Khi siêu mẫu gặp siêu cảnh sát

Nguyễn Hùng BBC Tiếng Việt

clip_image002

Trang Trần gần đây vào vai Mỹ Chột trong phim Hương Ga

Vụ việc mà như lời người đi cùng Trang Trần nói chỉ nhỏ "bằng cái móng tay" cuối cùng thành vụ bắt người "khẩn cấp".

Trang Trần là khách trên chiếc taxi đi vào đường cấm và bị công an phường Hàng Buồm dừng lại vào lúc đêm về sáng hôm 27/2.

Dường như cô đã xin để lực lượng công an bỏ qua nhưng phía công an yêu cầu lái xe taxi về đồn và siêu mẫu bực mình chửi bới cũng như lấy điện thoại tự quay bản thân xỉ vả và tố cáo lực lượng công an "ăn tiền đút lót".

Tới đây công an quyết định đưa luôn cả Trang Trần về đồn và khi họ xô tới người mẫu đã "tát vào mặt một người trong nhóm lực lượng chức năng" theo lời chính cô trong video thu tại đồn công an và được đưa lên báo chí.

Trong lúc xô đẩy, bạn bè Trang Trần đã chất vấn lý do bắt người và cũng nói không nên bẻ tay và đè cô xuống.

Khi công an đang cố để đưa người mẫu về đồn trước sự giằng co của bạn cô, một sỹ quan công an tiến tới và hỏi nội tình vụ việc.

Không nói không rằng siêu mẫu tung chân đá luôn hai phát về phía người hỏi.

Dù hai cú đá không trúng nhưng đủ để người này nhiều lần lớn tiếng yêu cầu "bắt bằng được" Trang Trần.

Trong vụ việc này cả siêu mẫu lẫn siêu cảnh sát đều có những người ủng hộ và phản đối.

Bé xé ra to

Vụ việc quả thật không có gì lớn và nếu phía công an cũng như Trang Trần hành xử khác đi có lẽ đã không có chuyện gì xảy ra.

Xe vi phạm vào lúc sáng sớm và đường phố hoàn toàn vắng vẻ nên nếu công an chỉ cần cảnh cáo có lẽ mọi việc đã dừng lại ở đó.

Bản thân người viết bài này từng phạm lỗi giao thông khi đi vào làn dành riêng cho xe buýt trong lúc đưa người nhà ra sân bay Heathrow của Anh nhưng chỉ bị nhắc nhở và cho đi kèm theo giấy giải thích nếu không hài lòng với cách hành xử của cảnh sát thì khiếu nại ra đâu.

Trong khi đó đối với một lỗi vi phạm nhỏ hơn ở Hà Nội hồi cuối thập niên 1990, cảnh sát đã quyết định đưa xe máy về đồn giữ vài hôm sau khi đòi tiền bất thành.

Tại Anh, nếu người điều khiển phương tiện giao thông không mang theo giấy tờ, người ta cũng sẽ không bị giữ lại mà chỉ bị yêu cầu phải mang giấy tờ lên công an trong vòng một tuần.

Sau vụ việc, bản thân Trang Trần đã lên tiếng xin lỗi về hành vi của mình nhưng trong lời xin lỗi của cô cũng lại có những điểm cho thấy siêu mẫu đã đụng phải siêu cảnh sát.

Chuyện thu hình 'người vi phạm' để đưa ra trước công luận nhằm biện minh cho hành vi của mình đã bị chỉ trích vì các lý do khác nhau trong đó có chuyện vi phạm quyền riêng tư.

Lời Trang Trần nói trong video xin lỗi rằng cô đã "tát vào mặt một người trong nhóm lực lượng chức năng" khi viết ra giấy tại đồn công an đã thành "tát một đồng chí tự quản".

Không có bằng chứng khẳng định lời xin lỗi của cô do công an đạo diễn nhưng sau khi nghe những lời chửi bới công an của cô sẽ thấy không hợp lý khi cô gọi 'tự quản' là "đồng chí".

clip_image003

Lực lượng 'tự quản' ở Việt Nam cũng từng gặp tai tiếng

Bản thân lực lượng tự quản ở Việt Nam, tương tự với 'chính quản' ở Trung Quốc, đã từng có nhiều tai tiếng khi hành xử không đúng mực, lạm quyền mà báo địa phương gọi là "bát nháo".

Bình luận trên Facebook của BBC Tiếng Việt, bạn Phan Khánh Hưng viết: "Rất nhiều "đồng chí" tự quản, dân phòng xuất thân dạng lêu lổng, không công ăn việc làm, xin xỏ chạy chọt làm đầu sai cho CA và được cho phép ngầm để kiếm chác cơ hội. Ghét nhất cái tụi này, vì vừa dựa lưng công an vừa mất dạy.

"P/s: Trong trường hợp Trang Trần thì thấy lối hành xử mất dạy cũng không chỉ độc quyền ở đám các "đồng chí" kia mà những người "vốn tâm tốt" cũng trở nên hung hãn, thói mất dạy này đã trở thành phản ứng nội tại, rất dễ bùng nổ thành mức quá đáng."

Siêu cảnh sát

Trong vụ Trang Trần, cảnh sát Việt Nam có vẻ đã dùng sức mạnh của siêu cảnh sát để khuất phục siêu mẫu cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng.

Vào thời điểm họ quyết định đưa cô về đồn, hành vi được coi là "chống đối" của cô được thể hiện bằng lời nói và những câu xỉ vả khi đang say rượu, điều mà tại một số nơi không còn là lý do để người dân có thể bị bắt, thậm chí còn cần được trợ giúp, nhất là trong trường hợp người say xỉn là một phụ nữ.

Tòa ở Anh phán cảnh sát đã quá quen với những lời văng tục và khó có thể bị xúc phạm

Cách đây vài năm Tòa Thượng thẩm ở Anh đã phán rằng cảnh sát đã quá quen tai với những lời tục tĩu nên không thể bị xúc phạm khi nghe những lời như thế.

Quyết định của tòa đã khiến ngành cảnh sát gửi hướng dẫn tới các nhân viên nói rằng không nên bắt những vụ như thế vì tòa sẽ không xử theo hướng có lợi cho cảnh sát.

Trong khi đó một độc giả của BBC tại Đức nói cảnh sát bản địa còn có phòng riêng tại trụ sở cho những người say rượu chờ cho tới khi họ tỉnh.

Trang Trần cũng không phải là người điều khiển xe phạm lỗi mà chỉ là hành khách muốn 'xin' cho người tài xế thoát khỏi chế tài của cảnh sát, vốn không có uy tín thượng tôn pháp luật.

Đã có những cáo buộc về chuyện cảnh sát đòi những người lái taxi vi phạm đưa ví và lấy tiền theo ý thích sau khi nhiều lái xe taxi đưa tiền ít và xin xỏ rằng họ chỉ còn chừng đó tiền.

Không rõ lý do cụ thể nào khiến công an Hàng Buồm muốn đưa tài xế về đồn nhưng ngay cả khi họ có quyền làm vậy đây không phải là cách xử lý hợp lý.

Sự can thiệp của Trang Trần và hành vi tát 'tự quản' đã khiến cô bị bẻ quặt hai tay ra sau và cảnh sát dường như đã đè cô xuống đất.

Tiếp theo đó là quyết định bắt "khẩn cấp" mà các luật sư đã đặt câu hỏi vì người ta chỉ bắt khẩn cấp những ai đang chuẩn bị phạm tội nghiêm trọng hoặc có nguy cơ bỏ trốn sau khi phạm tội.

Trong trường hợp của Trang Trần, cô đã bị bắt và đang ở trong đồn công an khi có quyết định bắt "khẩn cấp".

Cụm từ này cũng thường được dùng cho những vụ bắt người vốn có những hành vi phi bạo lực, chẳng hạn vụ bắt nhà văn Nguyễn Quang Lập hồi cuối năm ngoái.

Trong thời gian bị giam giữ, ông Lập cũng được phía công an nói đã "khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình và xin được hưởng khoan hồng, sớm được tại ngoại" và "cam kết từ bỏ hoạt động vi phạm pháp luật để tập trung vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, phục vụ xã hội".

'Bắt giữ tùy tiện'?

Bình luận về vụ việc đang gây nhiều tranh luận liên quan tới Trang Trần, blogger Đoan Trang viết:

"Chúng ta có thể chỉ trích Trang Trần xả láng và ngoa ngoắt bao nhiêu cũng được, nhất là khi giờ này cô ấy đang ở trong tay công an, đang bị giam và không thể có cơ hội lên tiếng.

"Nhưng sao không ai đặt vấn đề về các sai phạm (có thể có) của công an: Còng tay, đánh người khi người đó đang say và về thể lực, thế lực thì người đó yếu hơn hẳn công an; bắt khẩn cấp là hành động bắt giữ tùy tiện và sai luật (Bộ luật Tố tụng Hình sự của chính Việt Nam); từ chối quyền tiếp cận luật sư của Trang Trần; khống chế và có biểu hiện ép cung để buộc Trang Trần phải viết giấy, quay video nhận lỗi; làm nhục công dân khi quay và tung video nhận lỗi của Trang Trần lên mạng..."

Trong lúc đó cũng có không ít ý kiến ủng hộ cách xử lý của cảnh sát.

Bạn đọc Nguyễn Lan Hương viết trên Facebook của BBC Tiếng Việt về bài của cây bút Đoan Trang:

"Đúng là ko khách quan chút nào. Muốn không bị bắt thì đừng đi sai đường, mà đã bị bắt rồi thì im lặng mà nhận lỗi đi.

"Thế yếu là thế gì? Là phụ nữ hay vì say xỉn hay phê thuộc rồi xúc phạm người khác? Nếu là phụ nữ thì tốt hơn nên ra đường trong tình trạng tỉnh táo sẽ ko ai nói hay bắt bớ gì được cả.

"Là phụ nữ thế yếu thì có quyền say xỉn rồi nhục mạ cả một nhóm người đang thi hành công vụ à?"

Và cho dù ý kiến về siêu mẫu và siêu cảnh sát có thể khác nhau, điều dễ thấy là cả hai bên đã vô tình và/hay cố ý đẩy vụ việc lên mức siêu sự kiện trong dư luận một cách bất thường.

Nhưng ít nhất siêu mẫu cũng đã được trả tự do sau hơn hai ngày giam giữ trong khi chờ 'xem xét, xử lý'.

N.H.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/03/150302_trang_tran_police

Vụ Trang Trần: Có một con voi trong phòng…

Phạm Đoan Trang

Trong tiếng Anh, có thành ngữ “elephant in the room”, hoặc “elephant in the living room”, dịch sát nghĩa là “có một con voi trong phòng (khách)”. Thành ngữ này chỉ một sự thật hiển nhiên, rõ ràng, mọi người đều biết, nhưng ai nấy đều lờ đi, không đả động đến vì ngại, vì sợ hoặc vì kiêng kỵ gì đó.

Để minh họa, có thể lấy ví dụ là vụ người mẫu Trang Trần bị CA phường Hàng Buồm bắt khẩn cấp và khởi tố về tội chống người thi hành công vụ. Ngay sau khi clip “Trang Trần chửi công an” bị tung lên mạng và nhân vật chính bị bắt giữ, cộng đồng mạng Việt Nam nổi sóng tranh cãi. Người phê phán Trang Trần vô văn hóa; kẻ khen cô trung thực, sống thật với lòng mình. Người phân tích luật pháp để thấy bắt Trang Trần là đúng (hoặc sai), kẻ lại chỉ trích “bọn dân chủ” cơ hội, tranh thủ vụ Trang Trần để xả cái sự căm ghét công an và cảm giác hả hê khi công an bị chửi tận mặt, v.v.

Nhưng đa số đều vô tình hoặc chủ ý khéo léo lờ đi một “con voi trong phòng khách”. Con voi ấy là gì vậy? Xin đăng tải dưới đây một số ít ý kiến đề cập đến nó.

1. Luật gia Trịnh Hữu Long:

Mọi người đều đồng ý với nhau rằng mọi quyền tự do đều cần có giới hạn. Lý do của việc đặt ra giới hạn là để đảm bảo quyền tự do của người khác và lợi ích chung của xã hội. Mỗi người cần bớt một chút tự do của mình để góp vào cái tự do chung của xã hội. Vấn đề là cái giới hạn ấy nằm ở đâu, và cái "một chút tự do" ấy là bao nhiêu. Đến đây thì bắt đầu cãi nhau không có hồi kết. Định lượng là một công việc không đơn giản, nhất là trong những xã hội đông dân và đa dạng về thành phần.

Vụ việc của Trang Trần, tuy nhỏ, và yếu tố duy nhất khiến nó ồn ào là cái danh hiệu siêu mẫu của cô, lại thể hiện đầy đủ những đặc trưng văn hóa pháp lý Việt Nam. Luật Việt Nam đã đúng khi quy định về hành vi chống người thi hành công vụ, cũng đúng khi quy định cả hai mức trừng phạt nặng nhẹ khác nhau là hành chính và hình sự. Nhưng vấn đề ở đây là “như thế nào là chống người thi hành công vụ” và ranh giới giữa mức hành chính và hình sự nằm ở đâu? Xác định được hai điều này cũng có nghĩa là xác định được ranh giới tự do của con người.

Các xã hội thiết lập những cơ chế riêng để đi tìm cái ranh giới đó. Cơ chế của hệ thống án lệ (Anh, Mỹ, Úc) thì thiên về việc trao cho các thẩm phán quyền giải thích Hiến pháp và thiết lập các giới hạn. Cơ chế của hệ thống dân luật (Pháp, Đức, Nhật) thì thiên về sử dụng các văn bản pháp luật do lập pháp và hành pháp đặt ra. Hai hệ thống này tỏ ra vượt trội và trên thực tế nó đã tạo ra các xã hội thịnh vượng nhất trên hành tinh.

Điều tiên quyết để hai hệ thống trên vận hành được là cấu trúc nhà nước tam quyền phân lập và dựa trên nền tảng chính trị dân chủ. Hai yếu tố này giúp cho các cơ quan nhà nước được đặt trong tình trạng bị kiểm soát liên tục và buộc phải lựa chọn những giải pháp tốt nhất có thể, đồng nghĩa với việc họ sẽ tìm mọi cách để xác định đúng cái giới hạn tự do của con người. Dù có thể các mô hình đó còn khiếm khuyết và chưa tìm được cái cần tìm, cỗ máy đó vẫn vận hành và ngày càng tiến gần đến cái giới hạn hợp lý hơn.

Còn ở những xã hội chỉ có một đảng cầm quyền như Việt Nam, về cơ bản là không có cỗ máy đó, nỗ lực tìm kiếm cái giới hạn hợp lý là vô vọng. Hệ thống pháp luật và nhà nước Việt Nam có cái vỏ của hệ thống dân luật Pháp, nhưng thiếu hẳn hai yếu tố tam quyền phân lập và nền tảng chính trị dân chủ. Bản thân Việt Nam cũng không nhận mình thuộc về hệ thống dân luật Pháp, mà tự gọi là mô hình nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Mô hình này trao quyền quyết định cho Đảng cộng sản Việt Nam, với quyền năng tuyệt đối và không bị ai giám sát. Với địa vị đó, cái ranh giới tự do của con người luôn bị đẩy về phía người dân và mở rộng tối đa không gian tự do của đảng cầm quyền. Vì thế, trong cách hành xử với Trang Trần, chính quyền đương nhiên lựa chọn cách giải thích pháp luật và xác định giới hạn tự do có lợi nhất cho họ.

Vậy nên nói gì thì nói, câu chuyện cuối cùng vẫn quay về với cái vòng kim cô chính trị mà Việt Nam đang đeo trên đầu. Có cố tình lảng tránh đến đâu, viện dẫn kiến thức bác học nào và biện minh bằng tinh thần bác ái cao đến đâu đi chăng nữa, câu trả lời cuối cùng chỉ có một. Loại bỏ Đảng ra khỏi các tranh luận pháp luật chỉ thể hiện hoặc là đánh giá không đúng mức vai trò của Đảng trong đời sống pháp luật, hoặc là cố tình lảng tránh. Tôi không hứng thú với những tranh cãi lặt vặt về luật thực định lắm, vì đó không phải cái cần nói.

2. Luật sư Vi Katerina Trần:

… Quyền diễn giải pháp luật ở Việt Nam thật ra là thẩm quyền của ai? Việt Nam là nhà nước xã hội chủ nghĩa, cho nên có thể thấy cả hai hệ thống pháp luật trên thế giới, án lệnh và dân luật đều không thể là cơ sở để trả lời vấn đề này.

Tôi không lên tiếng biện minh cho hành vi của cô Trang Trần. Tuy nhiên, hệ thống tư pháp ở Việt Nam bị xem thường quá mức và người dân không thể có một phán xét công bằng khi cơ quan hành pháp (đại diện là công an) nắm cả quyền diễn giải pháp luật và trước khi có phán xét của tòa án, dư luận đều dựa vào các tuyên bố của công an để định tội sẵn. Như thế, vấn nạn án tại hồ sơ không chỉ là sự thiếu trách nhiệm và vô năng của hệ thống tư pháp hay sự lạm quyền và tiếm quyền của cơ quan hành pháp mà còn là trách nhiệm của bất kỳ ai chấp nhận lối hành xử xem thường pháp luật. Tôi cho rằng hành vi xem thường pháp luật được thể hiện rất rõ khi một xã hội không coi trọng vai trò của ngành tư pháp, nơi đại diện cho pháp luật. Không phải ngẫu nhiên mà quyền thẩm định và diễn giải luật pháp tối thượng ở Hoa Kỳ được nằm trong tay Tòa Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

Trở lại việc (…) ở Mỹ, cảnh sát có thể bắt một người say rượu và có hành vi chống người thi hành công vụ. Điều đó không sai. Tuy nhiên, khi cảnh sát bắt người, có những chuẩn mực pháp lý mà người thi hành công vụ phải tuân theo hay không? Đương nhiên là có. Nếu người thi hành công vụ lạm quyền thì họ có bị pháp luật chế tài hay không? Cũng đương nhiên là có. Và người bị cảnh sát cáo buộc say rượu và có hành vi chống người thi hành công vụ có cơ hội phản biện hay không? Chắc chắn có. Đó là bởi vì đến cuối cùng, tòa án mới là nơi quyết định ai có tội ai không. Đơn cử ví dụ ở Mỹ, là hồ sơ của của Rodney King, một người đã bị cảnh sát Los Angeles bắt vì vi phạm luật giao thông và bị nghi ngờ có sử dụng chất kích thích khi lái xe. Vì có 4 viên cảnh sát đã lạm quyền và sử dụng vũ lực, chính những người cảnh sát này cũng phải đối diện pháp luật vì những hành vi của họ.

Một người được cho là vô tội cho đến khi tòa án phán quyết có tội. Cô Trang Trần chỉ bị công an bắt, KHÔNG AI CÓ QUYỀN định tội lúc này vì đó là nguyên tắc suy đoán vô tội. Một người khẳng định người khác có tội trước khi tòa tuyên án, thì với tôi, đó là sản phẩm của chế độ công an trị!

Sau cùng, quyền con người hay nhân quyền, mọi người ai cũng có. Tôi tuy không bênh vực cô Trang Trần, nhưng tôi không thấy lý do gì để quyền con người của cô ấy, nếu bị vi phạm, thì không đáng cho tôi lên tiếng nếu tôi cảm thấy đó là việc nên làm.

clip_image005

Việc "xử làm gương" trong trường hợp này cũng có thể được hiểu là "đánh dằn mặt".

3. Đoan Trang:           

Rất mong các bạn, khi kêu gọi "thượng tôn pháp luật", cũng nên chú ý tới hai vấn đề: 1. Luật nào, do ai đặt ra, bản chất của nó như thế nào? 2. Ai là người giữ quyền diễn giải luật pháp ở Việt Nam?

Cái mà tôi muốn nói ở đây là sự bất cập trong việc thực thi công lý ở Việt Nam. Ví dụ, như thế nào là “chống người thi hành công vụ”, và ai là người định nghĩa/ diễn giải việc đó? (Trong lịch sử tư pháp Việt Nam, tôi biết có trường hợp bị một toán công an xã đánh hội đồng, nạn nhân tự vệ bằng cách xô công an ra để chạy, và cuối cùng vẫn bị bắt ngay tại chỗ, tống đi tù (không án) vì tội “chống người thi hành công vụ”).

Trang Trần chửi và đánh công an thì các báo đều đưa tin, nhưng không thấy báo nào nói về bộ mặt tím một nửa bên của Trang Trần, chẳng biết là do công an đánh hay có nguyên nhân gì khác. (Tôi cũng đoán trước rằng nếu có thì thể nào câu trả lời cũng sẽ là “Trang Trần say rượu và trong lúc cự cãi với công an thì ngã đập mặt vào bàn/ ghế/ v.v.”).

Vấn đề ở đây là, có ai nhận thấy rằng Trang Trần đang hoàn toàn ở thế yếu và không thể tự vệ? Ngay từ đầu, tất cả thông tin đều do công an đưa ra. Việc diễn giải hành vi của Trang Trần cũng là công an toàn quyền quyết định. Đấy là chưa nói đến việc căn cứ Bộ luật Tố tụng Hình sự, công an phường Hàng Buồm không thể “bắt khẩn cấp” Trang Trần được. Ai đảm bảo công an đang không lạm quyền trong vụ Trang Trần và tất cả các vụ tương tự?

Chúng ta có thể chỉ trích Trang Trần xả láng và ngoa ngoắt bao nhiêu cũng được, nhất là khi giờ này cô ấy đang ở trong tay công an, đang bị giam và không thể có cơ hội lên tiếng. Nhưng sao không ai đặt vấn đề về các sai phạm (có thể có) của công an: Còng tay, đánh người khi người đó đang say và về thể lực, thế lực thì người đó yếu hơn hẳn công an; bắt khẩn cấp là hành động bắt giữ tùy tiện và sai luật (Bộ luật Tố tụng Hình sự của chính Việt Nam); từ chối quyền tiếp cận luật sư của Trang Trần; khống chế và có biểu hiện ép cung để buộc Trang Trần phải viết giấy, quay video nhận lỗi; làm nhục công dân khi quay và tung video nhận lỗi của Trang Trần lên mạng...

Có ý kiến cho rằng những thành phần như “bọn dân chủ” mà dính vào vụ này thì càng làm khổ Trang Trần hơn, bởi vì không dưng lại đẩy vụ án thành “án điểm”, xử làm gương. Nói như vậy chẳng hóa ra tòa án xử theo dư luận? Thấy dư luận như thế thì càng phải xử nặng cho dư luận sáng mắt, cho chừa… – tòa án hay là trẻ nít lên ba vậy?

(Ồ mà nếu xử theo dư luận thật, thì sao tòa không “xử làm gương” luôn thủ phạm trong hàng chục vụ án vụ dân thường tử vong ở đồn công an?)

Lại có người “khuyên” rằng nếu đấu tranh cho nhân quyền thì nên chọn trường hợp khác mà bảo vệ, chứ đừng phí công cho Trang Trần vì cô ta sai. Điều đó cũng hệt như khi có các ý kiến khuyên mọi người đừng hơi đâu bảo vệ ông Kim Quốc Hoa và báo Người Cao Tuổi, vì “bên ấy làm báo kém nghiệp vụ lắm, sơ hở lắm, làm báo kiểu ấy không sai mới lạ”, v.v. Nói vậy thì hỏi đến bao giờ trong số các nạn nhân của tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam mới có người xứng đáng để chúng ta lên tiếng bảo vệ đây?

Lời kết

Đến đây, hẳn chúng ta đều đã xác định được “con voi trong phòng khách” kia là gì. Nói về luật pháp và nền hành pháp, tư pháp của một đất nước, không thể nào không đề cập tới chính trị, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam, khi “tà trị” (chứ không phải “chính trị”) đang chi phối mọi mặt của đời sống và kìm giữ sự phát triển của con người. Nói đến luật pháp, đến cái gọi là “nhà nước pháp quyền” ở Việt Nam mà lại không nói đến vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản thì khác nào tảng lờ một  “con voi trong phòng khách”.

Hành pháp lộng hành, tùy tiện, thì được bao nhiêu người bênh vực, thương cảm, đòi “xử nghiêm” công dân để “làm gương, răn đe”. Trong khi đó, tư pháp ngồi đuổi ruồi và làm cảnh bao lâu thì không thấy mấy ai quan tâm. Điều đó, không gì khác, cũng là một biểu hiện của xã hội công an trị.

P.Đ.T.

Nguồn: http://www.phamdoantrang.com/2015/03/vu-trang-tran-co-mot-con-voi-trong-phong.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn