Việt Nam phải làm gì sau hai cuộc hội đàm thượng đỉnh Việt-Trung và Việt-Mỹ (Kỳ 2)

Lê Xuân Khoa

QUAN HỆ VIỆT NAM-HOA KỲ

Chuyến công du Trung Quốc tháng Sáu 2013 của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, do lời “mời” của Chủ tịch Tập Cận Bình đã rõ ràng là một chuyến đi bất đắc dĩ, với kết quả là Hà Nôi bị ép phải cam kết “nhất trí” với Bắc Kinh trên mọi lĩnh vực hợp tác, song phương và đa phương. Dù khác với chuyến “mật du” sang Thảnh Đô năm 1990 của các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng, nỗi đau “bị ép” của Bộ Chính trị Việt Nam ngày nay không khác gì nỗi đau “bị lừa” của Bộ Chính trị Việt Nam ngày trước. Bởi thế, Bộ Ngoại giao Việt Nam lại phải vội vã thu xếp chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch Trương Tấn Sang vào tháng Bảy để cùng với Tổng thống Obama bàn việc gia tăng quan hệ hợp tác giữa Washington và Hà Nội.

Khác với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là “hợp tác chiến lược toàn diện”, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ được xác lập là “đối tác toàn diện.” (đã được định nghiã rõ ở đầu phần 1). Đây là kết quả của một tiến trình hoà giải giữa hai kẻ cựu thù nay có một số mục tiêu chung về an ninh, hoà bình và phát triển, cần có sự hợp tác để đôi bên cùng có lợi. Do quá khứ chiến tranh và thể chế khác nhau, Việt Nam còn nhiều thành kiến và nghi ngờ sai lầm về chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Ai cũng biết lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ là củng cố vai trò “cường quốc Thái Bình Dương” của mỉnh, vì vậy muốn có sự hợp tác của các nước ASEAN để cùng ngăn chặn tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong khu vực. Việt Nam, vì có một vị trí chiến lược quan trọng và một lịch sử lâu dài đánh bại mọi chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, nên Hoa Kỳ càng mong muốn thấy Việt Nam thoát ra khỏi vòng khống chế của Trung Quốc. Cũng vì hiểu được những nỗi khó khăn, tế nhị của Hà Nội trong quan hệ với Bắc Kinh từ 1990 nên Hoa Kỳ đã kiên nhẫn hợp tác và giúp đỡ Việt Nam một cách chừng mực trong suốt 18 năm qua.

Cũng trong quá trình 18 năm quan hệ hợp tác nhiều mặt với Hoa Kỳ, dù chưa mang tính chiến lược, lãnh đạo Việt Nam đã có thừa hiểu biết để so sánh Hoa Kỳ và Trung Quốc về mặt lợi ích cho đất nước. Tuy nhiên, dù đã có sự đồng thuận về chuyển hướng đối ngoại, lãnh đạo Đảng vẫn chưa sẵn sàng cải cách về chính trị. Chuyến đi Washington của Chủ tịch Trương Tấn Sang có mục đích chính là xác nhận với Hoa Kỳ về ý định “thoát Trung” của Việt Nam. Về cải cách chính trị, có lẽ ông Sang trong buổi thảo luận riêng với ông Obama đã có một món quà nhỏ về nhân quyền, sẽ công bố vào một ngày thuận tiện gần nhất (2/9/2013?). Ông Obama chắc cũng đã nêu lên trường hợp của blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đang tuyệt thực vì năm ngoái ông đã lên tiếng phản đối bản án 12 năm của toà án Việt Nam xử Điếu Cày, và có thể ông Sang cũng đã hứa là sẽ giải quyết vụ này. Với những “tiến bộ” ấy, Chủ tịch Sang hi vọng chính quyền Obama đủ thấy vừa lòng để phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, nhất là hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Dưới đây là sự phân tích bản TBC Việt- Mỹ và những nhận định về quan hệ đối tác và hợp tác giữa hai nước. Vì đây mới chỉ là thoả thuận về một khuôn khổ tổng thể nhằm tạo ra các cơ chế hợp tác quy mô và bền vững cho chín lĩnh vực, nên không có gì nhiều để phân tích và nhận xét. Ngoài ra, do tính chất sòng phẳng và minh bạch trong quan hệ đối tác Việt-Mỹ, TBC Việt-Mỹ không có những cam kết một chiều hay những cái bẫy như trong TBC Việt-Trung. Vì hai lý do này, khi phân tích TBC Việt-Mỹ, tôi sẽ đối chiếu với TBC Việt-Trung, để từ đó rút ra những nhận định và đề nghị về những điều Việt Nam cần phải làm để có thể bảo vệ độc lập và chủ quyền, xây dựng một nước Việt Nam giàu, mạnh, dân chủ, văn minh.

Quan hệ bình đẳng và minh bạch

TBC Việt-Mỹ khẳng định quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước được thiết lập trên cơ sở “tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.” Có hai điều đặc biệt thuận lợi cho Việt Nam:

· Điều quan trọng nhất đối với Việt Nam là được Hoa Kỳ nhìn nhận và tôn trọng thể chế chính trị của mình. Đây là lần đầu tiên điều này được Hoa Kỳ xác nhận trên một văn kiện chính thức, nhằm giải toả nỗi nghi ngại của Việt Nam là sẽ bị Hoa Kỳ lật đổ. Điều này cũng chứng tỏ là Hoa Kỳ không quan tâm đến thể chế của một quốc gia đối tác, mà chỉ thật sự quan tâm về mức độ tôn trọng nhân quyền của dối tác ấy. Đây là một lĩnh vực còn có “nhiểu khác biệt” (theo Chủ tịch Sang), “nhiều thử thách” (theo Thủ tướng Obama), nhưng hai bên sẽ tiếp tục đối thoại nhằm “thu hẹp khác biệt.”

· Điều thuận lợi thứ nhì cho Việt Nam là được Hoa Kỳ tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Bản TBC Việt-Trung không hề nhắc đến điều này. Như vậy, đây chính là cái thông điệp mà Việt Nam muốn cùng Hoa Kỳ gửi cho Trung Quốc. Cũng cần nhận xét thêm ở đây là trong quan hệ đối tác Việt-Mỹ cũng như giữa mọi quốc gia tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau, không thể có những cơ chế can dự vào chính sách của nhau như Ủy ban Chỉ đạo song phương hay Hội thảo Lý luận Đảng, chỉ có giữa Trung Quốc và Việt Nam.

TBC cho biết trong “giai đoạn mới” của quan hệ song phương Việt-Mỹ, “(Q)uan hệ đối tác toàn diện mới sẽ tạo ra các cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực.” Cụ thể đây là chín lĩnh vực đã có quan hệ đối tác trong đó phần lớn cũng đã có ít nhiều hợp tác nhưng chưa có cơ chế quy mô và bền vững, gồm có: Hợp tác chính trị và ngoại giao, Quan hệ kinh tế và thương mại, Hợp tác khoa học và công nghệ, Hợp tác giào dục, Môi trường và y tế, Các vấn đề hậu quả chiến tranh, Quốc phòng và an ninh, Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Văn hóa, du lịch và thể thao. Tất cả chín lĩnh vực này đều có lợi cho Việt Nam rất nhiều (ngay cả lĩnh vực nhân quyền) khi đã có cơ chế hợp tác. Riêng hai lĩnh vực dưới đây có một số điểm mới đáng lưu ý trong quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ.

Chính trị và ngoại giao:

TBC cho hay “(H)ai nhà Lãnh đạo hoan nghênh việc thiết lập cơ chế đối thoại thường kỳ giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao và khuyến khích các cuộc đối thoại và trao đổi giữa các cơ quan liên kết với các đảng phái chính trị của hai nước.” [Phần sau của câu này trong bản gốc tiếng Anh là “…encouraged dialogues and exchanges between entities associated with political parties in both countries” đã được dịch như sau trong bản dịch chính thức: “…khuyến khích các cuộc đối thoại và trao đổi giữa các cơ quan đảng của hai nước.” Dịch như vậy là không đúng với ý nghĩa trong câu tiếng Anh, do thói quen nghĩ đến quan hệ giữa các cơ quan đảng của Việt Nam và Trung Quốc. Thật ra, câu tiếng Anh ở đây muốn nói đến những cuộc đối thoại, trao đổi giữa các cơ quan đầu não trong đảng CS Việt Nam với những cơ cấu hay định chế liên kết với hai đảng Cộng hoà và Dân chủ ở Hoa Kỳ, trong hay ngoài chính quyền, chẳng hạn các Uỷ ban trong Quốc hội hay các think tanks hoạt động độc lập.]

Những cuộc đối thoại đều đặn giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao, giữa Quốc hội hai nước và giữa những ban ngành chủ đạo trong đảng CSVN và những tổ chức có uy tín liên kết với hai đảng chính trị lớn của Mỹ chắc chắn sẽ gia tăng hiểu biết giữa đôi bên, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực càng ngày càng sâu sắc và đầy đủ hơn. Đó là tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo và những ngưới làm chính sách.

Kinh tế và thương mại:

Lĩnh vực này được TBC tập trung vào TPP đang còn trong vòng đàm phán giữa 12 quốc gia, được dự tính kết thúc ở vòng thứ 19 sẽ diễn ra tại Brunei vào ngày 24 tháng Tám 2013. Trong số 10 quốc gia ASEAN, cho đến nay, mới chỉ có Singapore là một trong bốn thành viên chính thức của TPP và Việt Nam là thành viên đàm phán. Bốn nước ASEAN khác có thể sẽ gia nhập TPP là Thái Lan, Lào, Philippines và Indonesia. Trung Quốc không được mời tham gia.

Nếu TPP được kết thúc vào đầu tháng Chín 2013 thì những vướng mắc còn lại về thuế quan và tiếp cận thị trường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ phải được giải quyết mau chóng, dù cho ngày hiệu lực của TPP đối với mỗi nước thành viên tuỳ theo thời gian hoàn tất thủ tục chấp thuận của mỗi nước. Khi Việt Nam và Hoa Kỳ đã giải quyết xong những vấn đề riêng trước cuối năm, Tổng thống Obama có thể yêu cầu Quốc hội tái áp dụng “đường tốc hành” tức thể thức nhanh về thẩm quyền thúc đẩy thương mại của chính phủ (“fast-track” Trade Promotion Authority) trong Đạo luật vể Thưong mại 1974. Nếu Quốc hội đồng ý thì Dự luật về thi hành TPP sẽ được Quốc hội thông qua trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận Dự luật của Hành pháp.

Mặc dù TPP bị tranh cãi và chống đối bởi nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Việt Nam sẽ được hưởng nhiều thuận lợi về hàng hoá dịch vụ và gia tăng việc làm khi tiếp cận thị trường các nước đối tác, nhất là Hoa Kỳ, vì được cắt giảm thuế quan có thể xuống mức số 0 và bãi bỏ các điều kiện đối với đầu tư dịch vụ. Tất nhiên, khi ký TPP, Việt Nam cũng phải chấp thuận mở rộng thị trường của mình cho hàng hoá dịch vụ nước ngoài, nhưng đó chính là thử thách và cơ hội để Việt Nam cải thiện chất lượng hàng hoá sản xuất, làm tốt hơn vấn đề bảo vệ môi trường và bảo vệ người lao động nội địa.

Két quả tích cực đáng lưu ý trong chuyến đi này là một số thoả thuận đã được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hoa Kỳ, giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Công ty Exxon Mobil, giữa Tổng Công ty thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty dầu khí Murphy. Những thoả thuận này, dù còn sơ khởi, đã khẳng định chủ quyền biển của Việt Nam đối với “đường chín đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò”) do Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông, phù hợp với câu trả lời chắc nịch của Chủ tịch Trương Tấn Sang khi được hỏi về vấn đề này trong buổi nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cưú Chiến lược và Quốc tế (CSIS): Chúng tôi luôn luôn phản đối ‘đường chín đoạn’ do Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền vì chúng tôi không thấy có cơ sở pháp lý hay kỹ thuật nào cho sự đòi hỏi ấy. Lập trường trước sau như một của chúng tôi là chống lại ‘đường chin đoạn’ mà Trung Quốc đòi hỏi.

Thành công hay thất bại?

Đã có nhiều đánh giá khác nhau ở trong và ngoài nước về chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch Trương Tấn Sang tùy theo lập trường chính trị chống đối hay ủng hộ chính quyền, nhưng cũng có một số người phân tích sự kiện một cách khách quan, dù không tránh khỏi thiếu sót hay sai lầm vì không có thông tin về những văn bản còn giữ kín hay về những vấn đề được hai bên thảo luận riêng. Tôi nghĩ rằng tôi thuộc về nhóm thứ hai này. Dù sao chăng nữa, những nhận định và đề nghị trong bài này đều không vì một mục tiêu cá nhân nào mà xuất phát từ mối quan tâm chung cuả những người còn mang dòng máu Việt trước tình trạng sống còn của đất nước và dân tộc. Tôi thành thật tin rằng những quan điểm và cách tiếp cận khác nhau sẽ hỗ trợ cho nhau nếu cùng nhắm vào mục tiêu chung là bảo vệ độc lập, chù quyền của tổ quốc và xây dựng một nước Việt Nam giàu, mạnh và dân chủ. Trên căn bản đó, tôi sẽ thẳng thắn trình bày những suy nghĩ của tôi về chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và về những hành động mà chính phủ Việt Nam cần phải làm để có lợi ích cho đất nước, đúng với ý nguyện của toàn dân.

Trước hết, chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch Trương Tấn Sang có thể được đánh giá là thành công vì, dù còn hạn chế, đã đem lại cho Việt Nam một số kết quả tích cực, so với những kết quả của chuyến công du Trung Quốc bất lợi và nguy hiểm cho Việt Nam. Dưới đây là mười điểm đối chiếu giữa hai bản TBC:

1. Hoa Kỳ xác nhận tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong TBC Việt Nam-Trung Quốc, không có một câu nào nói đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

2. Hoa Kỳ và Việt Nam cùng xác nhận tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế. Đây là cơ sở bình đẳng của quan hệ song phương, khác với những cam kết chỉ áp dụng cho Việt Nam qua phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, do Trung Quốc áp đặt.

3. Hoa Kỳ và Việt Nam mở một giai đoạn mới của quan hệ song phương bằng việc thiết lập những cơ chế cho sự hợp tác quy mô và bền vững trên mọi lĩnh vực. Trung Quốc ký với Việt Nam một Chương trình chủ đạo và chín văn kiện hợp tác trong đó, như đã phân tích ở phần đầu, có nhiều điểm đáng nghi ngờ và nhiều cái bẫy rất nguy hiểm.

4. Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam và các nước ASEAN thảo luận với Trung Quốc về việc sớm hoàn tất bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Trung Quốc chỉ nói đến bản Tuyên bố về Ứng xử (DOC) mà không nói gì về COC.

5. Hoa Kỳ muốn Việt Nam kết thúc việc gia nhập TPP trước cuối năm nay. Nếu mọi chuyện diễn ra như dự liệu, Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích giúp cho các hoạt động sản xuất và kim ngạch thương mại gia tăng mau chóng. Những bản thoả thuận Việt-Nam ký với Trung Quốc như Quy hoạch phát triển 5 năm, các Dự án hợp tác trọng điểm và hợp tác khu vực “hai hành lang, một vành đai” đều được giữ kín, không biết Việt Nam bị những thiệt hại gì.

6. Việt Nam ký thoả thuận với Trung Quốc mở rộng diện tích khu vực và kéo dài thời hạn hợp tác thăm dò dầu khí ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, gồm có hoạt động thăm dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định (mà Việt Nam đã chịu thiệt), khó có thể là một thoả thuận công bằng, minh bạch so với những hợp đồng mà Việt Nam ký với những công ty dầu khí Mỹ và Ấn Độ.

7. Trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo và giao lưu văn hóa, những hoạt động hợp tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân tài, chuyển giao công nghệ giữa Trung Quốc và Việt Nam chắc chắn không thể so sánh về số lượng và chất lượng với những hoạt động tương tự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Về giao lưu văn hoá thì khỏi phải nói, ai cũng thấy rõ hoạt động này chỉ có lợi cho mưu đồ Hán hoá của Trung Quốc. Hoa Kỷ tất nhiên cũng có mục đích quảng cáo cho các giá trị văn học, nghệ thuật của mình trong các chương trình trao đổi văn hoá với Việt Nam cũng như với bất cứ nước nào khác, nhưng không có mục đích đồng hoá một dân tộc nào. Ảnh hưởng của Hoa Kỳ, nếu có, là do sự chọn lọc và thâu thái tự do của mỗi dân tộc.

8. Hoa Kỳ không có chủ trương đưa người lao động đi theo các dự án thực hiện ở Việt Nam như Trung Quốc. Số người lao động có gia đình hay độc thân được cấp giấy phép và số người nhập cảnh lậu từ Trung Quốc tiếp tục gia tăng, nay lại được TBC Việt-Trung làm cho dễ dàng hơn trong việc “cải thiện điều kiện và nâng cao hiệu quả thông hành cho người, hàng hoá, phương tiện qua cửa khẩu nhằm phục vụ việc qua lại và phát triển kinh tế-thương mại giữa hai nước” và nhấn mạnh là “đặc biệt làm dễ dàng việc qua lại tự do giữa đôi bên.” Những di dân mới người Hoa đã thành lập cộng đồng, thậm chí “làng” của họ, tại nhiều tỉnh ở Việt Nam. Ai dám bảo rằng đây không phải là bằng chứng xâm lược bằng quyền lực mềm của Trung Quốc?

9. Hoa Kỳ có dự án “Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong” (LMI) giúp đỡ cho năm quốc gia ở hạ lưu sông Mekong giải quyết những vấn đề về môi trường, sức khoẻ, giáo dục và phát triển hạ tầng, do hệ quả của 14 con đập thuỷ điện mà Trung Quốc đã và đang xây cất ở thượng nguồn nhằm kiểm soát đời sống những nước ở hạ lưu. Đồng bằng sông Cửu long ở cuối nguồn, vựa lúa nuôi sống cả nước và xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới phải chịu nhiều hậu quả tai hại nhất.

10. Trong những cuộc đối thoại thường kỳ với những nhân vật cao cấp của Việt Nam, Hoa Kỳ không bao giờ nghĩ đến việc cần phải có những cơ quan hay cơ chế can dự vào chính sách nội bộ của nhau như Ủy ban Chỉ đạo song phương hay Hội thảo Lý luận giữa các đảng chính trị của hai nước, như Trung Quốc đã lập ra với Việt Nam.

Tóm lại, quan hệ đối tác toàn diện đang phát triển giữa Hoa Kỳ và Việt Nam rõ ràng là quan hệ hợp tác bình đẳng phù hợp với lợi ích quốc gia của mỗi nước và luật pháp quốc tế, trái hẳn với quan hệ bất bình đẳng và sự kiểm soát một chiều giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hoa Kỳ đã chính thức khẳng định tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy là, với chủ nghĩa thực dụng, Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với bất cứ chế độ chính trị nào nhưng không thể chấp nhận hay ủng hộ những vi phạm về quyền con người của chế độ ấy. Nhân quyền, cơ sở thiêng liêng của Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ (được nhấn mạnh trong lời mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam năm 1945) đã thấm vào máu của người dân Hoa Kỳ, hoặc nói như Phó Tổng thống Joseph Biden, “đã đóng triện vào DNA của chúng tôi.” Thực tế thì nhân quyền cũng đã trở thành một giá trị cơ bản và phổ quát của tất cả những nước văn minh trên thế giới.

Mặt khác, Trung Quốc đang phải đối diện với một số vấn đề nghiêm trọng mà chính quyền Tập Cận Bình đã phải báo động và tìm cách giải quyết. Sau 30 năm làm giàu mau chóng vì trở thành “công xưởng của thế giới” nhờ nhân công rẻ, hàng hoá xuất cảng đã giảm sút nhiều từ ba năm qua. Tỉ số tăng trưởng kinh tế ở mức 10.4 năm 2010 đã giảm xuống 9.3 năm 2011 và 7.8 năm 2012. Chính quyền đang cố gắng gia tăng sức tiêu thụ trên thị trường nội địa nhưng không dễ dàng. Các chuyên gia kinh tế cho biết nếu tỉ số tăng trưởng xuống tới mức 7.0 và thấp hơn thì sẽ tạo ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trên các lĩnh vực khác. Trong khi đó, kinh tế Hoa Kỳ đang trên đà phục hồi, chậm nhưng vững chắc. Theo Phó Tổng thống Joe Biden, số việc làm tăng đều trong 40 tháng qua; từ 800.000 việc làm bị mất mỗi tháng hồi đầu năm 2008 đến gia tăng trung bình 200.000 việc mỗi tháng trong năm 2013. Chỉ riêng về công nghệ, 500.000 công việc nhà máy đã được tạo ra nhờ một số công ty sản xuất công nghệ cao đã trở về Hoa Kỳ từ Trung Quốc và những nơi khác. Ở Trung Quốc, ngoài sự giảm sút về kinh tế, các vấn đề tham nhũng, y tế, môi trường, lao động và bất công xã hội đều ở mức rất đáng lo ngại. Khác với hiện tượng bong bóng về thị trường địa ốc ở Trung Quốc, thị trường địa ốc ở Hoa Kỳ đã ổn định sau cuôc Đại Suy thoái trước 2008. Mười bảy ngàn tỉ USD về lợi tức gia đình bị mất đi nay đã lấy lại được đầy đủ. Tình trạng xây cất và sở hữu nhà đất của người dân Mỹ cũng đã gia tăng trở lại.

Nếu lãnh đạo Việt Nam cứ bám chặt vào Trung Quốc thì tương lai chế độ sẽ ra sao nếu có một ngày Trung Quốc gặp biến động xã hội và chính trị?

Sinh lộ cho Việt Nam

Tôi tin rằng lãnh đạo Việt Nam đã thấy hết mọi lý do tại sao cần phải hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ nếu Việt Nam muốn tồn tại như một quốc gia độc lập, dân chủ và phát triển. Đây không phải là quyết định chống Trung Quốc mà là quyết định đúng đắn của một quốc gia ASEAN đối với hai cường quốc có vai trò quan trọng trong khu vực. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu trước diễn đàn Đối thoại Shangri-La: “Chúng ta đặc biệt coi trọng vai trò của một nước Trung Hoa đang trỗi dậy mạnh mẽ và của Hoa Kỳ – một cường quốc Thái Bình Dương. Chúng ta trông đợi và ủng hộ Hoa Kỳ và Trung Quốc khi mà các chiến lược, các việc làm của hai cường quốc này tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia, vừa đem lại lợi ích cho chính mình, đồng thời đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung.” Trung Quốc chắc chắn không ưa lập trường này nhưng không thể phản đối được vì nó quá đúng. Hoa Kỳ thì nhất định là nhiệt liệt tán thành. Bởi thế các lãnh đạo Hoa Kỳ đã nhiều lần xác nhận, kể cả TBC Việt-Mỹ, về quan hệ bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa hai nước. Chỉ một tuần trước hội đàm thượng đỉnh Obama-Sang, Phó Tổng thống Biden đã thuyết trình về chính sách Châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tại Đại học George Washington. Ông nhấn mạnh trọng tâm của quan hệ giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia khác là kinh tế. “Nhưng kinh tế chỉ có thể tăng trưởng trong hoà bình và ổn định. Bởi thế quy luật hợp tác trong thế kỷ XXI không chỉ trong phạm vi kinh tế mà cả về mặt an ninh nữa.”

Ở trên, tôi có nhận định chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch Trương Tấn Sang là thành công nhưng còn hạn chế. Nói rõ hơn, trên con đường tiến đến hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ, Việt Nam đã đi được quá nửa đường và đã vượt được nhiều rào cản. Chỉ còn rào cản cuối cùng là nhân quyền.

Kiên nhẫn không phải là một đức tính của người Mỹ, nhưng lãnh đạo Mỹ đã kiên nhẫn suốt 18 năm qua, dù đã thấy bên đối tác chỉ có mục đích trục lợi bằng thương mại, đầu tư và các chương trình viện trợ. Về nhân quyền, Việt Nam vẫn nói “cần đối thoại để thu hẹp khác biệt” nhưng qua gần 20 lần đối thoại khoảng cách giữa những khác biệt càng ngày càng rộng hơn. Mười tám năm là thời gian kỷ lục về lòng kiên nhẫn của Hoa Kỳ. Như vậy, tại sao Hoa Kỳ có thể kiên nhẫn với Việt Nam lâu đến thế? Câu trả lời ngắn gọn là: Hoa Kỳ cần Việt Nam. Tại sao? Vì Hoa Kỳ cần có sự hợp tác của khối ASEAN trong đó Việt Nam có nhiều tiềm năng và vị trí chiến lược quan trọng nhất. Hoa Kỳ có thể hiểu Việt Nam cần thì giờ để “thoát Trung” một cách an toàn. Hoa Kỳ cũng có thể hiểu là nội bộ lãnh đạo Việt Nam đang có tranh chấp về quyền lực, cho nên dù Bộ Chính trị đã có sự đồng thuận về đối ngoại để tránh khỏi đổ vỡ, phe theo Bắc Kinh vẫn đang phá hoại xu hướng cải cách chính trị, tiếp tục đàn áp người yêu nước và yêu dân chủ,

Đến đây, chúng ta không thể không nghĩ đến trường hợp Myanmar. Tổng thống Thein Sein, người kế nghiệp sau cùng của một chế độ độc tài quân phiệt, đả dám quyết định chấm dứt chế độ độc tài 48 năm để thay thế bằng chế độ dân chủ. Thein Sein vẫn giữ quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế với Trung Quốc nhưng quyết tâm xây dựng thể chế dân chủ cho Myanmar để hội nhập thành công trong thế giới văn minh. Thein Sein đã thả lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, cho phép Đảng Liên minh Dân chủ tham gia bầu cử tự do, và thả gần hết tù chính trị. Thein Sein cũng có một quyết định rất vì dân là ngưng xây đập thủy điện Myitsone 3,6 tỉ USD đã ký với Trung Quốc. Trong chuyến công du Hoa Kỳ tháng Năm vừa qua, chỉ hai tháng trước Chủ tịch Trương Tấn Sang, Tổng thống Thein Sein đã cùng Tổng thống Obama xác nhận với báo chí là Myanmar đang tiến bước trên lộ trình dân chủ hoá với những cải cách kinh tế và chính trị.

Trở lại trường hợp Việt Nam, Hoa Kỳ không thể chần chờ được nữa vì trước những đe dọa mới của Bắc Kinh ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) và Biển Hoa Đông, các nước trong khu vực đang ráo riết phòng vệ chiến tranh và Hoa Kỳ cần phải có những động tác thích hợp. Lãnh đạo Việt Nam không nên tiếp tục câu giờ, nhất là không nên sai lầm nghĩ rằng Mỹ cần ta thì ta có thể bắt chẹt Mỹ phải nhượng bộ về vấn đề quyền con người. Thật ra Việt Nam cần Mỹ hơn và Mỹ luôn luôn có những lựa chọn chiến lược khác do những nhóm đặc nhiệm (task forces) của Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nghiên cứu và phối hợp hoạt động.

Suốt chiều dài bốn nghìn năm lịch sử, Việt Nam không có một triều đại hay một chính phủ nào chịu dâng nước cho ngoại bang vì muốn duy trì quyền lợi của dòng họ hay phe đảng của mình. Việt Nam ngày nay đang đứng trước một khúc quanh lịch sử và một tình huống chính trị chưa bao giờ thấy, vì Tổ quốc mất hay còn lại tuỳ thuộc vào sự chọn lựa của một Đảng cầm quyền: mất nước để duy trì chế độ độc tài, hay giữ được nước nhưng phải dân chủ hoá chế độ.

Đề nghị của tôi là lãnh đạo Việt Nam nên thuyết phục lãnh đạo Trung Quốc cùng chọn con đường dân chủ hoá, vì như vậy cả hai chế độ đều có thể tồn tại lâu dài, nhân dân hai nước đều được sống trong tự do, no ấm, và tình hữu nghị giữa hai nước sẽ đời đời bền chặt. Ngoài ra, một Trung Quốc dân chủ sẽ trở thành một siêu cường có uy tín và khả năng đóng góp cho hoà bình và phát triển toàn cầu. Nếu Trung Quốc không nghe thì Việt Nam sẽ thiết lập một lộ trình dân chủ hoá cho riêng mình, như ông Thein Sein đã chọn cho Myanmar. Nếu Trung Quốc không nghe mà còn tính dùng sức mạnh để chinh phục Việt Nam thì lịch sử sẽ lặp lại với các bài học Lý, Trần, Lê, Nguyễn Quang Trung còn rành rành trước mắt. Hơn nữa, Việt Nam ngày nay không cô đơn, ngoài sức mạnh và truyền thống bất khuất của dân tộc còn có hậu thuẫn của một thế giới không khi nào chấp nhận một Trung Quốc độc tài muốn thống trị toàn cầu.

Lãnh đạo Việt Nam sẽ đồng hành với nhân dân hay quay lưng lại với nhân dân? Hãy chờ xem.

California, 12/8/2013

L. X. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn