TUYÊN NGÔN BẤT HỦ VÀ LỜI HỨA THIÊNG LIÊNG BỊ ĐE DOẠ

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Theo Tuổi trẻ oline, Bộ trưởng, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: vụ việc ở thôn Hoành, Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) sẽ được giải quyết rốt ráo, công bằng, nghiêm minh với cả người dân và cán bộ: “Tinh thần của chúng ta là hết sức minh bạch, hết sức công khai, và sòng phẳng”. Và ông nhấn mạnh: “Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi, dân sai dân chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Như vậy là, sự “rốt ráo, công bằng, nghiêm minh” ấy, lại cần được thể hiện ở hai cấp độ, với hai giai tầng khác biệt nhau: “Chúng ta nhận lỗi”, còn “Dân chịu trách nhiệm trước pháp luật” - dĩ nhiên là nếu pháp luật phát hiện ra cả hai bên đều sai.

Người phát ngôn của Chính phủ nói như vậy là rất chân thực, sòng phẳng, và đã hồn nhiên phơi bày cái quan niệm chính thống ăn sâu vào não trạng của quan chức VN hiện đại là: Những người được coi là “phụ mẫu chi dân” và những kẻ phải làm “lê dân” là hai thực thể riêng biệt, không thể đánh lộn sòng, không thể bình đẳng! Cái thời “tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào” (Hịch tướng sĩ văn) đã là quá khứ xa lắc, đã biến thành huyền thoại từ lâu chỉ để dành cho học sinh học thuộc lòng lấy điểm! Đây quả là một tuyên ngôn, một lập luận có sức nặng đáng kể của quyết tâm chính trị, pháp luật, và cả đạo đức quan chức nữa, để trở thành “bất tử” trong lịch sử xã hội - chính trị nước ta thời hội nhập! Lập luận (tuyên ngôn) này khiến chúng ta (không phải là “chúng ta” theo khái niệm và phân định rạch ròi của ông MTD) buộc phải liên tưởng tới một lập luận trong tác phẩm nổi tiếng “Trại súc vật” của George Orwell (mà NXB Hội nhà văn ấn hành chui với cái tên “Chuyện ở nông trại”). Khẩu hiệu ban đầu: “Mọi con vật sinh ra đều bình đẳng” sau đó được bổ sung cho hoàn chỉnh: “Nhưng có một số con bình đẳng hơn những con khác”...

Và, với phần đông dân chúng giờ đây không thế lực nào có thể bịt mắt bịt tai nổi như trước kia, cái “bất tử” của lời tuyên ngôn nọ thực ra là cái “bất tử lố bịch” (theo chữ dùng của nhà văn M. Kundera). Đã là người đại diện cho chính thể, hẳn nên/phải biết đòi hỏi của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle đối với nhà lãnh đạo quốc gia, ngoài những đức tính mà mọi công dân đều có, cần có thêm một đức tính quan trọng nữa - đó là sự “khôn ngoan chính trị”! (“Khôn” và “Ngoan” giống như quan niệm dân gian Việt, chứ không phải sự láu cá, thủ đoạn). Sự “khôn ngoan chính trị” đó, được Aristotle thống kê thành 6 chức năng mà mà một Nhà nước cần có, mà “điều quan trọng nhất, là quyền lực để quyết định xem điều nào phù hợp với lợi ích chung và thế nào là công bình trong cách cư xử giữa người dân với nhau”(1). Khi đã tự coi mình là một đẳng cấp riêng bất khả xâm phạm, cao ngạo đứng trên nhân dân, để miệt thị, thậm chí lừa dối nhân dân, thì cũng tức là tự phủ nhận vai trò “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, và đã trượt dài vào con đường tha hoá! Rất nhiều những lời bình luận đứng đắn, tâm huyết, có ý nghĩa cảnh tỉnh mà những người đang “cầm cân nảy mực quốc gia” như ông Mai Tiến Dũng cần lắng nghe, ở đây tôi chỉ xin trích đôi ba lời ngẫu nhiên nhặt được:

“Xin hỏi CHÚNG TÔI là ai, DÂN là ai?”

“Tại sao không nói: "Vụ Đồng Tâm: ai lỗi, ai sai sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật"?

“Cán bộ sai chỉ nhận lỗi với dân thôi à, như thế thì bất công quá. Dân sai dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cán bộ sai chỉ xin lỗi dân là chưa thoả đáng, cán bộ sai phải xin lỗi, bồi thường thiệt hại và còn bị truy cứu về trách nhiệm hình sự”.

“Đồng chí Mai Tiến Dũng nói như vậy là hết sức rõ ràng, minh bạch: Pháp luật nước mình chỉ dành cho Dân, nếu Dân sai. còn Chính quyền nếu sai thì chỉ "xin lỗi" là đủ (!)”

(https://xuandienhannom.blogspot.com/2017/05/quan-iem-cua-chinh-phu-nguyen-xuan-phuc.html).

Với cái gọi là “tuyên ngôn” trên của ông Mai Tiến Dũng, nhiều người buộc phải tự hỏi: vâng, nếu các ông (trong nhóm người gọi là “chúng ta”) có lỗi, thì các ông sẽ xin lỗi ai? Xin lỗi Dân? Xin lỗi Chính phủ? Xin lỗi ông Trời? Xin lỗi Địa phủ? Hay xin lỗi chính mình? Và sẽ xin lỗi về cái gì mới được cơ chứ? Nhưng dù xin lỗi ai, xin lỗi về cái gì, thì cũng chỉ là một động thái “tạ sự”, nó ngớ ngẩn, vô nghĩa! Nhưng về phía dân mà ông vạch rõ ranh giới, thì ông xác định hai năm rõ mười là: dân sai dân chịu trách nhiệm trước pháp luật! Về logic nội dung, ông không thể để câu chữ “bất bình đẳng” như vậy được. Và cái “bất bình đẳng” câu chữ đó càng giúp mọi người nhận ra sự thật này: các ông đang tìm cách bao che lẫn nhau, lẩn trốn trách nhiệm, và đang âm mưu đổ hết lỗi lầm cho những người “thấp cổ bé họng” vốn chỉ có cái lỗi duy nhất là dám đứng lên bảo vệ quyền sống chính đáng của mình! Cái mệnh đề “Xin lỗi” đặt bên cạnh mệnh đề “Chịu trách nhiệm trước pháp luật” giống như một hộp xốp rỗng và hòn đá tảng đặt hai bên của cái cân luật pháp, khiến chúng ta phải kinh hoàng về một nền tư pháp thiên kiến, thiên vị, phi lý, và không thể không liên hệ tới đoạn văn của F. Kafka qua lời nhân vật Jozep K nói thẳng với những người thi hành công vụ: "Tất nhiên lề lối của ngành tư pháp chúng ta đòi hỏi không những người vô tội bị kết án mà còn không được biết đến luật pháp" (Vụ án). Trong khi Chính phủ ta đang quyết tâm xây dựng một Nhà nước kiến tạo với hai thuộc tính là liêm chính và hành động, thì lời tuyên bố kia của người phát ngôn Chính phủ phải chăng là một tiếng nói lạc điệu, xa lạ?

Nhưng đằng sau lời tuyên bố rất rõ ràng của ông Mai Tiến Dũng, chúng ta hiểu, rất có thể là một quan điểm chỉ đạo thống nhất của cả một tập thể - quan điểm này biết đâu sẽ dần dà loại bỏ, làm mất hiệu lực lời hứa có văn bản cùng dấu lăn tay cam kết của ông Chủ tịch UBND thành phố HN về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân Đồng Tâm - Mỹ Đức. Lời hứa có “đọi máu” trên, dù trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng“ đó là hết sức chân thực, đáng tin cậy, và nhận được rất nhiều sự khâm phục, tán thưởng, thì trong tình thế mới này do người phát ngôn Chính phủ tạo ra, nó bỗng trở nên chung chiêng, phải nói là bị đe doạ... Vâng, tôi muốn nói rằng, nó bị đe doạ trở thành cái mà một chính trị gia cổ đại Trung Hoa từng gọi là “sậu lệnh” (Sậu lệnh bất thành, nhân tâm nãi ngoại - nghĩa là: Lệnh vội không thực hiện được, thì lòng người hướng ra ngoài cả). Nhà văn Nguyễn Triệu Luật, trong thiên tiểu thuyết lịch sử “Loạn kiêu binh” viết vào năm 1938, đã bình luận khá kỹ càng về cái “sậu lệnh” này sau khi kể lại chuyện chúa Đoan Nam Vương, để thoát khỏi sự trừng trị của quân kiêu binh, đã vội vàng ban ra một cái lệnh giả dối, đúng hơn là khó thực thi nổi. Và Nguyễn Triệu Luật đã viết như sau, người hôm nay có thể thấy nhà văn dường như còn sáng suốt tiên tri về thời thế: “Người làm chủ thần dân, điều gì có thể bỏ được, chữ tín nghĩa không sao bỏ được... Sậu lệnh phát ra không được thực hành, thi hành, dân chúng sẽ coi thường pháp lệnh. Dân mà coi thường pháp lệnh thì chủ quyền chỉ là chuyện hư, không phải chuyện thật. Ở một nước mà chủ quyền hư thì nước ấy vô chủ - vô chính phủ. Một nước như thế, dân phải chán mà trông mong một cái chủ quyền khác ở ngoài cái chủ quyền hiện hành. Một cái lệnh không được thực hành, thi hành thì là một điều chính phủ đùa bỡn dân mà chơi, nói dối dân mà chơi. Cho nên, muốn cho chủ quyền đứng vững... điều cốt yếu là phải thủ tín với dân chúng là người chịu cái quyền ấy” (2). Chúng ta hy vọng xã hội này sẽ bớt dần đi, cho tới lúc không còn bóng dáng nào của cái thứ “sậu lệnh” phát ra từ những người cầm quyền, cùng những hành động và các “tuyên ngôn” theo kiểu cách đe doạ, trấn áp khát vọng đòi Tự do Dân chủ thực sự của người Dân...

N.A.T.

Tác giả gửi BVN

_______________________

1. Aristotle- Chính trị luận, NXB Thế giới, HN-2013, tr.374

2. Nguyễn Triệu Luật- Tiểu thuyết lịch sử, NXB Văn hoá Thông tin, HN-2013, tr. 273

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn