CẢM NHẬN BÀI VIẾT CỦA ÔNG VŨ NGỌC HOÀNG VỀ “TỰ DIỄN BIẾN” – “TỰ CHUYỂN HÓA”

Tô Văn Trường

Theo thiển nghĩ của người viết bài này, trước hết phải nói rằng cụm từ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” bản thân nó chẳng hề mang ý xấu, ý tiêu cực nào cả! Cũng như dạo chiến tranh và sau chiến tranh hễ cứ nói đến hai từ “lãng mạn” trong văn học nghệ thuật là nhiều vị lại giẫy nẩy lên và bắt mọi người phải ngoắc thêm vào sau hai từ nữa là “cách mạng” cho... yên tâm. Thế cái lãng mạn trong “Truyện Kiều”, trong “Tây Tiến” thì gọi là lãng mạn gì nhỉ?

Nội dung cốt lõi bài của ông Vũ Ngọc Hoàng là bàn về khái niệm “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Ông đã rất sâu sắc trong tư duy, khi trao đổi về vấn đề này với cách tiếp cận khoa học, mạch lạc, dễ hiểu! Từ đó, đã chỉ ra rằng trong mọi nguyên nhân của sự thay đổi thì nguyên nhân chủ quan, nội tại là quyết định.

Liên Xô và khối XHCN tan rã sụp đổ chủ yếu là do “tự diễn biến, tự chuyển hóa” đấy chứ! Có xe tăng, đại bác nào của Mỹ và NATO khai hỏa đâu! Mà nếu Mỹ, NATO dùng vũ lực thì chưa chắc Liên Xô và khối Đông Âu đã sụp đổ nhanh như thế, có khi Mỹ và NATO còn bươu đầu sứt trán ấy chứ!

Ý của ông Vũ Ngọc Hoàng còn sâu sắc ở chỗ này: Chính Đảng và Nhà nước Việt Nam đã buộc phải “diễn biến và chuyển hóa” khi đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, tức là buộc phải “đổi mới”! Rõ ràng quá trình “diễn biến và chuyển hóa” là tự nhiên như một quy luật khách quan, tốt hay xấu là tùy thuộc kết quả và góc tham chiếu mà thôi. Điều hấp dẫn và thú vị khi đọc các bài viết của ông, hầu như chỉ đề cập đến những vấn đề cơ bản, phổ thông, nhưng duới một góc nhìn mới, sắc sảo, mạnh dạn, thẳng thắn hơn và có gì đó rất khác với nhiều người ở cương vị và lĩnh vực tương đương.

Tuy nhiên, là người đã từng giữ ngôi vị thứ hai (Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng), ông Vũ Ngọc Hoàng vẫn tỏ ra điềm tĩnh không để cho ngòi bút của mình trượt đi theo cảm xúc. Bởi thế, đọc các bài viết của ông, người đọc cảm nhận rất rõ sự thông tuệ mà bình dân, tự tin mà khiêm nhường của tác giả. Đó chính là bản lĩnh của một người đã từng đứng ở tâm điểm của những dòng xoáy các trào lưu tư tưởng chính trị.

Sống trong dân, trong tổ chức, nhiều đảng viên cùng chung suy nghĩ chưa thấy ai phát hiện ra hiện tượng, hay cụm từ “Tự diễn biến, tự chuyển hóa” mà chỉ được biết nó trở thành một chủ trương hành động chính trị xã hội, khi đọc các văn bản của Đảng.

Nhiều người có chung nhận định, cách diễn giải hình thù cụ thể của “Tự diễn biến và tự chuyển hóa”, nếu không phân tích làm rõ một cách biện chứng, thuyết phục thì rất nguy hiểm bởi vì:

- Chỉ là cái mũ người (nhóm) này chụp cho người (hay nhóm) kia trong cuộc đấu đá nội bộ.

- Cái thuật ngữ này chỉ là “nhát ma” những người hay “sợ ma”!

- Nếu Đảng tự diễn biến, tự chuyển hóa để khắc phục những yếu kém đang cản trở sự phát triển xã hội, để phục vụ nhân dân thực chất hơn, tốt hơn thì lại có ý nghĩa tích cực, là cái mà người dân mong đợi.

1. Nhận xét chung

- Bài viết về “Từ diễn biến-tự chuyển hóa” 6/2017 của ông Vũ Ngọc Hoàng khá dài 4.550 từ. Các nội dung trong bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng được phân tích thuyết phục: (1) Sự sụp đổ nhà nước XHCN Liên Xô và các nước Đông Âu là không tránh khỏi bởi lý luận khô cứng khuyết tật và mô hình nhà nước, hệ thống quản trị thiếu khoa học; (2) Quản trị quốc gia lấy vũ trang (quân đội, công an) làm công cụ chính thì đó là biểu hiện của chế độ độc tài toàn trị. Đó là những bài học và luận cứ thực tiễn chúng ta cần tiếp thu.

- Phương pháp diễn đạt phân tích, phản biện vấn đề có tính logic cao trong khuôn khổ lý luận mang tính thực tiễn và xã hội học (chưa phải lý luận triết học) diễn ra trong một chế độ nhà nước do Đảng Cộng sản cầm quyền có nền kinh tế, luật pháp,… kiểu XHCN (giống như tổ chức nhà nước và luật pháp ở Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu trước đây, Trung Quốc, Cu Ba).

- Vì vậy bài viết của tác giả mang tính phản ánh/tổng kết đánh giá một số nguyên nhân của những thực trạng bất cập trong tư tưởng, tồn tại về phát triển kinh tế xã hội, một số hướng giải quyết khắc phục dựa trên các nghị quyết của Trung ương Đảng CSVN.

- Đây là nội dung và cách hành văn của một giáo trình có nhiều ý kiến tham luận hay, luận giải thích hợp (không cực đoan) về hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cho công tác tuyên huấn và bồi dưỡng chính trị cho cán bộ đảng cơ sở trong khuôn khổ thực hiện nghị quyết TW Đảng và ý tưởng sử dụng công cụ chống tự diễn biến, tự chuyển hóa nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng tràn lan, bộ máy nhà nước các cấp hoạt động thiếu hiệu quả của TBT Nguyễn Phú Trọng.

2. Thảo luận

- Lịch sử phát triển xã hội loài người đến nay đã cho thấy rằng, bộ máy quyền lực nhà nước được thiết lập và thực hiện dựa trên những ý tưởng và luận điểm triết học của các triết gia chứ không phải của bộ máy quyền lực. Tranh luận triết học với trình độ các nhà triết học VN với thế giới chắc là việc khó nên không bình luận ở đây. (Nếu các cố triết gia Trần Đức Thảo và Nguyễn Mạnh Tường còn sống, may ra còn có diễn đàn tranh luận về triết học…).

- Thực trạng của xã hội VN chúng ta hiện nay, mọi cơ chế tổ chức và pháp luật đều do bộ máy quyền lực nhà nước thiết lập, nên hình như có điều gì đó về triết học là thiếu tính khoa học để kiểm soát và điều chỉnh xã hội theo hướng tiến bộ và phát triển. Khi một chủ trương được Đảng cầm quyền coi là phương châm, ở một Nhà nước một Đảng, thì tất cả những ý kiến trái chiều cho dù xuất xứ là những người được coi từ xưa là chính thống, cũng dễ bị “chụp mũ” cho là phản nghịch, không khác lắm với Galileo dám nói là quả đất quay, trái với Giáo hội La Mã, suýt nữa bị hỏa thiêu. Do đó, những dẫn chứng về sự bất cập thực tế và nguyên nhân gây bất ổn trong bộ máy quyền lực trong bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng phù hợp với trình độ của cán bộ và nhân dân, rất đáng được trân trọng.

- Chủ trương về đất đai mà chúng ta biết, nghe thì hay, vì nói đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước quản lý, nhưng trong thực tế, thiếu những cơ sở khoa học cho việc thực hiện pháp lý dài hạn vì Nhà nước là cán bộ quản lý với một hoặc hai nhiệm kỳ, sau đó, có thể tiếp tục làm cố vấn. Người cán bộ đó cũng là một con người, cũng có những nguyện vọng tầm thường của một con người khi không được kiềm chế, kiểm soát, rất khó tránh khỏi móc nối với các tổ chức trong hoặc ngoài Chính phủ, các nhóm lợi ích được hình thành, và trong thực tế đang chi phối đời sống của chúng ta. Ở môi trường Việt Nam, một nước Á châu, chủ trương đó rất dễ được lãnh đạo chấp nhận, và đã chấp nhận rồi, chống lại là một việc rất khó khăn và phức tạp.

- Chủ trương chính sách “khoán 10” trong nông nghiệp cũng là một hiện tượng tự diễn biến tích cực phù hợp trong một thời điểm để khắc phục sai lầm của mô hình sản xuất tập thể gọi là hợp tác xã, chứ không phải một luận cứ khoa học cho phát triển nông nghiệp tiên tiến lâu dài. Cho đến nay, VN vẫn là một nước nông nghiệp, vậy mà nông dân không phải là người chủ thực sự trên mảnh đất của mình, thì khó mà xây dựng được nền kinh tế thị trường, theo định hướng XHCN. Tương tự như vậy trong lĩnh vực công nghiệp, sự thất bại của các doanh nghiệp nhà nước, theo văn kiện của Đảng lãnh đạo, vốn được coi là chủ đạo theo định hướng XHCN, điển hình là hai doanh nghiệp hút nhiều vốn nhất là Vinashin và Vinalines, đã là minh chứng của lập luận lúc đầu nghe cũng có vẻ thuyết phục, nhưng thực tế lại khác 180 độ.

- Cũng như hiện tượng tự diễn biến, tự chuyển hóa,… “lợi ích nhóm” và nhiều hiện tượng khác trong xã hội cũng có cả nghĩa tích cực và tiêu cực, không phải phạm trù triết học nào cả, nó sinh ra và cùng tồn tại với xã hội phụ thuộc vào thể chế quản lý nhà nước mà nó tốt hay xấu. Phương pháp quản trị nhà nước mạnh và khách quan thì nó yếu, ngược lại quản trị nhà nước yếu thì nó phát triển mạnh theo hướng tiêu cực lúc đầu là lợi dụng quyền lực nhà nước sau đó là thủ tiêu nhà nước.

- Như vậy, vấn đề là lựa chọn mô hình (từ phân tích tổng hợp thành tựu của thế giới về các thể chế nhà nước văn minh hiện đại) và hoàn thiện thể chế đáp ứng được ngày càng cao đòi hỏi về sự bình đẳng, quyền lợi dân tộc và người dân. Tiếp theo là xây dựng nền tư pháp thực thi nghiêm chỉnh Hiến pháp của Nhà nước theo thể chế đó. Đó chính là cơ sở khoa học mà ông Vũ Ngọc Hoàng coi là điểm tựa để phân xử tranh luận đúng sai của các giải pháp và hiện tượng được tác giả phân tích đề xuất.

- Việc lựa chọn xây dựng mô hình nhà nước và pháp luật cần có một tầng lớp trí thức tinh hoa mà Việt Nam chưa có (ngay cả khoa học tự nhiên và kỹ thuật-công nghệ, mặc dù có một số nhà khoa học VN nổi tiếng nhưng chúng ta cũng chưa có tầng lớp trí thức này). Nếu đào tạo nghiêm chỉnh cũng phải mất nhiều chục năm may ra mới có, nên tốt nhất là vừa đào tạo vừa thuê các trí thức từ các nước có nền khoa học và quản lý nhà nước tiên tiến, như các nước công nghiệp mới phát triển đã thực hiện.

3. Lời kết

Shakespeare nhà viết kịch nổi tiếng trên thế giới người Anh ở thế kỷ 16 (thời kỳ phục hưng) đã để cho nhân vật Hamlet có câu nói bất hủ cho đến tận ngày nay: “to be or not to be” có nghĩa là “tồn tại hay không tồn tại”. Nhiều người dân Việt Nam vẫn còn nhớ thời kỳ cuối thập niên 80, nhất là khi khối Đông Âu suy yếu và tan rã, trước các yêu cầu bức xúc của cuộc sống, để tồn tại, Đảng và Nhà nước ta đã tự cứu mình bằng cách tiến hành đường lối Đổi mới, tạo ra các bước đột phá đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng, trì trệ. Vậy, đây có phải là “tự diễn biến, tự chuyển hóa” mà lá cờ đầu chính là Tổng bí thư Trường Chinh cho viết lại toàn bộ Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI?

Bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng hoàn toàn mang tính xây dựng và không hề cực đoan. Ngẫm suy, quan điểm của chúng ta là “năng nhặt chặt bị”, đừng bỏ phí bất kể điều gì tốt đẹp trong xã hội vẫn còn rất nhiều nhiễu nhương.

“Gieo trăm gặt một thế cũng là

Được bao nhiêu cũng là được cả

Một thời khô héo một thời hoa”.

(Thơ Việt Phương)

Nổi bật nhất bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng chính là những nội dung cơ bản Đảng Cộng sản VN có đủ khả năng kế thừa, định hướng, triển khai nếu muốn đất nước VN phát triển, biết nhận thức và tiếp thu khoa học khách quan về lý luận và quản trị nhà nước. Còn cứ đổ tội cho hiện tượng này nọ, cải cách vụn vặt, ngẫu hứng sẽ chỉ tốn thời gian công sức, và làm mất cơ hội phát triển.

Trước đây không lâu, lãnh đạo của VN không đánh giá cao doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa. Ngày nay, lại coi đó là một lực lượng quan trọng, phải chăng chúng ta đã buộc phải đổi hướng, nhưng không nói ra?

Còn cái gì nữa mà chúng ta sẽ buộc phải nói ra? Sự thay đổi dù không nói ra này có phải là Đổi mới tư duy không? Đổi mới tư duy có gì khác với tự diễn biến, tự chuyển hóa? Nếu ta hiểu mấy thuật ngữ này theo nghĩa tiêu cực, nghĩa là thụt lùi, thì ta không nói theo Triết học nữa. Vậy thì ta không Đổi mới, cứ làm như cũ chăng, thì nguy cơ “cái gì đến ắt sẽ đến” nếu ta không biết nhìn lại mình cho rõ hơn và không biết vượt lên chính mình.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn