“Tôi là Fang!” Người làm Trung Quốc thay đổi

Pery Link

Hoàng Hưng (trích) dịch

clip_image002  

Fang Lizhi Ảnh: Forrest Anderson/Getty Images

 

Ở Trung Quốc những năm 1980, từ renquan (nhân quyền) cực kỳ “nhạy cảm”. Ít người dám ngay cả thốt lên hai tiếng ấy giữa nơi công cộng, nói gì đến bênh vực khái niệm “nhân quyền”. Giờ đây, sau gần ba thập kỷ, một phong trào quần chúng cơ sở có tên weiquan (vệ quyền – bảo vệ các quyền) đã phổ biến rộng rãi, và dường như rõ ràng nhà cầm quyền TQ bất lực trong việc đảo ngược điều này. Ngay đến những người ở dưới đáy xã hội cũng đòi các quyền của mình. Không ai có thể một mình đem lại sự thay đổi ghê gớm này, nhưng cũng không người nào làm được nhiều hơn trong việc khởi động nó bằng Fang Lizhi (Phương Lệ Chi)[1], nhà vật lý thiên văn, nhà hoạt động xã hội, người bất đồng chính kiến, người qua đời cách đây một năm. Chúng tôi là bạn của nhau trong nhiều năm, và đây là những ký ức đẹp nhất của tôi về ông.

… Ngày 26 tháng 2, 1989, George H.W. Bush, lần đầu đến thăm TQ sau khi đắc cử tổng thống, đã mời một số đông người Trung Hoa và người Mỹ đến dự bữa ăn nướng (barbecue) kiểu Texas ở Great Wall Sheraton Hotel Bắc Kinh. Fang và tôi cùng hai bà xã đều là khách mời, và chúng tôi đi chung một chiếc xe để đến dự. Trước khi xe tới khách sạn khoảng vài trăm thước, một đám cảnh sát vây quanh xe, nói với người lái xe về “tốc độ” của xe và sau khi tất cả chúng tôi phải ra khỏi xe bắt đầu đi bộ về phía khách sạn thì họ kéo Fang và vợ ông sang một bên và bảo hai người “không có tên trong danh sách mời”, bất chấp tấm thiệp mời ông bà cầm trên tay (hồi ấy chúng tôi không biết rằng ngay chiều hôm đó, Đặng Tiểu Bình đã hạ lệnh rõ ràng là Fang phải bị ngăn không cho tham dự).

Chỉ tỏ ra hơi bực mình, Fang đề nghị chúng tôi lấy taxi đi đến Sứ quán Mỹ để xác nhận lời mời. Xe taxi của chúng tôi chạy chưa được tám bloc nhà thì bị một đám cảnh sát khác chặn lại, lần này vì “đèn sau hỏng”. Không nản, Fang đề nghị đợi bắt một xe bus công cộng. Khi xe bus tới, còn khoảng một trăm thước đến trạm dừng, chúng tôi thấy một người phất cờ dừng xe lại và nói gì đó với lái xe. Xe bus bèn đi thẳng mà không dừng trạm. Khoảng ba mươi người khác đợi xe la lối, một số rủa ầm lên. Chúng tôi đợi chuyến xe thứ hai và việc ấy lại xảy ra.

Cuối cùng, Fang nhìn tôi nói: “Chúng ta là vấn đề ở đây. Chúng ta phải đi thôi. Không công bằng cho những laobaixing (“người dân thường”) này. Hết ngày rồi, họ phải về nhà”. Vậy là chúng tôi dời trạm xe và đi bộ tới sứ quán. Chúng tôi đang ở trung tâm điểm của một tấn kịch liên can một tổng thống Hoa Kỳ và người lãnh đạo tối cao của TQ. Cảnh sát kéo đến hàng đàn và những sự cố lạ lùng xảy ra. Vài giờ sau sự cố này ở trên trang nhất báo chí toàn cầu. Nhưng Fang thì chỉ quan tâm đến những laobaixing không bắt được xe bus.

Khoảng hai giờ sau, cái đêm 26 tháng 2 năm 1989 ấy, chúng tôi đi bộ đến cổng nhà riêng sứ quán Mỹ ở 17 đường Quanghua Bắc Kinh. Một số cảnh sát đã ở đó, họ bảo chúng tôi: “không có ai trong nhà”. Chúng tôi bỏ buổi tiệc nhưng vẫn phải về nhà. May sao chúng tôi gặp một nhà ngoại giao Canada tên David Horley và vợ ông ta đang đi dạo trong khu ngoại giao. Họ biết Fang Lizhi là ai và bèn mời chúng tôi về căn hộ của họ để ăn một chút, nghỉ và sử dụng điện thoại. Đến cổng toà nhà chung cư của Horley, một cảnh sát đòi biết căn cước khách mời. Horley bắt đầu giải thích về quyền của một nhà ngoại giao được mời bất kỳ ai mình muốn, nhưng những điều hay ho của luật quốc tế đều như nước đổ đầu vịt với các viên cảnh sát TQ. Fang chơi một kiểu khác. Ông rút thẻ căn cước TQ của mình ra, bước thẳng tới trước mặt viên cảnh sát, cầm chiếc thẻ bằng hai tay giơ trước ngực, dí tận cằm anh ta và nói bằng một giọng đanh thép, rõ ràng: “Fang… Li… Zhi!”

Thật bất ngờ. Tôi nghĩ việc này cũng làm viên cảnh sát bất ngờ, anh để chúng tôi vào mà không hạch hỏi gì nữa.

Tháng 5 năm 1989, khi các cuộc biểu tình sinh viên nổ ra trên đường phố Bắc Kinh đòi dân chủ, tôi có nghe khi một nhà báo phương Tây phỏng vấn Fang. Cuối cuộc phỏng vấn, nhà báo hỏi có cách nào để ông đưa tiếp các câu hỏi khi cần. Fang nói “có chứ” và cho số điện thoại của mình.

“Tôi nghe nói điện thoại của ông bị nghe lén”, nhà báo nói. “Có đúng không?”

“Tôi cho là thế”, Fang nhoẻn cười.

“Vậy có… phiền ông không?” nhà báo hỏi.

“Không. Nhiều năm rồi tôi cố gắng để họ nghe mình nói. Nếu đây là cách họ muốn nghe, thì hay quá!”

Vào buổi sáng cuộc thảm sát ngày 4 tháng 6 năm 1989, tôi đạp xe đến nhà một số người bạn ở Bắc Kinh để hỏi xem họ nghĩ gì và muốn giúp họ nếu họ thấy cần. Vợ của Fang ra mở cửa căn hộ cho tôi, bà run lên vì giận dữ: “Họ điên rồi! Họ điên thật rồi!” giọng bà khản đi. Fang ngồi ở bàn làm việc, vẫn giữ bình thản nhưng dường như cũng đang có cuộc tranh đấu trong lòng. Bạn bè ông đã điện thoại, giục hai vợ chồng trốn đi vì đã có lời đồn loan đi rằng họ là hai cái tên đứng đầu danh sách những kẻ chịu trách nhiệm về “cuộc nổi loạn phản cách mạng”. Nhưng Fang nói: “Đây là nhà tôi. Tôi chẳng làm gì sai. Tại sao tôi phải đi chứ?”

Vài giờ sau, bạn bè tiếp tục thúc giục, hai người mới dời nhà, nhưng những lời lẽ đáng ngạc nhiên của ông vẫn in trong tâm trí tôi. Trong một tình thế mà nỗi sợ, cơn giận dữ, hay sự bối rối chiếm lĩnh hầu hết mọi người, Fang vẫn giữ nguyên tắc của mình: Tôi có quyền ở trong nhà mình.

Khuya đêm 6 tháng 4 năm 1989, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ mời Fang Lizhi và Li Shuxian (vợ ông), vẫn còn trong cơn nguy hiểm cực độ, đến tị nạn tạm thời trong Sứ quán Hoa Kỳ. Mùa thu năm 1988, ở Bắc Kinh, tôi đã giới thiệu Fang với Robert Silvers, BTV tờ New York Review, sau đó ông đã in một bài viết của Fang vào đầu năm 1989. Trong thời gian Fang và Li trú tại Sứ quán – cuôí cùng đến hơn một năm – Silvers mời ông viết một bài khác và đề nghị tôi dịch. Khi bài viết đến tay tôi, tôi bất ngờ vì luận điểm của ông. Ông viết rằng phong trào dân chủ 1989 và cuộc thảm sát 4/6 sẽ bị sớm quên lãng ở TQ. Sao lại có thể thế? Những biến cố lan truyền khắp thế giới và tiếng dội của chúng còn nóng hổi. Có thể sớm bị lãng quên?

Nhưng Fang thấy rằng những đòi hỏi tự do đã nổi lên từ phong trào Trăm Hoa Đua Nở năm 1956, trong phong trào Dân chủ 1979, rồi lại đến 1989 – và mỗi lần những ngưòi chống đối lại bắt đầu từ đầu. Không nhóm người nào biết đến lịch sử chống đối của chính nước mình hay bước tiến mà những tiền bối của họ đã tạo nên. Đó là do Đảng Cộng sản TQ có một chương trình xoá sạch ký ức chống đối và chương trình đã có kết quả. Giờ đây họ lại áp dụng nó, và có vẻ nó lại kết quả. Thực tế là nhiều người trẻ TQ bâu giờ chỉ có những ý niệm mơ hồ về những gì đã xảy ra năm 1989. Và điều mà họ “biết” là một phiên bản bị bóp méo cao độ được chính quyền tài trợ. Fang đã đúng…

P. L.

(toàn văn bài viết tiếng Anh trên mạng nhân giỗ đầu Fang Lizhi: nybooks.com)

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

[1] Fang Lizhi (12/2/1936 – 6/4/ 2012), nhà vật lý thiên văn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Công nghệ TQ, đã khởi hứng cho phong trào dân chủ của sinh viên 1986-87 và sự kiện Thiên An Môn 1989. Bị khai trừ khỏi ĐCSTQ tháng 1 năm 1987.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn