LỊCH SỬ QUA LÁ QUỐC KỲ

Kim Ngọc Cương

Lâu nay, chúng ta luôn coi “Quốc kỳ” là Cờ Tổ Quốc.

Điều đó chưa hẳn đúng cả về mặt từ ngữ và nội dung ngữ nghĩa của từ.

Trong tiếng Anh, “Quốc kỳ” là “National flag” (hay Ensign - ít khi dùng) có nghĩa là cờ hiệu của một quốc gia (nước) hoặc của một vùng lãnh thổ [(như Hồng Kông, Ma Cau (Trung Quốc), Åland (Phần lan), Svalbard (Na Uy), Kosovo (Serbia), …] có chủ quyền được quốc tế công nhận. Hiện tại, một số Quốc gia còn chia làm hai phần và có hai chính thể thì mỗi phần (miền) có một Lá quốc kỳ riêng như Hàn Quốc và Triều Tiên hoặc như Trung Hoa lục địa và quốc đảo Đài Loan, …

Còn “Tổ Quốc” trong Tiếng Anh là “Fatherland” (hoặc Motherland) hay “Country”. Với những từ tiếng Anh fatherland, motherland, country đều có nghĩa để chỉ Đất nước của cộng đồng Dân tộc sống trên Đất nước đó (Đất Cha, Đất Mẹ).

Lịch sử của mỗi quốc gia trên thế giới đều trải qua nhiều chế độ, chính thể khác nhau. Trong mỗi thời kỳ của mỗi chế độ, mỗi chính thể của một quốc gia đều có một Lá cờ đại diện cho quốc gia của thời kỳ đó. Vì vậy, khi có sự thay đổi về chế độ hoặc thay đổi chính thể (mà không còn theo chế độ trước) thì Lá cờ đại diện cho quốc gia cũng thay đổi. Điều đó nói lên rằng “Quốc kỳ” chỉ là Avatar (hình ảnh đại diện) cho “Quốc gia” trong một thời kỳ nhất định.

Tổ Quốc thì vĩnh hằng (trừ khi bị thôn tính, sáp nhập vào quốc gia khác), còn chế độ (hoặc chính thể) thì chỉ tồn tại trong một thời kỳ nhất định.

Từ những lý lẽ trên để thấy rằng: Nên hiểu “Quốc kỳ” là Cờ đại diện cho một Quốc gia trong một thời kỳ khi chế độ (hoặc chính thể) cụ thể của Quốc gia đó còn hiện hữu (tồn tại) chứ không nên hiểu đó là Cờ Tổ quốc bởi Tổ quốc là Lịch sử dựng nước, giữ nước của Dân tộc trải qua nhiều chế độ, nhiều chính thể khác nhau.

Khi một người dân của bất kỳ một Quốc gia nào, nếu họ không thích (yêu) chế độ (chính thể) mà họ đang sống thì họ cũng không thể thích (yêu) Lá cờ của chế độ, chính thể đó. Đấy là điều đương nhiên, nhưng họ vẫn có tình yêu Tổ Quốc. Điển hình ở Việt Nam là Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học và những người yêu nước khác (có cả đảng viên cộng sản) không chấp nhận Lá cờ thực dân Pháp và Lá cờ của Vương triều phong kiến Nhà Nguyễn trên Tổ Quốc Việt Nam (trước năm 1945).

Mỗi một quốc gia trong mỗi thời kỳ Lịch sử đều có Lá “quốc kỳ”.

Lá quốc kỳ của mỗi quốc gia có vẻ vang, được ngưỡng mộ trước bè bạn quốc tế hay không phụ thuộc vào quốc gia đó có Lịch sử vẻ vang hay đớn hèn, có nền Văn hóa bản sắc, có nền kinh tế phát triển hay không và có một chế độ xã hội nhân bản, một chính thể tiến bộ hay không.

Còn đối với toàn thể Dân tộc sống trong một quốc gia, Lá quốc kỳ có thiêng liêng, có được yêu kính, tôn trọng hay không thì trước hết Lá cờ đó phải chứa đựng niềm tự hào về quá khứ vẻ vang mà Lá cờ đó (hình ảnh đại diện cho xương máu, công sức của cả Dân tộc trong một thời kỳ) đã vượt qua và kết quả đã giành được. Sau nữa, hiện tại và tương lai của Dân tộc phải được đảm bảo no ấm, dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, hạnh phúc như mục tiêu đã đề ra từ khi Lá cờ đó được giương lên để tập hợp lực lượng đi theo Lá cờ đó.

Chính thể của mỗi quốc gia là người giương cao Lá quốc kỳ để cả Dân tộc trong quốc gia hướng tới, đi theo thực hiện mục tiêu tốt đẹp, ưu việt mà “Lá cờ” đã đề ra.

Một khi “người” giương Lá quốc kỳ xa rời mục tiêu của Dân tộc, chỉ chăm lo cho quyền lợi của một bộ phận thì nhân dân sẽ không còn tin tưởng, không còn tình cảm, không còn thiết tha và không còn cả sức mạnh vật chất để đi theo Lá cờ đó. Khi đó, tất yếu Lịch sử Dân tộc phải thay đổi Quốc kỳ (vì khi đó mục tiêu của Lá cờ không còn thực tế, chỉ là khẩu hiệu).

Nhìn lại Lịch sử của Dân tộc Việt Nam hơn một nghìn năm đã qua, khi một Vương triều phong kiến đến giai đoạn cuối do yếu kém nhiều mặt, không còn đủ năng lực “cầm cờ” đều bị suy vong và buộc phải thay đổi bởi một Vương triều khác và Vương triều mới lên sẽ thay Lá quốc kỳ khác.

Trên Tổ Quốc Việt Nam, tính từ Triều đại Nhà Ngô cho đến nay, với trên một nghìn năm Lịch sử đã chứng kiến khoảng trên dưới 20 Lá “quốc kỳ”. Riêng Triều đại nhà Nguyễn đã thay đổi 5 - 6 Lá “quốc kỳ” trong vòng chưa đầy 150 năm.

Trong các Triều đại Phong kiến Việt Nam, Triều đại nhà Trần trị vì Đất nước 275 năm trải 12 đời Vua. Với những chiến công hiển hách, ba lần đánh tan quân Nguyên cùng những thành tựu trong các lĩnh vực Luật pháp, Hành chính, Kinh tế, Giáo dục, Văn hóa Nghệ thuật và trong việc sử dụng nhân tài. Triều đại nhà Trần đã để lại dấu ấn vẻ vang, tốt đẹp, sâu đậm trong lòng Dân tộc Việt Nam. Tính đến nay, Lá quốc kỳ của Nhà Trần có tuổi thọ cao nhất trong số tất cả các Lá quốc kỳ có trên Tổ Quốc Việt Nam (275 năm). Đứng sau tuổi thọ của Lá quốc kỳ Nhà Trần là Lá quốc kỳ của Nhà Lý (216 năm). Nếu tính số năm tồn tại thì Triều hậu Lê kéo dài 360 năm, lâu hơn Triều Trần nhưng dưới Triều Hậu Lê thì non nửa thời gian Vua chỉ là bù nhìn và đất nước bị chia làm hai dưới sự cai trị trực tiếp của hai Chúa Trịnh và Nguyễn ở đàng ngoài và đàng trong (gần 170 năm và như vậy thì Lá quốc kỳ của Triều Hậu Lê chỉ có giá trị thực sự khoảng non 200 năm).

Sở dĩ Vương triều nhà Trần thịnh trị kéo dài nhiều năm là do bên cạnh các Vua hiền (minh quân) còn có nhiều tướng giỏi như Hưng đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu minh vương Trần Quang Khải, Chiêu văn vương Trần Nhật Duật, Hoài văn hầu Trần Quốc Toản, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, … Đồng thời, nhà Trần rất khéo đào tạo, sử dụng các nhân tài (các quan văn) như Lê Văn Thịnh (trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam), Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Nhà chính trị, sử học Trương Hán Siêu, Nhà sử học Lê Văn Hưu, Trạng nguyên, Nhà giáo Chu Văn An, …

Một Vương triều vững mạnh, vẻ vang như vậy mà vẫn còn có những kẻ trong Hoàng tộc đớn hèn, mưu đồ quyền lợi cá nhân, cục bộ rồi trở thành kẻ bán nước, hại dân như Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc cùng bè cánh. Trần Ích Tắc (cùng với Lê Chiêu Thống sau này) mãi mãi là biểu tượng nhục nhã, đớn hèn, xấu xa, vô sỉ trong Lịch sử của Việt Nam để cảnh tỉnh cho hậu thế.

Trong thời kỳ cận hiện đại: Trước ngày 30/4/1975, trên Tổ Quốc Việt Nam có 3 Lá quốc kỳ đại diện cho 3 chính thể: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc Hội khóa VI (bắt đầu họp ngày 2/7/1976) đã quyết định Lá “quốc kỳ” của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “Cờ đỏ sao vàng” để cả Dân tộc Việt Nam hướng tới, đi theo thực hiện mục tiêu “Độc lập, Tự do cho Quốc gia, cho Dân tộc, Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Lá Quốc kỳ “cờ đỏ sao vàng” đã tung bay trên Tổ quốc Việt Nam thống nhất gần 40 năm và đã xuất hiện tại Trụ sở Liên hợp Quốc từ ngày 20/9/1977.

Nhưng để Lá “cờ đỏ sao vàng” có tuổi thọ cao thì trong giai đoạn hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào “người cầm cờ”. Người cầm cờ lúc này phải đủ “Tâm, Tầm, Tài” để cả Dân tộc tin tưởng, tôn trọng, yêu mến và có như thế toàn dân mới phục tùng đi theo Lá “cờ đỏ sao vàng”.

Trên thế giới, 3 Lá “quốc kỳ” có tuổi thọ cao nhất là Quốc kỳ Mỹ, Pháp và Anh (theo Google):

Hoa Kỳ là một quốc gia lập quốc tương đối trẻ. Tuy nhiên, lá cờ Hoa Kỳ lại là một trong ba lá quốc kỳ lâu đời nhất, với tuổi thọ nhiều hơn lá quốc kỳ của hai cường quốc là Pháp và Anh. Ngày 14 tháng 6 năm 1777, lá cờ này đã trở thành Quốc kỳ của một Quốc gia độc lập có chủ quyền - Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Cứ mỗi bang mới nhập, lá cờ lại có thêm một ngôi sao. Hiện tại Lá quốc kỳ Mỹ có 50 ngôi sao. Ngày nay lá cờ Mỹ, có tên gọi là Old Glory hoặc Stars and Stripes (sao và vạch)

Quốc kỳ của Pháp (tiếng Pháp gọi là drapeau tricolore, drapeau français, và trong cách nói quân sự là les couleurs) ra đời trong cuộc Cách mạng năm 1789 khi dân quân mở cuộc tấn công phá ngục Bastille ở Paris. Lúc bấy giờ quân lính cách mạng đầu đội mũ xanh dương - đỏ - trắng và lá cờ cũng lấy ba màu đó làm nền.

Quốc kỳ Pháp gồm 3 dải dọc màu xanh da trời, trắng và đỏ. Từ thời Cách mạng đó, quốc kỳ Pháp giữ nguyên ba màu trên. Ba sắc biểu tượng cho Tự do - Bình đẳng - Bác ái.

Vì cuộc Cách mạng Pháp để lại dấu ấn sâu rộng, mẫu cờ ba màu cũng được nhiều quốc gia khác họa theo (Điều này càng chứng tỏ “Quốc kỳ” không đồng nghĩa với Cờ Tổ Quốc).

Quốc kỳ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland là do ba lá cờ của ba vùng đất Anh, Scotland và Ireland xếp chồng lên nhau thành một. Trong lá cờ có 3 chữ thập chồng chéo lên nhau, mỗi chữ thập tiêu biểu cho vị thánh thủ hộ (trông nom) của mỗi vùng đất nêu trên.

Chữ thập ở giữa là cờ của Anh - biểu tượng của thánh Georgie. Dấu chéo trắng và nền xanh là cờ của Scotland - biểu tượng của thánh Andrew. Còn dấu chéo màu đỏ là cờ của Bắc Ireland - biểu tượng của thánh Patrick. Lá quốc kỳ của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ra đời năm 1801.

HÌNH ẢNH QUỐC KỲ VIỆT NAM QUA TỪNG THỜI KỲ (sưu tầm trên mạng)

Quốc kỳ CHXHCN Việt Nam (từ ngày 2/7/1976 đến nay)

Quốc kỳ Việt Nam qua các Triều đại phong kiến:

- Triều Ngô (939 - 965)

- Triều Đinh (968 - 980)

- Triều Tiền Lê (980 - 1009)

- Triều Lý (1009 - 1225)

- Triều Trần (1025 - 1400)

- Nhà Hồ (1400 - 1427)

- Triều Hậu Lê (1427 - 1789)

- Triều Tây Sơn (1788 đến 1802)

- Triều Nguyễn (1802 - 1945):

+ Nguyễn (1802 - 1885) Long tinh kỳ - Ghi số 1-1

+ Nguyễn (1885 - 1890) Đại Nam Đế kỳ - Ghi số 1-2

+ Nguyễn (1890 -1920) Cờ quẻ Càn - Ghi số 1-3

+ Nguyễn (1920 -1945) Long tinh Đế kỳ - Ghi số 2-1

+ Nguyễn (1920 -1945) Long tinh Đế kỳ - Ghi số 2-2 (giai đoạn này Nam kỳ là xứ thuộc địa hoàn toàn của Pháp nên có Lá cờ riêng)

clip_image002

clip_image004

clip_image008

clip_image010

clip_image012

clip_image014

clip_image016

LÁ QUỐC KỲ THỜI NHÀ NGUYỄN

clip_image018

clip_image020

clip_image022

Long tinh kỳ(1802 - 1885) Đại Nam Đế kỳ (1885 - 1890) Cờ quẻ Càn (1890 -1920)

clip_image024

clip_image026

Long tinh Đế kỳ (1920 -1945) Long tinh Đế kỳ (1920 -1945)

K.Ng.C

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn