Chính sách của Việt Nam sẽ không thay đổi dưới dàn lãnh đạo mới

Hoài Hương - VOA

Các hãng tin quốc tế cho rằng chính sách của Việt Nam khó có thể thay đổi trong tương lai.

clip_image001

Ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức thủ tướng tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 7/4/2016.

Sau khi Việt Nam hoàn tất những thay đổi nhân sự ở các cấp cao nhất vào cuối tuần qua, truyền thông quốc tế đang dồn sự chú ý vào những thay đổi chính sách dưới dàn lãnh đạo mới.

Các hãng tin quốc tế cho rằng chính sách của Việt Nam khó có thể thay đổi trong tương lai.

Hãng tin Reuters hôm 10/11 chạy hàng tít: “Nhiều khuôn mặt mới trong chính phủ, nhưng khó có thay đổi về mặt chính sách”.

Bài báo viết rằng trong khi cuộc chuyển tiếp quyền lực đầy kịch tính đã kết thúc hôm thứ Bảy vừa rồi với 21 khuôn mặt mới, nội các được giao nhiệm vụ cải cách một nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực tư hữu hoá và đối phó với những vấn đề về nợ công.

Tân chính phủ Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc lên nắm quyền sau một năm tăng trưởng kinh tế mạnh, với tỷ lệ tăng 6,7% và một nền kinh tế 200 tỉ đôla, cùng với mức đầu tư nước ngoài cao kỷ lục.

Ba Phó thủ tướng mới gồm nguyên Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Trương Hoà Bình, và ông Vương Đình Huệ, nguyên Trưởng ban Kinh tế Trung ương,

Ông Lê Minh Hưng được bổ nhiệm vào chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thay thế ông Nguyễn Văn Bình.

Một số nhân vật quan trọng trong chính phủ tiền nhiệm từng cổ vũ một nghị trình ủng hộ các hoạt động kinh doanh, vẫn được lưu nhiệm gồm có Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và các Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh, còn kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao.

Bản tin của Reuters nói rằng dù cho cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một nhân vật đầy thế lực từng ủng hộ cải cách kinh tế, đã ra đi nhưng chính phủ mới theo dự kiến sẽ duy trì các chính sách tương tự.

clip_image002

Dàn lãnh đạo mới sẽ lãnh đạo quốc gia cho tới năm 2020, đứng đầu là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

Tờ Hoàn Cầu thời báo đăng tải một bài viết hôm 10/4, đại ý cho rằng các nhà lãnh đạo mới tại Hà Nội sẽ duy trì các chính sách cũ.

Tờ báo này chỉ trích giới truyền thông là thường dùng các từ như “bảo thủ, cải cách, thân Trung Quốc, hay thân Mỹ” khi nói tới các nhà lãnh đạo Việt Nam, nhưng đó chỉ là một cách để tạo sự chú ý mà thôi.

Theo tác giả bài báo, một nhà nghiên cứu về các vấn đề Việt Nam tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, các quan điểm chính trị của giới lãnh đạo Việt Nam không khác nhau bao nhiêu, họ đều là những nhà cải cách, mặc dù có một số người thận trọng hơn, nhưng tất cả đều chia sẻ ước vọng là duy trì ổn định chính trị và phát triển kinh tế.

Tờ Hoàn Cầu thời báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh là Việt Nam có một chính sách đối ngoại rõ rệt là duy trì các quan hệ hữu nghị với tất cả các cường quốc, trong đó có Trung Quốc, Nga và Mỹ, trong khi không ngả về bất cứ nước nào.

Bài báo kết luận rằng bất kể những thay đổi nhân sự sâu rộng tới chừng nào, chính sách ngoại giao mà tác giả cho là đã chứng tỏ là rất thành công ấy sẽ không thay đổi đáng kể.

clip_image003

Mặc dù cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, một nhân vật đầy thế lực từng ủng hộ cải cách kinh tế, đã ra đi nhưng chính phủ mới theo dự kiến sẽ duy trì các chính sách tương tự.

Về cuộc tranh chấp trên Biển Đông mà tờ báo cho đang là thử thách lớn nhất giữa Bắc Kinh và Hà Nội, trong bối cảnh các cường quốc thế giới, kể cả Mỹ và Nhật Bản, đang ve vãn Hà Nội, tờ báo nói rằng Việt Nam hiểu rất rõ về tầm quan trọng của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc, đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam trong 12 năm liên tiếp. Và với sự trỗi dậy tiếp tục của Trung Quốc, Việt Nam sẽ ngày càng lệ thuộc hơn vào nước này về mặt thương mại và kinh tế. Tờ báo còn nêu ra những ảnh hưởng sâu đậm của Khổng Tử đối với nền văn hoá của Việt Nam.

Reuters trích dẫn tập đoàn Albright Stonebridge, một công ty tư vấn có trụ sở ở Hoa Kỳ, cho rằng mặc dù Thủ tướng Dũng là khuôn mặt được biết đến của các sáng kiến cải cách kinh tế và thắt chặt các quan hệ với Washington, các chính sách này được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo Việt Nam nói chung.

Theo bản tin, chính phủ mới sẽ phải cật lực làm việc để củng cố sự hồi phục còn mong manh của ngành ngân hàng, và đẩy mạnh việc tư hữu hoá các công ty quốc doanh, và kiềm chế món nợ công lớn được ước lượng lên tới 60% GDP.

Theo Báo Việt nam Đầu tư, quốc hội mới đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức từ 6,5% tới 7% trong thời gian từ năm 2016 tới 2020, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng trung bình của giai đoạn 2011-2015 là 5,9%.

GDP của Việt Nam tính trên đầu người được dự báo sẽ ở vào khoảng từ 3,200 tới 3,500 đôla, so với con số của năm ngoái là 2,109 đôla.

Báo Báo Việt nam Đầu tư dẫn lời tân thủ tướng Việt Nam nói rằng “Trọng tâm trong thời gian tới là tập trung cải cách hành chính, tạo ra một môi trường thuận lợi cho kinh doanh, củng cố dân chủ, củng cố kỷ luật trong hệ thống hành chính và xã hội nói chung”.

H.H.

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/chinh-sach-cua-vietnam-khong-thay-doi-duoi-dan-lanh-dao-moi/3279399.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn