham nhũng và có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương”.

Chủ trương đã đưa ra như trên thiếu sức thuyết phục và gây nhiều quan ngại vì những lẽ như sau:

Như những trình bày ở trên, trong bài viết này, nguyên nhân căn cơ, gốc rễ sinh ra tham nhũng và gây cản ngại cho việc phòng chống tham nhũng là: (1) duy trì một nền kinh tế quá nặng về công hữu; (2) tập trung và lạm dụng thái quá quyền lực ở cơ quan lãnh đạo của Đảng; (3) bất cập của dân chủ, công khai, minh bạch. Những vấn đề căn cơ gốc rễ này vốn đã nảy sinh ra từ thể chế chính trị, từ mô thức tổ chức xã hội XHCN mà Đảng đã chọn, đến nay vẫn chưa chịu cải sửa. Trên thực tế, những cái căn cơ gốc rễ đó đã là “bà đỡ” của tham nhũng, là nơi ẩn náu của tham nhũng, là “phòng tuyến” để tham nhũng chống đỡ. Cơ quan lãnh đạo của Đảng như vậy làm sao có đủ quyết tâm chính trị trong công cuộc phòng chống tham nhũng mà giao trọn quyền chỉ đạo phòng chống tham nhũng cho nó?

Để vượt qua những rào cản từ thể chế chính trị như đã nêu ở trên, để phòng chống tham nhũng bằng dân quyền và pháp quyền, bằng cả lập pháp, hành pháp và tư pháp, thiết nghĩ sẽ không có sự lựa chọn nào khác về một tổ chức chỉ đạo tối cao – một Bộ Tư lệnh của trận chiến với tham nhũng là Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội làm Tổng tư lệnh. Một cơ quan chuyên trách, có đủ vị thế, độc lập khách quan của Quốc hội giúp Quốc hội chỉ đạo phòng chống tham nhũng là tất yếu phải có. Về cơ quan chuyên trách đó, thiết nghĩ là chuyện của Quốc hội./.

Tháng 11/2012

Đ.C.T.

(1) Bài viết này lúc đầu có tên là “Tham nhũng ở Việt Nam – Mấy cảm nhận và đề xuất” đã đăng trên Tạp chí Phát triển Kinh tế (Đại học Kinh tế TP HCM) số 179, tháng 9 năm 2005 và Tạp chí Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) số 102, tháng 12 năm 2005. Sau đó bài viết được công bố tiếp trong quyển sách “Tư duy phát triển” của cùng tác giả, đã xuất bản theo Quyết định số 991/QĐ-NXBTĐ/CN65, Nhà xuất bản Thời đại cấp ngày 07 tháng 12 năm 2011. Gần đây bài viết được bổ sung, chỉnh sửa và có tên “Phòng chống tham nhũng từ cội nguồn sinh ra nó” có cập nhật tình hình và đối chiếu với những gì mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 và lần thứ 5 BCH Khóa XI đã đề cập về phòng chống tham nhũng.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

(!) Bài viết này lúc đầu có tên là “Tham nhũng ở Việt Nam – Mấy cảm nhận và đề xuất” đã đăng trên Tạp chí Phát triển Kinh tế (Đại học Kinh tế TP.HCM) số 179, tháng 9 năm 2005 và Tạp chí Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) số 102, tháng 12 năm 2005. Sau đó bài viết được công bố tiếp trong quyển sách “Tư duy phát triển” của tác giả Đào Công Tiến đã xuất bản theo Quyết định số 991/QĐ-NXBTĐ/CN65, Nhà Xuất bản Thời đại cấp ngày 07 tháng 12 năm 2011. Gần đây bài viết có được bổ sung, chỉnh sửa và có tên “Phòng chống tham nhũng từ cội nguồn sinh ra nó” có cập nhật tình hình và đối chiếu với những gì mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 và lần thứ 5 BCH Khóa XI đã đề cập về phòng chống tham nhũng.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn