Lễ trao tặng học giả Nguyễn Văn Vĩnh danh hiệu danh nhân văn hóa Việt Nam

Ngụy Hữu Tâm

Lễ Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao tặng học giả Nguyễn Văn Vĩnh được tổ chức long trọng tại Hà Nội. Đây là dịp để giới trí thức Thủ đô bày tỏ ước muốn nhà nước pháp quyền như Nguyễn Văn Vĩnh hằng mong đợi, sớm được thực thi trên đất nước Việt Nam yêu dấu, tuy đã thống nhất 41 năm nay, nhưng chưa thật sự dân chủ.

clip_image002

Hôm qua, 27.4.2016, buổi đại lễ Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao tặng học giả Nguyễn Văn Vĩnh danh hiệu danh nhân văn hóa Việt Nam đã được long trọng tổ chức tại Khu Hội trường Trung ương, số 37 Đường Đặng Thai Mai, Phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội, không xa đình làng Yên Phụ nơi Nguyễn Văn Vĩnh từng làm phu kéo quạt cho một lớp học của Trường đào tạo những „hương cống“ (cử nhân) thành „thông ngôn“ (phiên dịch viên) của người Pháp trước đây cả trên trăm năm.

Trời trong xanh, không khí mát lành, những tia nắng dịu dàng phản chiếu từ sóng nước lăn tăn Hồ Tây lên cánh lá những rặng cây thoáng đãng, râm mát cùng với tiếng ve văng vẳng phía xa càng làm không khí không chỉ trang nghiêm mà lại thêm nhiều nét ấm cúng, thân tình. Căn phòng 400 chỗ chật cứng khách mời. Không chỉ gia đình, con cháu họ tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh ở Thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Huyện Phú Xuyên, Hà Nội, không xa Cầu Giẽ, nghĩa là cách phòng họp này chỉ cỡ 20 km, mà rất đông nhà báo, nhà văn, nhà khoa học, các trí thức tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội đều tới dự. Trong số này, nhiều người từng bị chính quyền đối xử hết sức bất công mà chưa bao giờ công khai nhận lỗi. Con trai Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Phổ từng ngồi tù 17 năm.

Bên sảnh phòng họp lớn đó trưng bày đầy những tập của ba tờ báo tiếng Việt „Đăng Cổ Tùng Báo“ (1907), „Đông Dương Taph Chí“ (1913), „Trung Bắc Tân Văn“ (1919), tờ báo tiếng Pháp „L’Annam Nouveau-Nước Việt Nam Mới“ trong số 7 tờ báo mà Nguyễn Văn Vĩnh đã từng là chủ bút trong 30 năm miệt mài lao động, một số tiểu thuyết và các sách triết học nổi tiếng của văn học Pháp mà Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch ra tiếng Việt. Ngoài ra còn hai cuốn sách „Nguyễn Văn Vĩnh là ai“ do Nhà Xuất bản Tri Thức ấn hành 2013 và „Nguyễn Văn Vĩnh, từ cậu bé chăn bò thuê đến người giữ những kỷ lục về tự học“ do Nhà Xuất bản khoa học xã hội ấn hành 2016.

Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vì lý do tuổi cáo sức yếu mà không tới dự được như đã hứa, nhưng đã có Tổng Thư ký, nhà văn Nguyên Ngọc thay thế.

Ông đã thay mặt Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, trao danh hiệu cao quí danh nhân văn hóa Việt Nam cho cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh, con trai thứ Kỹ sư Nguyễn Dực, con trai Nguyễn Văn Vĩnh, Anh Nguyễn Lân Bình, thay mặt gia đình. Anh Bình đã đọc diễn từ cám ơn.

Trong bài diễn từ ngắn gọn nhưng hết sức súc tích này, Anh đã nhắc lại, Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 15.6.1882 trong một gia đình nghèo tại ngoại thành Hà Nội như trên đã nói. Do chăm chỉ, kiên nhẫn, chỉ ở vị trí phu kéo quạt cho một lớp học mà Nguyễn Văn Vĩnh đã tự học để thi đỗ thông ngôn khi mới 10 tuổi, rồi vì quá nhỏ chưa nhận việc được, ông được học lại chính khoá và tốt nghiệp thủ khoa khi mới 14 tuổi.

Làm thông ngôn Tòa sứ các thành phố lớn Miền Bắc khi đó như Lào Cai, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Nguyễn Văn Vĩnh miệt mài tự học thêm tiếng Pháp, rồi cả tiếng Anh và tiếng Hán. Ông bắt đầu viết cho các báo tiếng Pháp, khi mới 20 tuổi, và rồi cả tiếng Việt.

Năm 1907, thay mặt các nhân sĩ yêu nước nhằm thực hiện chủ trương cách mạng canh tân đất nước Việt Nam, đứng đơn gửi nhà cầm quyền Thực dân để mở Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở số 10 Hàng Đào.

Sau đó lần lượt nhà văn Nguyên Ngọc, Tổng Thư ký, Giáo sư Chu Hảo, Ban Thư ký Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, lần lượt phát biểu nêu bật vai trò của học giả Nguyễn Văn Vĩnh trong sự canh tân không chỉ văn hóa, mà cả ước vọng dân chủ của ông và giới trí thức thời đó, đứng đầu là Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu.

Nhưng các ước vọng các và cuộc đấu tranh cho dân chủ và độc lập này của các chí sĩ yêu nước đã bị trước hết là chính quyền Thực dân Pháp đàn áp. Nguyễn Văn Vĩnh chết một các hết sức bí hiểm trong rừng già ở Lào ngày 8.5.1936.

Điều đáng tiếc là cho đến nay, công trình dang dở của Nguyễn Văn Vĩnh mới được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh ghi nhận chứ chính quyền vẫn hết sức thờ ơ nếu không nói là ngăn cản.

Ngồi chơi tán chuyện với các nhà văn Hoàng Minh Tường, dịch giả Dương Tường và nhà văn, nhà giáo P.T., anh nói anh muốn làm Notre Damus thời nay, nên đã tiên đoán như sau về vận mệnh hai đế quốc Nga-Trung như sau: „Putin sẽ sụp đổ đúng ngày 7.11.2017 như Liên Xô sụp đổ tháng 11.1989, còn người Mỹ một cách hòa bình, sẽ làm cho họ Tập tan thành mây khói 2020 để từ đống tro tàn đó hình thành một nhà nước dân chủ, Liên bang trẻ nhất nhưng cũng lớn nhất hành tinh chúng ta“. „Thế còn Việt Nam nhỏ bé của chúng ta, sẽ mãi mãi theo đuôi „anh bạn 16 chữ vàng“, 10-20 năm sau ư?“.

„Không, với thói „khôn lỏi“ của mình, các nhà chính trị Việt Nam chúng ta sẽ đi trước họ Tập, riêng lần này! Và với kinh nghiệm với phương Tây nhiều hơn hẳn, hệt như học giả Nguyễn Văn Vĩnh trước đây tám mươi năm, họ sẽ tổ chức thành công nhà nước pháp quyền trước người Tàu“.

Chúng ta không chỉ mong lời tiên đoán này sớm trở thành hiện thực, mà còn đấu tranh, mỗi người theo khả năng và sức lực của chính mình, để cái ngày mà cả 94 triệu người Việt trong và ngoài nước đến càng sớm càng tốt, để nhân dân Việt Nam vốn chịu khổ nhục 41 năm nay được sống trong thanh bình, hạnh phúc của sự hòa giải.

N.H.T

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn