CHỚ VỘI LẠC QUAN VỀ HIỆP ĐỊNH TPP

Nguyễn Quang Duy

Nếu Việt Nam không thay đổi thể chế để có những cải cách toàn diện và sâu rộng, thì gia nhập TPP Việt Nam cũng chỉ hưởng lợi theo cách người làm công hưởng lợi từ các ông chủ Mỹ, Nhật trả cho.

Luật chơi mới

Ngày 5-10-2015, Hoa Kỳ và 11 quốc gia khác đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hiệp định sẽ xóa bỏ các loại thuế và rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập cảng giữa 12 quốc gia thành viên, tạo ra một thị trường với những tiêu chuẩn chung về tài chính, đầu tư, dịch vụ, thuế má, thủ tục hành chính, thông tin, sở hữu trí tuệ quyền lao động, phẩm chất hàng hóa, an toàn thực phẩm, thuốc men, quyền người tiêu dùng...

Các thỏa thuận sẽ được đưa ra Quốc hội mỗi nước thảo luận thông qua hay phủ quyết. Khi đã gia nhập TPP, các quốc gia thành viên phải thay đổi luật pháp cho thích hợp và sẽ không được đề ra các chính sách mới đi ngược với luật chơi chung TPP.

Mười hai quốc gia ký thỏa thuận TPP chiếm 40% tổng GDP toàn cầu. Đại Hàn, Colombia, Costa Rica, Nam Dương, Đài Loan, Thái Lan, cũng đã bày tỏ ý định tham gia.

Việc thương thảo bắt đầu từ 2005 do bốn nước Tân Tây Lan, Tân Gia Ba, Chí Lợi, và Brunei khởi xướng, Hoa Kỳ chỉ tham gia vào giữa năm 2009 nhưng đã nhanh chóng trở thành quốc gia dẫn đầu và TPP trở thành chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ.

Chiến lược xoay trục tự do kinh tế TPP không khác gì chiến lược tự do hàng hải Hoa Kỳ đã đeo đuổi từ ngày lập quốc. Các quốc gia thành viên sẽ từng bước phá bỏ biên giới kinh tế, chấp nhận luật chung để thiết lập một khu vực tự do mậu dịch. Về lâu dài luật này sẽ trở thành luật kinh tế thế giới buộc các quốc gia khác muốn cạnh tranh đều phải tuân theo.

Viễn cảnh Việt Nam khi gia nhập TPP

Trong 12 nước, Việt Nam là nước chậm phát triển nhất vì vậy được ước tính sẽ là quốc gia có lợi nhất khi gia nhập TPP.

Theo thông tin chính thức, các ngành dệt may, giày dép, hải sản sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Đặc tính các ngành này là thu dụng nhân công thiếu chuyên môn, năng suất lao động kém và lương ít.

Còn các ngành khác nhất là công nghiệp sẽ khó cạnh tranh với các quốc gia thành viên khác. Các doanh nghiệp tư nhân thiếu khả năng cạnh tranh sẽ phải đóng cửa. Các doanh nghiệp nhà nước cũng phải cải cách hay đóng cửa.

Đầu tư từ các quốc gia thành viên khác sẽ gia tăng. Các công ty may mặc, giày dép, lắp ráp gia công của Mỹ, Nhật ở Trung cộng sẽ dời sang Việt Nam - nơi có nhiều lợi nhuận cho công ty và cũng có lợi hơn cho hai nước Hoa Kỳ và Nhật.

Từ khi Việt Nam mở cửa năm 1986, thay vì thực hiện những cải cách vi mô tăng khả năng cạnh tranh, Việt Nam chủ yếu vẫn phát triển dựa trên lao động thiếu tay nghề chuyên môn.

Gia nhập TPP, Việt Nam sẽ khó trợ giúp các kỹ nghệ non trẻ đòi hỏi lao động với chuyên môn cao, năng suất lao động cao, đồng lương cao và đời sống công nhân nhờ thế khá hơn.

Nói cách khác việc gia nhập TPP sẽ khó cho Việt Nam thoát khỏi một nền kinh tế gia công dựa trên lao động thiếu chuyên môn. Nhưng về lâu dài khi giá lao động tăng đến mức bão hòa Việt Nam sẽ mất đi lợi thế này.

Tháo dỡ hàng rào quan thuế đồng nghĩa với việc giảm giá hàng nhập cảng từ các quốc gia thành viên, nhưng lợi ích từ hàng nhập rẻ tiền vẫn chỉ dành riêng cho những người giàu có.

Công Đoàn Độc Lập

Hai tổ chức công đoàn lớn ở Hoa Kỳ là AFL-CIO và Communications Workers of America đã cùng hằng trăm dân biểu Hoa Kỳ đồng tuyên bố Việt Nam không hội đủ tiêu chuẩn để tham gia Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì Việt Nam không tôn trọng quyền tự do lập công đoàn.

Cần hiểu rõ họ ngăn chặn Việt Nam gia nhập TPP không phải vì quyền lợi của người công nhân Việt Nam, mà vì họ muốn giảm thiểu ảnh hưởng từ việc bóc lột lao động tại Việt Nam, tạo công bằng cạnh tranh và giữ công việc cho công nhân tại Hoa Kỳ.

Chính vì vậy phía Hoa Kỳ mạnh mẽ đòi hỏi Việt Nam phải tôn trọng quyền và điều kiện lao động của công nhân qua việc hình thành công đoàn độc lập.

Trong buổi họp báo ngày 5-10-2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết các điều kiện về lao động trong Hiệp Định TPP dựa trên tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là thành viên của ILO nên sẵn sàng đáp ứng tất cả các yêu cầu này.

Hiệp định TPP là luật chơi mới nhưng khi chơi không phải mọi thành viên đều chủ trương tuân thủ hay chơi đẹp. Việt Nam đã là thành viên của ILO từ những năm 1950, câu trả lời của ông Hoàng cho thấy sự kỳ vọng vào công đoàn độc lập rất dễ trở thành thất vọng.

Với luật chơi mới có thể Hoa Kỳ sẽ “ép” được Việt Nam cho thành lập các công đoàn “độc lập”, nhưng vẫn chỉ hình thức.

Thực tế người công nhân Việt Nam rất ít hiểu biết về quyền lao động, phong trào công nhân còn rất yếu tự phát, không tổ chức, không người lãnh đạo. Cần một thời gian dài có chiến lược tốt, chiến thuật hay và tích cực vận động thì may ra mới có thể thành lập công đoàn và hoạt động được.

Theo Mỹ thoát Trung

Việc gia nhập Hiệp Định TPP sẽ gắn bó Việt Nam với Hoa Kỳ về mặt kinh tế, nhưng thoát Trung về mặt kinh tế không phải là một việc dễ làm.

Điện lực là một thí dụ điển hình. Điện là nguồn năng lượng cần thiết cho việc phát triển công nghiệp gia tăng xuất cảng. Đáng tiếc Việt Nam vẫn phải tiếp tục nhập điện từ Trung cộng .

Việc Việt Nam lệ thuộc vào nguồn điện Trung cộng môt phần vì Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vẫn độc quyền mua bán, phân phối nguồn điện nên hoạt động thiếu hiệu quả. Muốn thoát khỏi lệ thuộc nguồn điện Trung cộng , Việt Nam cần cải cách vi mô, cần thay đổi cách quản lý và điều hành thị trường điện theo đúng các quy luật kinh tế thị trường.

Các đập, các nhà máy sản xuất điện nội địa thường do Trung cộng xây dựng với thiết bị, kỹ thuật và chuyên gia Trung cộng. Muốn thoát khỏi lệ thuộc kỹ thuật Trung cộng, Việt Nam cần có chiến lược mở cửa hướng đến các kỹ thuật từ các quốc gia khác.

Muốn thực hiện được hai thay đổi trên hay thoát Trung về điện lực cần có ý chí chính trị cao, một điều mà Việt Nam chưa có được. Đây chỉ là một thí dụ còn hằng ngàn thứ khác Việt Nam cần thay đổi.

Tóm lại nếu không thay đổi thể chế để có những cải cách toàn diện và sâu rộng, Việt Nam sẽ không bao giờ đuổi kịp 6 quốc gia Đông Nam Á, gia nhập TPP có chăng chỉ giúp Việt Nam không bị Cam Bốt và Lào bỏ rơi.

N.Q.D.

9-10-2015

Melbourne Úc Đại Lợi

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn