Cầu Bến Thủy 1 tiếp tục "nóng" sang ngày thứ 9

Hàn Giang

Hàn Giang (VNTB). "Việc giảm phí như thế là không được, người dân đòi bỏ thu phí cầu Bến Thủy 1 bởi vì cầu Bến Thủy 1 đã hết hạn thu phí và đồng thời đường BOT là đi đường khác nhưng họ vẫn tiếp tục thu phí nên dân yêu cầu phải bỏ"- Anh H. chia sẻ với Việt Nam Thời Báo.

clip_image002

Người dân ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh tiếp tục tập trung chặn ở cầu Bến Thủy 1 để phản đối việc thu phí qua trạm sang ngày thứ 9, tính từ ngày đầu tiên là ngày 3/12/2016. Mặc dù các cấp chính quyền cũng như nhà đầu tư vào thời gian trước đây đã hỗ trợ giảm một phần phí cho các cá nhân, tổ chức có phương tiện loại 1, loại 2 khi lưu thông qua trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2 nhưng người dân vẫn không đồng ý về việc thu phí ở cầu Bến Thủy 1…

Phải bỏ ở chứ không chấp nhận giảm thu phí

Như các báo đài, phương tiện truyền thông đưa tin vào mấy ngày qua, hàng chục người dân ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh chủ yếu là những cánh nhà xe đã đưa ô tô có dán biểu ngữ chặn đầu cầu Bến Thủy 1 do tổng công ty xây dựng công trình giao thông Cienco4 quản lý để phản đối việc thu phí qua cầu, yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét lại việc thu phí cũng như việc đặt trạm thu phí ở đây. 

Qua trao đổi với người dân theo dõi tại hiện trường, Việt Nam Thời Báo ghi nhận đa phần là những cánh nhà xe đều cho rằng việc tập trung chủ yếu là phản đối việc thu phí qua trạm cầu Bến Thủy 1 là bất hợp lý, phí thu qua hai cầu là quá cao đơn cử phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các lọai xe khách vận tải hành khách công cộng) là 45.000 đồng/lượt và loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) là 60.000/lượt khi lưu thông qua trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2. Trước sự phản đối của cánh nhà xe từ trước đến giờ, đại diện chi nhánh BOT tuyến tránh thành phố Vinh đã cho báo đài nhà nước biết là nhà đầu tư đã hỗ trợ tiền chênh lệch gía vé cho các cá nhân, tổ chức có hộ khẩu thường trú ở địa bàn huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh và đồng thời cũng đã giảm 5.000 đồng phí thu qua cầu cho cho 2 loại xe nêu trên.

Tuy vậy, Việt Nam Thời Báo ghi nhận từ ý kiến của cánh nhà xe thì được biết, việc hỗ trợ giá vé cũng như việc giảm phí qua cầu Bến Thủy cũng chỉ giải quyết phần nào gánh nặng thuế phí phải đóng và việc thu phí qua cầu Bến Thủy 1 vẫn là bất hợp lý nên không thỏa đáng.

Anh H, người theo dõi vụ việc người dân tập trung phản đối thu phí ở cầu Bến Thủy 1 vào mấy ngày qua đã cho Việt Nam Thời Báo biết:

"Việc giảm phí như thế là không được, người dân đòi bỏ thu phí cầu Bến Thủy 1 bởi vì cầu Bến Thủy 1 đã hết hạn thu phí và đồng thời đường BOT là đi đường khác nhưng họ vẫn tiếp tục thu phí nên dân yêu cầu phải bỏ".

Theo anh H. cũng như người dân chia sẻ với Việt Nam Thời Báo thì đường BOT là tuyến đường tránh, tức là đường đi cầu Bến Thủy 2 đã hoàn thành, còn đường cầu Bến Thủy 1 do nhà nước và nhân dân cùng làm thì đã hết thời hạn thu phí nhưng BOT vẫn tiếp tục thu phí như vậy hiện tại BOT thu phí cả 2 cầu Bến Thủy.

Anh H. cho rằng việc tiếp tục thu phí cầu Bến Thủy 1 là sai luật và người dân tập trung mấy ngày qua chủ yếu chỉ phản đối vấn đề này nhưng vẫn chưa thấy thông báo giải quyết gì từ các cấp chính quyền. Việt Nam Thời Báo chỉ ghi nhận là các lượng công an được huy động đến để ổn tình hình và giải quyết cho việc lưu thông.

Không chỉ cánh nhà xe đi qua cầu Bến Thủy 1 mới phản đối việc thu phí đi đường mà Việt Nam Thời Báo còn gặp và trao đổi với các cánh tài xế của những nhà xe khác nhau cũng cho rằng việc thu phí đi đường hiện nay ở Việt Nam là quá nặng. Quốc lộ 1A dày đặc các trạm thu phí. 

Anh T., tài xế chạy xe tuyến từ Đà Nẵng ra Hà Tĩnh và ngược lại là từ Hà Tĩnh vào Đà Nẵng qua trao đổi với Việt Nam Thời Báo thì anh T. cho biết một tháng xe của anh chạy phải đóng gần chục triệu đồng tiền phí đi đường. Anh T. chia sẻ:

"Ví dụ xe tôi chạy một chuyến từ Đà Nẵng ra đến Hà Tĩnh thì phải tốn hơn 400.000 đồng mà một chuyến tính cả lượt đi lẫn lượt vào thì cũng hơn 900.000 đồng tiền phí đi đường. Một tháng tôi đi bao nhiêu chuyến thì cứ nhân với 900.000 đồng thì sẽ ra".

clip_image004

Cũng cần phải nói thêm là những khoản phí phải đóng này là cố định, có nghĩa là đặt trường hợp xe khách hoặc xe tải nếu mỗi chuyến đi được đông khách hay vận chuyển hàng hóa nhiều thì các cánh nhà xe ngoài việc đóng các khoản phí trên, trừ chi phí xăng dầu và các khoản tran trải khác nếu còn thu nhập lời thì không nói gì, nhưng đặt trường hợp gặp chuyến đi có ít khách hay hàng hóa không nhiều thì lúc này các khoản phí phải đóng lại trở thành áp lực cho các cánh nhà xe.

Theo anh T., việc đặt ra các khoản thu phí này từ trước giờ theo như anh T. biết chủ yếu là ở Bộ Tài chính và còn tùy thuộc vào phí BOT hoặc ODA. Anh T. chia sẻ tiếp: 

"Việc đặt thu phí này chủ yếu là căn cứ ở Bộ Tài chính, họ thu phí BOT hoặc phí ODA nó khác nhau nhưng phí thu BOT thường thu cao hơn phí ODA bởi lãi suất khác nhau".

Cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2 nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh.Theo báo đài nhà nước thông tin thì thời gian thu phí hoàn vốn dự án BOT của hai trạm đến năm 2031. Trước bức xúc của người dân, Bộ Giao thông vận tải và đại diện Cienco 4 hiện vẫn giữ nguyên câu trả lời là không thể đặt một trạm thu phí ở cầu Bến Thủy 2 và cũng không thể di dời hai trạm thu phí bởi khoảng cách thu phí giữa 2 trạm khoảng chừng 2 km.

H.T.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/12/vntb-cau-ben-thuy-1-tiep-tuc-nong-sang.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn