Bỏ thì thương, vương thì tội (Mênh mông thế sự 13)

Tương Lai

Bỏ cái gì? Bỏ cái đuôi. Trong cấu trúc câu chữ nó là cái đuôi. Nhưng trong nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn thì cái đuôi này đã nằm không đúng chỗ như tên gọi. Nó nằm trong đầu. Nó ở vào nơi thâm sâu bí hiểm nhất của cái não trạng đang chi phối đường đi nước bước của cả một nước trong một thế giới đầy những biến động dữ dội mà chuẩn mực chính là sự thay đổi.

Thế nhưng sức mấy mà ngập chìm trong cái mênh mông thế sự này, đành chỉ nói đến cái “nhả chẳng ra cho, nuốt chẳng vào” cứ làm khó các nhà lãnh đạo đang Tây du, Đông du để quảng bá hình ảnh đất nước và mời gọi đầu tư, thúc đẩy hợp tác, ký kết hiệp định này nọ… đang lâm vào thế “giấu đầu hở đuôi”.

Này nhé, kịch bản đã soạn sẵn, diễn văn đã viết xong. Nhưng tránh sao được những câu hỏi cắc cớ của đám nhà báo? Cho dù những quân sư quạt mo chính hiệu, tài ba đến mấy cũng khó lường trước những cắc cớ đó mà chuẩn bị. Thì như cánh nhà báo Nhật hôm rồi đó. Mà là đã lên kịch bản rồi đấy nhé, không có chuyện hỏi khơi khơi đâu nhé, không ra ngoài chủ đề người được hỏi muốn trả lời nhé, không móc máy trái khoáy nhé. Nhưng rồi họ cũng đã điểm đúng vào cái huyệt hiểm “giấu đầu hở đuôi” kia như tay phóng viên báo Nikkei đã chơi khăm. Tóm ngay cái đuôi xã hội chủ nghĩa, anh ta hỏi về nền kinh tế thị trường của Việt Nam làm toát mồ hôi hột khối người. May mà nhờ có phép biện chứng bí truyền nên rồi cuộc thi vấn đáp đối ngoại cũng diễn ra suôn sẻ. “Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”.

Thôi thì “ở nhà nhất mẹ nhì con”, còn chuyện “ra ngoài lắm kẻ còn giòn hơn ta” để tính sau, đến đâu hay đấy. Thế là, chưởng biện chứng trong kịch bản soạn sẵn được tung ra ngay, hạ gục đối phương: Đây là sự kết hợp biện chứng, cần thiết, phù hợp với thực tiễn Việt Nam chẳng mắc mớ gì đến ai cả nhá. “Thực tiễn Việt Nam”, tớ một mình một chợ, để giữ lấy cái thế độc quyền, toàn trị thì phải lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, giữ bằng được sở hữu toàn dân về đất đai, có vậy mới tiện cho việc điều hành guồng máy kinh tế xã hội bằng nghị quyết. Có thế mới yên được cái ghế tớ đang ngồi, các ngài xía vào làm gì.

Nhưng đó là cuộc thi vấn đáp đối ngoại diễn ra tại trụ sở nước mình, nhà mình, có bao nhiêu tả phù hữu bật, chuyển tải ý tưởng sáng tạo qua văn bản đọc. Mọi việc ổn thoả cả. Tôi hỏi phóng viên một hãng thông tấn lớn của Nhật hôm rồi đến chơi nhà, anh ta cười tế nhị, không bình luận, chỉ bày tỏ nỗi thất vọng chung của cảnh nhà báo Nhật hôm ấy là họ không nhận được một câu trả lời nào của ông Tổng về Biển Đông và Đông Bắc, cái mà họ muốn săn tin trước chuyến công du của ngài. Chẳng hiểu sao ngài lờ tịt. Và rồi anh ta dồn tôi vào thế bí: tại sao các ông khẳng định nền kinh tế thị trường Xã hội Chủ nghĩa là cần thiết, phù hợp với thực tiễn Việt Nam nhưng lãnh đạo các ông khi gặp các lãnh đạo các nước thì lại yêu cầu họ công nhận nước ông có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Vậy thế nào là kinh tế thị trường đầy đủ, thưa ông?

Thế là phải trở thành “người đổ vỏ” cho “kẻ ăn ốc” đây. Thì chính các vị chóp bu nhà ta khi Tây du, Đông du lại tự khơi ra chuyện cái đuôi này để rồi lại bảo người ta đừng có để tâm, xem như không có nó. Rồi van nài xin hãy đối xử “bình đẳng” như thể là Việt Nam chúng tớ đã có một “nền kinh tế thị trường đầy đủ” cho chúng tớ nhờ!

Sao vậy hử, “nghĩ đà bưng kín miệng bình, nào ai có khảo mà mình lại xưng”? Thật ra, đâu phải mình muốn xưng chuyện này. Nhưng làm ăn với người ta, dính đến đồng tiền bát gạo chứ đâu phải chỉ mấy cặp phạm trù, khái niệm của phép biện chứng mà muốn đánh tráo khái niệm, bẻ queo phạm trù mà được. Túng bí là ở chỗ này đây.

Chỉ lấy một chuyện nhỏ: muốn kiện việc bị quy oan là bán phá giá một mặt hàng xuất khẩu nào đó như cá da trơn chẳng hạn, nếu được công nhận là kinh tế thị trường đầy đủ thì quy trình xử lý sẽ thuận lợi. Không thì chính người nuôi cá, người chế biến, xuất khẩu sẽ bị thiệt. Rồi cái nọ xọ cái kia rất chi là biện chứng kiểu được mùa mất giá, được giá mất mùa, đe doạ đến cả chuyện làm ăn của hàng vạn người, rồi nhập siêu, xuất siêu tùm lum tà la, uy hiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chứ chẳng chơi.

Lúc này giá mà giấu được cái đuôi xã hội chủ nghĩa đi thì hay quá. Nhưng giấu thế nào được, “nghĩ mình phương diện quốc gia, bên trên trông xuống người ta trông vào” sao lại làm chuyện đó, mà rồi cũng giấu đầu hở đuôi thôi. Lại nữa, tuy nó là cái đuôi, nhưng phải có nó thì mới giữ được cái đầu. Không kiên định để giữ bằng được cái đuôi xã hội chủ nghĩa này thì có mà loạn. Có kiên định cái này mới giữ được Điều 4 trong Hiến pháp chứ. Mà ai đó chẳng đã dại dột nói toạc ra rồi đó: “bỏ cái này là tự sát”. Chẳng thế mà Hiến pháp 2013 đã kiên quyết khẳng định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” đó sao!

Ấy vậy mà một ông Bộ trưởng đã nói toạc ra giữa Học viện Chính trị quốc gia: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà tìm”. Thời báo Kinh tế Sài gòn ngày 5.3.2015 đăng bài viết của một giáo sư kinh tế nhắc lại ý đó và nói thêm: “Có lẽ trong các khái niệm kinh tế trên thế giới, không có khái niệm kinh tế nào phức tạp bằng khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà các học giả Việt Nam miệt mài nghiên cứu ròng rã trong suốt 30 năm qua. Kết quả nghiên cứu nhiều đến mức không chỉ người bình thường mà ngay cả người trong cuộc cũng khó có thể nói được ngắn gọn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là như thế nào”. Vị giáo sư kia cẩn thận dẫn ra lời cụ Tổng, “về thời gian chính thức để Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhận định: “Không biết đến hết thế kỷ này đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.

Này, giáo sư hãy tự kiềm chế mà miệt mài nghiên cứu đi, chớ nhiều lời. 30 năm chưa tìm ra thì thêm ngần ấy năm nữa dù không thấy cái đầu thì may ra cũng chạm được cái đuôi. Chứ cái câu giáo sư trích dẫn chỉ là cụ Tổng buột miệng nói ra một sự thật nghiệt ngã cố giấu kín bấy lâu nay thôi. Đó là cái lẽ mất còn của cái ghế cụ đang còn ngồi phải giữ thật kín, sao lại khơi khơi viết lên báo hả? Lời nói gió bay, lúc không giấu được nỗi run trong lòng thì “tâm sự vụn” tí chút cho nó xả xú páp, mắc mớ gì giáo sư lại khơi ra trên báo hả, bọn thoái hoá biến chất âm mưu bạo loạn lật đổ này nọ đã dựa vào internet mà loang toáng trên mạng chưa đủ sao? Định “diễn biến” hở, hay “tự diễn biến”?

Nhưng khốn nỗi, đâu phải chỉ mình giáo sư bạn tôi kia băn khoăn, anh TNT cứ an tâm nghiên cứu và giảng dạy đi nhé, miễn là cứ “miệt mài” cho là được. Đâu chỉ mình anh. Chả là hôm rồi, một ông đại sứ của một nước lớn ở Tây Âu lại nhè vào tôi mà hỏi đúng câu chuyện anh viết. Ông ấy vừa nhấp chén trà sen và bình rất sành điệu: “Thơm lắm, nhưng chưa bằng trà sen Hà Nội ông pha lần trước” rồi thủng thẳng hỏi một câu khiến ngụm chè đang đượm bỗng đắng ngắt trong miệng mình: “Tôi tìm hỏi chính các vị ở Học viện Chính trị của các ông. Các ông ấy giải thích, nhưng tôi vẫn không hiểu được nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của các ông là thế nào. Khi các ông yêu cầu chúng tôi công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường đầy đủ thì với chúng tôi cũng chỉ nghĩ là chuyện thuần tuý “kỹ thuật” thôi. Rồi ông giải thích về quy trình xử lý một vụ kiện về kinh tế, như vụ kiện về bàn phá giá chẳng hạn (xin không viết ra đây), “Nhưng khi tôi nghe giải thích thì đây lại là thuộc về chính trị”, ông nói tiếp. “Chẳng những thế, theo các vị ấy lại là vấn đề chính trị lớn cơ đấy”.

Vâng, đúng là chính trị. Nhưng là thứ chính trị đã quá lỗi thời mà những đầu óc mụ mẫm cố bám giữ, bất chấp những biến động dữ dội đang diễn ra trên thế giới đòi hỏi não trạng của ngay những người từng quyết liệt thực thi một chế độ toàn trị phản dân chủ cũng đã phải chuyển đổi. Lý do đơn giản, nếu không chuyển thì sụp đổ. Và họ đã chuyển đổi một cách ngoạn mục mà Cuba là một ví dụ. Liệu có phải trên quốc đảo này, Thông điệp mang đậm tính nhân văn của Giáo hoàng Francis “Hãy phục vụ con người chứ không phục vụ ý thức hệ” đang có sức lay động lòng người và đẩy tới những chuyển động mạnh mẽ khó lường. Quả thật khi người ta hành động theo lời kêu gọi “những người có lương tâm phải thay đổi” thì lực tác động sẽ vượt xa về phía chân trời của khát vọng thấm đẫm tính người. Phải chăng lời tuyên bố của Chủ tịch Cuba Raul Castro: “Nếu ngài tiếp tục đường lối như thế, sớm hay muộn tôi sẽ bắt đầu cầu nguyện trở lại và tôi sẽ trở về với Giáo hội Công Giáo. Tôi không đùa đâu” là một minh chứng? Khi nhìn thấy sự ngỡ ngàng trên khuôn mặt các phóng viên, ông thêm rằng: “Tôi có thể trở lại với Đạo Công Giáo ngay cả khi tôi là một người Cộng sản”.

Liệu đây có phải là vấn đề chính trị “rất chính trị” có tầm vóc lớn hơn nhiều chuyện “cái đuôi xã hội chủ nghĩa”, một thứ “bỏ thì thương, vương thì tội” mà ông đại sứ vừa hỏi tôi. Chắc là ông ta thấy cái mặt tôi thộn ra rồi cố đánh trống lãng, nên với sự nhạy cảm ngoại giao, ông đại sứ ấy chuyển sang đề tài khác về “nhân sự Đại hội XII”.

Biết phận mình, không dám cao đàm khoát luận về đề tài hóc búa này có khi toi mạng, tôi cứ những điều BBC, RFI đã đưa tin và bình luận mà diễn tấu lại. Có thêm thắt tí chút muối ớt để khỏi trở lại câu chuyện “giấu đầu hở đuôi” kia thêm nhục quốc thể, cho dù mình chẳng là “phương diện quốc gia quốc giá” gì, nhưng dù sao cũng là người có học, phải biết giữ lấy cái liêm sỉ vụn! Chẳng qua là nói cho phải nhẽ thế thôi, chứ chẳng nhẽ tôi lại đọc cho ông đại sứ kia nghe phát biểu của giáo sư Trần Phương, nguyên là thủ trưởng của tôi, người từng tham gia lãnh đạo cái Học viện ông đại sứ đã hỏi :

Tôi hỏi ông chủ nghĩa xã hội bây giờ là cái gì? Tôi đố ông trả lời được đấy?!... Thế thì cái chủ nghĩa xã hội mà anh bảo rằng là lấy cái khẩu hiệu “dân giàu, nước mạnh” mấy cái câu đó mà thay thế cho chủ nghĩa xã hội, đấy là chủ nghĩa xã hội của tớ đấy! Không đúng.

Ông bịp thiên hạ với cái chữ chủ nghĩa xã hội của ông… Tôi nói thật là chúng ta tự lừa dối chúng ta, thực ra là phải nói như thế. Và chúng ta tự lừa dối chúng ta và đồng thời chúng ta lừa dối người khác. Tôi nghĩ là cái tệ hại đó phải chấm dứt, phải sửa.

Nhưng mà ai sửa? Những người cầm quyền bây giờ họ chẳng có thì giờ mà họ nghĩ đến chuyện đó đâu. Họ cứ miễn là một nhiệm kỳ này họ cứ ngồi đấy, còn nhiệm kỳ sau thì họ về hưu rồi. Tuỳ, thằng nào tiếp tục thì tiếp tục.

Xem thế thì cái chuyện “giấu đầu hở đuôi” kia cũng chỉ là chuyện nhỏ. Rồi trong nước nói một đằng ra ngoài nói một nẻo cũng chẳng là chuyện to. Sang Mỹ, sang Nhật, sang cả Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, trước bàn dân thiên hạ hãy tạm cắt cái đuôi để ở nhà, bí quá thì nhét vào bên trong, phải biến báo sao cho “đầu xuôi đuôi lọt” là được. Cái ông Tổng thống Pháp có cười tủm khi nghe mình yêu cầu cũng chẳng sao. Ông ta từng là lãnh tụ cánh tả, từng là Chủ tịch Đảng Xã hội chắc cũng mang máng tí chút về chủ nghĩa xã hội.

Đừng có làm to chuyện này làm gì. Dân mình vốn vô tư, cứ mở loa hết công suất là ổn. Túng thì phải tính thôi. Thế thôi. Xem ra cái sự liều của Tú Xương, một ông tú kiết sống vào buổi nhá nhem cuối thế kỷ XIX, đầu XX:

Lúc túng toan lên bán cả trời

Trời cười thằng bé nó hay chơi!

Ô hay công nợ âu là thế,

Mà vẫn….

cũng chẳng là cái đinh gì so với cái liều hiện đại rất biện chứng trong thế kỷ XXI này!

T. L.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn