Nên tổ chức tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh để bảo vệ tổ quốc như thế nào?

Hồng Hải

Thời gian gần đây qua báo chí và truyền thông trong nước cũng như đọc các bài viết trên BBC, tôi thấy có nhiều quan điểm khác nhau về sự kiện 1979, đặc biệt là việc tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh trong trận chiến này. Nhân đây tôi cũng muốn đóng góp ý kiến của mình về việc Việt Nam cần tổ chức tưởng niệm tập trung cho tất cả các chiến đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc nói chung mà không riêng cho một cuộc chiến nào.

Tôi đồng ý với ý kiến của một số chuyên gia cho rằng việc tổ chức tưởng niệm phải đảm bảo hai mục tiêu là tôn vinh những người đã cống hiến xương máu để bảo vệ tổ quốc và tránh gây hiềm khích thù hằn giữa các dân tộc. Tuy nhiên tôi bổ xung thêm 2 mục tiêu nữa là việc tưởng niệm phải được thực hiện bởi tất cả người Việt Nam tức là từ lãnh đạo tới người dân, cả trong nước lẫn nước ngoài và mục tiêu cuối cùng đây nên là quãng thời gian để cho thế hệ trẻ nhớ lại lịch sử dân tộc.

Trước hết cần phân tích những điểm chưa hợp lý trong việc tổ chức các sự kiện mà Việt Nam chiến thắng ngoại xâm.

Thời lượng báo chí đưa tin về các cuộc chiến cận đại là không đồng đều. Có những cuộc chiến thì đưa tin rầm rộ với thời gian dài, có cuộc chiến thì gần như bị lãng quên. Tôi thiết nghĩ người Trung Quốc không muốn chúng ta nhắc đến cuộc chiến này thì người Mỹ, Pháp, Nhật cũng đâu có thích thú. Không nhắc tới cuộc chiến để tránh gây ảnh hưởng tới quan hệ bang giao với Trung Quốc, thì quan hệ với Mỹ, Pháp, Nhật cũng đâu kém phần quan trọng.

Việc bảo vệ tổ quốc Việt Nam là của nhiều thế hệ người Việt Nam tiếp nối nhau. Nhưng với một thời lượng đưa tin của báo chí và truyền thông cũng như sự quan tâm của công chúng như hiện nay, có vẻ chúng ta đã xem nhẹ việc bảo vệ tổ quốc của những thế hệ ông cha vào thời kỳ phong kiến. Nếu tình trạng này tiếp tục xẩy ra thì chẳng mấy chốc thế hệ trẻ không biết Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ,… là ai. Do vậy phải có những dịp để báo chí, truyền thông hằng năm nhắc tới công lao của các anh hùng dân tộc, những thế hệ cha ông từ xa xưa đã bảo vệ đất nước.

Với việc tổ chức tưởng niệm phân tán như hiện nay thì mỗi khi đến một đợt kỷ niệm một chiến thắng nào đó thì chỉ có một hoặc vài nhóm thực hiện việc tưởng niệm. Nó không được thực hiện bởi tất cả người Việt từ lãnh đạo tới người dân, cả trong và ngoài nước. Còn lại là báo chí và truyền thông đưa tin, bài là chính chứ hoạt động tưởng niệm lại ít diễn ra. Và như vậy kết quả sau mỗi đợt tưởng niệm này không để lại nhiều dấu ấn trong lòng dân chúng.

Việc tưởng niệm nếu biết tổ chức một cách khéo léo sẽ là một cách để thực hiện hòa hợp dân tộc. Bất cứ người con nào đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc Việt Nam đều đáng trân trọng. Những người lính Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ Hoàng Sa, hay những người lính bảo vệ biên giới năm 1979. Tất cả người Việt Nam nên tổ chức và hướng tới mục tiêu chung là tôn vinh những người con đã hy sinh xương máu bảo vệ tổ quốc.

Do vậy, theo tôi thiết nghĩ chúng ta cũng nên học tập một số nước như Canada, Mỹ có ngày Remember Day là ngày cả đất nước thực hiện tổ chức tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh xướng máu cho tổ quốc.

Tôi muốn lấy ví dụ cách làm tại Canada về cách họ tổ chức những sự kiện này

Đất nước Canada cũng tham gia nhiều cuộc chiến tranh khác nhau. Cũng nhiều thế hệ khác nhau đã ngã xuống tại Canada, cũng như tại nước ngoài để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ hòa bình và dân chủ trên thế giới. Việc tổ chức kỷ niệm là tưởng nhớ tất cả những người con đó mà không chỉ riêng một cuộc chiến nào. Canada chọn một ngày cụ thể là ngày 11 tháng 11 hàng năm để tổ chức sự kiện này. Tới ngày này thì nhà nước tổ chức lễ tưởng niệm lớn gồm tất cả quan chức nhà nước, các đảng phái tham dự. Các lãnh đạo quan trọng đọc diễn văn, sau đó tới đúng 11giờ 11 phút của ngày này thì tất cả người dân trên toàn quốc cùng lãnh đạo dành một phút để mặc niệm.

Thông thường trước ngày tưởng niệm chính thức khoảng hai tuần, thì nhiều người dân sẽ gắn trên ngực một bông hoa đỏ bằng vải tượng trưng cho sự tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Người dân có thể nhìn thấy các bông hoa này khắp mọi nơi từ trường học, siêu thị, các cơ sở bán hàng. Các cơ sở này họ mua những bông hoa và đặt vào các giỏ để người dân có thể lấy miễn phí và tự gắn lên ngực.

Mỗi cơ sở cũng tổ chức tưởng niệm khác nhau. Tôi nhớ tới một cơ sở mà tôi từng làm việc, sau cuộc họp định kỳ toàn bộ nhân viên, thì lãnh đạo bật một đoạn băng khoảng 30 phút trên nền một bài hát rất nhẹ nhàng có gắn hình ảnh các chiến sỹ Canada đã tham gia các cuộc chiến tranh. Mọi người yên lặng xem và tới khi kết thúc nhiều người cảm thấy xúc động. Như vậy có thể thấy chúng ta cũng không cần nói nhiều về việc chiến thắng kẻ thù thế nào, giết được bao nhiêu kẻ địch. Chỉ cần thể hiện một cách rất đơn giản, nhẹ nhàng như vậy nhưng đi sâu vào lòng người và điều quan trọng là tôn vinh được những người đã ngã xuống mà không cần phải đề cập trực tiếp đó là kẻ thù cụ thể nào.

Trên đây là ý kiến riêng cá nhân của tôi và hy vọng có những ý kiến khác bàn thảo về vấn đề này và hy vọng người Việt Nam có thể đưa ra một giải pháp hợp lý nhất cho việc tưởng niệm và tôn vinh những thế hệ đã cống hiến và bảo vệ tổ quốc.

H.H.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn