Tiếng chuông chùa Việt giữa DC

Hiệu Minh

Thiền sư giảng bài. Ảnh: HM

Thiền sư giảng bài. Ảnh: HM

Nếu ai từng thăm World Bank, vào sảnh sẽ nhìn thấy không gian rộng lớn được gọi là Atrium Café. Kiến trúc sư đã nhìn xa trông rộng nên cái giếng trời khổng lồ cao 13 tầng, trên phủ kính, và dưới là sân rộng, đủ để chứa hàng ngàn người cho những sự kiện mà các phòng họp khác không kham nổi.

Nhưng tôi tin, người kiến trúc sư ấy không thể dự đoán có một ngày khu đó biến thành nơi tập thiền cho mấy trăm người, với tiếng chuông chùa thánh thót vang lên, tiếng giảng của Thầy Thích Nhất Hạnh, Sư cô Chân Không và nhiều sư thầy, sư cô của Làng Mai đến từ khắp thế giới.

Đúng như kế hoạch, ngày 10-9-2013, đoàn Làng Mai có bài giảng về thiền và lòng từ bi. Khoảng 300 người tham dự, hội trường đông nghẹt, không còn ghế trống suốt từ 8:30 sáng đến 5:00 chiều.

Nhớ hôm trước, trong một cuộc gặp ngắn ngủi gần 2 tiếng, hội trường này cũng đông nghịt. Tiến sỹ Richard Davidson, giáo sư về tâm lý và thần kinh của trường đại học Wisconsin-Madison, người khám phá khái niệm của đạo Phật là từ bi và chánh niệm một cách khoa học, nói rằng, con người có thể tập luyện để có được hai đức tính đó. Như vậy, từ bi và chánh niệm có tính khoa học hẳn hoi.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh ngồi trên bục cao, bên cạnh là cái chuông đồng kêu vang, rất sang trọng, tiếng người giảng sang sảng dù là tiếng Anh nhưng vẫn nhẹ nhàng như đang tụng kinh, tựa ru người nghe vào giấc ngủ.

“Our civilization has alienated us from ourselves, from our families and from nature. We consume to cover up our suffering. We are running away in the wrong direction.”

“Our purpose is happiness, not to be number one. By practicing mindfulness, you live every moment of every day deeply.”

“Mindfulness will bring you a lot of joy; free of fear, anger and regret. It is possible to be happy in the here and now. Taking that first step here and now will bring you totally in touch with the wonders of life. To breathe mindfully, you are alive. And to be alive is a miracle”

Buổi giảng của thiền sư. Ảnh: HM

Buổi giảng của thiền sư. Ảnh: HM

Lời dịch của Uzi và Xôi Thịt “ Nền văn minh loài người đã và đang bị lạm phát và lạm dụng khiến con người chúng ta hóa thành người xa lạ – xa lạ với chính bản thân mình , với gia đình mình , và với làng xóm quê huơng mình.

Chúng ta sống để khỏa lấp những khổ đau. Ta chạy trốn nhưng lại đi lạc lối.

Lẽ sống trong ta là niềm hạnh phúc chứ không phải trở thành số 1. Tập thiền, ta sẽ sống mọi khoảnh khắc trên đời sao cho có ý nghĩa nhất.

Thiền mang lại niềm vui, tránh xa những nỗi sợ hãi, không còn tức giận, chẳng còn hối tiếc. Hạnh phúc chính là nơi đây, là thời điểm này. Ngay giờ đây, bài tập đầu tiên sẽ giúp ta cảm nhận được những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Sống ở trên đời đã là một phép nhiệm mầu..

Cứ hết một topic khoảng 15 phút, Thiền sư lại nhẹ nhàng gõ chuông. Hai mắt nhắm nghiền, hai bàn tay chụm vào nhau, một cách thể hiện con tim (tay trái) và khối óc (tay phải) đang cùng một hướng.

Mọi người được khuyên là nhắm mắt để nghe. Ai không quen dễ ngủ, hoặc tỉnh quá thì mắt mở thao láo, nhìn xung quanh, không tập trung. Anh chủ Blog này không thể im nổi một phút, ngọ ngoạy suốt. Nhưng xung quanh bao trùm sự im lặng, chỉ có tiếng điều hòa ù ù.

Bài giảng dành cho nhân viên WB nhằm giảm stress, giữ tâm tỉnh táo, tập trung cao độ, biết nhìn vào thế giới hiện hữu, biết mình đang ở đâu, làm gì cho thực tế và quan trọng là hướng thiện.

Trên trang web của Làng Mai đã trang trọng giới thiệu phép thiền “Có một liên quan chặt chẽ giữa khổ đau và hạnh phúc. Ai bỏ chạy trước khổ đau thì cũng khó tìm ra hạnh phúc. Bạn nên đi tìm nguyên nhân của khổ đau của chính mình. Từ đó hiểu và thương sẽ chớm nở. Đó là chìa khóa của hạnh phúc. Mọi của cải và quyến hành trên thế gian này không thể đem lại hạnh phúc, nếu không có hiểu và thương. Trước những quá khích, trù dập, lo sợ và sân hận, thì mình chỉ có một cách mà thôi: Hãy quan sát bùn cho thật kĩ, để trồng trên đó một cây hoa sen.”

Tiếng chuông chùa Việt lại vang lên, tiếng Thầy giảng vọng lên mái nhà rồi bật trở lại, dường như được nghe hai lần. Nhắm mắt và thật sâu lắng, người dự tưởng mình đang ở đâu đó trong một ngôi chùa ven núi, cổ kính, trang nghiêm ở Ninh Bình. Mở mắt ra lại mình đang ở giữa thủ đô nước Mỹ với tòa nhà kính nhôm với dàn âm thanh hiện đại, video chất lượng cao và những nhân viên WB cổ cồn, cavat sang trọng.

Tới trưa, Thiền sư dẫn cả đoàn đi dạo phố. Đi rất chậm theo đúng kiểu nhà chùa, từng bước khoan thai, không ai nói với ai câu nào và Thầy gọi đó là thực tập đi trong chánh niệm. Ra gần hồ phản chiếu trước Lincoln Memorial, cả đoàn ngồi dưới bóng cây và thầy trò cùng ngồi thiền khoảng 15 phút.

Đoàn khá dài nên đi qua đèn đỏ, xe phải dừng lại, nhiều người không biết bóp còi inh ỏi. Một số người tò mò hỏi, các anh đi biểu tình chống ai đó, vì dân Mỹ cứ thấy đông đông là y như rằng có biểu tình.

Một cảnh sát trong công viên thấy mình cầm máy ảnh chạy lăng xăng liền hỏi, đoàn này làm gì, sao lại ra đây. Tiếng Anh mình đã kém, lại không hiểu mindfulness là gì, nên cứ nói là có mấy ông sư nổi tiếng thế giới đang dạy WB học cách tập trung vào công việc.

Anh ta bộ đàm một lúc, lầm bầm cái gì đó. Chả hiểu thế nào mà lúc quay về, khi qua đèn đỏ, xe cảnh sát đã lập lòe chặn đường, yêu cầu ô tô đợi cho đoàn đi qua.

Trưa có bữa cơm trong im lặng rất đặc biệt. Sư cô giới thiệu cách ăn thiền. Khi ăn thì phải tập trung vào ăn, không nói chuyện. Sư cô nói, trong WB nhà các anh các chị hay có kiểu working lunch – ăn và làm việc. Nhà ăn cứ như cái chợ.

Hôm nay thử ăn và im lặng một hôm xem sao. Chánh niệm trong ẩm thực là nhìn đĩa cơm là đĩa cơm thì bạn đã đạt đến độ thiền. Nếu bạn ăn và nghĩ đến dự án chưa xong, báo cáo còn mấy dòng, thì bạn cần phải học chánh niệm, học cách tập trung cao độ, việc nào ra việc ấy.

Mình thử miếng sandwich kẹp đậu phụ và rau. Đầu óc của một kẻ thiếu thịt thì khó nuốt. Hai miếng đầu tiên quả là khó trôi. Nhưng sư cô dạy, miếng ăn là của đất mẹ, của bao người khốn khó tạo nên. Khi ăn, ta nhìn vào miếng ăn và biết ơn người nào đó mang lại cho ta, và nhờ trời mình may mắn hơn bao nhiêu người khác vẫn còn được ăn, còn được ngồi đây.

Mình thử thật. Nghĩ đến miếng đậu phụ phải bao qua nhiêu công đoạn, người trồng, người hái, người phơi, mang về xay ra, tự nhiên thấy ngon hơn thật. Nếu không phải nghĩ đến báo cáo chiều này, không phải họp tối nay, chả sợ mấy comment chửi đổng, chắc chắn sẽ thấy miếng đậu ngon hơn mọi ngày.

Mấy trăm người với suất ăn chay đã thực sự im lặng. Một người sau đó đã phát biểu, lần đầu tiên trong đời, anh được ăn mà không phải nói gì. Hội trường cười rộ.

Sư cô Chân Không (phái) và Chỉnh Nghiêm. Ảnh: HM

Sư cô Chân Không (phải) và Chỉnh Nghiêm. Ảnh: HM

Buổi chiều có bài giảng của Sư cô Chân Không thật tuyệt. Giọng Cô nói thánh thót như chim, có lúc hát bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung rồi quay về tiếng Việt. Nghe Cô giảng bài về thiền, có lúc hát ru vang như mẹ dỗ đứa con, mình thiu thiu lúc nào không biết.

Sư cô kể từng đi giúp người nghèo nên thấu hiểu những khó khăn mà nhân viên WB với mục đích chống đói nghèo cao cả.  Cô từng làm “WB ” lúc 13 tuổi, một mình, vào xóm ổ chuột thành phố Sài Gòn năm 1951, bằng sư  kiên nhẫn dù chỉ là cô bé mới lớn.

Xin một nắm gạo của nhà hàng xóm khi họ nấu cơm. Nói với họ, hãy coi cô bé như con chim nhỏ mổ từng hạt cơm thừa trong nồi cơm nấu gia đình. Rồi xin mỗi gia đình một đồng bạc mỗi tháng, (bát phở lúc đó giá 5 đồng) cho chương trình nhằm giảm bớt số các em đi ăn xin, bỏ học để đi đánh giày, giảm đi đám cờ bạc uống rượu say và đánh đập nhau trong Xóm nghèo Mã Lạng.

Cô dẫn họ đi chợ Cầu Muối (bán buôn) để bánh cuốn chả lụa, cháo gà cháo  vịt làm thức ăn điểm tâm, chè về và bán lại cho người khác lấy chút tiền lãi. Nhờ mấy người đàn ông khỏe mạnh nhưng lười, chúa cờ bạc, đi mua thùng đựng kem và bỏ tiền trả trước  30 cây kem cho các ông ấy đi bán để kiếm cơm.

Cho vay vốn nhỏ, chiều chiều Sư cô ghé Xóm nghèo để đòi lại vốn đã bỏ ra vì muốn bảo toàn cho người khác, dự án khác. Tạo dựng được lòng tin nên nhiều người cho Sư cô vay thoải mái. Trách nhiệm và tình thương cứ thế lan tỏa.  Muốn giảm nghèo, ta hãy bắt đầu bằng cái gì nhỏ và thực tế như  “World Bank” của Sư cô cách đây 60 năm.

Khi giảng về cách thức đối diện với khó khăn, Sư cô dùng hình tượng cây trước bão. Nếu nhìn ngọn cây trong giông tố run lên bần bật thì cứ nghĩ sắp đổ đến nơi. Nhưng nhìn thân cây vẫn còn vững lắm, nhìn dưới gốc chưa thấy động tĩnh gì.

Nếu lúc nóng giận, khó khăn ta thấy đầu bốc lửa, nhưng nếu chế ngự thì con tim vẫn đập đều và dưới chân đất vẫn đứng im. Thiền giúp cho con người sự bình yên trong tâm hồn và đó là nguồn gốc của sự thành công vì đầu óc tỉnh táo để xứ lý mọi vấn đề.

Trong lúc hỏi đáp, người viết bài này có hỏi Sư cô về cái chết tự thiêu của Thích Quảng Đức năm 1963. Vị sư bị xăng đổ lên người, đốt cháy mà không kêu la, không bỏ chạy la hét vì bản năng, mà vẫn lẩm nhẩm tụng kinh rồi từ từ đổ xuống. Sư cô giải thích, đó là sự tập trung của một người đạt đến thiền cao độ, tới mức quên cả xung quanh, cả đau đớn, nên mới tạo ra một sự kiện chấn động như vậy. Thiền sư nhổ răng không cần thuốc tê là do đã thiền và quên đi cái đau về thể xác.

Giá trị Việt. Ảnh HM

Giá trị Việt qua ngàn năm.. Ảnh HM

Giờ giảng đã hết, nhưng câu hỏi của người tham dự còn rất nhiều. Mọi người xúm quanh chúc mừng và cảm ơn các sư thầy, sư cô. Ai cũng muốn chụp ảnh cùng.

Sau giờ giảng, Sư cô Chân Không đưa tôi về khách sạn Plaza để Thiền sư Thích Nhất Hạnh gặp khoảng 15 phút, nói vài câu chuyện liên quan đến WB và được Sư ông đãi chén trà. Thiền sư có hỏi, nhân viên WB nói gì về chuyến đi này. Tôi chỉ nói ngắn gọn. Thầy giảng buổi sáng người đông nghịt. Ra phố cũng đông nghịt. Buổi chiều Sư cô giảng cũng kín chỗ đến tận cuối giờ. Điều đó nói lên tất cả.

Hôm nay trên trang web của WB có bài “Being Mindful” vừa lên vài tiếng đã có 150 likes và mấy chục comment, khen hết lời về chuyến thăm 2 ngày của Làng Mai. HM Blog gửi tặng bộ ảnh như một lời cảm tạ đoàn Làng Mai đã dừng lại DC.

Nhớ lúc chụp ảnh khi đi thiền ngoài phố, có một vị sư người Mỹ ra nhắc là không nên làm thế. Mình bảo, moment này rất quí, không giữ lại bằng ảnh thì rất phí. Sư cô bảo, chỉ cần giữ ở trong tim. Tuy nhiên, blog Hiệu Minh thật may mắn, có cả hai, một ở trong tim và một bằng ảnh thật.

Nhưng sâu lắng nhất trong lòng người là tiếng chuông chùa giữa Washington DC. Cứ 15 phút, một tiếng nhỏ, một tiếng to, thánh thót vang lên ở Atrium Café, nhắc nhở hãy tĩnh tâm và nghĩ đến hiện tại như chiếc đồng hồ của Thiền sư không có số, chỉ có chữ Now, Now, Now. Hãy hiện hữu, hãy thực tế và hãy sống hết mình hôm nay.

Để hiểu một con người ta cần thời gian hàng chục năm. Để hiểu một đạo cần cả thế kỷ. Để chuông chùa Việt ngân nga giữa DC cho xứ người hiểu thì cần nhiều hơn thế. Hôm nay, tiếng chuông Làng Mai minh chứng cho một trong những giá trị Việt hội nhập nhưng không thể hòa tan trong thế giới toàn cầu hóa.

Tự nhiên Hiệu Minh Blog muốn nói lời cảm ơn đoàn đã mang đến cho một người Việt xa xứ những giây phút kỳ diệu.

HM. 11-9-2013

Đoàn sư cô. Ảnh: HM

Đoàn sư cô. Ảnh: HM

Đoàn sư thầy. Ảnh: HM

Đoàn sư thầy. Ảnh: HM

Hát thiền. Ảnh: HM

Hát thiền. Ảnh: HM

Thiền trên phố. Ảnh: HM

Thiền trên phố. Ảnh: HM

Qua đường. Ảnh: HM

Đi trong chánh niệm. Ảnh: HM

Trên National Mall. Ảnh: HM

Trên National Mall. Ảnh: HM

Dưới tán lá National Mall. Ảnh: HM

Dưới tán lá National Mall. Ảnh: HM

Dạo quanh hồ. Ảnh: HM

Đệ tử của Làng Mai dạo quanh hồ. Ảnh: HM

Làng Mai giữa National Mall. Ảnh: HM

Bước đi chánh niệm của Làng Mai – Sự yên tĩnh trong tâm hồn. Ảnh: HM

Nguồn: hieuminh.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn