Chào 2014: Cấu trúc lại hay xây dựng lại nền nông nghiệp - Những cơ sở khoa học của nó

PGS. TS. Vũ Trọng Khải

Chuyên gia độc lập về Kinh tế nông nghiệp và PTNT

Bài viết mang tính chiến lược về kinh tế nông nghiệp, một yếu tố hết sức quyết định thành – bại của toàn bộ nỗ lực thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, của một trong những chuyên gia hàng đầu, đã bị cắt xén tùy tiện đến mức không còn nhận ra trên vài tờ báo gần đây như Tuổi Trẻ, Nông nghiệp VN. Báo Tuổi Trẻ còn hết sức tự nhiên tự cho mình cái quyền biến một bài lai cảo nghiêm chỉnh của nhà khoa học thành một mẩu “ý kiến bạn đọc”!!! . Có lẽ trên thế giới ngày nay, chỉ có báo chí Việt Nam mới coi rẻ người viết thế này. Chẳng hiểu vì sao? Hay có gì “nhạy cảm”, “chính chị chính em” trong đó? Cùng với những thông tin mới nhất về việc ngăn cấm xuất bản và thu hồi mấy cuốn sách, người dân không thể không đặt câu hỏi: Phải chăng Thông điệp “Dân chủ” đầu năm của người đứng đầu chính phủ đã bị phản pháo ngay ở lĩnh vực tiên phong của nền dân chủ là quyền Tự do ngôn luận?

BVN xin trân trọng giới thiệu toàn vẹn bài viết quan trọng của PGS TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp & Phát triển Nông thôn II tại TPHCM (thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn).

Bauxite Việt Nam

clip_image002

Năm 2014 đã tới. Năm 2013 qua đi và đã chứng kiến nền kinh tế Việt Nam nói chung gặp những khó khăn, thách thức lớn lao. Trong bối cảnh đó, nhiều người cho rằng: nền nông nghiệp nước ta vẫn tăng trưởng, trở thành “trụ đỡ”, là “bình phong trú ẩn chắc chắn” cho cả nền kinh tế đang gặp “cơn bão” suy thoái trầm trọng. Tôi nghi ngờ nhận định này.

Sản xuất nông nghiệp không đủ sống, nông dân bỏ ruộng, ra thành phố làm bất cứ việc gì cần ít hay thậm chí không cần đến kỹ năng, mà chỉ cần cơ bắp, vẫn có thu nhập cao hơn, mặc dù rất bấp bênh, khiến họ phải sống dưới mức nghèo khổ theo tiêu chuẩn quốc tế. Họ trở thành công dân hạng 2, sống trong các khu nhà ổ chuột, làm việc trong môi trường ô nhiễm nặng, không được hưởng các phúc lợi và tiện ích công cộng, dù với mức tối thiểu, về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thụ hưởng văn hóa, cung cấp điện sinh hoạt và nước sạch… so với cư dân thành thị. Khi “cơn bão kinh tế” ập đến, hàng ngàn doanh nghiệp ngưng kinh doanh, họ mất việc làm, đành trở về quê hương bản quán với hy vọng tìm được nơi trú ẩn tạm bợ. Nông thôn vốn đã thiếu việc làm, nay lại càng thiếu việc làm trầm trọng hơn. Người vô cảm, theo kiểu “điều gì không thấy tức là không có”, cho rằng nhờ vậy mà tỷ lệ người thất nghiệp giảm đi. Mức sống thấp, khiến họ không dám và không có tiền chi tiêu cho những nhu cầu dưới mức tối thiểu để tồn tại, làm cho chỉ số giá cả (CPI) gia tăng thấp (trên 6% trong năm 2013). Thế là người ta xướng lên thành tích đã kiềm chế được lạm phát! Thống kê nhà nước nói chỉ số giá cả tăng thấp, nhưng các bà nội trợ lại kêu giá cả tăng cao thường xuyên, liên tục, làm teo tóp túi tiền vốn đã eo hẹp của họ. Như vậy, nông nghiệp chỉ là “trụ đỡ” cho những thành tích ảo, là “bức bình phong” che khuất những nỗi cơ cực của người nông dân trước con mắt của những người vô cảm, thích tự sướng!

Nhưng mặt khác, người ta vẫn hô hào phải tái cơ cấu nông nghiệp, từ bỏ mô hình tăng trưởng nhờ tăng đầu tư, khai thác kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên, sử dụng sức lao động giá rẻ, xuất khẩu nông sản thô với giá trị gia tăng thấp, chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư theo chiều sâu, áp dụng công nghệ mới, làm gia tăng giá trị nông sản, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng suất và chất lượng nông phẩm, sản xuất thân thiện với môi trường…

Vì vậy, trước khi bàn đến giải pháp cụ thể, cần có sự đồng thuận, nhất quán về những khái niệm và quan điểm khoa học cơ bản để xây dựng lại nông nghiệp.

1. Xây dựng lại (Reengineering, Perestroika) và cấu trúc (hay cơ cấu) lại (Restructuring)?

1.1. Cấu trúc (hay cơ cấu) lại chỉ là sự sắp xếp lại một cách hợp lý hơn những yếu tố cấu thành vốn có, đang tồn tại của một chỉnh thể (ở đây là nền nông nghiệp) theo một kiểu nào đó để đạt được những mục tiêu cao hơn hiện tại. Vì thế, nó không làm thay đổi về chất của thực thể nền nông nghiệp đang hiện hữu. Cho nên, nền nông nghiệp nước ta hiện nay đã gần như hết “dư địa” để tăng trưởng và phát triển, càng không còn “dư địa” để phát triển bền vững và toàn diện, khắc phục triệt để và căn bản những yếu kém của nó trong thời gian qua.

1.2. Xây dựng lại là tạo ra những yếu tố mới và kết hợp chúng lại với nhau theo một kiểu cấu trúc nào đó trong một chỉnh thể mới, được vận hành theo một cơ chế quản lý phù hợp với cấu trúc của nó, để tạo ra những thuộc tính khác hẳn về chất, vốn không tìm thấy ở chỉnh thể cũ, cũng như trong mỗi yếu tố cấu thành nên chỉnh thể mới. Chất lượng của chỉnh thể mới sau khi được xây dựng lại, được thể hiện bằng những tiêu chí phản ánh mục tiêu của nó. Đó chính là tiêu chí nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cả về vật chất và văn hóa, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn.

2. Những khái niệm và quan điểm khoa học cơ bản với tư cách là cơ sở của việc hoạch định các giải pháp xây dựng lại nền nông nghiệp.

2.1. Việc xây dựng lại nền nông nghiệp phải được coi là một bộ phận căn bản của sự nghiệp phát triển nông thôn, hay là xây dựng nông thôn mới, theo cách thường gọi. Phát triển nông thôn mới lại là nội dung cơ bản của cả quá trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam một cách toàn diện và bền vững, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Như vậy, xây dựng lại nền nông nghiệp cũng như phát triển nông thôn mới là một quá trình dài, cần đầu tư lớn về “chất xám” và tiền vốn, không thể nóng vội, chạy theo thành tích để đạt các danh hiệu thi đua, như chúng ta đã thấy trong thời gian qua.

2.2. Thực chất của việc xây dựng nông thôn mới là một quá trình phát triển bền vững và toàn diện cả kinh tế, xã hội và môi trường, để nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Do vậy, nội dung phát triển nông thôn mới bao gồm 4 quá trình:

- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và kinh tế nông thôn để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, vừa giảm bớt sức lao động trong nông nghiệp, vừa gia tăng khả năng thu hút, sử dụng sức lao động dôi dư từ nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

- Đô thị hóa nông thôn, tạo ra những đô thị nhỏ văn minh, bố trí rộng khắp ở các vùng nông nghiệp sinh thái, vừa để tạo ra các cơ sở kinh tế, phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp, thu hút sử dụng sức lao động nông nghiệp dôi dư nhờ công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất, vừa du nhập lối sống văn minh đô thị vào nông thôn. Nhờ đó, người ta có thể hạn chế tối đa quá trình tự phát tạo ra các siêu đô thị cực lớn với đầy rẫy những vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường, khó khắc phục, như hiện nay.

- Kiểm soát dân số cả về số lượng lẫn chất lượng, cũng như quá trình di dân phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của cả nước và mỗi vùng.

- Bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn trong sản xuất và đời sống.

2.3. Xây dựng lại ngành nông nghiệp.

2.3.1. Chiến lược và qui hoạch phát triển:

- Phải xây dựng lại chiến lược sản phẩm trên phạm vi quốc gia, từng vùng, tiểu vùng nông nghiệp sinh thái, căn cứ vào dự báo thị trường trong và ngoài nước, dựa vào lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của quốc gia và của mỗi vùng, không theo đơn vị hành chính tỉnh (thành phố), huyện, xã.

- Trên cơ sở đó, xây dựng lại quy hoạch và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, từ thủy lợi, giao thông, bến cảng, kho bãi, các cơ sở logistic (hậu cần)… trên phạm vi cả nước và mỗi vùng, tiểu vùng nông nghiệp sinh thái, để phục vụ việc thực hiện chiến lược sản phẩm nói trên.

- Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển các khu đô thị nhỏ ở các vùng và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái để tạo ra các cơ sở dịch vụ đầu vào – đầu ra cho sản xuất nông nghiệp.

- Thiết lập chiến lược phát triển khoa học – công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm và xây dựng kết cấu hạ tầng, đô thị nông thôn theo quy hoạch.

2.3.2. Xây dựng nền nông nghiệp thể chế

- Áp dụng phổ biến mô hình quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, từ trang trại đến bàn ăn hay xuất khẩu đến mạn tàu, tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng (Contract farming) ở mỗi vùng và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái. Trong đó, doanh nghiệp cung ứng đầu vào – đầu ra cho sản xuất nông nghiệp và các trang trại sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn cùng với các hợp tác xã đích thực của họ là những chủ thể quan trọng nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng và mối liên kết sản xuất nông sản. Doanh nghiệp phải là “nhạc trưởng” trong việc tổ chức lại sản xuất theo hợp đồng, quản lý chuỗi giá trị ngành hàng và cùng với các trang trại và các hợp tác xã của họ thiết lập cơ chế phân chia trách nhiệm và lợi ích hợp lý giữa các chủ thể tham gia chuỗi giá trị ngành hàng. Đó chính là cơ sở kinh tế tạo ra tính bền vững của mối liên kết này.

-Trang trại là một tổ chức kinh doanh nông sản tự chủ, thực hiện các khâu sản xuất mang tính sinh học, trong nền kinh tế thị trường. Do đó, luật pháp phải thừa nhận trang trại cũng tồn tại theo các hình thức tổ chức kinh doanh theo luật doanh nghiệp. Nhưng do sản xuất nông nghiệp mang tính sinh học, loại hình trang trại tồn tại phổ biến, là lực lượng sản xuất nông sản hàng hóa chủ yếu, ngay cả ở những nước phát triển nhất, là trang trại gia đình (kinh tế nông hộ - farmhouse) và trang trại cá nhân không có cấp quản lý trung gian (doanh nghiệp cá nhân trong nông nghiệp, luật Việt Nam gọi nhầm là doanh nghiệp tư nhân). Quy mô kinh doanh của chúng ngày càng mở rộng nhờ cơ giới hóa, hiện đại hóa, tin học hóa, chứ không phải nhờ gia tăng sức lao động trong mỗi trang trại đến mức phải thiết lập cấp quản lý trung gian như các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

- Hợp tác xã đích thực theo luật hợp tác xã 2012 chỉ được hình thành và phát triển bền vững, đạt hiệu quả cao, khi các thành viên chủ yếu của nó là các chủ trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo GAP. Trong chuỗi giá trị ngành hàng, hợp tác xã vừa là chủ thể tham gia hợp tác với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào – đầu ra cho nông nghiệp, vừa là đối trọng cạnh tranh của các doanh nghiệp ấy. Trong giai đoạn phát triển cao, nhiều hợp tác xã sẽ trở thành “nhạc trưởng” của chuỗi giá trị ngành hàng, cạnh tranh với các doanh nghiệp này.

- Các doanh nghiệp nông, lâm, ngư nghiệp nhà nước, đang được gọi với các tên khác nhau, cần được đổi mới theo hướng sau:

+ Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước này thành các công ty cổ phần, chuyên thực hiện dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp của các hộ công nhân nhận khoán và các trang trại khác trên địa bàn, thực hiện ngay việc quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng, áp dụng công nghệ cao, thực hiện GAP trên diện tích đất nông nghiệp và chuồng trại, ao nuôi của mình. Tuyệt đối không chia nhỏ diện tích đất nông nghiệp, ao nuôi của các doanh nghiệp này để biến công nhân nông nghiệp thành nông dân sản xuất quy mô nhỏ.

+ Các hộ công nhân nhận khoán của các doanh nghiệp này trở thành chủ thể của các trang trại dự phần (affiliated farm) hay công ty dự phần (affiliated company) trong nông nghiệp, chuyên thực hiện các khâu nông nghiệp mang tính sinh học, theo GAP, dưới sự chỉ đạo của doanh nghiệp, đồng thời có thể là cổ đông của công ty cổ phần nói trên.

Như vậy, về mặt pháp lý, doanh nghiệp là một pháp nhân kinh doanh trong nền kinh tế thị trường thực hiện quản lý toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng diễn ra trên diện tích đất nông nghiệp, ao nuôi, được nhà nước giao quyền sử dụng. Nhưng trên từng thửa ruộng, vườn cây, chuồng trại, ao nuôi được giao khoán cho hộ công nhân, doanh nghiệp có vai trò cung ứng dịch vụ đầu vào – đầu ra, buộc họ thực hiện sản xuất theo GAP; còn hộ công nhân nhận khoán có toàn quyền chủ động, kể cả đầu tư thêm vật tư và lao động ngoài mức nhận khoán để thực hiện các khâu sản xuất mang tính sinh học trong khuôn khổ hợp đồng liên kết với doanh nghiệp. Do đó, họ trở thành chủ thể dự phần trong các khâu sản xuất này của chuỗi giá trị ngành hàng. Quan hệ giữa các hộ nhận khoán – chủ trang trại dự phần với doanh nghiệp là quan hệ thị trường, bình đẳng trong giao dịch mua bán dịch vụ đầu vào – đầu ra. Nói cách khác, hình thức khoán hộ này, về bản chất là tái lập trang trại gia đình trong lòng các doanh nghiệp nông nghiệp có qui mô lớn. Mô hình này đã được thực tiễn chứng minh hiệu quả cao qua các điển hình nông trường Sông Hậu trước đây và công ty Giống bò sữa Mộc Châu hiện nay.

- Nhà nước phải xóa bỏ các tổ chức kinh doanh không theo luật doanh nghiệp hiện hành.

+ Tổng công ty và các công ty thành viên của nó hiện đều được coi là doanh nghiệp, nên đã tạo ra cơ cấu doanh nghiệp cấp trên, doanh nghiệp cấp dưới theo kiểu hành chính, làm triệt tiêu tính tự chủ kinh doanh vốn có khách quan của doanh nghiệp. Ví dụ như Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), bao gồm hàng chục công ty thành viên, trong đó tổng công ty hay công ty thành viên, tổ chức nào có đầy đủ quyền tự chủ kinh doanh mới được luật pháp thừa nhân là doanh nghiệp. Mặt khác, cần xóa bỏ các hình thức tổ chức có những tên gọi bất bình thường như “công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên - tổng công ty X” (ví dụ: Công ty cổ phần - Tổng công ty xây dựng Thủy lợi 4).

+ Tập đoàn là một thực thể kinh tế không có tư cách pháp nhân, nhưng hiện nay lại tồn tại với tư các là cấp trên của các doanh nghiệp thành viên. Do đó, cần xóa bỏ các tổ chức có tên gọi bất bình thường, như công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên – tập đoàn Y (ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên – Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam).

+ Công ty mẹ - công ty con là một cơ cấu được hình thành theo quan hệ sở hữu vốn, không theo cơ cấu hành chính cấp trên – cấp dưới. Công ty mẹ phải là công ty tài chính hay ngân hàng thương mại, đầu tư vốn của mình để tạo ra các doanh nghiệp con với các hình thức khác nhau, theo luật doanh nghiệp. Nếu ngược lại như tình trạng hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa vật phẩm và hàng hóa dịch vụ lại lập ra các công ty tài chính hay ngân hàng thương mại với tư cách là công ty con, để huy động vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế, rồi cho công ty mẹ vay lại. Điều đó đã tạo ra khả năng tài chính để các doanh nghiệp này (công ty mẹ) đầu tư ngoài ngành, không thuộc lợi thế của mình, nên đã gây ra khối nợ xấu khổng lồ và bong bóng bất động sản cực lớn trong nên kinh tế quốc dân.

+ Xóa bỏ các loại hiệp hội doanh nghiệp đang tồn tại như là cánh tay nối dài của các cơ quan quản lý nhà nước, ví dụ như hiệp hội lương thực Việt Nam VFA.

- Chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển của nhà nước chỉ theo ngành hàng và vùng sinh thái, tuyệt đối không theo chủ thể kinh doanh. Các tổ chức kinh doanh dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, hợp tác xã và trang trại, đều được bình đẳng trong kinh doanh, cùng hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước, nếu kinh doanh cùng ngành hàng trong cùng một vùng nông nghiệp sinh thái. Phải kiên quyết xóa bỏ sự độc quyền kinh doanh và các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

- Để tạo khung pháp lý bảo đảm việc cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp theo chiến lược và quy hoạch của nhà nước, cần có những chính sách như sau:

+ Xây dựng khung pháp lý để thị trường mua bán quyền sử dụng đất diễn ra lành mạnh, tạo ra những trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, theo GAP, áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa và hiện đại hóa sản xuất, làm giảm sức lao động trong nông nghiệp, chứ không phải chỉ làm giảm số công đầu tư cho sản xuất, tính trên một đơn vị đất nông nghiệp hay đầu gia súc, gia cầm, tạo ra nông sản có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

+ Nhà nước cần đầu tư đào tạo miễn phí để tạo ra một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có kiến thức và kỹ năng phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp.

+ Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về tài chính (đầu tư, tín dụng, thuế…) đối với các doanh nghiệp, các trang trại và hợp tác xã, tham gia chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, thực hiện sản xuất nông nghiệp theo GAP ở các vùng nông nghiệp sinh thái, theo chiến lược và quy hoạch phát triển của nhà nước.

+ Nhà nước cần gia tăng đầu tư cho khoa học công nghệ để có nền nông nghiệp công nghệ cao, chứ không phải chỉ tạo ra những khu nông nghiệp công nghệ cao như hiện nay, gia tăng hàm lượng chất xám trong giá trị sản phẩm của chuỗi giá trị ngành hàng nông sản.

Các khái niệm và quan điểm khoa học cơ bản nêu trên phải là cơ sở đề ra các giải pháp xây dựng lại nền nông nghiệp ngay trong năm 2014 và trong suốt quá trình phát triển của nó, thì mới có thể đạt được hiệu quả mong muốn về kinh tế, xã hội cũng như môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn.

V.T.K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn