Khi cuộc chơi vắng luật

Tư Giang   

clip_image001

Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực có hiệu lực từ 1-7-2013 nhưng đến nay không có văn bản nào được ban hành để hướng dẫn thi thành. Ảnh: UYÊN VIỄN

(TBKTSG) - Bất kỳ cuộc chơi nào vắng bóng luật, thì người chơi nào cũng có thể là người thua.

Khoản 2, điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định: “Văn bản quy định chi tiết... phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”. Có nghĩa là, các nghị định, thông tư cần phải được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm luật có hiệu lực. Bộ luật gốc là vậy, nhưng ít khi được tôn trọng trên thực tế.

Không thiếu trường hợp cụ thể cho thấy điều này. Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1-1-2011, nhưng đến ngày 8-3-2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới có Thông tư số 04 hướng dẫn về nghiệp vụ ủy thác ghi tại điều 106 của luật. Việc thiếu vắng văn bản hướng dẫn của NHNN đã khiến dàn lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bị tù tội “vì cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Một ví dụ khác. Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2011, nhưng đến ngày 28-11-2013, Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mới được ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-1-2014. Việc chậm ban hành nghị định này, theo Bộ Tư pháp, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản do họ đã quyết toán tài chính xong cho các hoạt động liên quan trong ba năm trước đó.

Một ví dụ khác, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực có hiệu lực từ 1-7-2013 nhưng đến nay không có văn bản nào được ban hành để hướng dẫn thi thành.

“Chúng ta đang phân công hành pháp làm việc của lập pháp, tức là ủy quyền lập pháp quá nhiều. Lẽ ra Chính phủ là cơ quan chấp hành và điều hành, đó là chấp hành Hiến pháp, chấp hành luật thì lại là cơ quan đặt ra các quy tắc xử sự do Quốc hội ủy nhiệm”.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (thành phố Hải Phòng)

Những trường hợp tương tự như trên là vô số. Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cuối năm ngoái cho biết, đến hết tháng 7-2013, để thi hành 37 luật, pháp lệnh, nghị quyết, cần phải ban hành 200 văn bản của 280 nội dung nhưng mới chỉ có 49% văn bản được ban hành với gần 53% nội dung. Theo kế hoạch, Quốc hội khóa 13 cần phải xây dựng 144 dự luật, song tính tới cuối năm ngoái, mới chỉ có 46 dự luật, tức gần 32% được hoàn thành. Số luật còn tồn đọng cho các kỳ họp tới đây là rất lớn nhằm cụ thể hóa Hiến pháp mới được sửa đổi.

Bộ Tư pháp cho biết, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn đang chưa có giải pháp. Trong kỳ Quốc hội này, chưa đến 60% số văn bản được ban hành đúng hạn theo chương trình, kế hoạch. Một số luật, pháp lệnh có hiệu lực nhưng phải đến hai hoặc ba năm, thậm chí bốn năm sau, thì một số văn bản quy định chi tiết mới được ban hành.

Song, tình trạng trên không chỉ diễn ra ở khóa này. Đại biểu Quốc hội lâu năm Cao Sỹ Kiêm nói: “Quốc hội hai khóa 11-12 thông qua 47 luật, nhưng chỉ có 40% phổ biến được, còn 60% không thể phổ biến. Mà trong 40% luật đó, thì số lượng các văn bản là nghị định, thông tư ít thôi, chủ yếu là công văn... cả rừng công văn. Ví dụ, Luật Đất đai có 340 công văn, quản lý ngoại hối có 470 công văn”. Ông nói tiếp: “Mà luật không phổ biến được thì làm sao thực hiện được, có nghĩa là không có luật”.

Ai là người đáng trách cho tình hình trên? Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013, đại biểu Lê Thanh Vân (thành phố Hải Phòng) nói: “Chúng ta đang phân công hành pháp làm việc của lập pháp, tức là ủy quyền lập pháp quá nhiều. Lẽ ra Chính phủ là cơ quan chấp hành và điều hành, đó là chấp hành Hiến pháp, chấp hành luật thì lại là cơ quan đặt ra các quy tắc xử sự do Quốc hội ủy nhiệm”. Cũng kỳ họp đó, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thừa nhận, Ủy ban Pháp luật - là ủy ban “xương sống” trong lĩnh vực pháp luật của Quốc hội - chỉ có khoảng 20 đại biểu “làm được việc”.

Chứng kiến những quy trình này, ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Nghiên cứu thể chế kinh tế của CIEM, kể ra quy trình soạn thảo luật. Khi thành lập ban soạn thảo thì các bộ cãi nhau bằng chết, không thống nhất được một số vấn đề nóng bỏng gay cấn. Họp Quốc hội kêu, đến lịch rồi, lập tức Văn phòng Chính phủ bảo nhanh nhanh phải nộp. Nhưng anh em trong ban soạn thảo bảo vấn đề đang cãi nhau nên để từ từ để quy định chi tiết tại nghị định. Sau khi Quốc hội thông qua luật, Văn phòng Chính phủ yêu cầu soạn thảo nghị định. Ông nói: “Thế là lại mấy khuôn mặt cũ, lại cãi nhau những vấn đề hóc búa cũ. Nếu những vấn đề đó không được giải quyết ở nghị định, thì sẽ để lại cho các bộ quy định chi tiết. Cái đó dẫn đến hệ lụy là gì? Cuối cùng là thông tư giải quyết những vấn đề gay cấn nhất, hóc búa nhất”. Ông Thái cho rằng, hệ lụy này là do Quốc hội không thực hiện đúng chức năng lập pháp của mình.

Trong dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, Bộ Tư pháp đề nghị, cơ quan, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch nước hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Nếu gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện tại tòa án để yêu cầu bồi thường. Đây là một bước tiến, nhưng còn lâu mới giải quyết được tình hình một cách căn cơ.

Đổi mới thể chế đã được xác định là một đòi hỏi cấp bách để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng hiện nay. Tình trạng “vắng bóng pháp luật” cần phải được chấm dứt.

T.G

Nguồn: thesaigontimes.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn