Viết trước Giao thừa Đọc, nghĩ và Chia sẻ

Lời thưa:

Kính gửi Ban Biên tập BauxiteVN

Tôi đã chuẩn bị để viết một bài cũng theo tiêu đề trên (VTGT) với ý tứ không "nặng" như dưới đây. Tôi luôn nhớ gợi ý của anh VTH khi viết là cần mang tinh thần "trí giả lạc" để có nhiều cảm thông hơn; Nhưng trước khi nhấn bàn phím (keyboard), đọc "điểm tin" của một trang Thân hữu với tin và hình "Trẻ em ngày ngày lội sông đi học", "Kêu gọi không cho tiền ngưới ăn xin" ("xin ăn"?), "Xe buýt riêng cho phụ nữ", ... tôi thấy không thể "đành lòng, cầm lòng" được.

Bài sau đây cũng là soạn lại từ trao đổi với thân hữu trên trang Ba Sàm từ năm 2012. Từ khía cạnh nào đó, có thể coi như ý kiến "bàn thêm" tiếp theo bài "Phía sau những kiến nghị" của Mặc Lâm (24./27.12.2014) vì nội dung cũng bàn về một bản "kiến nghị". Tôi giữ khá đủ chi tiết của bài như kỷ niệm về trang Ba Sàm và Thân hữu; có thể sẽ gửi kèm để tiện trao đổi.

Thân chúc Ban Biên tập sức khỏe và thành tựu.

Trân trọng,

Văn Đức

1. Ý kiến người Trí thức và công việc quản trị đất nước của chính trị gia

Nhìn nhận rằng trong tình hình Đất nước rất chông chênh, tiếng nói của những người trí thức trong hình thức thư đề/kiến nghị luôn có ý nghĩa cảnh báo nguy cơ. Trước khi xem xét nội dung “kiến nghị”, cần làm rõ bản chất và vai trò của trí thức và chính trị gia.

*

Người làm chính trị (chính trị gia) có vai trò quan trọng trong xã hội là điều hành, phối kiểm các hoạt động của xã hội để “an dân”. “An dân” bao gồm việc điều hành theo tinh thần “nhân nghĩa”, nghĩa là bảo đảm cho người dân có cuộc sống an toàn và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhưng cũng có nghĩa bảo đảm cho Quốc gia an toàn trong tư cách quốc thể và toàn vẹn lãnh thổ. Từ trước đến nay, lịch sử cho thấy bất cứ triều đại nào không gánh vác nổi hai công việc đó thì đều là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình của người dân, kết quả là bạo loạn và sụp đổ của triều đại. Không làm được việc thứ hai là giữ gìn quốc thề và sự toàn vẹn lãnh thổ thì đất nước trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ xâm lăng và sự mất nước kéo theo sự tan biến của triều đại cũng là hiển nhiên.

Người trí thức trong vai trò công dân và chức năng “tri thức” của xã hội phải làm công việc cảnh tỉnh đối với nhân dân nói chung và trong trường hợp đặc biệt thì cảnh tỉnh những người làm chính trị, những bậc “quân vương”. Trong vai trò “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, người trí thức (kẻ sĩ) không bao giờ qụy lụy quyền uy với những lời xin ban đổi sửa cách trị dân. Người trí thức hãy nhìn tấm gương vòi vọi của Đức Thánh Trần nói ra những điều gan ruột về quốc kế khi Đức quân vương Trần Anh tông viếng thăm và ân cần hỏi, nghe.

*

Tình hình nhân loại diễn biến phức tạp và hỗn loạn ngày nay là tất yếu của bước tiến lịch sử. Sự tích tụ văn hóa tạo ra điều kiện toàn cầu hoá, nhưng con đường nhân loại đến văn minh chỉ ở bước đầu tiên nên những quy tắc ứng xử nhân bản đang được đặt ra trên mọi bình diện: từng quốc gia, từng vùng miền (Liên hiệp châu Âu, Asean, v.v…) Mỗi quốc gia đều ưu tiên lo lắng cho sự tồn tại và sự phát triển của riêng mình và xét như thế thì sự bành trướng của người Tàu là một tất yếu. Chưa bao giờ vận may lớn đến với người Tàu như ngày nay để mở cửa thông ra đại dương và bành trướng xuống Đông Nam Á.

Phê phán những chính sách của người Tàu mà không xét sự “tất yếu” đó thì không nhìn thấy quy luật “cá lớn ăn cá bé“ đầy bán khai và man rợ. “Tri nhân, tri kỷ”, nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” có ý nghĩa là như vậy.

*

Chính trị sai lầm vì không dựa vào nhân dân và trí thức. Không có tri thức thì mờ tối, chỉ xét những điều nhỏ nhặt mà không làm đúng vai trò quán xuyến xã hội nên càng mắc sai lầm lớn hơn. Vượt qua mình là khó nhất. Các nhà chính trị Việt Nam hãy bình tâm xác định lại tư cách làm một con người chân chính, có đủ đạo đức và lý trí. Trên cơ sở đó, xác định mình là người Việt Nam với truyền thống thông minh và oanh liệt thì từ từ sẽ biết được có thể làm gì cho đúng vai trò của mình.

Xin viết ngắn cho đủ một “ý kiến phản hồi” và thực sự cũng mới chỉ là những phác thảo suy tư ban đầu.

Thân mến.

2. Chính trị phổ thông và “chuyên trách”

(Viết riêng thân tặng chị Hiền Giang và quý bác)

Lời dẫn: Thông thường sau khi viết một ý kiến và được hiển thị, tôi thường chú ý xem có được nhận xét góp ý nào không (Lúc lúc lại nhấn vào “Trang chủ“ để „cập nhật“)Tôi đã rất vui khi được chị Hiền Giang nhận xét rất “positiv”. Nội dung phần viết sau đây, cơ bản đã hình thành sau khi nhận được sự động viên đó. Tuy nhiên tôi vẫn đọc tiếp hết các ý kiến để học hỏi và kiểm tra nhìn nhận của mình.

Tôi cũng lưu ý nhận xét của chị KTS Trần Thanh Vân về bức”Thư ngỏ” do GS Tương Lai chấp bút. Cùng việc nghiền ngẫm bài này, tôi đọc bài viết của bác Hà Sĩ Phu (Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ, http://danluan.org/node/13733) như một “tổng quan”.

Ý kiến sau đây theo một “mạch” khác, nhưng cũng không xa những điều quý tác giả đã đề cập. Xin mạnh dạn trình bày như sự hồi âm trân trọng sự chia sẻ của quý thân hữu.

Thân mến.

*

Xin không bàn xa những điều như “tính xã hội, tính cộng đồng” của con người nói chung, chỉ xét một câu thành ngữ quen thuộc “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” cũng có thể rõ ý thức mỗi con người đối với mọi vấn đề của Quốc gia và Dân tộc. Xin tạm coi đó là “chính trị phổ thông” vì là bản năng của mỗi con người.

Vậy “chính trị chuyên trách” là gì?

Ở các nước tiên tiến, người ta coi làm chính trị là một nghề (chính trị chuyên nghiệp), người làm chính trị gọi là “chính khách”. Ở chúng ta, dù đặt (bất thành văn) “chính trị làm thống soái”, vẫn chưa có nhiều người quen gọi hay tự xưng mình làm nghề “chính trị chuyên nghiệp”. Tôi dùng chữ “chính trị chuyên trách” như khái niệm trung gian chỉ những người đảm trách công việc này và ăn lương theo /sống bằng công việc đó.

Xin trình bày thêm từ ý “chính trị gia có vai trò quan trọng trong xã hội” trong nhận xét trước.

*

Thực ra, nhận xét trên được gợi mở từ sự nghiền ngẫm câu thơ của Cụ Nguyễn Du trong “Văn chiêu hồ” Đứng đầu (mục số 1) trong “thập loại chúng sinh”, Cụ Nguyễn Du nói đến các bậc vua chúa bị giết:

Nào những kẻ tính đường kiểu hạnh,

Chí những lăm cất gánh non sông;

Nói chi đang thuở thị hùng,

Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau.

Trong bản của cụ Hoàng Xuân Hãn, câu thứ 2 viết là „cướp gánh non sông“ và có khảo dị „cất gánh“; Tôi dùng chữ „cất gánh“ này và thấy có ý nghĩa hơn. Lý do là cần thấy „gánh non sông“ là công việc rất nặng (việc sinh tử cả một quốc gia). Người làm chính trị có thể cướp quyền, nhưng đến khi có quyền rồi thì phải „gánh non sông“ trên vai: Vinh hay nhục đều ở đó! Dưới quyền họ, Tể-thần (mục thứ 3) đã là:

… những kẻ áo cao mũ rộng,

Ngòi bút son thác sống ở tay;

Cho nên những người làm chính trị “đau lòng nhức óc” vì những “thế”, những “vận” luôn biến chuyển và thay đổi. Xét sơ lược chuyện ở Nga thời gian cuối cũng thấy rõ: Gorbachev nhìn ra nguy cơ sụp đổ kinh tế sau cuộc chạy đua vũ trang tốn kém đã chấp nhận những bước lùi (theo “tinh thần chuyên chính vô sản”) để các nước cộng hòa độc lập và nước Đức thống nhất. Sự không triệt để đã được Elxin tiếp tục bằng cách giải tán đảng Cộng sản Liên xô để rồi chính ông cũng phải rút lui bằng một thoả thuận ngầm với người kế nhiệm rằng không truy cứu trách nhiệm những người đi trước đã làm. “Đại trượng phu ở đời, thân và danh đều toàn được là nhất, danh toàn mà thân chết là thứ nhì, còn như danh nhục mà thân toàn đó là kẻ hèn kém” (Thái Trạch khuyên Phạm Chuy, Đông Chu liệt quốc, hồi thứ 101). Đó là lời dành cho những người làm chính trị, giữ quyền hành, “cất gánh non sông” đời nào cũng cần suy ngẫm kỹ.

*

Xét vai trò chính trị và chính trị gia đối với công việc nhà nước như trên (“gánh giang sơn”), có thể thấy vấn nạn xã hội ta là đang thiếu những nhà chính trị đích thực (không chỉ so với các triều đại Lý, Trần, Lê mà ngay cả với những thế hệ sau 1945). Câu của cụ Tản Đà “Dân hai nhăm triệu (giờ thì đã chín mươi triệu) – ai người lớn” càng đọc càng đúng với ngày nay. Tính “chuyên trách” (chưa “chuyên nghiệp”) của chính trị Việt Nam có thể được coi qua các biểu hiện:

- Không công khai thừa nhận các khiếm khuyết, của từng cá nhân, ở mỗi vai trò cụ thể, trong điều hành kinh tế, giáo dục, xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông, tổ chức sinh hoạt thành phố văn minh, sạch đẹp, v.v…

- Không đủ khả năng tiến hành đối thoại với dư luận xã hội về tất cả các vấn đề cơ bản và chi tiết. (“Lờ” đi mọi kiến nghị, thỉnh nguyện thư, v.v…)

Cảm nhận của nhiều người là giới lãnh đạo mang tư tưởng “sợ” thể hiện bằng việc dùng bạo lực trong giao tiếp với công dân; lạm quyền lập án dập tắt các ý kiến phản biện…

Tôi nhìn nhận điều này và giải thích cho mình (qua nghiền ngẫm trong thời gian hơn 20 năm) rằng nguyên nhân nằm trong sự khiếm khuyết về trình độ và khả năng tri thức của lãnh đạo. Phần chủ yếu trong nội dung kiến nghị của gần một trăm vị trí thức có uy tín lần này, nói thẳng ra, là xây dựng một xã hội dân chủ đa nguyên (Hiến pháp văn minh, Pháp luật hoàn chỉnh và công bằng, thừa nhận quyền thể hiện nguyện vọng của nhân dân bằng biểu tình …) thay thế cho cung cách toàn trị duy ý chí lỗi thời, bất lực, chắc chắn dẫn đến bại vong. Và chỉ có con đường đó mới thoát ra khỏi tình trạng bế tắc và nguy ngập này. Con người chỉ SỢ khi họ không hiểu tình thế và không đủ khả năng nhìn thấy đường ra (giải pháp). Trong trường hợp như thế, người mang tâm tưởng sợ hãi đó luôn bám vào cái gì giống mình (cụ thể là “cộng sản” Tàu) và nghi kị tất cả những gì khác, mới; từ chối tất cả những gì thấy khó hiểu và làm không giống trước.

(Tôi có tìm và lưu giữ nhiều tài liệu về đề tài này, nhưng chắc phải trao đổi trong chuyên mục khác).

*

Chị Hiền Giang thân mến,

Tôi cảm ơn sự chia sẻ của chị cùng các bạn thân hữu.

Chị viết rất đúng: Nếu những người lãnh đạo của ta sáng suốt lại thì “đại phúc cho nước nhà quá”. Nếu có thể thêm thì xin viết theo: Cũng, trước hết, chính là đại phúc cho những người lãnh đạo vậy.

Chỉ nhìn những bước đi vững vàng đầu tiên của Myanmar hay tinh thần “không sợ” của giới chức Philippines mà suy ngẫm thì cũng có thể tin vào một dân tộc kiên trung và nhân hậu như dân tộc Việt Nam mình.

Mong thay!

PS: Có một ý muốn trình bày thêm vì sợ viết chưa rõ: Nêu bật và nhấn mạnh cái đểu và xấu của “bành trướng Tàu” cũng chỉ là một cách “khéo” để nói rằng vì “đảng ta” vô tình và cả tin nên mới bị “nó” lừa (Có bao giờ nó “tốt”?!). Đọc lại “Đại cáo bình Ngô”: ... chính sự phiền hà, để trong nước nhân dân oán hận; Quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ ngược, bọn gian tà còn bán nước cầu vinh (Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, Q.I, Tr. 242) – thì biết rõ đâu là chính, đâu là hệ quả!

V.Đ.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn