Hai mươi năm quan hệ ngoại giao với Việt Nam và con đường phía trước

Ted Osius

(Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam)

clip_image001

Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 6 tháng 3 năm 2015

Xin chào quý vị và các bạn. Thật tuyệt vời được có mặt tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội hôm nay, tôi xin cảm ơn ông Giám đốc Phùng Xuân Nhạ cùng toàn thể giảng viên và sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội về sự đón tiếp nồng nhiệt này.

Các bạn biết không, trước khi vào hội trường này, tôi đã đề nghị chị Nguyễn Thị Anh Thu, Trưởng ban hợp tác quốc tế, đưa tôi ra thăm đài kỷ niệm ở cổng trường. Chúng tôi đã đọc câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã khuyến khích Việt Nam giữ gìn truyền thống hiếu học của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”.

Với câu nói đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rằng hội nhập quốc tế và các quan hệ đối tác dài lâu là rất quan trọng đối với thành công của Việt Nam.

Thật phù hợp là tôi nói chuyện về tương lai của quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội, bởi vì các bạn biết rằng giáo dục nghĩa là học hỏi lẫn nhau.

Nghĩa là hiểu nhau để đạt được những lợi ích chung hiệu quả hơn.

Nghĩa là nâng cao vị thế cho nhau bằng sự hiểu biết.

Nghĩa là giúp nhau khai thác tối đa tiềm năng của chúng ta.

Nghĩa là cùng thúc đẩy một tầm nhìn chung về một thế giới hoà bình và công bằng hơn.

Năm 2015 đánh dấu mốc kỷ niệm lần thứ 20 ngày bình thường hoá quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Hôm nay, tôi muốn nói với các bạn về ba khía cạnh của dấu mốc này và ý nghĩa của nó đối với tương lai quan hệ của chúng ta.

Thứ nhất, tôi muốn nêu bật mối quan hệ Đối tác toàn diện, thể hiện mức tiến xa mà chúng ta đã đạt được trong 20 năm qua.

Thứ hai, tôi muốn bàn về hiện trạng quan hệ giữa hai nước chúng ta.

Thứ ba, và có lẽ là quan trọng nhất, tôi muốn chia sẻ suy nghĩ của mình về phương hướng phát triển mối quan hệ này trong 20 năm tới và xa hơn nữa.

Vậy chúng ta đã đi được bao xa trong 20 năm kể từ khi bình thường hoá quan hệ? Năm 2013, Chủ tịch Sang và Tổng thống Obama đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, trong đó xác định một danh mục các lĩnh vực quy mô rộng và chiến lược mà chúng ta cần hợp tác và cùng làm việc.

Chủ tịch của các bạn và Tổng thống của tôi đã vạch ra một hướng mới cho chúng ta trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và thương mại, an ninh, khoa học và công nghệ, giáo dục, môi trường, y tế, và hợp tác giữa nhân dân hai nước.

Hai nước cũng nêu bật những phương thức để tiếp tục cùng nhau làm việc về các vấn đề chiến tranh để lại và nhân quyền.

Trong những năm 90 liệu có ai nghĩ là có thể có một mối quan hệ đối tác như vậy?

Hồi đó tôi đã ở đây và tôi có thể nói với các bạn rằng mặc dù tất cả chúng tôi đều hy vọng về những điều tốt nhất, nhưng tôi không nghĩ rằng có ai lại dự đoán được rằng chúng ta có thể tiến xa như hiện nay.

Ngoại trưởng Kerry đã nói đúng nhất khi ông thăm Việt Nam năm 2013. Ông nói rằng không có hai nước nào khác “nỗ lực hơn, làm được nhiều hơn, và làm được tốt hơn để cố gắng đến với nhau, thay đổi lịch sử và thay đổi tương lai”.

Vậy nên, mối quan hệ Đối tác toàn diện cho thấy rằng chúng ta đã làm được nhiều việc, và nó cho chúng ta một lộ trình để tiến về phía trước.

Vậy chúng ta đang ở đâu hôm nay? Hiện trạng quan hệ là như thế nào?

Trong lĩnh vực hợp tác chính trị và ngoại giao, chúng ta chứng kiến nhịp độ đáng phấn khởi các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước. Những chuyến thăm này có giá trị mang tính biểu tượng và thúc đẩy mối quan hệ Đối tác toàn diện.

Chúng ta đã chứng kiến một số chuyến thăm cấp cao, trong đó có các chuyến thăm của các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ, các Phó Thủ tướng Việt Nam, các nhà ngoại giao hàng đầu và các quan chức cao cấp khác. Ngài Bộ trưởng Công an Việt Nam cũng sẽ sớm sang thăm Hoa Kỳ và gặp gỡ các quan chức cao cấp Hoa Kỳ để trao đổi ý kiến về một loạt các vấn đề, trong đó có vấn đề nhân quyền.

Và chúng tôi vui mừng rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sang thăm Hoa Kỳ trong năm nay theo lời mời của phía Hoa Kỳ. Chúng tôi tin tưởng rằng chuyến thăm đó sẽ giúp đưa mối quan hệ Đối tác toàn diện tiến về phía trước. Chúng tôi hy vọng rằng nhịp độ các chuyến thăm cấp cao của Hoa Kỳ sang Việt Nam cũng sẽ được tiếp tục, bởi vì những chuyến thăm như vậy cũng là một phương thức để duy trì đối thoại cởi mở và thẳng thắn về những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt.

Hiện trạng quan hệ trong lĩnh vực chính trị và ngoại giao là khả quan ở nhiều cấp độ. Tháng Giêng vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã khai mạc một hội nghị ở Hà Nội kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ. Ông kêu gọi chúng ta tiến xa hơn hợp tác song phương để hợp tác ở cấp độ khu vực và toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, khí hậu, và an ninh nước, lương thực và năng lượng. Ông nói đúng.

Quan hệ Đối tác toàn diện của chúng ta là nhằm góp phần vào hoà bình, ổn định, hợp tác, và thịnh vượng ở mỗi nước, trong khu vực, và trên thế giới. Lịch sử gần đây của các mối quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ với Ấn Độ và Indonesia dạy chúng tôi rằng mở rộng hợp tác vượt qua cấp độ song phương để hợp tác rộng hơn là việc cần thiết và lành mạnh.

Trên thực tế, sự hợp tác Hoa Kỳ - Việt Nam trong các vấn đề khu vực và toàn cầu chứa đựng tiềm năng lớn cho quan hệ song phương của chúng ta và trên phạm vi rộng hơn. Chúng ta cần lắng nghe ý kiến của Thứ trưởng Hà Kim Ngọc và tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực này.

Thứ trưởng cũng kêu gọi Hoa Kỳ và Việt Nam cùng hợp tác hướng tới các cơ chế quốc tế và luật pháp quốc tế ổn định hơn.

Cũng như Việt Nam, Hoa Kỳ mong muốn có hoà bình và ổn định trong khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông. Như Ngoại trưởng Kerry đã nói tại Diễn đàn Khu vực ASEAN, chúng tôi “quan tâm sâu sắc đến phương thức hành xử của một số nước trong việc theo đuổi những tuyên bố chủ quyền của họ. Việc đe doạ, cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực bởi bất kỳ bên tuyên bố chủ quyền nào… là không thể chấp nhận được”. Chúng tôi tin rằng các tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết một cách hoà bình, thông qua con đường ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền thực hiện tự kiềm chế - đặc biệt là về các hoạt động cải tạo thực địa quy mô lớn để biến đổi các bãi đá và bãi ngầm thành những tiền đồn có thể dễ dàng quân sự hoá. Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc nhằm sớm hoàn tất một bộ Quy tắc ứng xử có ý nghĩa tại Biển Đông, nơi vận chuyển qua lại của một nửa lượng hàng hoá thế giới.

Nói về hàng hoá vận chuyển, ta hãy nói về quan hệ kinh tế và thương mại của hai nước. Kim ngạch thương mại hàng năm giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là khoảng 35 tỷ USD. Đây là mức gia tăng cao gấp hơn 7 lần trong 20 năm qua.

Và con số này sắp tiếp tục tăng thêm nữa. Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương (TPP) là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Obama. Một khi TPP được hoàn tất, các thành viên của Hiệp định này sẽ chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu.

TPP là một cơ hội to lớn đối với Việt Nam. Nó thể hiện bước tiến hợp lý tiếp theo trong quá trình Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao này sẽ là những cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam khi nó mở ra những xa lộ thương mại mới vì các rào cản bị dỡ bỏ.

Ngoài thương mại, chúng ta hiểu được tầm quan trọng của cải cách và hoà nhập kinh tế. Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng toàn diện của USAID giúp Việt Nam thực hiện chương trình cải cách kinh tế mà sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, triển vọng thương mại khu vực và, quan trọng nhất là, nhân dân Việt Nam.

Và, tôi tự hào nói rằng chúng ta thúc đẩy nhiều chương trình để tăng cường nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ và các dân tộc thiểu số bởi vì mọi người đều cần phải có cơ hội trong sự thịnh vượng kinh tế.

Tôi muốn nói đôi lời về hoạt động hợp tác khoa học và công nghệ của chúng ta, vì đây là một ví dụ tuyệt vời về phương thức chúng ta cùng làm việc.

Một thành tựu đỉnh cao là việc ký kết hiệp định 123 về năng lượng hạt nhân dân sự. Hiệp định này tạo tiền đề cho Việt Nam mở rộng các nguồn năng lượng của mình và hợp tác hạt nhân chặt chẽ hơn trong các thập kỷ tới.

Đồng thời, chúng ta chào mừng số lượng ngày càng tăng các hoạt động hợp tác khoa học được hỗ trợ bởi chương trình Quan hệ Đối tác nhằm thúc đẩy tham gia nghiên cứu (PEER).

Quan hệ đối tác của chúng ta về thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu cũng đang đi vào chiều sâu. Chương trình Rừng và Đồng bằng của USAID giúp Việt Nam thích ứng với tình trạng nước biển dâng và áp dụng các phương thức sử dụng đất bền vững hơn. Và chúng tôi đã đề nghị hỗ trợ Việt Nam tham gia cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu thông qua kế hoạch Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam; đây là kế hoạch hành động của Việt Nam nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Chúng tôi phấn khởi trước đề xuất cộng tác gần đây của Việt Nam với chúng tôi về an ninh lương thực và dinh dưỡng, đặc biệt là tại vùng đồng bằng sông Mekong.

Được nói chuyện như thế này tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội là điều hân hạnh. Nó cũng có nghĩa là tôi không cần phải thuyết phục các bạn rằng hợp tác giáo dục là quan trọng trong quan hệ của chúng ta.

Không có biểu tượng nào về mức độ tiến xa mà chúng ta đã và có thể sẽ đạt được lớn hơn Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP). Chương trình Fulbright vừa mới chào mừng năm thứ 20 đổi mới phương thức giảng dạy kinh tế và chính sách công tại Việt Nam.

1100 người đã tốt nghiệp chương trình Fulbright hiện đang đảm nhiệm những vai trò quan trọng tại tất cả các cấp và trong mọi lĩnh vực tại các thành phố lớn và các tỉnh. Chương trình Fulbright sẽ chuyển đổi thành một tổ chức hoàn chỉnh có tên là trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).

Đại học Fulbright sẽ là trường đại học tư nhân phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam, tạo ra một cơ chế nhân tài được điều hành minh bạch và một diễn đàn cho các khuyến nghị chính sách tâm huyết.

Chúng tôi đã thúc đẩy nhiều mối quan hệ đối tác công-tư. Chương trình Hợp tác liên minh giáo dục đại học ngành kỹ thuật đã thu hút hàng triệu USD tài trợ từ sáu doanh nghiệp đối tác, cùng với trang thiết bị và kiến thức chuyên ngành kỹ thuật.

Chương trình đó đang biến đổi phương thức giáo dục kỹ thuật ở Việt Nam và tạo ra nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực sẵn sàng làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao đang phát triển mạnh của đất nước.

Chúng ta cũng đã phát triển một chương trình đối tác tương tự để thúc đẩy tăng cường năng lực của những người làm công tác xã hội ở Việt Nam, với sự hợp tác của trường Đại học bang San Jose. Gần đây chúng tôi đã công bố khoản tài trợ đáng kể mới cho các chương trình đối tác giáo dục đại học.

Và chúng tôi tiếp tục mở rộng mạng lưới trên toàn quốc của những người đã tham gia các chương trình trao đổi giáo dục, và nâng cao khả năng giảng dạy tiếng Anh. Việt Nam hiện là quốc gia xếp thứ nhất ở Đông Nam Á về số lượng sinh viên du học tại Hoa Kỳ. Tôi khuyến khích tất cả các bạn cân nhắc các cơ hội du học tại Hoa Kỳ và tới thăm Trung tâm Hoa Kỳ của chúng tôi tại Hà Nội để tìm hiểu thêm.

Tôi tự hào về sự cộng tác chặt chẽ của chúng ta trong hàng loạt các vấn đề môi trường và sức khoẻ. Sự thực là, nếu chúng ta không bảo vệ môi trường và đạt được tiến triển trong các vấn đề sức khoẻ thì ít còn điều gì khác là quan trọng.

Đầu tuần này, trong khuôn khổ cam kết của Tổng thống Obama về lĩnh vực này, tôi đã khởi động một chương trình giúp giảm cầu đối với nạn buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác. Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan thi hành pháp luật của Việt Nam để chống lại mọi hình thức buôn bán bất hợp pháp.

Chúng tôi đã hợp tác với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ để xây dựng liên minh bảo tồn vịnh Hạ Long, một di sản thế giới được UNESCO công nhận hiện bị đe doạ bởi tình trạng ô nhiễm.

Hiểu được mối đe doạ mà tình trạng biến đổi khí hậu đặt ra đối với tất cả chúng ta, chúng tôi đang làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam và UNDP để hợp tác với Việt Nam trong quá trình Việt Nam thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh và đưa đất nước đi theo con đường phát triển phát thải thấp. Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong cũng tạo cho chúng ta cơ hội cộng tác sâu sắc hơn về hàng loạt vấn đề.

Trong lĩnh vực sức khoẻ, Hoa Kỳ đã đầu tư nhiều tại Việt Nam. Chúng tôi đã chi gần 700 triệu USD để chống HIV/AIDS thông qua Kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Cứu trợ AIDS.

Việt Nam cũng đã trở thành một nước trọng điểm trong Chương trình nghị sự của Tổng thống về An ninh sức khoẻ toàn cầu. Sau khi Việt Nam khắc phục thành công dịch SARS và cúm gia cầm, chúng tôi đang giúp các bạn chuẩn bị cho những đại dịch trong tương lai.

Bà Bộ trưởng Y tế Việt Nam và tôi đã khánh thành một Trung tâm điều hành, kết nối Hà Nội với bốn khu vực khác, để theo dõi các trường hợp bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm.

Hoa Kỳ có một quá trình dài hỗ trợ về mặt y tế, giáo dục và bảo vệ pháp lý cho những người khuyết tật. Sự hỗ trợ này bắt đầu vào đầu thập kỷ 90 và tiếp tục cho đến nay, nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội Hoa Kỳ. Giúp đỡ người khuyết tật là việc nên làm và giúp tất cả người dân Việt Nam khai thác được hết tiềm năng của mình.

Các vấn đề do chiến tranh để lại là một phần quan trọng trong mối quan hệ của chúng ta. Nếu không có những nhà lãnh đạo như Thượng nghị sỹ bang Vermont Patrick Leahy – người đã dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Khoa Luật của trường Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm ngoái – và sự can dự trong thời gian dài của nhiều người ở trong và ngoài chính phủ thì tôi không tin rằng mối quan hệ của chúng tôi với Việt Nam sẽ mạnh mẽ được như hiện nay.

Tôi muốn cảm ơn Việt Nam đã tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của chúng tôi nhằm tìm kiếm với mức độ đầy đủ nhất có thể được những quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh. Các đội tìm kiếm làm việc không biết mệt mỏi để khai quật các địa điểm và lần theo các đầu mối thông tin, và hai nước chúng ta đang chia sẻ những kiến thức chuyên môn mà có thể giúp tìm kiếm hiệu quả hơn những quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Các nỗ lực này đã và vẫn là rất quan trọng để xây dựng lòng tin giữa hai nước chúng ta.

Cho tới nay, Hoa Kỳ đã chi hơn 65 triệu USD cho việc xử lý ô nhiễm dioxin và 80 triệu USD cho việc xử lý ô nhiễm bom mìn chưa nổ. Năm nay chúng tôi tăng gấp đôi khoản đóng góp hàng năm lên tới hơn 10 triệu USD. Chúng tôi mong đợi được giúp Trung tâm Hành động bom mìn mới được thành lập của Việt Nam xây dựng và hợp tác với các nhà tài trợ và các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách kiểm soát vũ trang và an ninh quốc tế Rose Gottemoeller đã tới thăm tỉnh Quảng Trị tuần này để thấy được các nỗ lực xử lý ô nhiễm của chúng ta. Bà Thứ trưởng rất ấn tượng bởi những việc chúng ta cùng làm. Với sự lãnh đạo của cấp địa phương và cấp trung ương và sự hỗ trợ của chúng tôi, trong vài năm tới có thể tỉnh Quảng Trị sẽ được dọn sạch đáng kể các loại bom mìn chưa nổ.

Tôi muốn nói đôi điều về quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh của chúng ta. Điều này đóng vai trò quan trọng trong quá trình nổi lên của Việt Nam với tư cách là một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng và độc lập.

Chúng ta tiếp tục đạt được những tiến bộ vững chắc trên cả năm lĩnh vực ưu tiên đã nhất trí về Hợp tác Quốc phòng: an ninh biển, đối thoại cấp cao, tìm kiếm và cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ, và các hoạt động giữ gìn hoà bình. Việc tiến hành thường xuyên các chuyến thăm quân sự cấp cao giúp cả hai bên hiểu và trở nên thoải mái với nhau hơn. Sự hiểu biết lẫn nhau này đang biến lời nói thành hành động.

Năm ngoái, chúng ta đã tiến hành cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn đầu tiên của hải quân hai nước và một cuộc huấn luyện tìm kiếm cứu nạn trong khu vực đô thị của các lực lượng hai nước.

Cuối tháng này, lực lượng vũ trang của chúng ta sẽ cùng nhau tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ trong khuôn khổ chương trình Thiên thần Thái Bình Dương năm nay. Vào tháng Tám, hải quân hai nước sẽ cộng tác trong chương trình Đối tác Thái Bình Dương. Chúng tôi đang làm việc để cung cấp dịch vụ y tế cho hàng nghìn người dân Việt Nam, xây dựng và nâng cấp các trạm y tế, trường học và trại trẻ mồ côi, và cứu trợ thảm hoạ. Các chương trình đối tác này là những ví dụ tuyệt vời về mức độ tiến xa mà chúng ta đã đạt được – và cho thấy tiềm năng mà chúng ta có thể hướng tới.

Việt Nam đang đóng góp cho các hoạt động giữ gìn hoà bình của Liên hợp quốc, và đang tìm cách mở rộng vai trò của mình để hỗ trợ hoà bình và an ninh trên toàn cầu. Chúng tôi ủng hộ mục tiêu này, và đang cung cấp các hoạt động đào tạo, trang thiết bị và những đóng góp cho trung tâm giữ gìn hoà bình của Việt Nam.

Tập trung vào việc hiện đại hoá năng lực phòng thủ, Việt Nam có thể sẽ tìm đến các đối tác truyền thống của mình. Điều này có thể hiểu được. Việt Nam cần có nhiều bạn bè – nhất là ở trong một khu vực phức tạp và năng động như thế này. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có nhiều để đề xuất nhằm tăng cường an ninh của Việt Nam trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Còn nhiều điều mà hai nước chúng ta có thể cùng nhau làm để duy trì hoà bình, thịnh vượng và độc lập cho Việt Nam và cho khu vực. Để làm được như vậy, cả hai bên sẽ cần phải có những quyết định táo bạo và hướng tới một tương lai mới, mặc dù chúng ta vẫn nhớ và thành tâm giải quyết lịch sử của mình. Tuy chúng ta chia sẻ một lịch sử phức tạp, tôi tin rằng chúng ta cũng chia sẻ một tương lai tươi sáng.

Một lĩnh vực nữa mà chúng ta đã đạt được tiến bộ và vẫn còn thấy những thách thức là trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền. Như chúng tôi đã nói, chúng tôi muốn thấy một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng pháp quyền và nhân quyền.

Cuộc đối thoại nhân quyền thường niên chúng ta đã đạt được nhiều kết quả. Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu nhất trí phê chuẩn Công ước Chống tra tấn và Công ước về Quyền của người khuyết tật.

Chúng ta đã bắt đầu cùng nhau làm việc tại Liên hợp quốc – ngay cả tại Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc – mặc dù thống kê phiếu bầu của chúng ta phản ánh sự bất đồng sâu sắc về một số vấn đề quan trọng.

Việt Nam đã thả một số tù nhân lương tâm và cho phép không gian rộng lớn hơn cho tự do tôn giáo. Việt Nam cũng đã sửa đổi pháp luật để phi hình sự hoá hôn nhân đồng giới, và ủng hộ Liên hợp quốc hành động vì lợi ích của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) trên toàn thế giới.

Hoa Kỳ và các nước khác đã cởi mở và minh bạch với Việt Nam về những khác biệt của chúng ta trong vấn đề nhân quyền. Chúng ta tin rằng mối quan hệ của chúng ta chỉ có thể đạt tiềm năng tối đa khi có tiến bộ rõ rệt về nhân quyền.

Chúng tôi tin rằng việc cải cách Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự, mở rộng các quyền tự do cá nhân – bao gồm các quyền tự do trên internet, và khuyến khích một hệ thống tư pháp độc lập là rất quan trọng đối với thành công của Việt Nam.

Và chúng tôi sẽ làm việc với Việt Nam để nâng cao trách nhiệm giải trình trước công chúng, tính minh bạch công khai (bao gồm khả năng tiếp cận thông tin), đối thoại với xã hội, và cải thiện khả năng cung cấp các dịch vụ của chính quyền.

Tổng thống Obama và Chủ tịch Sang cũng đề cập đến việc hợp tác trong các lĩnh vực văn hoá, du lịch và thể thao. Đó là điều dễ hiểu.

Hàng chục triệu người Việt Nam dưới 35 tuổi coi Hoa Kỳ là đối tác gần gũi nhất của đất nước mình. Qua các trang Facebook của chúng tôi, các Trung tâm Hoa Kỳ, chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) của Tổng thống Obama (mà tôi hy vọng tất cả các bạn sẽ trở thành thành viên), chúng tôi kết nối với hàng chục nghìn bạn trẻ Việt Nam mỗi ngày.

Hoa Kỳ tôn trọng nhân dân, lịch sử, các giá trị truyền thống và văn hoá của Việt Nam. Chúng tôi đã thiết lập các quan hệ đối tác giữa Việt Nam và các tổ chức văn hoá như Trung tâm Kennedy và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.

Chúng tôi tài trợ cho nhiều chương trình giao lưu như chương trình Fulbright để xây dựng các mối liên kết giữa nhân dân hai nước. Chúng tôi đã tái khởi động một chương trình cho phép nhận con nuôi từ Việt Nam, bắt đầu với các trường hợp trẻ em từ 5 tuổi trở lên, nhóm trẻ em là anh chị em ruột, và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Và một cộng đồng Việt kiều ngày càng có nhiều ảnh hưởng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc tăng cường các kết nối giữa hai nước.

Vậy, khi chúng ta hướng về chương tiếp theo, câu hỏi là chúng ta sẽ đi đâu từ đây?

Một trong những người thầy của tôi là Đại sứ Pete Peterson, vị Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam sau khi bình thường hoá quan hệ. Hồi tháng Giêng, ông nói với tôi rằng “không có điều gì là không thể”. Quả thực, nếu chúng ta có học được điều gì trong thời gian 20 năm qua thì điều đó là không có điều gì là không thể.

Chúng ta hãy lấy đó làm phương châm của chúng ta cho thời gian 20 năm tới và xa hơn nữa. Liệu Việt Nam có thể hoàn tất đàm phán để biến Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương trở thành hiện thực?

Không có điều gì là không thể.

Liệu chúng tôi có thể làm việc với Việt Nam để phát triển một chương trình không gian nhằm tăng cường năng lực viễn thông, quan trắc những tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực nắm bắt thông tin tình hình trên biển và giúp dự báo thiên tai?

Không có điều gì là không thể.

Liệu chúng ta có thể hoàn tất đàm phán cho một Khu Đại sứ quán mới trong năm kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ này để chúng tôi có một toà Đại sứ quán phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của mối quan hệ của chúng ta?

Không có điều gì là không thể.

Liệu chúng ta có thể thúc đẩy các mối quan hệ theo kênh đảng giữa hai nước để xây dựng năng lực và quản trị nhà nước hiệu quả?

Liệu chúng ta có thể thấy một nước Việt Nam đối xử bình đẳng với các công dân đồng tính của mình trước pháp luật?

Liệu Việt Nam có thể tăng gấp đôi nỗ lực của mình nhằm đạt được mức độ minh bạch công khai cao hơn và tôn trọng nguyên tắc pháp quyền, là những yếu tố cần thiết để tiến lên trong rất nhiều lĩnh vực?

Liệu chúng ta có thể cộng tác để chống lại bệnh lao và loại bỏ bệnh sốt rét tại Việt Nam?

Liệu Việt Nam và Hoa Kỳ có thể tiến hành các bước đi để cho phép tiến hành các chuyến bay thẳng giữa hai nước chúng ta?

Liệu Hoa Kỳ có thể trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam như vị trí xếp hạng đầu tư Hoa Kỳ hiện nay tại các nước ASEAN nói chung?

Liệu Việt Nam có thể cải cách các quy định pháp luật về thị thực để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam?

Liệu chúng ta có thể cùng nhau tìm hiểu khả năng tổn thương của Việt Nam về an ninh lương thực do biến đổi khí hậu và tác động của điều đó đối với khu vực và trên phạm vi rộng hơn?

Có, chúng ta có thể, bởi vì không có điều gì là không thể. Và không có điều nào trong những điều trên là không thể, bởi vì tất cả những điều đó đều là vì lợi ích của Việt Nam, và chúng tôi muốn là đối tác của các bạn.

Với truyền thống “Con Rồng Cháu Tiên”, Việt Nam đã tạo được cho mình một đôi cánh vững chắc để bay lên. Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ sẵn sàng tiếp thêm sức mạnh cho Việt Nam bay cao và bay xa hơn nữa.

Một lần nữa, tôi rất cảm ơn trường Đại học Quốc gia Hà Nội và mọi người có mặt ở đây hôm nay. Bây giờ tôi rất vui lòng được nhận các câu hỏi từ các bạn.

T.O.

Nguồn: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/ambspeech-060315.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn