Nhân nghe bài tham luận của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh ở Đại hội 12

Lê Phú Khải

Là một công dân ngoài Đảng, nhưng lại sống trong một nước do Đảng Cộng sản cầm quyền cai trị tuyệt đối nên tôi theo dõi rất kỹ Đại hội 12 của Đảng. Vì nó liên quan đến 90 triệu người dân và vận mệnh của đất nước.

Tôi đã nghe đến ba lần bài tham luận của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.

Thật là bất ngờ khi được nghe một bài tham luận sâu sắc đến thế. Nó bất ngờ vì xuất hiện giữa những tham luận nhàm chán, thiếu thông tin, vô bổ của các ngành, các địa phương đã đọc trước Đại hội.

Công bằng mà nói, nhiều đảng viên, nhiều người có thể viết những tham luận ở tầm trí tuệ sắc sảo như thế. Nhưng trong khuôn khổ của Đại hội 12, với hơn 1500 đại biểu được cho là “tầm cao trí tuệ” của Đảng thì nó vượt trội, nhất là so với Báo cáo Chính trị của Đại hội mà tôi đã được đọc.

Tác giả của tham luận đã đánh giá một cách can đảm, trung thực, khoa học hiện trạng chính trị, kinh tế của Đất nước suốt chiều dài lịch sử. Từ năm 1820 Việt Nam đã lả một nước có vị thế ở khu vực, có thu nhập bình quân xấp xỉ mức bình quân của thế giới.

Đến năm 2014 thì Việt Nam có mức thu nhập thấp hơn 1/5 mức thu nhập bình quân của thế giới và hơn 1/3 thu nhập bình quân của Thái Lan. Không thể biện minh là do chiến tranh, vì hòa bình đã 40 năm, đổi mới đã 30 năm. Tác giả nhìn thẳng vào nguyên nhân tụt hậu này là chỉ đổi mới về kinh tế, “đổi mới chính trị hầu như chưa làm” trong suốt chiều dài cầm quyền của Đảng, nhất là từ sau Đại hội 11 đến nay. Hệ thống chính trị không được đổi mới ấy đã kìm hãm sự phát triển của Đất nước. Vì thế, “Đảng phải đánh giá lại chính mình”. Đó là điều “tiên quyết”.

Về giải pháp, tác giả cũng đưa ra những chiến lược kinh tế cực kỳ đúng đắn với tình hình cấp bách của Đất nước hôm nay. Đó là năng suất lao động phải được nâng cao, đó là kinh tế tư nhân phải là chủ lực, động lực chính của kinh tế Đất nước; “sức khỏe” của nó là sức khỏe của kinh tế Đất nước. Quyền sở hữu ruộng đất, sở hữu tài sản của công dân phải được nhìn nhận xử lý đúng mức. Điều đặc biệt mà tôi tâm đắc nhất trong tham luận của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là thịnh vượng và phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Bài học tày liếp là ông bạn khổng lồ Trung Quốc kia đã phát triển nóng, muốn giàu nhanh bằng bất cứ giá nào đã đang ở bờ vực thẳm: những người giàu có ở Trung Quốc đang lũ lượt kéo nhau đi tị nạn môi sinh khỏi đất nước Trung Quốc.

Đất nước Trung Hoa gấm vóc đã trở thành một bãi xà bần! Chính trị sai còn có thể sửa, chứ môi trường đã bị tàn phá thì dân tộc ấy vô phương sinh tồn. Cũng may là có một tham luận đọc trước Đại hội đã lớn tiếng cảnh báo về một vấn đề cực kỳ quan trọng là bảo vệ môi trường cho mảnh đất hình chữ S nhỏ hẹp của 90 triệu con dân. Chữ thịnh vượng mà ông Vinh dùng đi liền với chữ môi trường.

Nếu tôi… Thật là vô duyên khi dùng đến chữ nếu. Người Pháp hóm hỉnh đã có câu ngạn ngữ thế này: “Với chữ nếu, người ta sẽ bỏ cả thành Paris vào một cái lọ” (Avec des si on mettrait Paris dans une bouteille).

Nhưng trong ngôn từ của bất kỳ nước nào cũng có chữ nếu. Vì vậy, tôi cũng… Nếu tôi là đại biểu Đại hội 12 này, tôi sẽ đề cử ông Bùi Quang Vinh làm Tổng Bí thư và bỏ phiếu cho ông. Vì, hai lẽ: Một là, Đảng sẽ “lấy lại niềm tin” của dân. Hai là, với đường lối chính trị và kinh tế đúng đắn như thế thì dù ai là Tổng Bí thư Đất nước sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển. Đảng vẫn giữ được ngôi vị lãnh đạo và dân thì được nhờ. Bùi Quang Vinh mới là người dám nhìn thẳng vào sự thật và có lý luận.

TP HCM, ngày 24 tháng 01 năm 2016

L. P. K.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn