Công ước UPOV và giống cây trồng

Tô Văn Trường

Một vị lãnh đạo đương nhiệm hỏi tôi về Công ước UPOV và  Công ước Liên Hiệp Quốc  về  Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho  các mục đích phi giao thông thủy 1997.

Trớ trêu là UPOV còn rất nhiều tranh cãi về lợi hại thì ta đã ký tham gia từ 2006, trong khi Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông 1997 rất có lợi cho ta là nước ở hạ lưu thì lại còn do dự chưa ký.

Để tìm hiểu thực chất về vấn đề nêu trên, tôi mới viết 2 bài:

1. Công ước UPOV và giống cây trồng.

2. Nguy cơ về giống cây trồng biến đổi gien

Xin gửi 2 bài viết kèm theo để anh chị và các bạn quan tâm tham khảo.

Tô Văn Trường

Công ước UPOV áp dụng với tất cả các loại giống cây trồng mới, trong đó có cây trồng biến đổi gen. Việt Nam đã tham gia Công ước UPOV (International Union for the Protection of New Varieties of Plants) về bảo hộ giống cây trồng hay còn gọi là phương pháp bảo vệ quyền tác giả đối với giống cây trồng từ ngày 24/12/2006.

Vụ kiện giữa Công ty Monsato và nhà nông ở Mỹ

Tác giả Steve Baragona (Thông tín viên VOA) trong bài báo gần đây với tiêu đề “Tòa án Tối cao ủng hộ Bản quyền hạt giống kỹ thuật sinh học” tường thuật lại vụ kiện giữa công ty hạt giống Monsanto và ông Vernon Hugh Bowman, một nhà nông ở Indiana đã để dành những cây con mọc từ hạt giống do công ty cải biến gien.

clip_image001

Ngô trồng từ hạt giống của công ty Monsanto trên một cánh đồng gần làng Badingen ở phía bắc Berlin, Đức

Hạt giống của các loại cây có đăng ký bản quyền cũng được bảo vệ quyền phát minh, và trồng lại những loại hạt này là vi phạm luật bảo vệ tài sản trí thức. Ðó là phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Những người ủng hộ tác quyền trí thức gọi quyết định này là một thắng lợi.

Phát ngôn viên Lee Quarles của công ty Monsanto nói rằng đó là một phán quyết chủ yếu cho công cuộc canh tân trong nông nghiệp. Các kỹ thuật nông nghiệp chỉ có thể có được nhờ những khoản đầu tư to lớn về phát triển nông nghiệp và những luật lệ về bản quyền giúp cho công cuộc đầu tư khả thi về kinh tế. Nhưng luật sư Mark Walters của ông Bowman cho rằng phán quyết đặt quá nhiều quyền kiểm soát vào tay một vài công ty hạt giống. Ông Walters nói thân chủ của ông không thể tìm ra được những loại hạt giống không được bảo vệ bản quyền trong khu vực của ông. Mặc dầu tòa án đã giải quyết vấn đề bảo vệ bản quyền hạt giống này, thì cuộc tranh luận vẫn tiếp tục về những điểm lợi và những điểm hại của các loại hạt giống có đăng ký bản quyền dùng cho việc sản xuất lương thực và phúc lợi của nhà nông.

Công ước UPOV đối với Việt Nam

Đọc bài viết nói trên cứ nghĩ đó là câu chuyện của Mỹ nhưng thật ra nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người nông dân và tương lai phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam.  Khi tôi còn đang làm nghiên cứu sinh ở Đại học Nông nghiệp Thụy Điển và Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh đã nghe nói nhiều về vấn đề bản quyền tác giả về giống cây trồng trong công ước UPOV và những hệ lụy của nó. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng gần đây, Việt Nam cũng đã chính thức ủng hộ thương mại hóa cây trồng biến đổi gen, trước mắt là đối với ngô, đậu tương, bông và cây lâm nghiệp.

Bàn về Công ước UPOV, dù các chuyên gia lão luyện trên trường quốc tế cũng khó có được sự phân tích lợi hại như phân tích màu trắng, màu đen, trong khi trên thực tế khung luật quốc tế như bảy sắc cầu vồng, nó lung linh đẹp đẽ, nó cao cả như những mong ước trong sáng nhất của con người. Công ước quốc tế là sản phẩm của trí tuệ của thế giới văn minh, nó làm cho thế giới tử tế hơn, hành xử nhân văn hơn, nó giúp loài người thoát ra khỏi sự ngu muội và cuồng tín, nó tạo ra khung luật pháp, mà chúng ta thường nói là cái ‘hành lang pháp lý’ nhằm dẫn dắt chúng ta theo một hướng nào đó thuận lợi cho đời sống, dễ hành xử trong những vướng mắc liên quan.

Tuy nhiên, không phải Công ước quốc tế nào khi ra đời cũng là một sản phẩm hoàn hảo. Cũng giống như tất cả các bộ luật từ xưa tới nay, nó được thực tế cuộc sống soi rọi, được cọ xát trong thực tế khi người ta đem ra sử dụng, rồi người ta phải rèn rũa thêm, chỉnh sửa thêm làm cho nó theo kịp với yêu cầu mà đời sống đặt ra.

clip_image002 clip_image003

Giống ngô lai của Việt Nam có năng suất tiềm năng đạt đến 10-12 tấn/ha

Việt Nam là một quốc gia có nguồn giống cây trồng đa dạng, đặc biệt là gạo và các loại rau. Nông dân Việt Nam nhìn chung phụ thuộc vào hạt giống được tái sử dụng hoặc được lưu giữ từ các vụ mùa trước, được lựa chọn và tạo giống trên nông trại, và được chia sẻ và trao đổi một cách không chính thức qua các thế hệ. Việt Nam có các viện nghiên cứu công năng động, sáng tạo đã phát triển các giống cải tiến và hiện đại đang được phân phối cho nông dân thông qua các kênh chính thức của Chính phủ. Cùng với các giống truyền thống và các giống do người nông dân tạo ra, các giống cải tiến và hiện đại do khu vực Nhà nước giới thiệu được nông dân sử dụng để lựa chọn và tạo giống trên nông trại, được lưu giữ và tái sử dụng, được chia sẻ và trao đổi tự do trên thị trường. Tuy nhiên, khi tham gia công ước UPOV việc lưu thông tự do và phát triển mạnh mẽ các nguồn gen cây trồng giữa các cộng đồng và các Viện nghiên cứu công đang bị đe doạ bởi các luật nghiêm ngặt về bảo hộ giống cây trồng, đặc biệt là các quy định theo Công ước UPOV. Kinh nghiệm của các nước đang phát triển chỉ ra rằng ngành sản xuất hạt giống sẽ bị độc quyền mạnh mẽ bởi các nước công nghiệp hoá và các công ty hạt giống đa quốc gia. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu việc thương mại hóa cây trồng biến đổi gen được cho phép trong khi quốc gia không chủ động được về giống.

Quan điểm của GRAIN

GRAIN (Tổ chức Hành động quốc tế vì nguồn gien), một tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động nhằm bảo tồn các nguồn gien) trong tập “Xung đột giữa thương mại toàn cầu và đa dạng sinh học” tập số 2, tháng 5/1998 đã đưa ra 10 lý do giải thích tại sao các nước đang phát triển không nên tham gia UPOV:

1. UPOV phủ nhận quyền của người nông dân cả theo nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng. Theo nghĩa hẹp, quyền được tự do để dành hạt giống từ vụ thu hoạch bị tước đoạt. Theo nghĩa rộng, UPOV không công nhận và không ủng hộ các quyền vốn có của các cộng đồng đối với nguồn đa dạng sinh học và đối với điều kiện cho phép để họ đổi mới, sáng tạo.

2. Các công ty ở phía Bắc (Bắc bán cầu) sẽ thâu tóm các hệ thống cung cấp giống cây ở phía Nam (Nam bán cầu). Không có quy tắc, chuẩn mực nào về chuyển giao công nghệ được hàm chứa trong cơ chế của UPOV, ngoại trừ hiệu quả cuối cùng là các công ty xuyên quốc gia ở phía Bắc (TNC) sẽ được phép đưa các giống cây ra thị trường ở phía Nam trong một môi trường pháp luật đã được điều chỉnh cho phù hợp với những tham vọng toàn cầu của họ. Các nhà chọn tạo giống của quốc gia và các công ty kinh doanh giống cây của nước sở tại sẽ bị các công ty nước ngoài mua lại.

3. Các công ty ở phía Bắc sẽ nắm quyền sở hữu nguồn đa dạng sinh học của phía Nam mà không phải chịu nghĩa vụ chia sẻ lợi nhuận. Trái ngược với Công ước về đa dạng sinh học (CBD), Công ước UPOV không quy định bất cứ sự chia sẻ lợi ích nào từ việc khai thác của phía Bắc đối với nguồn đa dạng sinh học ở phía Nam. Người nông dân ở phía Nam cuối cùng lại phải trả phí bản quyền cho chính hạt giống của họ đã bị giả mạo và đóng gói lại ở phương Bắc. Bằng cách này, phía Bắc sẽ nắm toàn quyền kiểm soát thương mại đối với nguồn gen cũng như những tri thức và nỗ lực của các cộng đồng đã vun đắp cho nguồn gen đó.

4. Các điều kiện bảo hộ của UPOV sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng xói mòn nguồn đa dạng sinh học. Điều này cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt tại những nước nghèo. Sẽ phải cần đến hoá chất và công nghệ gien để bù đắp cho khả năng dễ bị tổn thương của cây trồng, mà điều này lại vượt quá khả năng của người nông dân. Sự đồng nhất dẫn đến mất mùa và làm xấu thêm tình trạng mất an ninh lương thực.

5. Tư hữu hoá nguồn gien gây ảnh hưởng tiêu cực đối với công tác nghiên cứu. Các nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng ở Hoa Kỳ và một số nơi khác trên thế giới cho thấy có mối tương quan rõ ràng giữa luật bảo hộ giống cây trồng (PVP) với sự giảm sút thông tin và lưu chuyển mầm nguyên sinh (germplasm). Tương tự như vậy, các quy tắc của UPOV về “giống cây dẫn xuất” sẽ gây trở ngại cho người nghiên cứu vì các công ty xuyên quốc gia có thể doạ sẽ buộc tội ăn cắp bản quyền đối với các nhà nghiên cứu.

6. Các hoạt động nhằm giữ gìn đa dạng sinh học theo hệ thống đàm phán gia nhập – ví dụ như CBD và FAO – sẽ bị suy yếu. Luật sở hữu giống cây trồng công nhận quyền sở hữu tư nhân đối với các nguồn tài nguyên đáng nhẽ thuộc về chủ quyền quốc gia, mà nói chính xác hơn là thuộc chủ quyền của cộng đồng.

7. Tham gia UPOV có nghĩa là trở thành thành viên của một hệ thống ủng hộ ngày càng tăng quyền của các nhà tạo giống công nghiệp chống lại quyền của người nông dân và của các cộng đồng. Mỗi lần sửa đổi, UPOV lại càng mở rộng quyền của người tạo giống và thu hẹp quyền của người nông dân và lợi ích công cộng. Các nước đang phát triển sẽ bị buộc phải chấp nhận xu hướng này.

8. UPOV không phù hợp với TRIPS (Trade Related Aspects of Intellectual Property Rights), và mâu thuẫn với CBD. UPOV dành sự đối xử đặc biệt cho nhau giữa 37 nước thành viên. TRIPS yêu cầu sự ưu đãi tương tự phải được cùng chia sẻ giữa gần 150 nước thành viên. Một trong hai bên phải sửa đổi quy tắc của mình. Hơn thế nữa, CBD, với đầy đủ 170 nước thành viên, yêu cầu sự chia sẻ lợi ích mà UPOV không hề quy định. Hiện nay CBD đang đánh giá xem hệ thống quyền sở hữu trí tuệ chẳng hạn như PVP liệu có đi ngược lại với những mục tiêu của CBD hay không.

9. Điều 27.3(b) của TRIPS sẽ được xem xét lại vào năm 1999. Điều này có nghĩa là nghĩa vụ cấp bằng phát minh sáng chế hoặc một loại quyền riêng đối với giống cây trồng có thể được xoá bỏ trước khi các nước đang phát triển có nghĩa vụ phải thi hành quy định này. Cơ hội để xoá bỏ nghĩa vụ này là hợp pháp vô thời hạn.

10. Phần lợi nhuận lớn nhất sẽ chảy về phía Bắc. UPOV được thiết kế để phục vụ cho độc quyền trong việc tạo giống cây tập thể. Phần lớn kết quả tạo giống là dành cho các thị trường quốc tế. Mặc dù đã trải qua 35 năm kể từ Cách mạng xanh và Công ước UPOV, các nước phía Nam vẫn ở trong tình trạng mất an toàn lương thực. Tham gia một hệ thống thiên vị như UPOV sẽ đảm bảo rằng sự hội nhập của các nước phía Nam vào những thị trường do các nước phía Bắc kiểm soát sẽ gia tăng, nhưng không phải vì lợi ích của những người đói nghèo hôm nay[1].

Thay cho lời kết

Việt Nam chưa chủ động được các giống mới khi tham gia UPOV cho nên tiếng nói càng bị lép vế, vì thực tế chỉ là nước thực thi. Ngay các nước tiên tiến trên thế giới người dân cũng có tâm lý lo ngại giống cây trồng biến đổi gien tác hại đến sức khỏe con người và gia súc, vệ sinh an toàn thực phẩm mà con người sử dụng. Người dân nước ta cũng không quên Công ty giống đa quốc gia như Monsanto cũng chính là nơi sản xuất chất độc màu da cam gây ra biết bao tang tóc, đau thương cho nhiều thế hệ của dân tộc Việt Nam.

Căn cứ vào 10 điểm khuyến cáo của GRAIN nói ở trên và tình hình sản xuất thực tế ở Việt Nam, Nhà nước không nên hỗ trợ bằng chính sách cho các công ty xuyên quốc gia thương mại hóa giống cây trồng biến đổi gien ở Việt Nam. Đời sống của người nông dân quá bấp bênh, cần phải bảo vệ đa dạng sinh học giống cây trồng của Việt Nam. Bài toán “Trade- off” được và mất khi tham gia Công ước UPOV và tương lai phát triển nền nông nghiệp vững bền của Việt Nam vẫn là thách đố lớn đối với những người có trách nhiệm quản lý điều hành chính sách về nông nghiệp của đất nước.

T.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

[1] Ten reasons not to join UPOV. Global trade & biodiversity in conflict. Issue no. 2, May 1998. GAIA/GRAIN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn