Lãi được bao nhiêu?

Vũ Minh Trí

Trên đời có vô vàn sự vật, hiện tượng được gọi tên. Mỗi sự vật, hiện tượng đều mang ít nhất một thuộc tính riêng có, giúp phân biệt nó với các sự vật, hiện tượng khác. Nói "gù" là nghĩ ngay tới lưng. Nói "chột" là nghĩ ngay tới mắt. Nói "câm" là nghĩ ngay tới miệng. Nói "điếc" là nghĩ ngay tới tai... Qua thực tiễn cuộc sống, người ta còn "nghe nhạc hiệu, đoán chương trình", đúc rút nên những câu tục ngữ, thành ngữ kiểu như "Ráng vàng thì nắng - Ráng đỏ thì mưa - Ráng mỡ gà ai có nhà phải chống". Trăm câu, cấm sai lấy một.

Friedrich Engels - một sư tổ của chủ thuyết cộng sản - định nghĩa: "Quân đội là một tập đoàn có tổ chức gồm những người được vũ trang, được nhà nước đài thọ để thực hiện chiến tranh tấn công hoặc phòng ngự". Ở Việt Nam hiện nay, định nghĩa này được cụ thể hóa trong giáo trình của các học viện, nhà trường thuộc Bộ Quốc phòng như sau: "Quân đội là tổ chức vũ trang tập trung, thường trực và chuyên nghiệp do một nhà nước hoặc một phong trào chính trị xây dựng nhằm mục tiêu giành chính quyền, giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc bằng đấu tranh vũ trang (chiến tranh, nội chiến...) hoặc tiến hành chiến tranh, đấu tranh vũ trang để thực hiện mục đích chính trị của nhà nước hoặc của phong trào chính trị đó". Tất cả đều tịnh không đề cập việc quân đội làm kinh tế. Đã gọi là quân đội thì chỉ có "thực hiện chiến tranh tấn công hoặc phòng ngự", "tiến hành chiến tranh, đấu tranh vũ trang" mà thôi.

clip_image002

Ấy vậy mà khi Thượng tướng Lê Chiêm, ủy viên Trung ương đảng, ủy viên Quân ủy trung ương, thứ trưởng Bộ Quốc phòng vừa phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh vào sáng ngày 23-6-2017 rằng "quân đội sẽ không làm kinh tế nữa" thì Quân đội nhân dân - tòa nhật báo được xác định là "cơ quan của Quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng" đã có ngay "vệt bài" của "nhóm phóng viên", đăng liên tục trong 3 ngày 28, 29, 30-6-2017, tất cả đều trên đầu trang nhất, quyết liệt khẳng định "Kết hợp kinh tế với quốc phòng - nhiệm vụ chiến lược lâu dài". Cụ thể như sau:

- "Bài 1: Từ quy luật nghìn đời đến đòi hỏi thực tiễn", gồm các phần: Tiếp nối truyền thống nghìn đời của dân tộc; Lời Bác dạy về đội quân "ba trong một"; Chủ trương chiến lược nhất quán của đảng, nhà nước ta;

- "Bài 2: Hiệu quả từ một chiến lược đúng đắn", gồm các phần: Nguồn lực trọng yếu cho những công trình quốc gia; Điểm tựa vững chắc nơi biên cương; Góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, phục vụ xã hội; Tiên phong trên nhiều lĩnh vực khó, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước;

- "Bài 3: Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên "mặt trận sản xuất" trong tình hình mới", gồm các phần: Thống nhất, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ chiến lược; Sắp xếp lại doanh nghiệp quân đội – cuộc chuyển đổi mạnh mẽ; Các khu kinh tế quốc phòng trong "thế trận" mới; Nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập trong nước và quốc tế.

Chừng như thấy chưa đủ, từ ngày 1 tới ngày 7-7-2017, vẫn trên đầu trang nhất và dưới cái tít "Kết hợp kinh tế với quốc phòng - nhiệm vụ chiến lược lâu dài", tờ Quân đội nhân dân liên tiếp có các bài sau, trong đó tập hợp ý kiến của nhiều nhân vật:

- "Khẳng định vai trò của quân đội ta trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế", gồm các phần:

+ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, nguyên tư lệnh Bộ đội Trường Sơn: Biểu hiện của sự kết hợp sức mạnh quân - dân;

+ Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên cục trưởng Cục kinh tế (Bộ Quốc phòng): Cần hiểu đúng về hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội ta;

+ Ông Trần Đình Hoan, giám đốc Công ty cổ phần XD&DLTM Đại Việt: Doanh nghiệp quân đội đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước;

+ Ông Trần Nhương, quận 3, TP Hồ Chí Minh: Đất nước cần quân đội tiếp tục là "đội quân sản xuất".

- "Khẳng định vai trò của quân đội ta trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế", gồm các phần:

+ Tiến sĩ Trần Văn, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban tài chính – ngân sách của Quốc hội: Quân đội luôn "thượng tôn pháp luật" trong sản xuất, xây dựng kinh tế;

+ Đại tá Lê Quang Nghị, chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 15: Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ở vùng biên giới;

+ Thiếu tướng, tiến sĩ Trần Trung Tín, nguyên cục trưởng Cục kinh tế, Bộ Quốc phòng: Một giải pháp để duy trì, nâng cao khả năng tác chiến;

+ Ông Vũ Văn Đảo, giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt-Séc: Nguồn lực mạnh phát triển kinh tế đất nước.

- "Quân đội ta anh hùng cả trong chiến đấu và lao động sản xuất", gồm các phần:

+ Đồng chí Hồ Quang Lợi, phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam: Năm lý do để khẳng định quân đội ta cần tiếp tục tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế;

+ Tiến sĩ Trần Bách Hiểu, phó trưởng Bộ môn Chính trị quốc tế, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội): Gắn xây dựng kinh tế với nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội;

+ Đồng chí Lê Như Tiến, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Nên tiếp tục thực hiện hiệu quả kết hợp kinh tế với quốc phòng;

+ Đồng chí Trần Văn Kiệt, phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ: Một nhiệm vụ quan trọng của quân đội ta.

- "Quân đội thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng" của thượng tướng Trần Đơn, ủy viên Trung ương đảng, ủy viên Thường vụ quân ủy trung ương, thứ trưởng Bộ quốc phòng.

- "Chủ trương lớn vẫn nguyên giá trị", gồm các phần:

+ Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên bộ trưởng Bộ quốc phòng: Đó là nhiệm vụ chính trị, không phải vì kinh tế đơn thuần;

+ Ông Lù Văn Thanh, chủ tịch UBND huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên): Có đến các vùng biên giới mới hiểu;

+ Tiến sĩ kinh tế Võ Trí Hảo, phó trưởng khoa Luật, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh: Cơ cấu lại hoạt động kinh tế của quân đội;

+ Ông Nguyễn Văn Quân, phó bí thư Đảng ủy xã Song Thuận (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang): Cần lắm bộ đội tham gia phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa.

- "Đóng góp tích cực, hiệu quả đối với công tác an sinh xã hội", gồm các phần:

+ Trung tướng Nguyễn Đức Lâm, chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng: Vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp quốc phòng;

+ Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright: Phát huy tốt nguồn lực từ quân đội để phát triển kinh tế;

+ Bà Lê Thị Trường Chinh, giám đốc Công ty An Cát Lợi (Gia Lai): Vùng sâu, vùng xa "thay da đổi thịt" nhờ Bộ đội Cụ Hồ;

+ Đại tá Nguyễn Việt Anh, trưởng phòng Quản lí doanh nghiệp, Cục kinh tế: Sản xuất, kinh doanh gắn với thực hiện tốt an sinh xã hội;

+ Ông Lã Hữu Vĩnh, quận 10, TP Hồ Chí Minh: Quân đội tham gia sản xuất không chỉ đơn thuần là kinh tế.

- "Tọa đàm "Kết hợp kinh tế với quốc phòng - nhiệm vụ chiến lược lâu dài": Kết hợp kinh tế với quốc phòng vì sự phát triển đất nước và lợi ích của nhân dân", gồm các phần:

+ Đồng chí Vũ Khoan, nguyên bí thư Trung ương đảng, nguyên phó thủ tướng Chính phủ: Quân đội làm kinh tế góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia;

+ Thiếu tướng, tiến sĩ Võ Hồng Thắng, cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng): Nơi nào cũng có dấu ấn, công sức của lực lượng quân đội;

+ Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, phó vụ trưởng - phó ban Tuyên truyền lý luận, Báo Nhân dân: Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế - cần làm và cần cách làm đúng;

+ Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, chuyên viên cao cấp, nguyên ủy viên Hội đồng lý luận trung ương: Chủ trương thể hiện sự nối tiếp truyền thống, phù hợp với quy luật;

+ Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, bí thư Đảng ủy, phó tổng giám đốc Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel): Thành công của Viettel chứng tỏ quân đội làm kinh tế hiệu quả;

+ Đồng chí Vũ Văn Tiến, ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tổng biên tập tạp chí Mặt trận: Nhiệm vụ không thể tách rời.

Ngày 8-7-2017, vẫn ở trang nhất, tờ Quân đội nhân dân có bài "Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Quân đội thực hiện tốt kết hợp kinh tế với quốc phòng, thiết thực góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước" của Trần Tuấn – Tiến Đạt, gồm các phần: Nhiều bài học quý từ thành tựu của Viettel; Quân đội làm kinh tế là bản chất, chức năng, nhiệm vụ và truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ; Đổi mới doanh nghiệp quân đội ngày càng hiệu quả. Tưởng đã xong, ai dè ngày 10-7, vẫn ở trang nhất, lại có bài "Mấy ý kiến về việc quân đội làm kinh tế" của ông Vũ Khoan, nguyên bí thư Trung ương đảng, nguyên phó thủ tướng Chính phủ.

Cứ kiểu này thì chắc là còn dài dài…

Tướng Chiêm vừa nhỡ mồm có một câu mà đông đảo lực lượng quân đội, từ trên xuống dưới, với sự hùa theo của nhiều nhân vật ở bên ngoài quân đội đã lập tức phản bác một cách ào ạt, dai dẳng, đao to búa lớn, thật xứng với cái tên cúng cơm: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Engels, sư tổ của chủ thuyết cộng sản đã định nghĩa sai về quân đội hay "quân đội ta" - đội quân lấy "làm kinh tế là bản chất, chức năng, nhiệm vụ và truyền thống" - không phải là, không còn là quân đội?

Chợt nhớ tới lời Karl Marx - một sư tổ khác của chủ thuyết cộng sản - nói về tư bản: "Tư bản kinh sợ việc không có lãi hoặc lãi rất nhỏ như bản chất của một nhu cầu tự nhiên. Với lợi nhuận thích hợp, tư bản thức tỉnh; với 10 %, nó có thể được sử dụng ở bất kì đâu; với 20 %, nó trở nên sống động; với 50 %, nó vô cùng liều lĩnh; với 100 %, nó sẽ chà đạp lên mọi luật pháp của loài người; và với 300 % không một tội ác nào là nó không sẵn sàng làm, kể cả với nguy cơ phải lên giá treo cổ", lại có thêm một câu hỏi:

Lợi nhuận của việc "quân đội ta" làm kinh tế là bao nhiêu phần trăm?

V.M.T.

Tác giả gửi BVN

.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn