TẢN MẠN BUỒN ƠI TA XIN CHÀO MI

Tô Văn Trường

Tháng 6 năm 2013 ở Việt Nam có nhiều sự kiện, điển hình như lần đầu tiên Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Theo thông lệ quốc tế người ta chỉ bỏ phiếu tín nhiệm khi bầu hay phê chuẩn còn khi đang đảm nhiệm chức vụ thì chỉ có bỏ phiếu bất tín nhiệm. Khách quan mà nói tuy là lần đầu tiên, song nhiều vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện được phần nào chính kiến của mình. Do hạn chế về tiêu chí bỏ phiếu ở 3 mức đều thuộc diện tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp nên kết quả cũng chỉ là tương đối. Công luận cho rằng cơ quan lập pháp (Quốc hội) lãnh đạo tập thể, không thể hiện rõ vai trò trách nhiệm cá nhân dù có bỏ phiếu kiểu gì cũng đạt mức tín nhiệm cao. Ngay ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có số phiếu tín nhiệm cao thuộc 4 Top đầu, nhưng nếu tôi nhớ không lầm khi còn ở cương vị Phó Thủ tướng thường trực năm 2008 ông được Quốc hội phê chuẩn với số phiếu chỉ đạt 58%. Lần này, kết quả số phiếu tín nhiệm thấp tập trung bên hành pháp, những người đang ngồi “ghế nóng” đứng mũi chịu sào về tình hình kinh tế xã hội đang suy thoái, nợ công, nợ xấu đáng báo động là điều dễ hiểu. Điều đó cũng đúng với câu truyền khẩu trong dân gian về quyền lợi và trách nhiệm giữa các cơ quan công quyền: ”Tiến về Bộ, thoái về Ban, lang thang cơ nhỡ mới về Quốc hội”!

Blogger

Khi tôi còn đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng kiêm Bí thư đảng ủy Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, nhà báo Đỗ Giang (Thông tấn xã VN) cùng với một số nhà báo của Tuổi trẻ, Lao động… chủ động đến trụ sở của Viện trao đổi một số vấn đề thời sự mà hai bên đều quan tâm. Họ nhắc đến bức thư của tôi gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về các bê bối của dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè do nhà thầu Trung Quốc thi công và các bất cập trong công tác đấu thầu dự án quốc tế đã được Thủ tướng quan tâm chỉ thị cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư cử đoàn vào TP.HCM thẩm tra, báo cáo Chính phủ. Ông Trưởng đoàn khi vào TPHCM cho người gọi điện mời tôi sang họp. Tôi trả lời, nếu cần thì sang Viện nơi tôi đang làm việc, vì mình không có trách nhiệm phải sang điều trần với đoàn. Khi đến Viện, Trưởng đoàn lại quan tâm đến nguồn cung cấp thông tin mà tôi biết (họ thừa hiểu chỉ có người trong nội bộ cung cấp vì ở trong chăn mới biết chăn có rận)! Nguyên tắc làm việc của tôi là không thể tiết lộ người cung cấp thông tin. Tôi bảo trách nhiệm của đoàn là xem các thông tin tôi phản ảnh đúng sai ra sao để viết báo cáo Thủ tướng chứ không phải là đi truy tìm ai là người cung cấp thông tin. Thực tế đã chứng minh các ý kiến phản ánh của tôi là hoàn toàn chính xác.

Nhiều bạn nhà báo hỏi tôi:“Anh có khả năng viết, được nhiều bạn đọc quan tâm vì sao không lập blog để trải lòng mình với công luận?” Tôi nghĩ không cần thiết lập blog riêng vì quỹ thời gian rất eo hẹp. Tôi có nguyên tắc khi viết không ngại “đụng chạm”, có chính kiến, chỉ nói và viết những điều mình nghĩ là đúng, là sự thật trên tinh thần xây dựng & phát triển của đất nước. Các bài viết được đăng trên các tờ báo chính thống của nhà nước (bản gốc thường post trên mạng xã hội) đó chính là blog của mình.

Công luận đang xôn xao về việc hai blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào bị bắt gần đây. Nếu theo nguyên tắc tố tụng của các nước văn minh thì nhà chức trách phải chứng minh được 2 nghi can (chưa phải là bị can) là có tội, sai ở những điểm gì, làm ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích về vật chất và tinh thần của tổ chức và người bị hại ra sao. Còn bản thân nghi can không có trách nhiệm phải chứng minh là mình vô tội.

Ở Liên Xô cũ có câu chuyên thế này: "Ở nước chúng tôi, quyền tự do ngôn luận được tôn trọng: Mọi người có thể thoải mái nói ra suy nghĩ của mình mà không bị bắt bất cứ điều gì”. Thực tế, sau đó thì không hẳn là như vậy.

Hiến pháp nước ta cũng quy định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật". Và sau đó là điều 258 của Bộ luật hình sự!

Tình hình kinh tế xã hội

Tình hình kinh tế đất nước 6 tháng đầu năm đã hiện rõ, cho dù thống  kê Nhà nước công bố số liệu ra sao nhưng điều chắc chắn là tệ hơn 2012, mà 2012 thì tăng trưởng của VN vào loại thấp so với các nước ASEAN. Liệu năm 2013 đã đến đáy của suy thoái?

Theo nhận xét của Mác thì nền kinh tế thị trường tư bản được dẫn dắt bởi các ngành ngân hàng, và tư bản tài chánh là "loại ăn bám" nhất trong các loại tư bản – bóc lột. Nhận xét ấy lột trần bản chất kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa, hay nói đúng hơn là kinh tế thị trường nói chung cho dù có gắn cho nó "màu sắc" hay "định hướng" gì đi nữa. Những nền kinh tế tiên phong của thế giời tư bản phát triển qua một thời gian đã tạo nên một nền công nghiệp ngày càng hiện đại, các nước đi sau như Hàn Quốc, Singapore hay như vùng lãnh thổ Đài Loan, Hồng Công của cuối thế kỷ XX cho ta thấy họ có công tạo ra những con rồng, những nền kinh tế công nghiệp hay dịch vụ tiên tiến đẳng cấp thế giới. Trụ cột làm nên điều thần kỳ đó theo công thức:

Nhà nước tam quyền phân lập + Tư bản tài chánh + tư bản sản xuất hàng hóa - dịch vụ = Công nghiệp hóa + Dân chủ hóa. Thời gian vàng cho tiến trình gian khổ đó khoảng 30 năm. Ai áp dụng công thức ấy, sau hơn 30 năm mà không ra mô hình công nghiệp hóa + Dân chủ hóa thì sẽ có "Cách mạng Màu - Mùi" như Li Bi, Syri, Ai cập... hoặc chìm trong nội chiến, ly khai, động loạn, đói rét triền miên như một số nước Châu Phi: Môdămbích, Ethiopia, Xômali...

Liên hệ về Việt Nam, cho dù ta nói kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng gần 30 năm qua, nhất là gần 10 năm gần đây, lỗi hệ thống chính trị như thế nào người dân đã rõ. Bởi thế, Đảng cầm quyền đã họp Hội nghị TW lần thứ tư bốc một toa thuốc mạnh như "Bạch hổ đầu thang" nhưng hình như là thuốc bồi dưỡng, càng làm cho con bệnh cười ngất!?

Một trong những "đặc điểm" quan trọng của nền kinh tế VN ta là khác với các nước Asean khác. Chúng ta phải chi trả rất lớn cho bộ máy của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội (cánh tay nối dài của Đảng) từ ngân sách. Vì lý do này nên giá cả hàng hóa của ta bị đội lên. Hiệu suất & hiệu quả làm việc của bộ máy công quyền thì giảm xuống bởi công chức thiếu động lực làm việc (do không có cách gì tăng lương được nên mãi mà không thực hiện được mục tiêu “công chức cơ bản sống bằng lương”). Nếu năng suất lao động của VN mà cao thì còn đỡ nhưng ngược lại năng suất của ta còn rất thấp nên các chi phí phi sản xuất đó làm yếu đáng kể khả năng cạnh tranh của hàng hóa VN và kéo tụt mức sống người lao động. Khi nào mà báo cáo Chính phủ nêu được điều đó thì mới thực sự nhìn vào căn nguyên của tình trạng tụt hậu hiện nay.

Đường bay vàng

TS Trần Đình Bá thường thông tin trao đổi với tôi về sáng kiến đường bay vàng. Ông thẳng thắn phê phán tư duy giáo điều, bảo thủ của ngành giao thông trên công luận. Một số đường bay trong nước đã điều chỉnh tuyến bay nhưng riêng tuyến Hà Nội - TP.HCM vẫn còn đang xem xét, nghiên cứu. Theo tôi hiểu, phép tính và đường vẽ của TS Trần Đình Bá là rất chuẩn xác, cũng phù hợp với tinh thần muốn tối ưu hóa đường bay nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí là mong muốn chung của Chính phủ. Tuy nhiên, khi tổ chức triển khai thực sự phải có thời gian thương thảo tôn trọng chủ quyền các quốc gia láng giềng, những tác động của nước thứ 3 bên ngoài khu vực đến quan điểm của quốc gia đó, những vùng chồng lấn biển dẫn đến những nội dung chưa thỏa thuận xong về bầu trời, những yếu tố liên quan đến an ninh quốc phòng chung và đảm bảo khả năng bảo vệ các chuyến bay qua bầu trời VN. Tôi tin rằng trong một ngày gần đây đường bay vàng sẽ trở thành hiện thực.

Dự án Bauxite có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào

Nhiều người hỏi về ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu ở Quốc hội công nhận dự án bauxite có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào, tôi không bình luận vì đã viêt bài “Lời cuối cho Bauxite Tây Nguyên”. TS Nguyễn Thành Sơn nhận xét mọi việc (trừ bauxite và Tài nguyên khoáng sản), Anh Hoàng Trung Hải xử lý có logic chung và theo lý trí của mình.

Riêng phát biểu lần này về bauxite cho thấy Anh Hải cũng chịu nhiều sức ép nên phát biểu thiếu quyết đoán (tinh thần trách nhiệm). Nhưng cũng thấy cái "khôn" là nhấn mạnh Bộ Công thương đã báo cáo với Quốc hội (đá bóng sang sân của Bộ Công thương). Không hiểu báo cáo của Bộ Công thương với Quốc hội như thế nào? Có còn "hùng hồn" và chính thống như báo cáo lần trước (2009) nữa không? Nói nếu quản lý không tốt sẽ đổ bể thì ai cũng nói được. Phải quản lý tốt là đúng rồi. Nhưng, vấn đề là quản lý như thế nào và làm thế nào để đảm bảo quản lý tốt được? Theo báo cáo của TKV, vốn đầu tư tăng 35 - 40% vừa qua rõ ràng là do quản lý kém rồi (làm cho IDC tăng lên là chủ yếu). Mô hình "chủ đầu tư tự tổ chức quản lý dự án" như vừa qua của TKV là vi phạm qui định của Nhà nước. Ban quản lý dự án không có chuyên môn về bauxite nhưng TKV lại không thực hiện theo mô hình "thuê tư vấn quản lý dự án".

Điều đáng ngại hơn là hình như TKV và Bộ Công thương chỉ muốn cố tình làm bằng mọi giá, mặc dù đã biết lỗ nhiều hơn và rủi ro thị trường còn lớn. Không thấy cơ quan có trách nhiệm nào có nhã ý xem xét lại một cách bài bản (từ công tác quy hoạch đến việc quản lý triển khai dự án). Tiếng nói của VUSTA cũng rất hạn chế. Trong tình trạng của cả hai dự án bauxite như hiện nay, để người dân và Quốc hội yên tâm, tối thiểu Chính phủ cũng nên xem xét phương án trung gian (dừng lại 1, làm tiếp 1) thì mới là thể hiện trách nhiệm, có tiếp thu các ý kiến phản biện, có tin tưởng vào chủ đầu tư (TKV) và cơ quan tham mưu quản lý (Bộ Công thương). Nhắc đến các dự án bauxite, mà không thấy ai trong cuộc nhắc đến Thông báo 245-TB/TW ngày 24/4/2009 của Bộ Chính trị là chưa nghiêm túc, chưa thể hiện sự lãnh đạo toàn diện của Đảng về một vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội. Tại hội thảo ngày 9/5/2013 ở VUSTA, đại diện Bộ Công Thương (anh Nguyễn Mạnh Quân) nói sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về Quy hoạch bauxite. Quy hoạch bauxite còn chưa đâu vào đâu thì xin ý kiến cái nỗi gì? Trong khi 2 dự án thử nghiệm thì đang rõ ràng là thua lỗ và tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân đang được khai thác để gần như biếu không cho nước ngoài (thuế xuất khẩu = 0%).

Buồn ơi ta xin chào mi

Đi nhiều nơi, tiếp xúc với người dân, nhất là tầng lớp lao động, nông dân phần lớn đều nghèo khổ. Thanh Hóa hầu như năm nào cũng cứu đói trong khi Đồng bằng sông Cửu Long vựa lúa, nền tảng nông nghiệp của cả nước có nguy cơ “đổ vỡ” vì liên tục mất giá, cả về giá lúa và thủy sản. Từ dự án bauxite lại buồn lo, nhìn thấy rõ sự phiêu lưu, lãng phí của dự án cảng tỷ đô Lạch Huyện, Hải Phòng.

Mỗi khi bạn hữu có dịp gặp nhau hàn huyên, lòng nặng trĩu, nhớ thương những người bạn, người thân đã hy sinh trên chiến trường để mong có cuộc sống tốt đẹp hơn cho người ở lại. Tâm trạng đã buồn lại nghe những lời tâm sự làm gì có ai dám sống thẳng lưng mà nhìn vào lương tâm một cách ngay ngắn để hiểu thế nào lòng tự trọng để đòi quyền tự tôn. Rồi cũng tự an ủi sức mạnh nội tâm khi nhuần nhuyễn trí, nhân, dũng sẽ tạo hiệu ứng công lực mạnh nhất và chính xác nhất khi mình gặp kẻ dữ đe doạ.

Thông tin vỡ đập thủy điện Krel 2 ở Gia Lai có tuổi thọ công trình 45 năm nhưng chưa hoạt động đã vỡ gây bức xúc trong công luận. Đây không phải là lần đầu tiên vỡ đập thủy điện, thủy lợi ở nước ta. Cách đây khoảng 3 năm, khi thấy các bất cập về tình trạng phát triển thủy điện vừa và nhỏ, tôi đã gửi mail cho Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải qua bài viết “Loạn thủy điện”. Chỉ sau khoảng 1 tiếng, Phó Thủ tướng đã trực tiếp trả lời rất chi tiết quan điểm đồng tình của ông, cách xử lý và nói rõ sẽ đưa ra bàn ở Thường trực Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị.

Cơ chế và hệ thống phân cấp quản lý công tác quy hoạch thủy điện và nhìn xa hơn là quản lý tài nguyên nước ở nước ta có nhiều vấn đề bất cập. Có lần tôi trực tiếp phân tích, nói thẳng với ông Võ Văn Kiệt “Việc sát nhập thủy lợi vào ngành nông nghiệp là sai lầm”. Lắng nghe, suy ngẫm, mấy hôm sau ông gọi điện cho tôi nói một số ý chính để thảo bức thư cho ông ký gửi Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông đích thân sửa vào bản thảo thêm chữ thành lập Tổng cục Thủy lợi MẠNH . Thủ tướng Phan Văn Khải có bút phê chuyển tiếp thư của ông Sáu Dân cho Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát để nghiên cứu trả lời. Thực tế sau đó, người ta cũng thành lập Tổng cục Thủy lợi nhưng lại làm cho nó yếu đi chứ không phải mạnh lên như ông Sáu mong muốn.

Người bạn, tình cờ xem một đoạn ngắn trên tivi về một cuộc hội thảo về nguồn nước kể lại tổng kết của hội thảo là mấy câu quan trọng, mỗi một câu được thể hiện bằng hoạt hình trên nền ảnh phông cảnh bắt mắt đại ý: Nguồn nước chảy không theo biên giới địa lý. Nguồn nước xuất phát từ lưu vực sông. Quản lý nguồn nước phải là tổ chức quản lý từng lưu vực sông. Cuối cùng người phát thanh viên đọc câu này để kết thúc chương trình: “Quản lý nguồn nước theo lưu vực sông là một vấn đề rất mới, chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu để hiểu biết thêm mới có thể thực hiện được vấn đề này trong tương lai (có nghĩa là bây giờ không biết gì cả và chưa làm gì cả)!”.

Trời đất ơi, nghe  xong có cảm giác hơi choáng và buồn. Bộ Tài nguyên & Môi trường chịu trách nhiệm quản lý tài nguyên nước nhưng dấu ấn để lại trong công luận là “Bộ Tài-Moi” có nghĩa là chỉ cần chức năng nhiệm vụ, để lấy kinh phí đầu vào rồi hầu hết nội dung công việc lại đi thuê những người gốc thủy lợi đang làm việc ở Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thực hiện. Chuyện “rơi vãi” hay “ lại quả” khỏi phải bàn vì là câu chuyện hàng ngày ở Huyện của đất nước ta chứ không phải của riêng ngành nào.

Ngẫm suy chỉ vì không dựa trên mối quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo, người ta đã và đang chôn vùi nhiều di sản trí tuệ của bao nhiêu thế hệ trong ngành thủy lợi (từ thời phong kiến, sang thời Pháp và tới thời dân chủ cộng hòa và thời XHCN). Vụ núi lửa Pompei xảy ra cách đây hơn 2 ngàn năm, chôn vùi một nền văn minh trong nháy mắt, khai quật lên người ta mới biết xã hội lúc đó đã phát triển cao. Từng là đô thị sầm uất, Pompei từ đó biến thành sa mạc. Ngày nay nhờ khoa học khảo cổ học mới phát hiện ra rằng thời đó người ta đã có nghệ thuật, có trang trí mỹ thuật, có quy hoạch đô thị, có cấp nước sinh hoạt và cấp nước tưới tiêu. Những điều người ta đang nói khơi khơi trên truyền thông bây giờ làm những người hiểu biết trong ngành thủy lợi cảm thấy như chính mình đang vô vọng bước đi trên sa mạc Pompei.

Thay cho lời kết

Là người làm công tác khoa học kỹ thuật, đam mê viết báo, nhân sắp đến ngày nhà báo Việt Nam 21/6 xin chúc các nhà báo “chân cứng đá mềm” và luôn nhớ rằng quyền tiếp cận thông tin không thể tách rời quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, quyền lập hội. Nếu các quyền này bị không chế bởi "mũ kim cô" như hiện nay thì lấy đâu ra thông tin để tiếp cận? Tiếp cận rồi thì bày tỏ ý kiến và thái độ ở đâu nếu không được tự do ngôn luận, nếu không có hội để trao đổi và cất tiếng nói chung chia sẻ với bạn đọc? Một nỗi buồn man mác chợt đến, một sự thật không thể phủ nhận, đó là chưa có bao giờ người dân lại coi thường lãnh đạo như ngày nay.

Nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của ông Sáu Dân đọc bài “Một nén hương thành kính” của nhà thơ Việt Phương và bài “Khoảnh khắc 5 năm” của học giả Tương Lai lại thấy buồn và trống vắng. Tôi nhớ mãi kỷ niệm chuyến đi Hà Lan với ông Sáu Dân năm 2008 (đã đặt vé máy bay) để học hỏi kinh nghiệm “giữ đất” phòng tránh thiên tai, giờ chót không thành do ông bị cơn bạo bệnh để rồi đi xa mãi mãi. Nhớ về ông, tôi viết bài “Lỡ chuyên đi xa” kỷ niệm 49 ngày mất của ông Sáu đã đăng trên báo Sài Gòn giải phóng.

Xin mượn lời nhà thơ Việt Phương để kết thúc cho bài viết Tản mạn này: “Sáu Dân có đức tính lắng nghe và biết chọn, có đòi hỏi tự thân được chia sẻ, trao gửi việc làm và tâm tình với đồng bào, đồng chí, có khả năng cảm thông với mọi tầng lớp, mọi con người. Trong đời mình, càng về sau càng nổi bật, Sáu Dân coi trọng báo chí, đỡ đầu, hướng dẫn, khi cần thì bênh vực, che chắn cho những tờ báo, những nhà báo chân chính, dũng cảm, sáng tạo, và bản thân Sáu Dân là một nhà báo viết nhiều, viết cẩn trọng, đầy trách nhiệm, không chỉ viết bằng mực mà viết bằng máu, bằng tâm huyết của mình. Sáu Dân có một chất người, một nhân cách phong phú, nhiều chiều cạnh, yêu sống, biết sống và dám sống, nhưng thiếu điều kiện, cả điều kiện bên ngoài và điều kiện bản thân, để phát huy mình đích đáng hơn nữa. Đối với tôi, Sáu Dân là một người anh lớn, một người bạn thân, mà bài học và kỷ niệm sống thấm thía trong tôi qua từng đoạn đường đời, qua mọi vui buồn của cuộc sống. Nếu chỉ nói một câu về Sáu Dân, thì tôi xin nói rằng: Cầu mong và tin tưởng dân tộc ta có những con người, có những người cầm quyền có đức, có tài, tốt và đẹp như Sáu Dân”.

T.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn