Tọa đàm sách giáo khoa Cánh Buồm: “cao hơn, xa hơn, dễ tự học hơn”

Chiều 15/10/2014, hội trường Trung tâm Văn hoá Pháp (Hà Nội) đông đảo người tham dự, giống như mọi lần giới thiệu các sản phẩm của nhóm Cánh Buồm tại đây. Đặc biệt là số bạn trẻ chiếm tỷ lệ rất cao, cho thấy sự quan tâm của xã hội với việc cải cách giáo dục, một việc quan trọng hàng đầu, cũng là một câu chuyện vô cùng nan giải kể từ nhiều thập kỷ nay.

Toạ đàm này nhắm giới thiệu bộ sách tiếng Việt, Văn tiểu học của nhóm Cánh Buồm xuất bản lần thứ ba, được nhóm cho biết là có sự chỉnh lý tương đối hoàn chỉnh sau 5 năm miệt mài vừa biên soạn vừa thực nghiệm, đặc biệt là sau một năm thực nghiệm tại một trường tư thục lớn ở Hà Nội cho thấy kết quả rất khả quan.

Diễn giả chính trong buổi toạ đàm là nhà giáo Phạm Toàn, người khởi xướng, lãnh đạo nhóm và chủ biên bộ sách Cánh Buồm. Bài nói tập trung giải thích hai ý tưởng cốt lõi trong khái niệm “giáo dục hiện đại” của nhóm: Một là ngay từ cấp tiểu học, đã xây dựng cho trẻ ý thức “học có ý thức”, chiếm lĩnh cả hệ thống khái niệm chứ không chỉ là cảm tính “trẻ con”. Hai là tổ chức cho trẻ qua việc “Làm mà học” tự mình chiếm lĩnh hệ thống khái niệm ấy (xem toàn văn bài nói ở dưới).

Nữ Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải, Giám đốc điều hành Cánh Buồm, giới thiệu nội dung, kết cấu của 2 bộ sách Tiếng ViệtVăn, dễ dàng cho thầy giáo, phụ huynh hướng dẫn và trò tự học.

Nhà thơ Hoàng Hưng, cựu giáo viên văn, phân tích đóng góp của Cánh Buồm về môn Văn tiểu học trong sự đối chiếu với chương trình của các nước Âu Mỹ, nêu bật cái độc đáo của Cánh Buồm: cho học trò đi theo con đường sáng tạo của người viết văn một cách hệ thống, đó cũng là con đường của các nghệ thuật nhạc, múa, mỹ thuật… Nhà thơ Hoàng Hưng khẳng định vai trò cá nhân trong việc soạn SGK – một chuyện rất bình thường tự nhiên ở mọi nước, tha thiết kiến nghị giới “có quyền” và “có tiền” quan tâm hỗ trợ nhà giáo Phạm Toàn, một “nhà giáo dục tầm cỡ quốc tế” đầy sáng tạo, hoàn thành trọn bộ SGK cấp tiểu học và bật đèn xanh cho các trường học áp dụng chương trình – SGK Cánh Buồm. Ông nói: Nếu thực tâm cải cách GD, phải dứt khoát từ bỏ tư duy “toàn trị”, muốn kiểm soát mọi thứ, và sợ hãi những gì khác, mới, có khả năng làm đảo lộn thứ nhận thức duy ý chí rất sơ đẳng và xơ cứng của các vị đương quyền đương chức mà họ vẫn muốn dùng để định hướng cho nhân cách làm người của con trẻ (thể hiện khá rõ trong câu buột miệng của một vị rất TO: "đa thư thì loạn mục”); phải trân trọng những trí tuệ tâm huyết và tài năng. Nhà giáo Phạm Toàn cũng như một số trí thức cao tuổi không còn nhiều thời gian cống hiến, xã hội không biết đến, không tận dụng tài năng của họ là có tội với tương lai của đất nước.

Phần cuối cuộc họp, trong phạm vi 20 phút còn lại là những câu hỏi, những góp ý tâm huyết của thính giả, trong đó có rất nhiều người trẻ, và cũng có hai vị trộng tuổi trong ngành giáo dục, một người nguyên Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục đã hưu trí, có những ý kiến tương đối khách quan, được nhà giáo Phạm Toàn mời đọc phản biện kỹ lưỡng cho bộ sách, và một người nữa, xin được giấu chức danh của mình, với giọng mềm mỏng, nêu lên hai câu hỏi: 1. Các anh chị viết sách giáo khoa thì cứ viết, sao cứ muốn phủ định những sách giáo khoa chính thống đang lưu hành? 2. Các anh chị đã có ý thức thế nào về việc dùng ngôn ngữ của ngành “giáo khoa học” để viết sách giáo khoa – hay chỉ là những cây bút amateur bước vào lĩnh vực này? Hỏi xong vị đó ra về liền, không kịp cho một ai trong số người nghe cũng như nhóm soạn giả có vài lời đôi hồi.

Mặc dầu vậy, không khí cuộc họp vẫn sôi nổi cho đến phút cuối. Nhà giáo Phạm Toàn không thể rứt nổi những người vây lấy ông, hỏi han thêm điều này điều kia hoặc xin chữ ký sau khi đã mua cả bộ sách.

Bauxite Việt Nam

image

Từ trái sang: nhà giáo Phạm Toàn, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải, nhà giáo Vũ Thế Khôi, điều khiển phần thảo luận và TS Chu Hảo, GĐ NXB Tri thức, nơi xuất bản SGK Cánh Buồm, điều hành cuộc họp

Cảm tưởng về không khí buổi sinh hoạt khoa học của nhóm CÁNH BUỒM

Mạc Văn Trang

image

Mặc dù đang bị đau chân và bận việc, nhưng được nhà giáo dục Phạm Toàn cho biết tối 15/10/2014, Nhóm Cánh Buồm có hội thảo giới thiệu bộ sách giáo khoa Tiểu học tại L’Espace – 24 Tràng Tiền, tôi vẫn háo hức ăn tối trước và bắt taxi lên dự.

Những buổi sinh hoạt khoa học kiểu không có giấy mời, chỉ nghe thông báo hoặc truyền tin cho nhau và biết trước là không có phong bì, không có ăn uống, quà cáp gì, không có “cấp trên chỉ đạo”… mà người ta cứ tự động đến xin được tham dự, đã là những tín hiệu mới đáng mừng, vì nó rất hiếm hoi trong cái xã hội “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở nước Việt Nam này. Thành phần tham dự đủ mọi tầng lớp, nhiều mái đầu tóc bạc, nhưng rất đông nam nữ sinh viên, nhà giáo trẻ, mỗi người tự tìm lấy chỗ ngồi, không ai kiểm soát, sắp đặt. Hội thảo thì ai có ý kiến xuôi ngược gì, cứ tự do giơ tay, tự giới thiệu và nói đúng ý nghĩ trong cái đầu của mình, không cần liếc lên, ngó xuống, không cần bẩm báo, kính thưa dài dòng… Những người chủ trì hội thảo thì cứ tha thiết mong được phản biện, chỉ cho biết cái dở, cái chưa hoàn thiện trong công việc và trong các sản phẩm họ đã làm ra. Mọi câu hỏi, ý kiến khen, chê đều được trân trọng lắng nghe, bình tĩnh trả lời cặn kẽ, chả có gì là “nhạy cảm”, úp mở, ấp úng… Cái bình thường ở một xã hội dân sự như thế, lại thấy như một hiện tượng đẹp đẽ, mới mẻ trong cái xã hội cũ kỹ của chúng ta!

Nhóm Cánh Buồm cũng chẳng coi họ là “điển hình” hay “quyết tâm thi đua” hoàn thành bộ sách giáo khoa… Họ thật thà, tự nhiên như người nông dân kể lại công việc đã “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” bao tháng ngày cày bừa, chọn giống, gieo cấy, chăm sóc thế nào để gặt hái được những hạt thóc vàng như ngày hôm nay. Chỉ khác nông dân ở chỗ, ông “lão nông tri điền” Phạm Toàn cả một đời cày sâu, cuốc bẫm, đã ngẩng đầu nhìn lên Trời, “ngộ ra” một cách canh tác mới, bớt đi vất vả cực nhọc, làm việc nhẹ nhàng – vui thích mà hiệu quả hơn. Cái đó cũng có nhiều người biết, nói rất hay… Nhưng Phạm Toàn khác ở chỗ ông ít nói, nói cái gì, làm cái ấy, làm đi làm lại, chắt lọc lấy cách làm tinh túy nhất và trao truyền cho một nhóm đồ đệ tin cậy. Cái cách họ làm cứ như “truyền giáo” trong một xã hội còn nhiều cấm kỵ, ai giác ngộ thì tin theo, làm theo… Cứ như thế, nay nhóm Cánh Buồm với những sản phẩm sáng tạo của họ đã như cái cây bám vào mảnh đất Việt giàu phù sa và tin rằng nó sẽ ngày một phát triển, tốt tươi.

Nói về tư tưởng, nền tảng tri thức và những cơ sở khoa học, kỹ thuật, các thủ pháp để làm nên những cuốn sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm, là câu chuyện lớn, còn nhiều bàn cãi, theo thời gian rồi sẽ rõ dần dần.

Tôi ấn tượng với những lời phát biểu sau đây:

- Có ai đó hỏi, tại sao nhóm Cánh Buồm làm việc hết lòng vì giáo dục, ra được bộ sách giáo khoa Tiểu học tốt vậy mà xã hội không quan tâm? Ông Chu Hảo, trong nhóm chủ trì hội thảo trả lời: Có thể các cơ quan quản lý không quan tâm, chứ xã hội thì có quan tâm, vẫn đang ngày càng quan tâm… Tôi thầm nghĩ “xã hội” tức là dân mình, còn “quản lý” tức là các quan đấy...

- Nhà thơ, nhà giáo, dịch giả Hoàng Hưng có một tham luận hay. Ông nói, tôi đã nghiên cứu, so sánh sách giáo khoa môn “Tiếng” và “Văn” ở tiểu học của Pháp, Mỹ và của nhóm Cánh Buồm. Có thể nói nhóm Cánh Buồm đã lồng trong đó cả chương trình và sách gắn bó với nhau làm một, nhưng lại tách làm hai môn: Tiếng Việt và Văn. Đó là cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Còn nói về sách quá nặng, quá cao thì sách của tiểu học Mỹ, Pháp còn “cao” hơn, “nặng” hơn nhiều. Vấn đề là cách dạy, cách học như thế nào để học sinh tự chiếm lĩnh được đối tượng một cách nhẹ nhàng, chắc chắn. Tôi thật cảm động khi ông nói rằng, Phạm Toàn là một vốn quý của đất nước mà sao không được quan tâm tạo điều kiện cho ông cống hiến. Tại sao các doanh nhân có thể bỏ ra hàng tỉ đồng cho những việc vô bổ mà không ai tài trợ cho nhóm Cánh Buồm làm sách? “Tôi xin chắp tay lạy các doanh nhân, những ai bỏ ít tiền cho nhóm Cánh Buồm làm những việc giá trị thế này”!

image

Nhà thơ Hoàng Hưng phơi bày gan ruột về cách đối xử lãnh đạm của xã hội trong mấy năm qua với Cánh Buồm.

Tôi ngồi lặng đi, xót xa quá. Nghe nói có doanh nhân bỏ ra 150 tỉ đồng biếu một quan lớn xây nhà thờ họ; có doanh nhân đang sống khỏe mạnh đã xây lăng mộ 40 tỉ đồng… Còn các quan chức và những người lắm tiền đầu tư, lãng phí vào các việc làm vô bổ thì không biết cơ man nào mà kể. Thật xót xa, cay đắng cho dân ta, nước ta. Nhưng nghĩ lại cũng hay, từ trong khốn khó, miệt mài làm lụng mấy năm trời để ra bộ sách giáo khoa Tiểu học với chi phí 300 triệu đồng. Một thách thức mà giới “quan chức thầu sách giáo khoa”, không khỏi choáng váng.

- Một công chức làm sách giáo khoa xuất hiện, khen động viên nhóm Cánh Buồm mấy câu rồi nói đại ý: Làm sách giáo khoa là vô cùng khó, phải tuân theo nhiều yêu cầu nghiêm ngặt, nhưng chỉ hỏi một điều thôi, là nhóm biên soạn có biết những nguyên tắc về ngôn ngữ của sách giáo khoa không? Ái chà chà… Miệng nhà quan có gang có thép thật. Chưa cần đọc chúng mày viết gì, ta cũng biết phạm quy rồi, đe nẹt cho biết lễ độ! Chả khác gì một ông nông dân làm ra giống lúa mới, năng suất cao muốn đem giới thiệu cho bà con, thì ông ở sở nông nghiệp bảo “ai cấp phép cho anh nghiên cứu giống lúa mới? Quy trình canh tác của anh có đúng quy trình đã được trên duyệt chưa? Giấy phép đóng dấu đỏ đâu?”…

- Một cô giáo trẻ đứng dậy, hình như bức xúc với câu “đe nẹt” của ông nói trên, nên giọng cô có vẻ gay gắt: cháu từ Bắc Giang xuống đây, cháu đã dạy thử sách của nhóm Cánh Buồm, cháu thấy rất hay. Cháu sẽ quyết tâm theo đuổi việc này đến cùng! Tôi có cảm tưởng như một “con chiên xin tử vì đạo”!

- Nhưng ngay lúc ấy một ông “quan chức quản lý làm sách giáo khoa”, cũng bức xúc đứng lên, nói không kém gay gắt. Các anh làm sách thì cứ làm, nhưng đừng có tỏ ý phủ định các sách giáo khoa hiện hành. Cái đó không phù hợp với văn hóa phê bình của Việt Nam ta và cả ở phương Tây nữa, vì tôi cũng đi nhiều nước phương Tây rồi… Ô hay! Nếu không phủ định sách giáo khoa hiện nay thì các anh dự định làm sách mới với mấy chục nghìn tỉ đồng để làm gì? Làm gì hả? Mà ngay vào đầu hội thảo, nhà giáo Phạm Toàn đã nói, vì có chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” nên chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của nhóm Cánh Buồm với những ai đang muốn làm sách giáo khoa… Tử tế như vậy mà lại bị người thế kia “dạy cho văn hóa phê bình” thì ai mà chẳng lộn ruột!

Ấy thế mà cái ông Pham Toàn vẫn cười hiền lành như ông Phật vậy. Hình như người ngoại tám mươi vẫn minh mẫn, sáng suốt như thế, người ta gọi là người Hiền.

Đêm 15/10/2014

M.V.T.

Chương trình học và sách giáo khoa phổ thông – vài kinh nghiệm của Nhóm Cánh Buồm

(để chia sẻ với chủ trương viết nhiều bộ sách)

Phạm Toàn

Từ tháng 11 năm 2009 đến nay, nhờ có sự giúp đỡ hoàn toàn vô tư của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, của Nhà xuất bản Tri thức, mỗi khi nhóm Cánh Buồm có sản phẩm mới, chúng tôi đều có cái diễn đàn dân chủ và lịch sự này để chia sẻ với các nhà giáo dục dày thâm niên và các nhà giáo trẻ măng, với các nhà sư phạm chính ngạch và không chính ngạch, với những người con đàn cháu đống và cả những người độc thân…

Cho phép tôi thay mặt nhóm Cánh Buồm gửi tới quý vị và tất cả các bạn lời chào của cuộc Hội thảo này: tổ chức một nền giáo dục CAO HƠN, XA HƠN, VÀ DỄ TỰ HỌC HƠN cho trẻ em, những bé em của gia đình, của tổ quốc, của dân tộc, như nhóm Cánh Buồm vẫn tự nhắc nhở mình trên bìa sách giáo khoa, mong sao công việc của mình sẽ đi theo được định hướng này:

Giáo dục tiểu học ổn định và

bảo đảm chất lượng

thì toàn bộ nền giáo dục mới được ổn định,

mỗi gia đình ổn định, cả xã hội cùng ổn định.

Nỗi khổ của trẻ em

Không ở đâu trẻ em bị bắt nạt công nhiên như trong địa hạt Giáo dục! Sự bắt nạt thành thói quen ở tầm vi mô từng gia đình, cứ lớn hơn là mặc nhiên có quyền “dạy dỗ kẻ ít tuổi hơn”. Ở tầm vĩ mô, sự bắt nạt còn được Luật pháp và Lợi ích trụ đỡ cho nữa!

Một thí dụ dễ thấy nhất về sự thống trị cùa người già trong địa hạt Giáo dục là tâm lý nhớ nhung cuốn sách có tên “Quốc văn giáo khoa thư” có từ những năm 1920 thế kỷ trước. Một nhà xuất bản lớn ở thủ đô đã in lại cuốn sách giáo khoa vang bóng một thời đó, lại còn in thêm cả bản dịch sang tiếng Pháp nữa! Nhiều người già than thở “thời nay chẳng còn sách hay như “Quốc văn giáo khoa thư” nữa!” Những tiếng thở dài phụ họa “Ôi cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy… sách ngày xưa cả trăm năm vẫn còn nhớ như mới học hôm qua”… Trong sách “Quốc văn giáo khoa thư” ấy còn tích hợp cả những bài dạy về bệnh ghẻ lở và hắc lào, không thấy quý vị cao niên nhắc lại. Cũng không thấy nhắc lại nội dung “kỹ năng sống” của “Quốc văn giáo khoa thư” tích hợp trong bài tập đọc có nhân vật thằng Tèo cho tay vào lọ lấy kẹo, nhưng lấy nhiều quá thì không rút tay ra được, phải lấy bớt đi thì “thành công” liền!

Lạ một điều: bộ sách Ngữ Văn hiện trẻ em đang dùng, được bảo lãnh bởi Luật Giáo dục do Quốc hội bấm nút thông qua hẳn hoi, thì lại bị cả nước nghi ngờ. Bộ sách đó chính là sự nối dài và mở rộng đường lối tích hợp theo kiểu mẫu “Quốc văn giáo khoa thư” thì lại bị cả xã hội phàn nàn. Bộ sách đã làm sinh ra khái niệm giảm tải và giảm tải sâu mà giáo viên thì coi là sự tra tấn đối với nghề dạy Ngữ Văn bậc tiểu học ấy, có những người đang gán cho nó một cái tội thật đáng yêu. Tội gì? Tội hàn lâm, Giời ạ!

Bây giờ đây, trong không khí chạy đua tìm hướng đi cho một bộ hoặc những bộ sách giáo khoa, cái gọi bằng đường lối tích hợp kia lại đang được tung hô. Lý lẽ rất ngắn gọn. “Các nước đều làm thế”. “Các chuyên gia nước ngoài đều nói thế”. “Với trẻ em chỉ cần thực hành và thực hành”. Và thói quen tư duy lão trị lại tiếp tục giữ ngôi vương: “Ngày xưa tôi chẳng cần học theo phương pháp nào hết, tôi vẫn biết đọc biết viết, tôi vẫn…” “Trẻ em không cần lý thuyết…”

Năm 2013, nhóm Cánh Buồm đã cử hai thành viên dự chui một cuộc tập huấn cách dùng một cuốn sách tích hợp có số lượng in 20.710 bản. Hai “điệp viên hoàn hảo” này trở về kể cho cả nhóm chuyện giảng viên thuộc một Khoa lớn của một Trường Đại học cũng lớn đã lớn tiếng quát các giáo viên về thủ đô nâng cao trình độ rằng “… thế các chị có định học nữa hay không thì cho tôi biết?” Một em con trai trong nhóm Cánh Buồm cầm cuốn sách dịch với nhiều bài tập còn để nguyên tiếng Bồ Đào Nha, đã phẫn nộ nói (kiểm duyệt bỏ chỗ này…).

Cao hơn và xa hơn!

Khi điểm tình hình như thế, thì đã gián tiếp nói nhóm Cánh Buồm coi đường lối soạn sách “tích hợp” cho trẻ em Tiểu học là cách làm việc thiếu tôn trọng trẻ em.

Nhóm Cánh Buồm mở Hội thảo giới thiệu sách với tiêu đề Cao hơn và Xa hơn, lại còn nói tới tính hàn lâm nữa, sao vậy?

Đó là vì mấy lý do vắn tắt sau:

1. Trẻ em khi đã đi học lớp Một trường Phổ thông là bắt đầu một chu kỳ học tập mới khác hẳn giai đoạn học tập ở gia đình và ở bậc Mẫu giáo. Trước lớp Một, đó là giai đoạn hoàn thiện cơ bắp, hoàn thiện giác quan, giai đoạn ăn và ngủ, nếu có học thì chỉ là học chơi, chơi để hoàn thiện cơ bắp, hoàn thiện giác quan. Những bài học Mẫu giáo cho trẻ em học chữ cái và con số là kết quả của những đầu óc sư phạm thiếu tưởng tượng. Nếu thực sự cơ quan nào đó định bụng có nhiều bộ sách giáo khoa Mẫu giáo, xin hãy tổ chức thi soạn trò chơi Mẫu giáo để “trò chơi hóa” những khái niệm cần cho trẻ ở lứa tuổi này.

2. Khi bắt đầu vào học lớp Một, trẻ em cũng bắt đầu giai đoạn học có ý thức. Cái ý thức này trong suốt bậc Tiểu học cần được gửi ngay trong sách giáo khoa ở đó trẻ em biết: cả năm học này, suốt bài học này, trong tiết học này, em học điều gì và học theo cách gì. Cái lý tưởng gọi bằng Công nghệ Giáo dục của Hồ Ngọc Đại ở đây có thể coi là đúng: đó là một quy trình học trẻ em phải biết mình đang làm gì và mình có sản phẩm gì, mình đi từ cái chưa biết đến cái đã biết để sang cái sẽ biết như thế nào, nghĩa là, ở trình độ lý tưởng, trẻ em có thể đoán biết sau điều mới biết này mình sẽ học cái gì khác nữa, để chủ động đón nhận cái mới sẽ được chính mình tạo ra rồi cùng các bạn đón nhận.

3. Trong quy trình học đó, nhà sư phạm phải giúp học sinh gọi tên được cái mới các em đang được thầy cô giáo dắt tay đi tìm – và cái tên gọi hoặc những tên gọi đó không thể thoát khỏi là những khái niệm không thể lẫn lộn. Bậc Tiểu học là bậc học phương pháp. Phương pháp nằm trong các khái niệm. Khái niệm là những kết quả trẻ em tự làm ra có thể kiểm soát được ngay cả khi chúng nằm kín trong tâm lý trẻ em. Muốn cho trẻ em đến được với khái niệm, thì ít nhất trong năng lực nhà sư phạm cũng phải có hệ thống những khái niệm định dắt dẫn cho trẻ em làm ra. Không bao giờ nên tự bịt mắt mình rồi dắt dẫn trẻ em theo lối thả cho các em cứ đi… đi đâu, mặc! đi như thế nào, mặc! và khi thất bại thì đổ vạ cho… tính hàn lâm!

4. Sách giáo khoa sẽ được dùng không như là cái “quyển sách lòe loẹt” đem ra tụng niệm hàng ngày. Sách giáo khoa trước hết nằm trong những việc làm do chính học sinh thực hiện để tạo ra kết quả chứa đựng khái niệm (bao gồm cả sự thay đổi trong tư duy của trẻ em). Trừ những chỗ ghi rõ cho học sinh đọc trước, nói chung trang sách giáo khoa sẽ được mở ra vào cuối tiết để kiểm tra lại xem trong tiết học các em đã tìm ra những điều ghi trong cái “biên bản cho trước” gọi tên là “sách giáo khoa” hay không. Khi đó, các em còn có quyền bổ sung, sửa đổi cái biên bản cho trước.

5. Điều vừa nói trên đây chính là công việc kiểm tra-đánh giá, một mục tiêu mà nhà sư phạm tử tế nào cũng muốn nắm được cái cơ chế bí mật của nó. Thực ra, nếu chúng ta thực sự tổ chức được việc “làm mà học – làm thì học” cho học sinh, thì việc tự kiểm tra – tự đánh giá có thể do học sinh thực hiện sau từng việc làm, sau từng tiết học, sau từng bài học. Đổi mới cách kiểm tra phải là tổ chức được việc học sao cho trẻ em tự kiểm tra, chứ không thay việc kiểm tra đánh giá bằng điểm số bằng việc kiểm tra đánh giá bằng lời (trước sau vẫn do bề trên ban phát xuống trẻ em).

Đó là năm lý do nêu ra vừa đủ để lý giải bộ sách Tiếng Việt và Văn của nhóm Cánh Buồm lần này là thực sự hàn lâm, thực sự cao và xa so với tất cả những thứ tích hợp lùn tè.

Dễ tự học!

Tất cả những nguyện ước to tát, cao hơn và xa hơn, sẽ vấp phải một thực tiễn mà “giới bảo thủ” sẽ vin vào để chống lại: cứ cho đó là chuyện đúng đi, nhưng khó thế, ai làm được?

Nhóm Cánh Buồm trả lời bằng chỉ một chữ LÀM. Chẻ nhỏ cái hệ thống việc làm của người học, ta có:

1. Giao việc cho trẻ em làm, không giảng giải kiến thức rồi bắt trẻ em nhớ và nhắc lại. Trong sách giáo khoa Cánh Buồm tái bản lần này, nói chung cứ 1 trang sách là 1 tiết học, trên đại thể mỗi tiết học có 3 việc làm: (a) Làm để ôn cái đã biết; (b) Làm để tìm ra cái mới (tiết học khái niệm) hoặc thực hành cái mới (tiết bài tập); (c) Làm để tự sơ kết (tự kiểm tra, tự đánh giá).

2. Nếu trẻ em chưa làm được, thì giáo viên làm mẫu và các em sẽ tiếp tục tự làm lấy. Làm xong thì rút ra khái niệm có thể gọi thành tên, và có thể vẽ thành sơ đồ như là hình thù “bên ngoài” của cái ý thức nằm “bên trong” con người. (Việc làm “a” bên trên).

3. Thực hành việc làm vận dụng khái niệm (và sơ đồ tư duy) vào các loại bài tập khác nhau (Việc làm “b” bên trên). Có bài tập cho sẵn trong sách. Có bài tập giáo viên giao tùy theo năng lực học sinh của mình. Có bài tập do học sinh tự giao cho mình làm (Việc làm “b” và “c” bên trên).

Do đâu, dựa trên cơ sở nào, mà nhóm Cánh Buồm dám cam đoan với xã hội rằng những việc làm nằm trong hệ thống việc làm gửi trong sách giáo khoa Cánh Buồm là đáng tin cậy? Xin thưa:

1. Căn cứ thứ nhất là một lý thuyết tâm lý học khả dĩ thuyết phục được chúng tôi. Cho tới bây giờ, cái lý thuyết mang tính hoạt động như Jean Piaget đề xuất (và Lev Vygotsky “đồng ý trên nhiều điểm) có vẻ hấp dẫn chúng tôi. Lý thuyết của Piaget nói đến hoạt động và việc làm của trẻ nhỏ – từ hành vi bú mút ngón tay cho tới thao tác bằng tay khi tạo ra các khái niệm Toán học – đó thảy là những thích nghi, những điều tiết để trẻ nhỏ đến với tiền khái niệm rồi sang những cái học được và củng cố thành nhận thức – tư duy logic. Nhóm Cánh Buồm cho rằng, nếu chúng ta coi Tâm lý học như một triết học hướng dẫn trả lời những cái tại sao cuối cùng về sự phát triển (trong đó có việc học) của trẻ em, thì chắc là chúng ta khó có thể bỏ qua những bậc thang đầu tiên nhưng không là những bậc thang duy nhất Piaget – Vygotsky – Gardner.

2. Căn cứ thứ hai là bề dày của việc triển khai một ý tưởng Giáo dục Hiện đại của nhóm Cánh Buồm. Những gì nhóm Cánh Buồm có hôm nay không hề là sự “vụt hiện” của một trực giác nhà thơ hoặc người nghệ sĩ. Khi nhóm Cánh Buồm soạn một cuốn sách 200 trang trong một thời gian kỷ lục là một tháng chẳng hạn, xin hãy hiểu cho rằng, chúng tôi đã hoàn thành cuốn sách đó trong 45 năm và 1 tháng, không ngắn hơn. Trong sự nghiệp Giáo dục, không có đất cho những điều ăn gian. Hễ ăn gian là lòi ra ngay. Thể hiện một tư tưởng mới mẻ đẹp đẽ của mình qua việc biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em cũng là viết sách đấy, nhưng hoàn toàn không chỉ là viết sách rồi in sách và lobby để bán sách.

3. Căn cứ thứ ba là hiệu quả của công việc dùng sách giáo khoa mới. Dùng sách mới mà dễ dàng khi huấn luyện giáo viên, đó có thể coi là chuẩn mực đầu tiên, vì có lọt qua được bộ “máy cái” đó, có được các nữ thiên thần từng “ăn như sư ở như phạm” rồi đến khi ra đời thì vị trí xã hội bao giờ cũng chỉ có thể ở mức khiêm nhường, chỉ khi nào những con người vĩ đại đó chấp nhận rồi biến thành tài sản tinh thần của riêng họ và mỗi cô giáo sẽ tự có một cây đũa thần riêng gõ vào từng việc làm tự tạo ra trí tuệ của những cô cậu học trò tiểu học thời nào thì cũng là bọn thò lò mũi xanh… khi đó sẽ bảo đảm bộ sách giáo khoa ấy có giá trị.

Kết luận

Nhóm Cánh Buồm xin cam đoan với đồng bào toàn xã hội rằng chúng tôi đã nếm trải cái hạnh phúc có những giáo viên đồng hành. Có ít hay có nhiều, điều đó không quan trọng. Noi theo cụ Lạc Long Quân ban đầu cũng chỉ có một bà Âu Cơ, thế mà cái nội dung bên trong cái bọc sinh ra những người í ới gọi nhau là đồng bào cũng đông ra dáng. Nhóm Cánh Buồm qua bộ sách giáo khoa 2014 này xin cam kết một điều và chỉ một: đây là mặt hàng mẫu của tập thể sư phạm bé nhỏ này kính dâng vào việc gợi ý cho đồng bào Việt Nam bậc tiểu học đi vào con đường hiện đại hóa. Chỉ một con đường hiện đại hóa thôi!

Hà Nội, 12 tháng 10 năm 2014

P.T.

Các tài liệu trên đều do Nhóm Cánh Buồm gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn