Biển Đông – Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á (Kỳ 7)

Bill Hayton

Phan Văn Song dịch

Hoàng Việt hiệu đính

Chương 3

Nguy hiểm và Ranh Ma*:

1946-1995

(Danger and Mischief: 1946 to 1995)

Ngay sau Thế chiến thứ hai kết thúc, trong hơn một năm không có đảo nào thuộc Quần đảo Hoàng Sa hoặc Quần đảo Trường Sa bị nước nào chiếm đóng và kiểm soát. Nhưng 50 năm sau, hầu hết đều bị chiếm đóng. Không phải chỉ có một trận chiến duy nhất để kiểm soát cũng như không phải quá trình chuyển đổi diễn ra chậm và đều; có những giai đoạn dữ dội vào năm 1946, năm 1956, đầu thập niên 1970, năm 1988 và 1995 khi hành động của một bên thường gây ra phản ứng từ những bên khác. Mỗi lần, việc chiếm đóng ban đầu đều được thúc đẩy bởi một mục đích cụ thể - về tính chính đáng dân tộc, lợi thế chiến lược hay phần thưởng kinh tế - nhưng không lần nào đạt được các kết quả mong đợi.

Mục đích của Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek) là sử dụng các đảo này để tăng cường sự lãnh đạo của ông khi đối mặt với những bước tiến của các lực lượng cộng sản. Ông thấy ra một cơ hội để chứng minh ông xứng đáng cai trị Trung Quốc bằng cách đứng lên chống người phương Tây đã từng tàn phá đất nước. Trong những tháng cuối năm 1946 chính phủ của ông phái các tàu chiến Mỹ hết hạn hoạt động mới được tặng để đòi chủ quyền của Trung Quốc. Đối thủ của ông là một thầy tu chuyển thành đô đốc hải quân, Georges Thierry d'Argenlieu. Đô đốc d'Argenlieu đã phục vụ xuất sắc nước Pháp trong Thế chiến thứ nhất nhưng sau đó nhận lấy giày áo theo phẩm trật tu viện Công giáo. Ông cũng phục vụ xuất sắc phẩm trật này, trở thành người đứng đầu nó tại Pháp. Tuy nhiên, vào tháng 9 năm 1939, khi đất nước phải đối mặt với mối đe dọa Đức xâm lược, cha d'Argenlieu đã treo áo thầy tu, trả mục vụ lại cho Caesar và gia nhập lại hải quân.

D'Argenlieu đã thăng tiến qua các cấp bậc cao trong lực lượng Pháp tự do, làm phái viên của tướng de Gaulle và chỉ huy công tác về các thuộc địa còn lại của Pháp ở châu Phi và châu Á. Tiếp theo các khen tặng và thăng chức vào giữa tháng 8 năm 1945 de Gaulle giao ông ta chịu trách nhiệm khôi phục lại quyền kiểm soát của Pháp ở Đông Dương. Thuộc địa này đang trong tình trạng hỗn loạn: Nhật đầu hàng, tiếp sau là cuộc cách mạng do Cộng sản lãnh đạo và Hồ Chí Minh trở thành chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà ông tuyên bố ngày 2 tháng 9. Trong khi đó các đơn vị của Trung Quốc bắt đầu di chuyển vào phía Bắc, cùng lúc đó quân đội Anh đã đổ quân xuống ở phía Nam. Người Anh sử dụng quân đội Nhật Bản để dập tắt các cuộc cách mạng địa phương và bàn giao thuộc địa cho d'Argenlieu. Đô đốc không phải là nhà thần học giải phóng. Trong bộ quân phục, niềm tin chủ đạo của ông là việc toàn tâm toàn ý cống hiến cho đế quốc Pháp.[1] Khôn ngoan nhưng cực kỳ bảo thủ, một nhà phê bình đã nói đùa rằng ông có bộ óc sáng láng nhất của thế kỷ mười hai.[2]

Trong suốt năm 1945 và 1946 d'Argenlieu cố hết sức mình để làm suy yếu cả những nhà yêu nước Việt Nam lẫn các nhà chính trị ở Paris ủng hộ thỏa hiệp với họ. Cuộc đàm phán khó khăn xảy ra sau đó giữa d'Argenlieu, chính phủ Pháp, những nhà yêu nước của Hồ Chí Minh và chính phủ quốc dân đảng Trung Quốc. Pháp và Việt đều muốn Trung Quốc rời đi nhưng không thể đồng ý về nhiều điều khác. D'Argenlieu thậm chí không dùng từ “Việt Nam”, thích dùng cái tên thực dân “An Nam” hơn.[3] Tình hình chính trị trở nên tồi tệ hơn khi d'Argenlieu theo đuổi kế hoạch riêng của mình. Tháng 6 năm 1946, ông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nam Kỳ đối lại, phá tan hi vọng của Paris về một thỏa hiệp hòa bình với “Việt Nam” của Hồ Chí Minh. Giữa những đấu đá nội bộ, số phận của Quần đảo Hoàng Sa, vài trăm cây số ngoài khơi bờ biển, trượt ra khỏi chương trình công tác.

Không giống như Quần đảo Trường Sa nổi tiếng hơn, hầu hết các phần của Quần đảo Hoàng Sa là đảo thật: đủ khô ráo để duy trì sự sống con người. Chúng nằm cách đảo Hải Nam khoảng 350 km về phía Nam và cách Đà Nẵng cũng gần như vậy về phía Đông và đã được các ngư dân và cướp biển từ các bờ biển Trung Quốc và Việt Nam và ở xa hơn sử dụng trong nhiều thế kỉ. Quần đảo Hoàng Sa được chia thành hai cụm. Nhóm An Vĩnh (Amphitrite) phía Tây Bắc (đặt tên theo con tàu của Pháp đã phát hiện ra chúng năm 1698)[4] có 6 đảo (bao gồm các đảo có tên hình tượng là đảo Phú Lâm [Woody], đảo Đá [Rocky] và đảo Cây [Tree] cùng với các đảo Nam, Trung và Bắc). Đảo lớn nhất, Phú Lâm, dài gần 2 km và rộng chỉ hơn 1 km. Đảo thứ bảy, Linh Côn (Lincoln), đôi khi được gồm vào nhóm này. Nhóm Trăng Khuyết (Crescent) nằm cách An Vĩnh 64 km về phía Tây Nam và chứa thêm 7 đảo: Hoàng Sa (Pattle) và Hữu Nhật (Robert) là quan trọng nhất. Những đảo khác là: Tri Tôn (Triton), Quang Hoà (Duncan), Quang Ảnh (Money), Duy Mộng (Drummond) và Bạch Quy (Passu Keah). Trong chiến tranh lính Pháp, lính An Nam và sau đó là lính Nhật đã chiếm đóng các đảo này đôi khi vào cùng một lúc. Nhưng vào cuối năm 1945 chúng đều đã trống không.

Một năm sau đó, tin đồn Trung Quốc có kế hoạch sáp nhập quần đảo này lan tới Paris và vào ngày 22 tháng 10 năm 1946 bộ trưởng Bộ Pháp Hải Ngoại ra lệnh d'Argenlieu phái một đơn vị ra chiếm đóng Quần đảo Hoàng Sa. D'Argenlieu lờ đi và thay vì vậy quyết định dạy cho các nhà yêu nước Việt Nam một bài học vì dám chống lại chính quyền Pháp. Ngày 23 tháng 11 năm 1946, sau cuộc đụng độ giữa lực lượng Pháp và Việt tại cảng Hải Phòng, d'Argenlieu ra lệnh cho tàu tuần dương Suffren và 4 tàu khác nã pháo vào thành phố. Việc bắn phá này đã san bằng một số khu vực và làm khoảng 6 000 người Việt thiệt mạng. Việc trả đũa không xảy ra quá lâu. Ngày 19 tháng 12, nổ ra việc người Pháp và các quân nổi dậy Việt đánh nhau trên đường phố Hà Nội. Giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến tranh Việt Nam đã bắt đầu. Nếu như d'Argenlieu phái tàu Suffren tới Quần đảo Hoàng Sa theo lệnh của Paris thì lịch sử có thể đã khác đi.

D'Argenlieu bấy giờ quá bận rộn với cuộc chiến mà ông mới vừa phát động đến mức ông đã từ chối một yêu cầu nữa từ Paris là phải chiếm Quần đảo Hoàng Sa không được chậm trễ, bằng cách nại lý do thời tiết xấu. Nhà sử học Stein Tønnesson đã lần theo dấu vết những gì xảy ra tiếp theo. Thời tiết đã không làm sứt mẻ tham vọng của Tưởng Giới Thạch. Chính phủ Trung Hoa của ông đã phái tàu chiến mới tới Biển Đông. Ngày 4 tháng 1 năm 1947, các tàu quét mìn Vĩnh Hưng [Yongxing] (trước đây là USS Embattle) và Trung Kiện [Zhongjian] (trước đây là USS LST-716) đã cho khoảng 60 lính Trung Quốc đổ bộ lên đảo Phú Lâm. Tới lúc này, cuối cùng d'Argenlieu mới điều một phái đoàn lên tàu Tonkinois. Khi người Pháp đến, sau người Trung Quốc hai tuần, trưởng đoàn của họ đã cố thử hối lộ - và sau đó ép buộc – người Trung Quốc rời đi, thậm chí nổ súng lên trời.[5] Người Trung Quốc vẫn từ chối và một tranh cãi ngoại giao bùng nổ dữ dội giữa hai chính phủ. Pháp xuống nước và ra lệnh cho tàu của mình chạy đi và triển khai binh lính lên đảo Hoàng Sa (Pattle) trong nhóm Trăng Khuyết thay thế. Trung Hoa Quốc Dân đảng giành chiến thắng và Pháp chỉ có thể đứng nhìn.

Dù các lập luận lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Quần đảo Hoàng Sa kéo lùi lại rất xa trước năm 1947, có khả năng là nếu như d'Argenlieu đã làm theo chỉ thị và chiếm đóng đảo Phú Lâm trước khi Trung Quốc ra tay thì đến nay quần đảo này vẫn còn nằm trong tay Việt Nam. Trong vòng 6 tuần lúc đó, sự lựa chọn ưu tiên hiếu chiến của đô đốc d’Argenlieu đã khiến Việt Nam trả giá bằng ba thập niên chiến tranh cùng với một cuộc đối kháng dai dẳng với Trung Quốc về số phận của Quần đảo Hoàng Sa. Chính phủ Pháp đã giận dữ và ngay sau đó đã cách chức d'Argenlieu. Trong khi cuộc chiến do ông khởi xướng trở nên dữ dội, ông trở về với Thiên Chúa và các tu sĩ Cát Minh. Ông đã sống những năm còn lại của cuộc đời mình với phẩm trật đó, cuối cùng mất vào năm 1967 tại một tu viện ở Bretagne.

Sau tháng 1 năm 1947, hai bên tranh chấp đối địch chiếm đóng hai nửa của Quần đảo Hoàng Sa: Trung Hoa Dân Quốc trên đảo Phú Lâm và Việt- Pháp trên đảo Hoàng Sa. Nhưng thắng lợi về đảo của Tưởng Giới Thạch trả giá quá đắc. Vị thế của ông tiếp tục suy yếu và chính phủ của ông đã buộc phải bỏ chạy sang Đài Loan. Năm 1950, phe cộng sản chiếm lấy đảo Hải Nam và phe Quốc dân đảng phải chọn cách rút quân khỏi đảo Phú Lâm và đảo Ba Bình trong Quần đảo Trường Sa. Sở khí tượng thực dân Pháp ở Đông Dương ghi nhận rằng các báo cáo thời tiết từ hai đảo này ngừng vào ngày 4 và ngày 5 tháng 5 năm 1950 tương ứng.[6] Pháp biết các đảo này đã bị bỏ trống nhưng không cho quân chiếm đóng, một phần vì sợ gây xích mích ngoại giao không cần thiết với Đài Bắc và Bắc Kinh, nhưng chủ yếu là vì họ đã có một cuộc chiến cấp bách hơn phải đánh nhau trên đất liền.

Sau tháng 5 năm 1950, trong 5 năm đảo Hoàng Sa là thể địa lý duy nhất ở Biển Đông có người chiếm đóng. Mỹ, Anh và Pháp kiểm soát vùng biển này, đặc biệt là trong thời chiến tranh Triều Tiên bắt đầu vào tháng 6 năm 1950. Bắc Kinh chỉ đơn giản là không có phương tiện để thách thức uy thế các nước này. Điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh từ bỏ yêu sách của mình, tuy nhiên, vào khoảng năm 1955 nhiều đơn vị cộng sản Trung Quốc đã được thiết lập trên đảo Phú Lâm. Lực lượng Mao Trạch Đông đã lặng lẽ lấn lướt cử chỉ tự hào của Tưởng Giới Thạch. Nhưng thay vì thực hiện một chuyến đi phất cờ gióng trống, mối quan tâm của họ xuống sát tận đất: khai thác phân chim làm phân bón cho ruộng lúa ở đại lục. Mục tiêu của Tưởng Giới Thạch đối với quần đảo này đã biến thành phân.

**********

Mục tiêu của Tomas Cloma đối với các đảo cũng có nét nổi bật là phân chim - kết hợp với cá đóng hộp - nhưng ước mơ của ông là riêng tư nhiều hơn: tạo ra của cải. Chỉ cao 165 cm, cái ông thiếu trong chiều cao ông bù lại trong tham vọng. Ông rời hòn đảo quê hương Bohol để làm việc như một thợ may phụ ở Manila, tự vượt qua bậc trung học, tìm được việc làm nhân viên điện báo, sau đó là một nhà môi giới vận tải hàng hóa và sau đó, vào năm 1933, là phụ tá biên tập vận chuyển cho tờ báo Manila Bulletin. Ông viết về những hoạt động vận chuyển vào ban ngày và học luật vào buổi tối, cuối cùng đã đỗ kỳ thi luật sư vào năm 1941. Tuy nhiên trong vòng vài tháng, sự nghiệp pháp lý dự định của ông đã bị phá hủy bởi cuộc xâm lược của Nhật Bản vào Philippines. Để có cái ăn và cái mặc cho gia đình mình, Cloma đã đi biển trong ba năm, sử dụng các kỹ năng đánh cá ở Bohol để chuyên chở hành khách và hàng hóa giữa các đảo. Gia đình ông sống sót qua chiến tranh và cuộc sống chỉ mới bắt đầu khá lên hơn thì Basilio, đứa con trai 6 tuổi của Cloma, đã bị chết trong một tai nạn giao thông ở thành phố Calamba. Luz, bà vợ u sầu củaTomas ngưng đi nhà thờ. Tomas chôn nỗi buồn của mình trong công việc.

Tháng 3 năm 1947 và Tomas và Luz Cloma, cùng với anh trai của mình là Filemon và ba người bạn, thành lập Tổng công ty cá Visayan. Với số tiền bồi thường mà họ nhận được từ cái chết của Basilio, họ chuyển một số tàu kéo hết hạn hoạt động của Mỹ thành tàu đánh cá. Họ thuê thuyền viên giàu kinh nghiệm và cắt đặt họ làm việc. Công việc làm ăn tốt đẹp nhưng Tomas luôn luôn nhanh chóng nhìn thấy cơ hội khác. Tháng 9 năm 1948, khi trường hàng hải do chính phủ Philippines điều hành (PNS) bị đóng cửa do đình công, Cloma lập Viện Hàng hải Philippines (PMI) đối thủ. Viện cung cấp các khóa học ba tháng, chỉ bằng một nửa thời gian của các khoá ở PNS, tại một cơ sở giá rẻ: một chiếc xà lan gần cửa sông Pasig ở Manila. Sau một thời gian viện chuyển đến một tàu đánh cá đào tạo công việc tại chỗ làm (trong khi cũng cung cấp lao động giá rẻ cho Tổng công ty cá Visayan). Trong vòng 18 tháng viện đã được chính phủ chính thức công nhận và có các lớp học trên bờ. Từ một điều gần như thảm họa một ý tưởng khác nảy ra. Năm 1947 Filemon đang đánh cá ngoài khơi Palawan thì bão Jennie, một trong những cơn bão mạnh nhất được ghi nhận, buộc ông phải tìm kiếm nơi trú ẩn trong một nhóm đảo bí ẩn ngoài khơi. Trong những năm tiếp theo, nhóm anh em này đã lập kế hoạch mở một nhà máy đóng cá hộp cùng khai thác các phân chim ở đó.

Trong các tường thuật sau này về hoạt động mạo hiểm của họ Tomas Cloma nói rằng ông đã kiểm tra nhiều bản đồ khác nhau nhưng không hề thấy có chỗ nào đề cập đến các đảo đó. Thậm chí hiện nay ở Philippines, Cloma thường được mô tả là người đã phát hiện ra các đảo. Nhưng Cloma phải biết điều này là không đúng sự thật. Có vẻ khó có thể xảy ra việc có một người đã từng làm việc như một phụ tá biên tập trên một tờ báo quốc gia về vận chuyển trong 8 năm lại là một nhà môi giới hàng hóa quốc tế trước đó mà lại không biết về các rạn san hô và các đảo nằm ngoài khơi bờ biển của đất nước mình.

Cloma có thể đã khẳng định là không biết gì về Quần đảo Trường Sa, nhưng chính phủ của ông hẳn phải biết về sự tồn tại của chúng trong một thời gian nào đó. Nhớ rằng chúng đã được sử dụng như một bàn đạp để Nhật Bản xâm lược Philippines, các báo địa phương đã từng thúc giục chính phủ phải có hành động để giữ chúng an toàn. Tháng 7 năm 1946, ngay sau khi Philippines được độc lập với Hoa Kì, Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó là Elpido Quirino, nói trong một cuộc họp báo rằng Philippines sẽ tuyên bố chủ quyền các đảo đó “vì rất thiết yếu đối với an ninh” của mình.[7] Ngày 17 tháng 5 năm 1950, vào lúc đó là tổng thống, Quirino tuyên bố rằng các đảo đó thuộc về Philippines nhưng nói thêm rằng đất nước ông sẽ không vội vã tuyên bố chừng nào mà quân Quốc dân đảng Trung Hoa (Đài Loan) vẫn còn kiểm soát. Ông không thể biết rằng thật ra họ đã rời đi 12 ngày trước đó. Mọi chuyện sẽ khác đi - ông cảnh báo - nếu cộng sản nhảy vào. Tuy nhiên, điều lạ là Philippines đã không đưa ra yêu sách của mình tại hội nghị hòa bình San Francisco năm 1951.[8] Khó mà tin rằng Cloma không biết gì về tất cả những diễn biến này.

Cloma đã có một đồng minh quan trọng, Carlos P. Garcia, cũng quê ở tỉnh Bohol, người mà ông từng học chung thời trung học. Garcia được bầu vào Thượng viện năm 1946 và đã trở thành Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao năm 1953. Anh em Cloma đã tổ chức gây quỹ cho chiến dịch tranh cử của Garcia và - con trai của Filemon nói – Garcia đã trao cho các hợp đồng của chính phủ và các ưu đãi khác để đáp lại.[9] Mối quan hệ này trở thành trọng yếu khi Cloma dấn mình sâu hơn vào môi trường mờ ám của chính trị quốc tế.

Có bằng chứng cho thấy gia đình Cloma đã dính líu vào việc buôn lậu và, vào năm 1955, Filemon đã bị tù 6 tháng vì dự trữ vũ khí nhỏ và chất nổ. Ông đã được trả tự do vào dịp đặc xá Giáng sinh năm đó, tuy nhiên, âm mưu tuyên bố chủ quyền các đảo vẫn tiếp tục.[10] Ngày 1 tháng 3 năm 1956 Phó Tổng thống Garcia là khách mời danh dự tại một bữa ăn tối tiễn Filemons đi chiếm đóng.[11] Garcia không thuyết phục được các thành viên còn lại của chính phủ của tổng thống Magsaysay ủng hộ gia đình Cloma,dù vậy việc chiếm đóng vẫn cứ tiến hành. Ngày 15 tháng 3, Filemon cùng các bầu bạn hồn nhiên của ông đã đặt chân lên các đảo.[12] Hai tháng sau, vào ngày 15 tháng 5, Tomas gửi thư cho Garcia và một số tòa đại sứ ở Manila tự tuyên bố chủ quyền khu vực biển hình lục giác ngoài khơi bờ biển Palawan tổng cộng 64 976 dặm vuông và tất cả các đảo, đá ngầm và đảo nhỏ bên trong nó (riêng đảo Trường Sa được cố ý bỏ ra ngoài yêu sách chủ quyền này). Ông dựa “trên quyền phát hiện và / hoặc chiếm đóng” để tuyên bố chủ quyền. Rồi 6 ngày sau đó, ông đưa ra một thông báo thứ hai tuyên bố đã đặt tên lãnh thổ (có từ lặp lại thừa thãi) là “The Free Territory of Freedomland” (Lãnh thổ tự do của xứ Tự Do).

Garcia đã ra một tuyên bố công khai ủng hộ ngày 17 tháng 5, nhưng theo báo chí vào thời điểm đó, tổng thống Magsaysay ra lệnh cho ông phải rút ngắn vở hài của Cloma lại trước khi nó trở nên thực sự nghiêm trọng. Magsaysay không phải là người duy nhất có ý kiến này. Người phụ trách ngoại giao Pháp ở Manila, Jacques Boizet, ban đầu gọi vụ việc là một “cuộc tranh cãi lố bịc”’ giữa các anh lùn “pygmy” nhưng cảnh báo rằng nó có khả năng gây ra những vấn đề sâu sắc nếu cộng sản Trung Quốc quyết định can thiệp. Chính xác những gì xảy ra bên trong hậu trường vẫn chưa rõ ràng. Nhiều hồ sơ chính phủ Philippines sau đó đã bị thiêu hủy trong vụ cháy. Nhà địa lý học Pháp FrançoisXavier Bonnet, người đã nghiên cứu sâu giai đoạn này, tin rằng Garcia và Magsaysay - dù có khác biệt nào của họ - đã hành động phối hợp nhau: Garcia ủng hộ Cloma còn Magsaysay hội đàm cấp cao với chính phủ Đài Loan để cố giữ cho tình hình trong vòng kiểm soát.[13] Tổng thống đã đưa ra một thông cáo chính thức nói rằng Cloma đã hoạt động với tư cách cá nhân và rằng Philippines không chính thức yêu sách các đảo này. Tuy nhiên, trong khi các hành động của Cloma có vẻ lố bịch đối với một số người, chúng thực sự có tính khiêu khích sâu sắc đối với những người khác và nằm trong chuỗi một loạt các sự kiện vẫn còn in dấu khu vực hiện nay.

Ngày 31 tháng 5 năm 1956, chính phủ Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận bất cứ hành vi xâm phạm các yêu sách của mình tại các đảo này. Lúc bấy giờ người Pháp đã rời Việt Nam và nước này đã tạm thời chia hai thành miền Bắc cộng sản và miền Nam tư bản. Ngày 1 tháng 6, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH / Nam Việt Nam) đã lên án hành động Cloma và ngày hôm sau, ngay cả Pháp cũng tham gia, nhắc lại tuyên bố chưa từ bỏ của chính mình có từ năm 1933. Nhưng Tomas Cloma không nản chí. Ngày 6 tháng 7, ông đã ban hành “Hiến Chương của Freedomland” mô tả đất nước mới của mình như là một thực thể độc lập tìm kiếm sự công nhận chính thức từ Philippines “theo tình trạng bảo hộ”. Trong đầu ông có một cái gì đó giống như vị thế mà Brunei có lúc đó như là một thuộc địa của Anh. Tomas tuyên bố mình đứng đầu nhà nước với quyền hành pháp duy nhất. Con trai và bạn bè của ông đã được phong là các bộ trưởng trong nội các. Ông cũng tiết lộ lá cờ của “Freedomland”, trên đó, đúng hơn là báo điềm xấu khi biết những gì sẽ xảy ra tiếp theo, có mang một chim hải âu trắng lớn.

Ngày hôm sau, 7 tháng 7, chỉ để chắc chắn rằng thông điệp đã được nhận, Cloma, con trai của ông Jaime và một số học viên PMI của ông diễu hành đến tòa đại sứ Trung Hoa (Đài Loan) ở Manila và trao cho các nhà ngoại giao ở đó một lá cờ mà Jaime nói đã lấy ở đảo Ba Bình (hoặc như ông đổi tên nó là ở đảo MacArthur). Điều này làm dấy lên cả phản kháng từ Đài Bắc lẫn chỉ trích từ chính phủ Philippines. Mọi thứ đã trở thành quá nhiều. Hải quân VNCH đã phái một tàu tới một trong những đảo của Trường Sa và phái đoàn này dựng lên một tượng đài và treo cờ tổ quốc vào ngày 22 tháng 8.[14] Chính phủ quốc dân đảng Đài Loan quyết tâm giải quyết vụ Cloma một lần rồi thôi và phái một phần của lực lượng hải quân của mình dưới sự chỉ huy của đại tá Yao.[15] Họ sẽ gặp nhau tại một nơi gọi là Danger.

Sáng sớm ngày 1 tháng 10 năm 1956, tàu IV của đội tàu PMI neo ngoài khơi rạn Bắc Danger (mà Cloma đã đổi tên thành “đảo Ciriaco”‘ở mũi cực Bắc của “Freedomland”) thì nó bị hai tàu của Hải quân Đài Loan thách thức. Thuyền trưởng Filemon Cloma đã được “mời” lên tàu một trong cáu tàu này để thảo luận về yêu sách của mình. Một cuộc tranh luận bốn giờ về những chi tiết của luật pháp quốc tế xảy ra sau đó – trong lúc đó Đài Loan đã lên tàu PMI IV và tịch thu tất cả các loại vũ khí, bản đồ và các tài liệu liên quan mà họ có thể tìm ra.[16] Ngày hôm sau Filemon được mời lên tàu một lần nữa và được giao cho tờ khai báo trong đó thừa nhận ông đã xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc và cam kết sẽ không làm như vậy lần nữa. Theo con trai của Filemon, ông đã ký vào tờ khai do bị cưỡng ép. Sau đó các tàu hải quân ra đi và đoàn người của Filemon kiểm tra các đảo gần đó - tất cả các cấu trúc trước đây họ xây dựng ở đó đều đã bị phá hủy.[17]

Tomas Cloma không phải là người để cho qua chuyện đó. Vì vậy, cuối tháng đó, ông đã tự mình đến New York với ý định làm một khiếu nại chính thức gửi Liên Hiệp Quốc. Nhưng bấy giờ chính phủ Philippines cũng đã chán ngán ông ta. Sau một cuộc họp báo ở các quán cà phê của khách sạn Waldorf Astoria, Cloma đã được đại sứ Philippines tại Liên Hiệp Quốc, Felixberto Serrano đưa ra ngoài, giải thích rằng chỉ các chính phủ được công nhận mới có thể trình bày các vấn đề tại Liên Hiệp Quốc và Philippines sẽ không lãng phí thêm thời gian về vấn đề này. Garcia và các đồng minh trong Hiệp hội Ngoại giao ở Manila lại cố thực hiện một nỗ lực vận động cuối cùng để thuyết phục Tổng thống Magsaysay thay đổi ý kiến nhưng không thành công. Ngày 8 tháng 2 năm 1957 Garcia đã viết một lá thư diễn đạt một cách cẩn thận cho Cloma, trong đó ông đưa ra một sự phân biệt phần nào tùy ý giữa 7 đảo được biết như là Quần đảo Trường Sa và các thể địa lý còn lại mà ông gọi là “Freedomland”. Phát biểu thay mặt cho Bộ Ngoại giao (không phải cho chính phủ, ông nói Cloma được hoan nghinh tuyên bố chủ quyền bất kỳ đảo trống nào trong “Freedomland”, chỉ khi nào mà không có chủ quyền của nước nào khác đã được công nhận trên đó. Điều đó chẳng có ý nghĩa gì.[18]

Điều đó là sự kết thúc của việc Tomas Cloma tham gia chính trường quốc tế, nhưng còn có phần cuối đáng tò mò cho toàn bộ dự án ‘Freedomland’. Sau năm 1956, Cloma đã chuyển hướng năng lượng của mình vào hoạt động kinh doanh, nhưng ông không bao giờ từ bỏ giấc mơ của mình. Ông rất thích được gọi là “Đô đốc” Cloma và mặc một bộ đồng phục màu trắng lấp lánh vào những dịp đặc biệt tại PMI. Tuy nhiên, dần dần đoàn mạo hiểm của ông đã bị nhạt nhoà trong bộ nhớ công chúng. Tuy nhiên vào đầu thập niên1970, nó kiếm được sự chú ý không chào đón của Tổng thống Ferdinand Marcos. Thăm dò dầu đã bắt đầu ngoài khơi bờ biển Palawan năm 1970, và vào tháng 7 năm 1971, lực lượng Philippines đã đặt chân tới ba đảo của Quần đảo Trường Sa:. Thị Tứ, Vĩnh Viễn và Bình Nguyên (lần lượt là Pagasa, Lawak và Patag theo tiếng Philippines). Họ dường như cũng đã cố gắng đổ bộ lên đảo Ba Bình nhưng đã bị lực lượng Đài Loan đẩy lui.[19] Cuối tháng đó, Marcos ra lệnh quân đội lập ra bộ tư lệnh miền Tây để bảo vệ lợi ích trong khu vực.

Chính trong thời gian này chính phủ Philippines thực hiện nỗ lực đầu tiên để chính thức hóa một yêu sách lãnh thổ thống nhất đối với các đảo, nhưng đó lại là một yêu sách dựa trên cơ sở địa lý và pháp lý khá lung lay. Thứ nhất, theo Garcia, nó cố gắng lập luận rằng khu vực nằm trong “Freedomland” là khác với nhóm đảo được quốc tế biết đến như là Quần đảo Trường Sa và thứ hai nó cho rằng Philippines có quyền sở hữu “Freedomland” do những hoạt động của Tomas và Filemon Cloma 25 năm trước đây. Cloma đã thấy cơ hội và đã viết cho tờ báo Daily Express tháng 1 năm 1974 kêu gọi chính phủ tài trợ cho tuyên bố ban đầu của mình tại Tòa án Quốc tế. Nó thu hút được sự chú ý của Marcos và tháng sau đó Cloma đã được mời tham dự một cuộc họp tại dinh tổng thống, trong buổi họp đó đó ông đã hứa sẽ nhường lại các đảo. Tất cả những gì cần phải làm chỉ là thủ tục nhỏ về một hợp đồng và giá mua. Cloma chọn ba chính khách làm nhóm đảm trách pháp lý cho mình và các cuộc đàm phán kéo dài. Ngày 3 tháng 10 năm 1974, Cloma, lúc đó đã 70 tuổi, được mời đến trụ sở cảnh sát quốc gia tại trại Crame. Sau một cuộc trò chuyện dài với một đại tá cảnh sát, ông đã được chỉ cho nhà mới của mình trong Stockade số 3. Vào khoảng thời gian đó, chính phủ tịch thu một tàu của ông, MS Philippine Admiral, làm tê liệt công ty vận chuyển của Cloma. Sau một vài ngày Cloma được cho biết ông sẽ bị buộc tội “mặc đồng phục và mang phù hiệu bất hợp pháp”. Chế độ thiết quân luật của Marcos đã xem trò đùa “đô đốc” hơi quá nghiêm trọng. Cloma hiểu những gì đang thực sự xảy ra. Ông giữ ý kiến 57 ngày nhưng cuối cùng thì lão già chịu thua. Ông đã ký nhượng “Freedomland” cho chính phủ Philippines với giá chỉ một peso.

Marcos đổi tên quần đảo Freedomland thành Kalayaan - Kalayaan là từ Tagalog có nghĩa là tự do - và tháng 6 năm 1978 đã ban hành Nghị định 1596 sáp nhập Kalayaan làm một hạt của tỉnh Palawan. Hạt này vẫn còn tồn tại, mặc dù đối với hầu hết thời gian trong năm nó đóng trong một văn phòng tại vùng ngoại ô của Puerto Princesa ở Palawan. Vào thời điểm viết sách, quân đội Philippines chiếm đóng 9 đảo và rạn san hô và cố gắng quan sát tiếp phần còn lại. Đảo lớn nhất do Philippines chiếm đóng - trước đây gọi là Thị Tứ nhưng đổi tên thành Pagasa (từ chữ hi vọng trong tiếng Philippines) - hiện tại đang là đảo nhà của một bức tượng nhỏ của Tomas Cloma. Nó đứng bên cạnh đường băng, buồn bã nhìn ra biển: vào chỗ mà một vài năm trước còn thuộc Cloma. Tháng 7 năm 1987, sau khi chế độ Marcos bị lật đổ, Cloma và các cộng sự đã yêu cầu chính phủ dân cử của tổng thống Corazon Aquino bồi thường. Họ đòi 50 triệu peso. Tomas Cloma mất vào ngày 18 tháng 9 năm 1996 mà không nhận được trả lời. Giấc mơ về một tập đoàn phân chim và cá hộp của ông vẫn chưa được hoàn thành.

B.H.

Dịch giả gửi BVN


[1] Spencer Tucker, D’Argenlieu, Georges Thierry, in Spencer Tucker (ed), The Encyclopedia of the Vietnam War: A Political, Social and Military History, 2nd edn (Santa Barbara, California, 2011).

[2] Quoted in Stein Tonnesson, Vietnam 1946: How the War Began (Berkeley, 2010).

[3] Stein Tonnesson, The South China Sea in the Age of European Decline, Modern Asian Studies, vol. 40 (2006), 157.

[4] Michael Sullivan, The Meeting of Eastern and Western Art, rev. edn (Berkeley, 1997), 99.

[5] Ulises Granados, Chinese Ocean Policies Towards the South China Sea in a Transitional Period, 19461952, The China Review, vol. , no. 1 (2006), 153.

[6] Stein Tonnesson, The South China Sea in the Age of European Decline, Modern Asian Studies, vol. 40 (2006), 1, esp. 33.

[7] Ibid, 21.

[8] Daniel J. Dzurek, The Spratly Islands Dispute: Whos On First, Maritime Briefings, vol. 2, no. 1 (1996), 15. Có thể xem tại https://www.duriac.ibrupublicationsviewid222.

[9] Phỏng vấn cá nhân với Ramir Cloma, con trai của Filemon Cloma, ngày 22/7/2012.

[10] Ibid.

[11] A.V.H. Hartendorp, History of Industry and Trade of the Philippines: The Magsaysay Administration (Manila, 1958), 209-30; Jose V. Abueva, Arnold P. Alamon and Ma. Oliva Z. Domingo, Admiral Tomas Cloma: Father of Maritime Education and Discoverer of FreedomlandKalayaan Islands (Quezon City, National College of Public Administration and Governance, University of the Philippines, 1999), 36.

[12] Monique Chemillier Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands (Leiden, 2000), 42.

[13] Stein Tonnesson, The South China Sea in the Age of European Decline, Modern Asian Studies, vol. 40 (2006), 1, esp. 50.

[14] Monique ChemillierGendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands (Leiden, 2000).

[15] Stein Tonnesson, The South China Sea in the Age of European Decline, Modern Asian Studies, vol. 40 (2006), 1, esp. 50.

[16] Rodolfo Severino, Where in the World is the Philippines? (Singapore, 2010).

[17] A.V.H.  Hartendorp, History of Industry and Trade of the Philippines: The Magsaysay Administration (Manila, 1958).

[18] Rodolfo Severino, Where in the World is the Philippines? (Singapore, 2010).

[19] Daniel J. Dzurek, The Spratly Islands Dispute: Whos On First, Maritime Briefings, vol. 2, no. 1 (1996),19. Available at https://www.dur.ac.uk/ibru/publications/view/?id=232.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn