Con gái Thủ tướng, Trung ương đảng, và TPP

Kính Hòa, phóng viên RFA
13-10-2015

clip_image001

Từ trái bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP

Con gái Thủ tướng

Trong xã hội hiện đại, thế giới blog và mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong truyền thông. Nếu như ở các quốc gia có lịch sử tự do thông tin lâu đời, các nhà báo, các tờ báo lớn đều có trang blog của mình, đều phải ghi nhận sự phản hồi từ mạng xã hội, thì ở những quốc gia mà tự do thông tin còn bị kiểm soát một cách hà khắc như Việt Nam, thì blog và mạng xã hội trở thành một kênh thông tin rất quan trọng, quan trọng tới nỗi là trong một cuộc thăm dò gần đây nhiều người Việt Nam nói rằng họ tin ở thế giới blog và những trang thông tin tự do hơn là báo chí chính thống của đảng.

Lại có một điều thú vị ở những quốc gia có hai hệ thống thông tin như Việt Nam, là dường như nhà cầm quyền một mặt ngăn chận các trang blog, trang tin tự do, mặt khác lại sử dụng nó dưới nhiều hình thức khác nhau. Và việc sử dụng này thường sôi động lên trước những sự kiện quan trọng liên quan đến tranh giành quyền lực của đảng cầm quyền.

Trước hội nghị trung ương đảng lần thứ 12 người ta thấy xuất hiện một bức thư trần tình trên trang FB của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong bức thư này bà Phượng nói rằng có ba vị giáo sư chuyên về chính trị và chủ nghĩa Mác Lê Nin gửi thư lên Bộ Chính trị của Đảng cộng sản tố cáo bà Phượng là đã vào quốc tịch Mỹ. Bà Phượng nói là các vị giáo sư này không nên vu khống bịa đặt. Ngoài ra bà còn nói rằng cha bà là một người đã chiến đấu tận tâm vì độc lập của đất nước.

Song song với hình ảnh và nội dung của bức thư này, người ta còn thấy lưu truyền trên các trang blog lá đơn tố cáo của ba vị giáo sư kia. Trong lá đơn này có nói rằng ông Thủ tướng làm tổn hại đến tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Blogger Người Buôn gió cho rằng chuyện một nhân vật như bà Phượng dùng mạng xã hội để thanh minh là một điều hiếm thấy, đến nỗi là người ta cho rằng không phải bà Phượng làm chuyện ấy. Nhưng sau đó, cũng theo Người Buôn gió, thì hình ảnh của những trang hộ chiếu được đưa lên chứng tỏ rằng đúng là bà Phượng đã viết bức thư này. Người Buôn gió kết luận rằng chuyện này là một đòn phản công ngoạn mục của Thủ tướng Dũng nhắm vào các đối thủ chính trị của ông.

Một người ký tên là Tấn Sơn gửi đến trang blog Ba Sàm một bài viết bênh vực bà Phượng:

Theo luật Việt Nam và công ước về nhân quyền quốc tế thì cô Nguyễn Thanh Phượng được tự do kết hôn với người nước ngoài. Đó là quyền con người chính đáng của cô ấy và không vi phạm đạo đức. Con dân thường hay con Thủ tướng cũng đều có quyền con người như nhau.​

TPP ministers reach agreement

Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta, Mỹ ngày 5/10/2015. AFP

Trang Ba Sàm bình luận về bài viết này:

Ôi, phải chi con Thủ tướng và con dân thường “đều có quyền con người như nhau“, như lời của tác giả bài viết, thì biết bao con dân thường nước Việt đã được lên nắm chức thứ trưởng của một bộ, hay Phó chủ tịch Ủy ban của một tỉnh, hoặc Phó bí thư Tỉnh ủy… như “thái tử đảng” Nguyễn Thanh Nghị! Nếu có quyền như nhau, thì có biết bao con dân thường đã được lên nắm chức Chủ tịch HĐQT của một ngân hàng lớn như Ngân hàng Bản Việt, khi mới 32 tuổi như cô “con gái rượu” của Thủ tướng! Nếu có quyền như nhau, thì đã có con dân thường lên nắm chức Bí thư Tỉnh đoàn khi mới 24 tuổi, như “thái tử đảng” Nguyễn Minh Triết rồi!

Chỉ trong một đoạn ngắn, tên tuổi của Thủ tướng cùng ba người con của ông được đưa lên. Việc xuất hiện tên tuổi những người này trên kênh thông tin không chính thống đã có từ lâu. Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn viết rằng dường như gia đình của Thủ tướng Dũng đang trở thành nạn nhân của chủ nghĩa lý lịch. Và đó là một điều cũng thú vị, là vì theo tác giả Trương Nhân Tuấn, Chủ nghĩa lý lịch ở VN từ xưa đến nay là ông thần hộ vệ cho chế độ. Người ta thấy nó thể hiện man mác khắp mọi nơi, mọi lúc.

Chuyện lý lịch cũng được blogger Nguyễn Hữu Vinh đưa vào bài viết nói về những điều tệ hại xảy ra và được giới chức có thẩm quyền ở Việt Nam cho là đều đúng với qui trình. Một trong những chuyện đó là chuyện tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm con trai Bí thư Tỉnh ủy làm giám đốc sở khi mới tuổi ba mươi. Việc bổ nhiệm này đã làm dậy sóng báo chí Việt Nam, rồi lại chợt tắt khi Bộ trưởng Nội vụ tuyên bố là việc bổ nhiệm người thanh niên Lê Phước Hoài Bảo làm giám đốc sở là đúng qui trình. Nhà giáo Hà Văn Thịnh bình luận trên trang blog Bauxite Việt Nam rằng chuyện này mang tính hề, và hề hơn cả hề.

Cả hai câu chuyện liên quan đến những gia tộc cộng sản của bà Nguyễn Thanh Phượng, và ông Lê Phước Hoài Bảo, được blogger Kami cho là đều nhằm đến việc triệt hạ các đối thủ chính trị của nhau giữa các phe phái trước thềm hội nghị trung ương đảng lần thứ 12 rất quan trọng.

Trung ương đảng

Trái với nhận định của một nhà quan sát là nhà báo Phạm Chí Dũng, tỏ ra hoài nghi về quyền lực hiện tại của Thủ tướng Dũng, blogger Kami cho rằng ông đang ở thế thượng phong:

Trong những năm gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các phát biểu cho thấy quyết tâm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tiến bộ, tôn trọng các giá trị dân chủ và nhân quyền hơn, cho dù điều đó đã bị nhiều người cho rằng đó là các hành động mỵ dân để che dấu một bộ mặt độc tài. Tuy vậy đây cũng là cơ hội cuối cùng giành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi đã giành trọn được ngọn cờ quyền lực với sự ủng hộ gần như tuyệt đối của các ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng.

Kami cũng có nhận xét rằng có những người cộng sản Việt Nam hiện nay đang tự chuyển biến, tức là không còn là những kẻ giáo điều như trước. Kami viết tiếp trong bài Thách thức mới ở biển Đông:

Đây là thời điểm buộc ban lãnh đạo Đảng CSVN phải có thái độ dứt khoát trong việc lựa chọn một chỗ đứng rõ ràng cho mình, để có thể đảm bảo toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Muốn vậy, bản thân họ phải biết chấp nhận hy sinh quyền lợi của cá nhân mình, để dũng cảm bước tới một cách mạnh mẽ hơn nữa, để đi theo các trào lưu tiến bộ của văn minh nhân loại như họ đang tự chuyển hóa như hiện nay. Đây là một trong những thách thức quan trọng nhất đối với Đảng CSVN trong dịp Đại hội Đảng lần thứ XII sắp diễn ra trong đầu năm 2016.

Cũng liên quan đến Hội nghị 12 trung ương đảng tác giả Lê Minh Nguyên cho rằng ông đồng ý là Thủ tướng Dũng đang có rất nhiều quyền lực, nhưng không dễ dàng gì để ông có thể trở thành lãnh tụ tối cao sau Đại hội Đảng vào năm tới. Nguyên do được đưa ra là quán tính của tổ chức đảng tồn tại 70 năm nay sẽ cản trở con đường của ông Dũng. Lê Minh Nguyên gọi quán tính tổ chức đó là một con quái thú. Theo Lê Minh Nguyên các đối thủ chính trị của ông Dũng như ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Phú Trọng, ông Phạm Quang Nghị đều có thể nhờ vào sự hậu thuẫn của con quái thú đó mà cản trở sự thăng tiến quyền lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

TPP

Lê Minh Nguyên cho rằng có 3 khuynh hướng trong Đảng: thứ nhất là thân với Trung Quốc và duy trì độc đảng, thứ hai là duy trì độc đảng nhưng không thân Trung Quốc, và thứ ba là thoát khỏi Trung Quốc và không nhất thiết phải duy trì độc đảng.

Và sự kiện Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, được hoàn tất ngay trong thời gian Đảng cộng sản mở Hội nghị trung ương lần thứ 12, theo tác giả là sự thúc đẩy để khuynh hướng thứ ba thắng thế.

Nhận định của Lê Minh Nguyên cũng là hy vọng của nhiều nhà hoạt động xã hội và dân chủ ở Việt Nam, nghĩ rằng TPP sẽ là sức ép từ bên ngoài để Việt Nam thực hiện những cải cách sâu rộng hơn nữa về kinh tế và chính trị. Một trong những ý kiến đó là của blogger Hữu Nguyên trong bài viết Luật chơi mới, cơ hội chứ không phải là chiếc đũa thần.

TPP không đơn thuần chỉ là một hiệp định về tự do thương mại. Trong thực tế, giá trị của nó còn tiến xa hơn lĩnh vực thương mại khi các nước tham gia phải tuân thủ những chuẩn mực chất lượng cao của các nước phát triển. Với Việt Nam đó chính là cơ hội tác động tích cực tới tiến trình cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhưng có những tác giả khác lại không có nhiều hy vọng như Lê Minh Nguyên và Hữu Nguyên.

Ông Alan Phan, một chuyên gia kinh tế và có nhiều kinh nghiệm với Việt Nam cho rằng có những ảo tưởng về TPP, trong đó có vấn đề dân chủ và nhân quyền. Ông cho rằng khi đã vào TPP người Việt sẽ cảm thấy vấn đề đó trở nên ít cấp bách hơn vì người Việt chỉ cần chút cải thiện về mức sống vật chất là đã thỏa mãn và chấp nhận mọi bất cập từ chính phủ.

Blogger Trần Minh Khôi thì nhìn vào một cuộc khảo sát sự đồng tình của dân chúng về TPP ở một số quốc gia thành viên thì thấy là con số ủng hộ đặc biệt cao ở Việt Nam:

Con số 89% ủng hộ ở Việt Nam, khi không mấy ai biết nội dung của hiệp định là gì, gợi ý một tâm lý tuyệt vọng đối với sự bế tắc và chỉ còn trông chờ vào mầu nhiệm từ bên ngoài.

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn thì không có nhiều hy vọng là TPP sẽ mang đến sự tự do, ít nhất trong lĩnh vực sáng tác của ông. Ông cho rằng con đường đến tự do hãy còn xa lắm.

K.H

Nguồn: http://www.rfa.org/vietNamese/programs/ReadingBlogs/the-pm-daughter-cpv-n-tpp-10112015084623.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn