Hiến pháp, khoa học, lợi ích và thực tế

TS Nguyễn Sỹ Phương CHLB Đức

(Tiếp theo kỳ trước)

Phần II- Chế độ chính trị nhìn dưới góc độ khoa học và lợi ích

I) Nhìn dưới góc độ khoa học chính trị.

Với lời mở đầu và chương I Chế độ chính trị gồm 13 điều, Dự thảo Hiến pháp nước ta năm 1992 sửa đổi năm 2013 (HPSD 2013), tương tự Hiến pháp các nước khối XHCN, như Hiến pháp Liên Xô sửa năm 1990, Hiến pháp CHDC Đức sửa năm 1974, Hiến pháp Trung Quốc sửa năm 2004, Hiến pháp Triều Tiên sửa năm 1993, Hiến pháp Cu Ba sửa năm 2002..., đều dựa trên tiền đề Nhà nước XHCN (xem Phần I, mục II, điểm 1).

Theo khoa học chính trị và hiến pháp tổng kết, phần mở đầu hầu hết hiến pháp các quốc gia đều nhắm vào lý do nó ra đời và mục đích nhà nước, dưới dạng tuyên ngôn; rất ngắn như Hoa Kỳ chỉ khoảng 60 chữ, Pháp chừng 80 chữ. Ở các nước XHCN, để giải thích cho mục đích nhà nước XHCN ưu việt hơn thế giới còn lại, Hiến pháp Trung Quốc lên tới 1000 chữ, Hiến pháp Liên Xô trên 800 chữ, ngoại trừ hiến pháp Triều tiên mở đầu chỉ 11 chữ, ngắn nhất thế giới: “Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên muôn năm!“, nằm ngay trên dòng tít nhằm khẳng định trực tiếp tiền đề hiến pháp họ: “Hiến pháp Xã hội Chủ nghĩa CHDCNN Triều Tiên“. Ở ta, HPSĐ 2013, mở đầu cũng dài tới 300 chữ, (khoảng 1/3 so với Liên Xô, Trung Quốc) nhưng phần mục đích nhà nước cũng chỉ chiếm đúng 13 chữ: “Vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh“ vốn là mục đích trường cửu mặc định của bất kỳ quốc gia nào. Phần lý do ra đời với 25 chữ “Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam...“, cũng chính là tiền đề của toàn bộ bản HPSĐ 2013. Vì vậy để đánh giá HPSĐ 2013 đúng hay sai theo phân loại của khoa học chính trị, thì phải lấy Cương lĩnh đó làm thước đo. Thước đo đó được ghi trong Cương lĩnh gồm những luận điểm đóng vai trò tiên đề sau:

- “Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá, tìm cách xóa bỏ chủ nghĩa xã hội“.

- “Chủ nghĩa tư bản... về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công“.

- “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội“.

- “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử“.

- “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân“. - “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo“.

- “Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện“.

- “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo“.

- “Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp“.

- “Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương“.

- “ Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc... Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động“.

- “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân... chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật“.

Đối chiếu với Cương lĩnh trên, cho thấy HPSĐ 2013, Chương I “Thể chế chính trị“ đã được trình bày dưới dạng cô đọng nhất hoặc trích đúng nguyên văn cương lĩnh, đảm bảo đúng tính khoa học đối với loại hình nhà nước Xã hội Chủ nghĩa đã được khoa học chính trị phân loại.

II) Nhìn dưới góc độ khoa học hiến pháp và logic.

Tuy nhiên việc trích nguyên văn, đúng với khoa học chính trị chưa hẳn đã đúng với khoa học hiến pháp. Bởi đã là văn bản luật thì hiến pháp phải đưa ra ra được những chuẩn mực, quy tắc xử sự, tức thước đo pháp lý, có khả năng định lượng, nếu không bản hiến pháp đó thiếu tính khoa học pháp lý. Trụ cột của chương này là 2 khái niệm: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa“ ở Điều I, và khái niệm “Đảng Cộng sản Việt Nam...“ ở Điều 4.

1- “Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa“ là một khái niệm phổ quát được xác định rõ nội hàm và ngoại diên trong chính trị kinh tế học, bắt buộc phải có ít nhất 5 dấu hiệu: Đảng cộng sản lãnh đạo; nhà nước quản lý; kinh tế kế hoạch hóa; phân phối theo lao động; tư tưởng Mác Lê Nin. Khái niệm “Nhà nước pháp quyền“ cũng phổ quát vậy. Nội hàm của nó không đơn thuần nằm ở từ “pháp quyền“ hiểu nghĩa bình dân “theo pháp luật“, mà là một thể chế, bắt buộc phải có dấu hiệu: Tam quyền phân lập. Cả 2 khái niệm trên đều có thể định lượng. Vậy sự kết hợp 2 khái niệm phổ quát này thành khái niệm “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa“ là phép cộng 2 khái niệm thể chế đó với nhau, hay thành 1 khái niệm mới ? Nếu là phép cộng thì nguyên lý tam quyền phân lập đặc trưng của nhà nước pháp quyền đã bị phủ định bởi đặc trưng của nhà nước xã hội chủ nghĩa, hiến định tại Điểm 3, Điều 4: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp“ và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nghĩa là không còn “phân lập“; rõ ràng vi phạm nguyên lý bài trung trong logic học, “hoặc đúng hoặc sai không thể vừa đúng vừa sai“. Còn nếu cho đó là một khái niệm mới thì hiện chưa phải là khái niệm phổ quát có nội hàm xác định, nên không thể định lượng, thiếu tính khoa học pháp lý vốn đòi hỏi bắt buộc của hiến pháp. Có thể so sánh với nền tảng Hiến pháp Đức: “Đức là một nhà nước liên bang dân chủ và xã hội“ (Điều 21). Cả 3 khái niệm trên đều được khoa học chính trị định lượng: “Liên bang“ gồm các tiểu bang hợp lại. “Dân chủ“ là một thể chế trong đó người dân có chức năng cùng quyết định nhà nước, với dấu hiệu: bầu cử tự do; đa nguyên; tam quyền phân lập; bảo đảm quyền cơ bản và quyền con người. “Xã hội“ là thể chế bảo đảm an sinh và bình đẳng về mặt xã hội cho người dân; không được phép để bất cứ ai phải chịu thiệt thòi bởi thể chế đó (chứ không phải như chế độ Hitler, dựa trên nền tảng học thuyết “Cuộc đấu tranh của tôi – Mein Kampf (trước tác của Hitler) “ tiêu diệt hết những người cộng sản, thiểu năng, đồng tính..., vì một dân tộc Đức thượng đẳng...). Chính do phép cộng 2 khái niệm dân chủ và xã hội trên, mà Tòa án Hiến pháp Đức đã lấy chuẩn mực đó làm căn cứ, bác bỏ Luật đã được Quốc hội thông qua cấp tiền trợ cấp cho người nước ngoài chờ xin tỵ nạn ở Đức thấp hơn tiêu chuẩn Hartz IV cấp cho người Đức thất nghiệp lâu năm ở mức đảm bảo đủ cho họ có cuộc sống bình thường từ ăn, mặc, ở, điện, nước, chữa bệnh, đi lại, học hành, hoạt động xã hội... Từ phân tích trên có thể tạm đề xuất: cần làm rõ nội hàm hoặc thay khái niệm “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa“ bằng các khái niệm phổ quát khác để bảo đảm khoa học hiến pháp và logic học, nếu không khi áp dụng chắc chắn rủi ro, bị tùy thuộc vào nhận thức chủ quan của cơ quan công quyền, vô hình dung đặt họ trên hiến pháp; cũng chính là ngọn nguồn mọi bất ổn, vấn nạn không thể giải quyết hiện nay: lỗi “cơ chế“ !

2- Điều 4 về Đảng Cộng sản. Ngay lời mở đầu đã đặt HPSĐ 2013 dựa trên tiền đề nhà nước xã hội chủ nghĩa, thì hiến định Điều 4 hay không về mặt khoa học chính trị không thay đổi bản chất vấn đề, ngoại trừ loại bỏ tiền đề đó. Các bản hiến pháp trước kia không hề hiến định Điều 4, vẫn không hề hấn gì đối với vai trò lãnh đạo của Đảng trong mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa vốn mặc định vai trò của Đảng Cộng sản (xem Phần I, mục II, điểm 1). Tuy nhiên, một khi đã đưa vào hiến pháp thì nó phải bảo đảm tính khoa học pháp lý. Điểm 2 quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình“. a- Khái niệm “gắn bó mật thiết“, “phục vụ“ mang tính chất tình cảm quan hệ xã hội (như yêu đương), không phải là một khái niệm pháp lý bởi không thể định lượng, càng không thể chế tài được “trái tim“, nên không phù hợp với khoa học pháp lý nếu đưa vào hiến pháp. Nó chỉ có giá trị trong nội bộ Đảng (được viết trong cương lĩnh) vốn được điều chỉnh bằng điều lệ chứ không phải pháp luật. (Không chỉ ở Điều 4, Điểm 2, tại Điều 8 điểm 2 còn trầm trọng hơn, khi dùng các trạng từ thuần túy định tính như vậy, không phải ngôn ngữ pháp lý như: “tôn trọng“, “tận tụy“, “chặt chẽ“, “lắng nghe“: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân“). b- Khái niệm “chịu trách nhiệm“ một khi đã đưa vào văn bản luật thì được mặc nhiên coi là “trách nhiệm pháp lý“ gắn liền với quyền và lợi ích pháp lý của họ; trách nhiệm đó chính là quyền kiện và bị kiện, đóng vai trò nguyên đơn và bị đơn. Như doanh nghiệp gây thiệt hại lợi ích người khác, giám đốc chính là người đại diện pháp lý bị họ kiện; ngược lại doanh nghiệp bị người khác gây thiệt hại, giám đốc có quyền kiện họ. Cơ quan công quyền cũng vậy, duy nhất chỉ người đứng đầu cơ quan đó mới có quyền kiện và bị kiện, được gọi là trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu. Chính vì trách nhiệm đó mà Chủ tịch thành phố Leipzig, Đức, năm ngoái bị Viện Kiểm sát ra quyết định điều tra do Sở thanh thiếu niên tắc trách trong khi giúp đỡ một người mẹ nghiện ngập đơn thân nuôi con; người mẹ chích quá liều chết, đứa bé bị bỏ đói khát chết theo, mãi tới 7 ngày sau Sở thanh thiếu niên mới phát hiện được.

Thực tế ở ta chưa có một tổ chức Đảng nào bị kiện hay kiện ai cả, nghĩa là họ không có trách nhiệm pháp lý. Ở các nước đa đảng cũng vậy, không phải đảng mà chỉ nhà nước mới phải “chịu trách nhiệm“ pháp lý trước nhân dân; bởi cũng như mọi hội đoàn, đảng chỉ tập hợp những người tự nguyện, không có và không vì quyền lợi cá nhân mình, không được giao quyền lực, nên không phải chịu trách nhiệm pháp lý với quyền lực không có đó, mà chỉ chịu trách nhiệm chính trị trước nhân dân. Như bầu cử Quốc hội Đức vừa qua, Đảng FDP của Chủ tịch Đảng gốc Việt Rösler đã mất tín nhiệm trước nhân dân nên lãnh chịu trách nhiệm chính trị: bị thất cử, mất cả quyền tham chính lẫn chấp chính trước đó. Rösler buộc phải từ chức ngay do trách nhiệm chính trị, không hề bị ra tòa dù đảng ông tham gia cầm quyền kém cỏi mất tín nhiệm. Còn nếu đảng đó được tín nhiệm tham chính hay chấp chính, thì cá nhân nhận chức vụ nào phải đủ năng lực hành vi để tự chịu trách nhiệm đối với chức vụ đó, do luật pháp điều chỉnh, không liên quan gì tới đảng họ về mặt pháp lý; bởi đảng ở họ không phải người giám hộ hay cấp trên của nhà nước. Câu nói trước phiên họp Quốc hội toàn thể của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, “đừng lôi đảng vào“, thu hút công luận quan tâm lúc đó, chính xuất phát từ nguyên lý trên.

Ở ta cũng như các nước xã hội chủ nghĩa, hoàn toàn khác, Đảng Cộng sản được tổ chức theo hệ thống ngang dọc của bộ máy công quyền và có ở mọi doanh nghiệp, tổ chức nhà nước. Mọi quyết định nhà nước ở đó đều thông qua cấp ủy, hoặc theo nghị quyết đảng bộ, như trường hợp Vinashin phá sản là một điển hình (xem nghị quyết đại hội đảng bộ Vinashin). Nếu không buộc đảng ở đó phải chịu trách nhiệm pháp lý thì như cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã cảnh báo, vô hình trung biến lãnh đạo đảng thành “ông vua tập thể“ có quyền quyết định mà không chịu trách nhiệm pháp lý với quyết định đó, tức đứng trên pháp luật. Còn nếu buộc Đảng chịu trách nhiệm pháp lý thì mặc nhiên coi Đảng là một cơ quan quyền lực như một nhà nước đứng trên nhà nước, mâu thuẫn với hiến pháp. Cũng không thể buộc đảng chịu trách nhiệm chính trị bị bất tín nhiệm như Đảng FDP ở Đức, bởi đã được hiến định. Đó chính là nan đề khoa học trong cả 2 trường hợp hiến định hoặc không hiến định trách nhiệm của đảng, nếu không cải cách tiền đề hiến pháp.

III) Nhìn dưới góc độ lợi ích.

Cải cách tiền đề hiến pháp hay không, và như thế nào, không chỉ do tính khoa học đòi hỏi, mà trên hết do lợi ích quyết định. Mục đích trường cửu của mọi hiến pháp ngày nay đều “vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh“ tức lợi ích người dân. Đảng, nhà nước, hiến pháp hay bất luận chủ nghĩa nào cũng chỉ là PHƯƠNG TIỆN không nhằm ngoài mục đích đó, nên nhân loại đã phải luôn thay đổi mọi phương tiện, thông qua cải cách liên tục hoặc bằng cách mạng xã hội thay đổi thể chế. Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đúng lúc đã đạt đến ngưỡng trình độ “xây dựng thành công CNXH“ và đang tiếp tục “xây dựng CNXH phát triển“ (còn ở ta hiện tại, “đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa – phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng“) vẫn phải cải cách “đổi mới“, bởi mục đích không phải CNXH, mà lợi ích người dân nước họ. Như CHDC Đức rốt cuộc không thể để mức sống dân mình tụt tới trên 30 năm so với CHLB Đức tại thời điểm tái thống nhất, khi cả 2 cùng điểm xuất phát. Thế giới ngày nay hầu như nước nào cũng có Đảng Cộng sản; tham chính hoặc chấp chính tại nhiều nước đa đảng, như Ấn Độ ở tiểu bang Westbengalen; ở Đức Đảng Cộng sản có chân trong Quốc hội Liên bang, liên minh cầm quyền ở 2 tiểu bang; về mặt con người cũng vậy, Tổng thống Putin là một cán bộ Đảng Cộng sản Liên Xô kỳ cựu, và đông đảo cán bộ cao cấp trong bộ máy lãnh đạo các đảng và nhà nước Đông Âu hiện nay đều là đảng viên Đảng Cộng sản trước kia; nhưng tiền đề hiến pháp nước họ không hề thay đổi, dù thay đổi đảng hay nhân sự cầm quyền.

Đổi mới ở ta khởi đầu không phải nhằm hoàn thiện mô hình Xã hội Chủ nghĩa kinh điển như Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu, mà bổ sung nền tảng kinh tế thị trường sau khi đã xoá bỏ nó, chính xuất pháp từ nguyên lý vì lợi ích nhân dân. Cương lĩnh Đảng làm tiền đề cho HPSĐ 2013 đặt vấn đề đổi mới kinh tế cùng chính trị cũng nhằm mục đích đó. Vậy những tiền đề hiến định trong chương I Chế độ chính trị không có gì là nhạy cảm cả để không đặt vấn đề cải cách nó, khi mà bao vấn nạn, bất ổn, “bầy sâu“, “một bộ phận không nhỏ“ đang “đe dọa“ tiền đồ dân tộc, vận mệnh đất nước, gây bức xúc, bất bình dân chúng hiện nay, nhất là trong bối cảnh thế giới hội nhập phát triển như vũ bão đang thay đổi từng ngày từng giờ, không chờ đợi bất cứ quốc gia nào !

(Kỳ sau: Phần III- Mô hình kinh tế hiến định nhìn dưới góc độ khoa học và lợi ích)

N.S.P.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn