Địa chỉ lãng phí

Vĩnh Nguyên

Báo Thanh niên ngày 20/9/2013, ngay trang đầu có tít bài in chữ đậm “Dân mình nghèo, sao xây trụ sở to thế”, và, dưới tít bài in ảnh hai vị Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước và Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Ông Ksor Phước nói: “Tôi đi nhiều nơi thấy nhiều tỉnh nghiêm túc trong xây trụ sở, nhưng không ít tỉnh xây trụ sở như cung điện. Dân mình đang nghèo tại sao mình làm to như thế!” Tôi xin trả lời ông: Đó là do chủ trương (có từ lâu) của Chính phủ, mỗi công trình xây dựng được trích lại 10% cho bên A (như là lại quả, khuyến khích). Vì 10% ấy, nên các cơ quan, xí nghiệp, dù rất ít người nhưng xây nhà càng bự để hưởng lợi. Ngày nay, nhiều thành phố, nhiều cơ quan còn xây trụ sở 2. Trụ sở 1 xây lâu rồi, mẫu mã lạc hậu. Xây trụ sở 2, thêm tầng, thêm cầu thang điện như cung điện... (như ông nói) mà số người vẫn không tăng. Đó là một địa chỉ lãng phí từ chủ trương sai! Vừa lãng phí vừa hình thành nhóm lợi ích (!). Nhân dân, quân đội ta đổ biết bao xương máu để giành độc lập thống nhất non sông, nay đang nai lưng đóng thuế cho một nhóm người hưởng lợi hay sao? Quốc hội nên bàn việc này và ra quyết định bỏ hẳn ngay.

Mươi mười lăm năm trở lại đây, người dân thường mỉa mai “Tư duy nhiệm kỳ - tư duy dự án”. Nghĩa là ông, bà nào lên chức lên quyền đều lo hai việc: chiếc ghế của mình và kiếm vài dự án để làm giàu. Vì vậy dự án tràn lan: sân gôn, đô thị nông thôn, bất động sản, đất rừng, đất ven biển, Vinashin, Vinalines, ụ nổi, đập thủy điện lớn và nhỏ, v.v... Chính phủ đã không quản lý được, không điều hành được. Đó là do trình độ, do năng lực kém (như bà Phó Chủ tịch QH nêu). Ti vi truyền hình trực tiếp hai kỳ họp Quốc hội, công chúng đã thấy, đã nghe rất rõ: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hai lần thú nhận trước Quốc dân đồng bào là Chính phủ lãnh đạo quá yếu kém. Thông thường, trên chính trường Quốc tế, người thú nhận yếu kém phải đi đôi với việc từ chức. Nhiều vị đại biểu Quốc hội phát biểu có gợi ý Thủ tướng nên từ chức. Nhưng người đã nhận yếu kém vẫn không chịu từ chức. Như vậy người có năng lực hơn, anh minh hơn (nếu được Mặt trận Tổ quốc giới thiệu, đề cử hoặc dân lựa chọn bầu) không được nắm cương vị này. Thì đây là địa chỉ lãng phí trí tuệ công dân!

Địa chỉ lãng phí thứ ba: Kê khai tài sản cán bộ lãnh đạo. Việc này công bố rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thi hành được. Vì sao? Dân ta thông minh lắm đã biết tỏng, nhiều vị lắm nhà, nhiều đất chưa “ém nhẹm” xong!? Có không? “Nước Việt Nam nhỏ có thủ đô to, giữa thủ đô to có nhiều con đường nhỏ”... Việc mở rộng thủ đô Hà Nội đáng ra QH phải đầu phiếu bằng phiếu kín, sao QH đầu phiếu bằng giơ tay? Người dân nghi vấn nên mới đặt vè, đặt đồng dao... Hiện nhiều người dân không có đất ở, đất sản xuất, các vị chiếm nhiều đất là sao? Đây thuộc lãng phí đất đai chưa minh bạch ở địa chỉ người lãnh đạo (có cả những vị đã hết chức).

Địa chỉ lãng phí thứ tư (lâu rồi nhưng cần nhắc lại), là chủ trương cho cơ quan Tỉnh ủy làm kinh tế. Vì không am tường lĩnh vực này nên chẳng được bao lâu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều đổ bể hoàn toàn, lãng phí tiền của của nhân dân đóng thuế biết bao nhiêu đã có ai liệt kê? Tỉnh ủy làm kinh tế, thì phải lập Ban kinh tế Trung ương để chỉ đạo. Dưới đổ bể thì Ban trên đương nhiên giải tán. Tại sao, bây giờ thành lập trở lại Ban này để làm gì? Hay bởi nhóm lợi ích? Bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó Chủ tịch nước, vừa có bài: “Phải xóa bỏ nhóm lợi ích” đã phản đối gay gắt về việc này. Lập lại Ban kinh tế Trung ương là không cần thiết, bởi nó thành địa chỉ lãng phí cơ quan!

Địa chỉ lãng phí thứ năm là các dự án khu công nghiệp trên cả nước đã đổ bể trên 50%. Xin chọn một dự án mà tôi được chính kiến: Đó là dự án “Khu công nghiệp tây bắc Quán Hàu” (tỉnh Quảng Bình). Dự án này, báo Văn nghệ trẻ đăng liên tiếp ba bài phân tích rất chí lý chí tình.

Bài thứ nhất, số 8 ngày 19/2/2012, tựa đề: Quảng Bình dự án “đầu voi đuôi chuột”?

Bài thứ hai, số 16 ngày 15/4/2012, tựa đề: Quảng Bình “Mổ xẻ” dự án “Đầu voi đuôi chuột

Bài thứ ba, số 52 ngày 23/12/ 2012, tựa đề “Dân không đồng thuận”.

Tóm tắt ba bài báo, ý nói: Dự án thiếu khoa học, không thuyết phục lòng dân, không công khai bản vẽ, không có tên nhà máy nên người dân không biết sản phẩm làm ra là thứ gì? Môi trường xử lý ra sao? Dân chỉ biết người ta đóng cọc tiêu vào lăng tẩm của năm dòng họ cũ và tám dòng họ tái chế ở đồi Lùm Đại mà UB xã Vĩnh Ninh đã quy hoạch khu mộ này đến 3 lần sau chiến tranh cho làng Vĩnh Tuy. Khu mộ đã ổn định, giờ con đường rộng 32m (chưa tính hành lang) chạy thẳng vào lăng tẩm, có nghĩa là xúc hết mồ mả ở đây vào nghĩa trang “Lòi Cặc Chó” mới của dự án. Rồi lấy quyền lãnh đạo để ép dân. Vậy nên, đại diện 5 dòng họ cũ và những người khác ký tên vào bản kiến nghị để phản đối. Bài báo thứ hai nói việc ông Hoàng Xuân Đẩu – Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Quảng Ninh, trả lời vu vơ về bản kiến nghị và cố tình lờ đi về ô nhiễm môi trường cũng như không nói rõ công nghiệp là nhà máy gì, làm ra mặt hàng gì? Còn bày trò các cuộc họp rất ma giáo rồi nói bừa “Dự án đã thông qua dân và chính quyền địa phương” để đánh lừa dân cùng công luận. Đặc biệt bài “Dân không đồng thuận”, nói về nghĩa trang mới “ Lòi Cặc Chó” (nằm trong dự án), chiếm 6 ha đất đồi, thiết kế 10.000 ngôi mộ, đã xây móng bao, xây cổng nghĩa trang, nhưng gần 300 lăng mộ táng từ trước lúc chiến tranh ác liệt, nay xã có thể đã “đi đêm” với dự án đã ra lệnh (miệng) dời ra để thi công, nhưng dân đã xây trước nên kiên quyết không dời. Và dự án đã thất bại. Khu nghĩa trang mới lại quá gần nhà dân (100m), gần đường tàu (50m) thì gây ô nhiễm nặng và đường tàu Bắc Nam (Quốc hội đang bàn thảo mở rộng đường sắt) thì, nếu phóng tiêu để tránh bớt đường cong, có thể “xé đôi” nghĩa trang này. Một dự án rất liều!

Lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Địa thế ở đây, xây tuyến đường thẳng từ đường tránh TP Đồng Hới (đoạn Quán Hàu) lên phía Bắc ga Lệ Kỳ khoảng 700m gặp đường mòn Hồ Chí Minh là tránh được khu dân cư và mồ mả của hai làng Vĩnh Tuy, Lệ Kỳ (Bài báo 2 “mổ xẻ” nói rất kỹ).

Ngày 29/11/2012, Đoàn Quốc hội tỉnh Quảng Bình tiếp xúc cử tri điểm huyện Quảng Ninh, tại hội trường UBND xã Vĩnh Ninh, có trên 100 đại biểu của các huyện về dự. Ông Lương Ngọc Bính – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Quốc hội tỉnh bận việc, ông Hà Hùng Cường – Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn. Cuộc tiếp xúc cử tri này, nhiều cán bộ cũ huyện Quảng Ninh và xã Vĩnh Ninh đã phát biểu phê phán thẳng thừng dự án: “Người làm dự án không biết dựa vào dân, không khảo sát thực địa. Là một công trình kinh tế dân sự chứ đâu phải bí mật an ninh quốc phòng mà không minh bạch trước dân. Vị thế chợ, công viên, nghĩa trang, trục đường 32m xuyên qua khu nghĩa địa đã ổn định mà không được cho dân bàn bạc là một dự án kém, thiếu ân nghĩa”...

Tối hôm đó, Đài phát thanh và truyền hình Quảng Bình phát bản tin đặc biệt về cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn Quốc hội, nhấn mạnh: “Dự án khu công nghiệp tây bắc Quán Hàu thiếu khoa học nên nhân dân xã Vĩnh Ninh và nhất là dân làng Vĩnh Tuy không đồng thuận”.

Một tuần sau bản báo của Đài Quảng Bình, công nhân, máy móc, xe cộ, lán trại của dự án này đã cuốn gói!

Lạ thay, công trường vắng lặng từ đầu năm, giữa tháng 9/2013 bỗng công nhân, máy móc, xe ủi, xe múc... tập kết trở lại, dựng lán trại hai bên trục đường dự án “ăn mồ mả” cũ. Nhiều người dân hai làng Vĩnh Tuy, Lệ Kỳ tới “thăm hỏi” thì được trả lời: “Người ta bảo chúng tôi tới đây làm thì chúng tôi làm còn dự án của ai thì không biết”. Dần dần cũng đã “bật mí”. Họ đang đóng cọc, chăng dây, đào móng để xây nhà máy gạch ngói và nhà máy gỗ (Lại nghe đâu nhà máy gỗ liên kết với Hoàng Anh Gia Lai). Dân hai làng lại xôn xao: Hay người ta đã bán dự án sang tay chủ khác? Tên chủ cũ là:“Ban quản lý dự án xây dựng huyện Quảng Ninh”.

Theo cổng thông tin kinh tế của Chính phủ, công nghiệp Quảng Bình không có gì đáng kể. Chỉ có cảng biển trung chuyển Hòn La là Trung ương đầu tư. Mấy trận bão sóng đánh hư hại sửa chữa đã quá tốn kém. Cũng theo cổng thông tin này, các báo Kinh doanh, Dân trí ngày 18/2/2012 đưa tin: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ cấp trung ương cho đến địa phương đều thống nhất quan điểm sẽ không phát triển thêm khu kinh tế mới mà tập trung cơ chế, chính sách, nguồn lực để nâng cao hiệu quả các khu kinh tế đã thành lập”.

Vậy thì, “khu kinh tế tây bắc Quán Hàu” chưa hình thành, nhiều bất cập chưa được hóa giải, thì, chẳng hiểu chủ đầu tư cũ (hoặc có thể chủ mới) nào đó đã “chạy” cửa nào trên Trung ương mới tái thiết một dự án phi khoa học như vậy? Hay là có một khoản tiền khổng lồ nào đó từ trên trời rót xuống “o bế” cho công trình dự án này?

Người viết bài này xin cảnh báo: Nhiều nơi đã xây chợ nhưng vắng khách ăn chợ, xây công viên không mấy người tới chơi thì lãng phí công của lắm lắm... Dự án này, xây các công trình này theo trục đường Lùm Đại (ngày xưa là rừng núi hoang vu) là lặp lại sự lãng phí! Còn thân phận dân làng Vĩnh Tuy thì, khi có người chết, UB xã không cho an táng vào khu nghĩa địa Lùm Đại cũ (lệnh miệng) mà buộc phải chôn ở nghĩa trang đang xây dở Lòi Cặc Chó “Hôn ám không táng mộ” (di ngôn – có tích chuyện), thì con cháu người ta, họ mạc người ta sẽ khiêng quan tài đến trước sân Ủy ban xã thì phiền toái quá, nó gần như chuyện “quan tài diễu phố” tỉnh Vĩnh Phúc!

Còn rất nhiều địa chỉ lãng phí nhưng bài đã dài. Tôi mong nhiều người đưa tin tiếp ngỏ hầu hai vị lãnh đạo Quốc hội đã gợi ý trên quý báo Thanh niên, hy vọng có cả triệu trang sách kinh điển về chủ đề tham nhũng – lãng phí dựng ở thư viện Quốc gia cho con cháu đời sau được biết, vậy.

Huế, 23/9/2013

V.N.

CLB Nhà báo cao tuổi TT-Huế

22b Lê Lợi, TP Huế

Tel: 0126 2566 822

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn