Quan hệ Việt Nam – China sau sự kiện giàn khoan Haiyang Shiyou 981 sẽ như thế nào?

Hoàng Mai

Một tháng qua, con dân đất Việt đã trải qua đủ các cung bậc tình cảm “hỉ nộ ái ố”. Không ít người, với tư tưởng bay bổng đã mơ tới ngày đẹp giời “thoát Hán”, nối vòng tay lớn với phần còn lại của thế giới. Tác giả Hoàng Mai đã sớm kéo những kẻ mơ mộng, bay bổng trên chín tầng mây đó trở lại mặt đất. Một bài viết sắc sảo và rất gần sự thật!

Bauxite Việt Nam

Trong vụ giàn khoan Haiyang Shiyou 981 của China đặt trái phép vào lãnh hải của Việt Nam vừa rồi, trong số gọi là “tứ trụ triều đình”, người Việt Nam chỉ thấy có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người thể hiện quan điểm một cách rõ ràng, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của toàn thể Nhân Dân Việt Nam. Cũng qua những phát biểu của ông ở Myanmar, và đặc biệt tại Philippines, nhiều người tưởng rằng, sau khi từ Philippines về nước, thì ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ có những bước đi mạnh mẽ hơn nữa, trong việc thuyết phục các “đồng chí” của mình trong Bộ Chính trị (BCT), để có thể có một thái độ dứt khoát hơn, tận dụng thời cơ để có thể “thoát Hán”. Nhưng không, tình hình vẫn rất yên ắng.

Trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ hôm 29.5, theo bài báo đăng trên vietnamnet.vn, có tựa đề “Bảo vệ chủ quyền nhưng duy trì quan hệ với Trung Quốc” (1), bài báo cho biết:

“Liên quan quan hệ Việt - Trung, Thủ tướng cho hay, TQ là nền kinh tế lớn, hàng đầu thế giới, là nước láng giềng của VN nên mối quan hệ kinh tế giữa VN-TQ là khách quan, tất yếu. Trong lúc thăng trầm, quan hệ kinh tế có ảnh hưởng nhưng tinh thần chung, VN luôn mong muốn đẩy mạnh quan hệ thương mại với TQ trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.

Thủ tướng cho rằng, TQ không thể vì lợi ích của mình mà đóng cửa hoàn toàn thương mại với VN, nếu TQ đóng cửa thương mại với VN thì TQ cũng có thiệt hại, nhất là VN là thị trường nhập siêu lớn của TQ. Chưa kể TQ cũng là thành viên WTO như VN, phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định kinh tế thương mại quốc tế”.

Qua nội dung phát biểu trên đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cũng như tình hình tại Việt Nam, ta có thể nhận thấy:

1. Việt Nam nói chung, và BCT Đảng CSVN, chưa thể thoát ra khỏi cái bóng của China. Vì rằng, nền kinh tế Việt Nam đã phụ thuộc hoàn toàn vào kinh tế China. Nếu China đóng cửa thương mại với Việt Nam thì, Chính phủ, doanh nghiệp xuất khẩu và xã hội Việt Nam sẽ rối loạn. Trong một bài viết trước (2), tôi đã dự đoán, Việt Nam nợ China ước khoảng 70-80 tỷ USD. Chỉ cần Bắc Kinh “húng hắng ho” là Hà Nội đã xanh mặt, cho nên liên tục nhượng bộ Bắc Kinh.

2. China đã nắm được yết hầu của Việt Nam, cho dù ông Dũng có mạnh miệng thế nào đi chăng nữa, thì trước sau phía Việt Nam lại phải đi đêm (có thể lắm?!) để giàn hòa với Bắc Kinh. Lịch sử quan hệ Việt Nam – China đã nhiều lần như vậy, mà chỉ có BCT mới biết. Qua đây, Nhân Dân ta cũng không hy vọng gì cơ hội gọi là “Thoát Hán” như nhiều người đã từng hy vọng. Và như vậy, chủ quyền trên Biển Đông lại có thể bị mất phần nào do sự nhượng bộ mà chưa thể biết được.

Mấy hôm nay, dư luận trên diễn đàn “lề trái” lên án ông TBT Nguyễn Phú Trọng một cách mạnh mẽ, gay gắt...; Hôm 28.5, Blog BA SÀM có hẳn một bài với tựa đề “Tổng bí thư đang làm gì?” (3), kèm theo đó là hình ảnh rất thiếu sức sống của ông, qua đó phần nào nói lên thế và vận nước Việt Nam hôm nay. Phải chăng, BCT Đảng CSVN còn phải trừ lại một con bài chót, để có thể ông Nguyễn Phú Trọng có chuyến giàn xếp với Bắc Kinh, mà không thể mạnh miệng như ông Dũng trước các diễn đàn quốc tế?

clip_image001

Ông TBT Nguyễn Phú Trọng.

Chân dung của người đứng đầu Đảng độc quyền lãnh đạo, nói lên thế và vận nước Việt Nam hôm nay.

Nguồn ảnh: anhbasam.wordpress.com

3. Như dự đoán của nhiều người, mặc dù Việt Nam cố gắng nhường nhịn China, nhưng chưa chắc đã tránh khỏi một cuộc chiến do Bắc Kinh khởi xướng. Bởi suy cho cùng, chưa có khi nào mà Trung Quốc thuận tiện như bây giờ để có thể phát động một cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, với mục tiêu chính là chiếm các đảo trên Quần đảo Trường Sa. Thời cơ “trăm năm có một” thực sự đang nằm trong tay Bắc Kinh.

Ngay cả Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe, hôm 28.5, trước Quốc hội Nhật Bản, ông đã nhấn mạnh “mối quan ngại về khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực trong các tranh chấp trên Biển Đông” (4) – báo infonet.vn hôm 29.5 đưa tin.

Tóm lại: Qua sự kiện giàn khoan Haiyang Shiyou 981. Quan hệ Việt Nam – China đã chuyển sang một giai đoạn mới; chiếc mặt nạ “quan hệ 4 tốt” và “phương châm 16 chữ vàng” đã được vứt bỏ. Quan hệ Việt Nam – China từ nay trở đi là quan hệ ngượng ngịu, giả dối.

Một cuộc chiến tranh do Bắc Kinh phát động là không thể tránh khỏi, cho dù, trong thế yếu của mình, phía Việt Nam có nhẫn nhịn đến mức độ nào đi chăng nữa. Thời điểm và nguyên nhân để phát động chiến tranh hoàn toàn do Bắc Kinh làm chủ và sẽ tạo ra, khi họ xét thấy các yếu tố quốc tế đủ để họ hành động với sự trả giá là ít nhất.

Nguy cơ của Việt Nam lúc này, không chỉ là một nền kinh tế suy kiệt, lòng dân bất an, Nhân Dân không tin tưởng vào Đảng CSVN lãnh đạo…; mà quan trọng là đám Việt gian do Bắc Kinh cài cắm ở mọi cấp độ. Hy vọng, những người yêu nước trong Đảng CSVN đang trong các vị trí lãnh đạo khác nhau, có đủ tỉnh táo để làm chủ tình hình, và người Việt Nam có đủ khôn ngoan trong điều kiện quốc tế hiện nay, để chiến thắng một lần nữa, nếu như Bắc Kinh không học được những bài học mà cha ông họ đã mắc phải khi xâm lược Việt Nam.

H.M

Tác giả gửi BVN

Bài tham khảo:

(1) http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/178157/bao-ve-chu-quyen-nhung-duy-tri-quan-he-voi-tq.html

(2) http://boxitvn.blogspot.com/2014/05/nguy-co-lon-nhat-cua-viet-nam-hien-nay.html

(3) http://anhbasam.wordpress.com/2014/05/28/2276-tong-bi-thu-dang-lam-gi/

(4) http://infonet.vn/thu-tuong-nhat-trung-quoc-co-the-sap-dung-vu-luc-tren-bien-dong-post132641.info

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn