Về đội ngũ Luật sư Toàn Thua

Giáo Luật

Về bài viết dưới đây của Giáo Luật có trên tuần báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh số 457, ngày 13-7-2017, BVN không tìm ra nổi lời nào để giới thiệu, chỉ có thể lưu ý bạn đọc rằng các phiên tòa mà Giáo Luật nhắc tới, tiếng là công khai song về cơ bản, ngay cả những người ruột rà, thân thích nhất của các bị cáo cũng không được tham dự.

Để giúp bạn đọc hiểu thêm về "đội ngũ Luật sư Toàn Thua", BVN đăng kèm luôn luận cứ bào chữa của Luật sư Hà Huy Sơn cho bà Trần Thị Nga tại phiên tòa hình sự sơ thẩm vừa diễn ra ngày 25-7-2017 tại Tòa án tỉnh Hà Nam.

Bauxite Việt Nam

Mới đây, bình luận trên internet về mức án của bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) vượt khung, lên tới 10 năm tù, dư luận đã đặt vấn đề về vai trò của luật sư trong phiên xử này. Đặc biệt, stt "Hợp tác xã Luật sư Toàn Thua" trên mạng xã hội facebook đã được dư luận chú ý với số lượng người quan tâm lên đến nhiều ngàn cũng như hàng trăm các trang mạng chia sẻ. Vấn đề là các luật sư đã làm gì trong những vụ án như thế này?

Luật sư bỏ mặc thân chủ

Vai trò của luật sư (LS) ở mọi vụ án là gì? Dĩ nhiên về nguyên tắc là giúp Hội đồng xét xử (HĐXX) làm rõ sự thật vụ án, tuy nhiên với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, đối tượng mà LS cần thuyết phục chính là các vị trong HĐXX, LS cần phải biết viện dẫn những quy định của pháp luật hiện hành; cần phải biết đưa ra những luận cứ có lý, có tình để thuyết phục HĐXX đi theo hướng có lợi nhất cho thân chủ. Nhưng các LS trong các vụ án liên quan đến các bị cáo chống nhà nước nhiều dạng đã làm gì? Họ không quan tâm đến các bị cáo, người mà họ phải bảo vệ, người mà nhờ họ, các LS mới có mặt tại tòa án. Họ lợi dụng ngay phiên tòa làm diễn đàn để công kích Nhà nước qua công kích hệ thống pháp luật. Thay vì viện dẫn các quy định pháp luật, họ công kích chính các quy định pháp luật, công kích HĐXX. Nhà báo Đức Hiển (PLO), bình luận: "nhiều LS nổi tiếng rất nhanh bằng những tuyên ngôn nhưng thân chủ của họ tăng án, thậm chí thân chủ bị LS đẩy lên thành người hùng, thân chủ thành cái cớ cho LS công kích cơ quan tố tụng. Như vậy không những LS đã không bảo vệ được công lý còn giết luôn thân chủ và ám sát sự nghiệp bản thân. Thân chủ muốn LS cứu họ chứ không phải là chất xúc tác hay vật hy sinh cho những lập ngôn của LS".

Và thật sự vai trò của các LS trong các vụ xử các bị cáo có tội danh liên quan đến chống Nhà nước là như vậy. Trong stt Hợp tác xã Luật sư Toàn Thua của nick Mai Dương trào phúng: "Nghiệp vụ chủ yếu của các xã viên lẫn Chủ nhiệm HTX Luật sư Toàn Thua này có thể mô tả đơn giản trong mấy bước sau:

1. Ngồi facebook lùng điểm nóng, hoặc bắt tay với các ngụy dân chủ tìm điểm nóng. Điểm nóng ở đây được định nghĩa là cưỡng chế đất đai, công dân đánh người thi hành công vụ, bọn nghèo ăn cắp vặt của bọn giàu, hoặc các ngụy dân chủ số đen bị sập cầu chì…

2. Sau khi phát hiện thấy điểm nóng, các LS ngay lập tức than khóc và tuyên bố trên facebook dưới mấy nội dung.

(Một là) khẳng định thằng nghèo hay thằng dân bị oan, và nếu bọn ngụy dân chủ gọi cưỡng chế là “cướp đất” thì các LS gọi là “vi phạm nghiêm trọng pháp luật”. Rồi chia sẻ, rồi kêu gọi hiệp thông các thứ.

(Hai là), gợi ý nhu cầu LS, và vận áo sơ mi đeo cà vạt, tóc tai vuốt keo bóng láng, xách ca-táp (trong ca-táp chỉ có quần đùi) tìm đến tận nơi chia sẻ, rồi tung hình lên facebook.

(Ba là), tuyên bố sẽ bào chữa miễn phí. Cư dân mạng định nghĩa miễn phí ở đây là kiểu miễn nơi này lấy tiền nơi khác.

3. Đến ngày tranh tụng, sẽ tường thuật chi tiết trên facebook về sự cản trở của "tòa án ác ôn", bằng mọi giá cù nhầy đòi trả hồ sơ điều tra lại, hứng chí nhảy mẹ lên bàn chỉ vầu mặt chủ tọa chửi bới quân ác ôn rồi lịch sử và nhân dân sẽ nhớ ngày hôm nay, đại loại thế rồi bỏ cmn về. Facebook lúc đó đương nhiên lai-chim.

4. Thân chủ án kịch khung, kệ mẹ. Về nhà vào fb lên án chế độ, nức nở, thề thốt. Ăn ngàn lai, nhận tiền từ các tài khoản bí ẩn

5. Lại hóng tìm điểm nóng, ai chửi cũng kệ vì bản thân đang âm thầm thực hiện sứ mạng cao cả là chửi hệ thống pháp luật, chửi Nhà nước".

Nhưng đó chỉ mới là những lời bình luận của cư dân mạng, thực tế đã có một số luật sư đang đóng vai trò của các ngụy dân chủ, lợi dụng diễn đàn tòa án trong vai trò người bào chữa, hoặc trên internet để tuyên truyền chống Nhà nước ở nhiều mặt khác nhau. Họ là ai và từ đâu ra?

Những luật sư ngụy dân chủ

Đã có một LS, chuyên môn kích động dân ở các vùng bị thu hồi đất để xây dựng các công trình kinh tế - xã hội chống chủ trương Nhà nước, khi bị kiện về hành vi chiếm đoạt tài sản, bị cơ quan bảo vệ pháp luật triệu tập, đã lên mạng kêu gọi hàng trăm "biểu tình viên chuyên nghiệp" cùng các ngụy dân chủ đến tập hợp quanh mình nhằm cản trở việc triệu tập của cơ quan chức năng. Cũng may cho LS này, vụ việc sau đó đã được LS và bên đâm đơn kiện giải quyết ổn thỏa. Chính LS này cũng luôn đi đầu trong việc gây dựng các hoạt động chống chủ trương chính sách Nhà nước như khích động khiếu kiện của các xứ đạo Hà Tĩnh, Nghệ An với Formosa, chống thuế BVMT qua giá xăng, chống việc di dời cây xanh để mở đường, vận động các LS gây sức ép nhằm tạo ra đặc quyền cho giới LS bỏ qua nghĩa vụ công dân bảo vệ trật tự an toàn xã hội… Và mới đây nhất, LS này đại diện cho một số người dân Đồng Tâm, bất chấp luật pháp công khai yêu cầu Chính phủ công khai các tài liệu bí mật quân sự… Vụ các nhóm dân khiếu kiện Đồng Hỷ - Thái Nguyên, dân khiếu kiện ở Nam Định… đều đã tố cáo LS này nhận hàng trăm triệu mỗi vụ nhưng không bảo vệ được lợi ích gì cho họ ngoài việc đẩy họ ký tá các đơn thư khiếu kiện tràng giang, đẩy họ đến "biểu tình" trước các trụ sở trung ương… vừa không giải quyết được vụ kiện của mình, vừa mất tiền oan, vừa trở thành công cụ cho LS này thổi lềnh phềnh trên báo chí hải ngoại để làm màu.

Dư luận cũng không ngạc nhiên, từ nhiều năm nay, tất cả các vụ xử những bị cáo có các hành vi chống Nhà nước cũng chỉ có một nhóm không quá 10 LS đứng ra làm người bào chữa, và tất cả các LS này không hề bào chữa cho các bị cáo mà đều sử dụng diễn đàn tòa án để công kích hệ thống các quy định pháp luật Việt Nam. Đó gồm các LS Trần Vũ Hải, Lê Luân, Võ An Đôn, Hà Huy Sơn, Trần Thu Nam, Trần Đình Triển… Họ cắt xén, hoặc trích dẫn không đầy đủ các quy định pháp luật của một số nước phương Tây để bào chữa cho các bị cáo và phủ định các quy định pháp luật của Việt Nam. Có thể ví dụ, họ nói đến quyền tự do ngôn luận, ý của họ là tự do vu cáo, mà giả vờ quên một vế khác là quyền của người này không được làm ảnh hưởng đến quyền của người khác. Chính các LS đã bóc mẽ một LS trong nhóm này như một stt trong fb đã viết: "Đám ngụy dân chủ chửi rủa LS Trần Thu Nam vì tiền, bóc mẽ chuyện anh này chuyên "vặt thịt" các "tù nhân lương tâm" nhưng miệng thì luôn luôn "bào chữa miễn phí", nhưng không hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ thân chủ của mình, thậm chí khi ra tòa không có lấy dòng bút lục về vụ án, đọc sai tên thân chủ, nói chi đến lập luận gỡ tội cho các "tù nhân lương tâm". Hóa ra, sự thật là các LS nhân quyền này luôn luôn tuyên truyền án chính trị là "án bỏ túi" nên việc bào chữa chỉ là màu mè; họ nhận những vụ án này "vì công lý" chứ không vì tiền nhưng sự thực nhận rất nhiều tiền từ những kênh không thể công khai (thực chất là tiền từ các cá nhân tổ chức phản động lưu vong tài trợ cho thân nhân thuê LS hoặc gửi trực tiếp đến LS) miễn là tại tòa họ có những lời lẽ "lên án chế độ" là OK".

Không chỉ vậy, trên internet, hàng loạt LS công khai bịa đặt vu cáo. LS Lê Công Định nói rằng Quốc hội nước ta đã "hoãn" thi hành Bộ luật Hình sự để "cứu" Formosa, vì Bộ luật Hình sự mới có quy định trách nhiệm hình sự cho pháp nhân. LS Võ An Đôn lan truyền tin cô giáo Lam, tác giả bài thơ dở hơi: Đất nước này ngộ lắm… bị bắt, LS Trần Vũ Hải bịa đặt việc Chủ tịch UBND HN thường xuyên điện thoại trao đổi với ông ta và hẹn cùng ông ta về Đồng Tâm gặp dân trong lúc căng thẳng… Và nhiều bịa đặt, vu khống về các sự kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Cũng không ít LS đã cầm đầu, tham gia các tổ chức phản động, chống Nhà nước và đã bị truy tố trước pháp luật như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Nhân, Lê Công Định…

Thật ra, họ chỉ có một nhóm nhỏ, nhưng quan trọng hơn cả, họ đã có những hành động lôi kéo, tổ chức nhiều LS khác để có những hành vi phản ứng đông người, gây nguy hiểm cho xã hội. Với vai trò là những LS đi trước, có những văn phòng LS hoặc các công ty luật, là nơi các sinh viên đến thực tập hoặc thử việc, họ dễ gây ra những hậu quả xấu đối với lực lượng các LS, các luật gia trẻ. Vì vậy, đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần có những chế tài nhất định với những LS ngụy dân chủ này.

Vai trò bộ tư pháp và liên đoàn luật sư

Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và hoạt động LS trong cả nước cho đến nay chưa hề có bất kỳ khuyến nghị nào về hiện tượng một nhóm LS đang có những hoạt động chống các chủ trương chính sách của Nhà nước. Liên đoàn Luật sư Việt Nam với điều lệ ghi rõ: Là tổ chức xã hội nghề nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chưa có hoạt động ngăn chặn cụ thể nào, chưa kể còn nhiều lần có thái độ ủng hộ một số hoạt động không thích hợp của nhóm này. Đã đến lúc các tổ chức này cần phải có ý kiến. Cần khẩn cấp thu hồi thẻ hành nghề của một số LS có hành vi tổ chức chống đối các chủ trương chính sách Nhà nước, kích động phản ứng tập thể tại các điểm nóng mâu thuẫn lợi ích, quan hệ, nhận tài trợ của các tổ chức thù địch với Nhà nước Việt Nam.

G.L

Nguồn: http://tuanbaovannghetphcm.vn/ve-doi-ngu-luat-su-toan-thua/

Luận cứ bào chữa cho bà Trần Thị Nga

tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 25-7-2017, TAND tỉnh Hà Nam

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Tôi, Luật sư Hà Huy Sơn, Công ty Luật TNHH Hà Sơn là người bào chữa cho bị cáo Trần Thị Nga xin trình bày luận cứ bào chữa như sau:

I. Tóm tắt vụ việc:

Ngày 21/11/2016, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Hà Nam tiếp nhận 01 DVD gồm 11 video clip do Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Hà Nam chuyển đến thu được từ FB "Thuy Nga", "Tran Thi Nga" và Youtube "Trần Thúy Nga".

Ngày 22/11/2016, Cơ quan ANĐT ra quyết định số 03/QĐ-ANĐT trưng cầu giám định nội dung 11 video clip.

Ngày 29/11/2016, Cơ quan ANĐT ra quyết định trưng cầu giám định số 04/QĐ-ANĐT, trưng cầu Viện KHHS Bộ Công an giám định tiếng nói, hình ảnh trong 11 video clip.

Ngày 08/12/2016, ra Bản KLGĐ số 5393/C54-P6 của Viện KHHS Bộ Công an. Kết luận tiếng nói, hình ảnh trong 11 video clip là bà Trần Thị Nga.

Ngày 16/12/2016, ra Bản kết luận giám định của Bộ TT&TT đối với 11 video clip. Kết luận nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Ngày 21/01/2017, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Nam ra Quyết định số 01/QĐ-ANĐT khởi tố vụ án "Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" quy định tại Điều 88 Bộ luật hình sự 1999. Quyết định khởi tố bị can đối với bà Trần Thị Nga số 21 ngày 21/01/2017, về tội "Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" quy định tại Điều 88 Bộ luật hình sự 1999.

Ngày 21/01/2017, thi hành Lệnh bắt và tạm giam bà Trần Thị Nga.

Ngày 21/01/2017, thi hành Lệnh khám xét nơi ở bà Trần Thị Nga.

Ngày 20/02/2017, Cơ quan ANĐT điều tra ra Quyết định trưng cầu giám định số 01/QĐ-ANĐT, trưng cầu Bộ TT&TT giám định 02 file video clip thu được khi khám nơi ở của bà Trần Thị Nga ngày 21/01/207, tiêu đề "Muốn đất nước Giầu mạnh, Công bằng thì bạn phải hành động chứ đừng chờ người khác", "Hết tiền trả lương Đảng cộng sản móc họng dân bằng cách tăng 5 nghìn 1 lít xăng phí môi trường".

Ngày 20/02/2017, Cơ quan ANĐT điều tra ra Quyết định trưng cầu giám định số 02/QĐ-ANĐT, trưng cầu Viện KHHS – Bộ Công an giám định tiếng nói, hình ảnh của người trong 02 file video clip.

Ngày 23/3/207, ra Bản KLGĐ của Bộ TT&TT kết luận 02 file video clip nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Ngày 20/03/2017, Bản KLGĐ số 806/C54-P6, của Viện KHHS - Bộ Công an kết luận âm thanh, hình ảnh là của bà Trần Thị Nga.

Ngày 05/05/2017, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Nam ra KLĐT số 01/KL-ANĐT.

Ngày 25/05/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam ra cáo trạng số 12/CTr-VKS-P1 truy tố theo điểm a, b, c khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự:

Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

II. Các vi phạm tố tụng:

1. Ngày 21/11/2016, 11 video clip Cơ quan điều tra có được là do Sở TT&TT tỉnh Hà Nam giao nộp. Sở TT&TT cho rằng đã thu lại trên Internet từ Facebook cá nhân "Thuy Nga", "Tran Thi Nga" và trang Youtube "Trần Thúy Nga" (Cáo trạng - trang 01);

1.1. Việc Sở TT&TT thu thập 11 video clip không thuộc trường hợp phạm tội quả tang. Nó không được lập biên bản việc thu thập 11 viedeo clip từ máy tính hay thiết bị điện tử nào? Được kết nối Internet của công ty cung cấp dịch vụ Intenet nào? Và những thông tin này chưa được chính công ty cung cấp dịch vụ Intenet đó xác nhận. Vì vậy, tại phiên tòa hôm nay, không thể có căn cứ xác định 11 video clip này thu thập từ Intenet chứ không phải do Sở TT&TT làm ra.

Bản kết luận giám định số 5393/C54-P6, ngày 08/12/2016 của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an, không có nội dung khẳng định 11 video clip này được thu thập trên Internet hay được thu thập như thế nào.

Tóm lại: Việc thu thập chứng cứ là không đúng quy định của pháp luật.

1.2. "Chứng cứ là những gì có thật" (k 1 Đ 64 - BL TTHS 2003), và sự thật thì chỉ có một (bản gốc). Việc đánh giá tính chứng cứ phải được thực hiện bằng mẫu cần giám định gốc hoặc mẫu sao chép theo thủ tục hợp pháp. Đĩa DVD do Sở TT&TT tỉnh Hà Nam có chứa 11 video clip, bản thu thanh và bản dịch kèm theo (Bút lục 11) giao nộp cho Cơ quan điều tra không phải bản gốc, không phải bản sao chép trên Internet theo thủ tục hợp pháp. Không được Cơ quan điều tra trưng cầu giám định để xác định tính xác thực của chứng cứ. Cơ quan điều tra chuyển những bản sao này cho Viện KHHS - Bộ Công an để giám định âm thanh, hình ảnh và 11 clip video được chuyển sang dạng chữ in trên giấy chuyển cho Hội đồng giám định Bộ TT&TT để giám định nội dung. Nói cách khác là 02 cơ quan giám định đã căn cứ vào mẫu giám định là bản sao không hợp pháp để thực hiện giám định nên các kết luận giám định đó không có giá trị pháp lý. Sở TT&TT và Cơ quan điều tra không có chức năng chuyển từ âm thanh sang bản dịch dạng chữ in trên giấy.

1.3. Không có căn cứ xác định bà Trần Thị Nga có liên quan đến 11 video clip này:

- Bà Trần Thị Nga không nhận các Facebook và trang Youtube đó là của mình. Mặt khác bất cứ ai biết được các thông tin cá nhân của bà Trần Thị Nga thì cũng có thể đăng ký tài khoản trên Facebook và Youtube. Tôi xin dẫn chứng, hiện nay trên Internet đang tồn tại các trang tin điện tử mang tên tất cả các vị lãnh đạo của Nhà nước nhưng lại không phải do các vị đó đăng ký, quản lý.

- Không có xác nhận của chủ sở hữu các Website đó là Công ty Facebook ở Stanford Research Park, Palo Alto, California, Hoa Kỳ và Công ty chi nhánh của Google ở San Bruno, Califonia, Hoa Kỳ (chủ sở hữu Youtube), RFA, Chantroimoimedia, STBN Úc châu khẳng định 11 video clip này là có thật và được họ lưu trữ, đăng tải trên Internet.

Tóm lại: Không có căn cứ xác định bà Trần Thị Nga làm ra 11 video clip này.

1.4. Bản KLGĐ số 5393/C54-P6 ngày 08/12/2016 của Viện KHHS - Bộ Công an. Kết luận tiếng nói, hình ảnh trong 11 video clip là bà Trần Thị Nga:

Ngày 29/11/2016, Cơ quan ANĐT ra quyết định trưng cầu giám định số 04/QĐ-ANĐT, trưng cầu Viện KHHS - Bộ Công an giám định tiếng nói, hình ảnh trong 11 video clip. Để đối chiếu với với mẫu âm thanh, hình ảnh của bà Nga. Cơ quan điều tra gửi cơ quan giám định: 01 file âm thanh thời lượng 32 phút 02 giây (M1); 01 file âm thanh, hình ảnh dung lượng 1,8GB (M2) cho là của bà Nga. Nhưng M1, M2 không được thu thập theo thủ tục hợp pháp. Vì trước khi bị bắt cho đến bây giờ bà Nga chưa 01 lần được cơ quan điều tra cho biết việc thực hiện thu âm thanh, hình ảnh của mình để thực hiện trưng cầu giám định.

1.5. Nếu có 11 video clip trên được tàng trữ, lưu hành trên Internet thì đó là Facebook và Youtube tàng trữ, lưu hành chứ không phải bà Trần Thị Nga.

2. Ngày 21/01/2017, khi bắt và khám xét nơi ở của bà Nga, Cơ quan điều tra đã sao chép từ máy tính xách tay ở nhà bà Nga ra đĩa DVD, trong đó có 01 file có tiêu đề "Muốn đất nước giàu mạnh, công bằng thì bạn phải hành động chứ đừng chờ người khác". Tài liệu thu thập này của Cơ quan điều tra cũng giống như 11 video clip ở trên, như tôi đã phân tích mục 1 - không phải là chứng cứ để cáo buộc bà Nga.

3. Khi khám xét nơi ở và thu giữ máy tính tại nhà bà Nga ngày 21/01/2017, Cơ quan điều tra đã kích chuột vào ổ D trong đó tìm thấy 01 video clip có dung lượng 52,9 MB với tiêu đề "Tại sao chính phủ tăng giá xăng". Ngày 20/02/2017, Cơ quan ANĐT điều tra ra Quyết định trưng cầu giám định số 01/QĐ-ANĐT, trưng cầu Bộ TT&TT giám định có tiêu đề khác "Hết tiền trả lương Đảng Cộng sản móc họng dân bằng cách tăng 5 nghìn 1 lít xăng phí môi trường". Mặt khác video clip này chưa được giám định xem nó có bị cắt ghép âm thanh, hình ảnh hay không? Do vậy, video clip này không được xác định là chứng cứ hợp pháp để giải quyết vụ án.

4. Cáo trạng trang 16 còn nêu ra: Cơ quan điều tra xác định 09 đơn của công dân tố cáo bà Nga có hành vi về mặt khách quan tội phạm của "Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam". Nhưng nội dung các đơn tố cáo này không được bà Nga thừa nhận, nội dung chưa có kết luận giám định, chưa thực hiện đối chất giữa người tố cáo và bà Nga. Vì vậy, không thể xác định đây là chứng cứ cáo buộc bà Nga.

5. Ngoài ra Cáo trạng trang 16 nêu: Trong thời gian tạm giam, bà Nga bị người cùng buồng tố cáo bà có hành vi về mặt khách quan tội phạm của "Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam". Nhưng nội dung các đơn tố cáo này không được bà Nga thừa nhận, nội dung chưa có kết luận giám định, chưa thực hiện đối chất giữa người tố cáo và bà Nga. Vì vậy, không thể xác định đây là chứng cứ cáo buộc bà Nga.

Mặt khác, ngày 16/12/2016, trước khi ra quyết định khởi tố bị can tại Bản kết luận điều tra của Bộ TT&TT đã kết luận 11 video clip được cho là của bà Trần Thị Nga đã có nội dung "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Tức là hành vi của bà Nga đã hoàn thành việc phạm tội "Tuyên truyền". Nhưng sau khi bà Nga bị khởi tố bị can và bị bắt tạm giam thì Cơ quan điều tra lại cho rằng: Trong thời gian tạm giam bà Nga có hành vi "Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng" theo điểm e khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự, tội "Tuyên truyền". Đây là mâu thuẫn về logic hình thức. Nó chứng tỏ Cơ quan điều tra đã không khách quan, cố ý đề nghị tăng nặng trách nhiệm hình sự cho bà Nga (KLĐT - trang 25).

6. Hồ sơ vụ án không có Quyết định khởi tố bị can số 21, ngày 21/03/2017 và Lệnh khám xét chỗ ở hoặc Tòa án đã giấu không cho luật sư sao chụp 02 bút lục này.

7. Ông Võ Thanh Lâm là người giám định tư pháp theo vụ việc, trong Bản kết luận giám định ngày 16/12/2016 và Bản kết luận giám định ngày 23/03/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tự mình thừa lệnh Bộ trưởng xác nhận chữ ký cho chính mình là không khách quan.

8. Điều 4 Hiến pháp 2013 có ghi Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng Đảng không phải là một bộ phận cấu thành của Nhà nước. Nên Cáo trạng cho rằng hành vi tuyên truyền chống Đảng thuộc về mặt khách quan của "Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" là không đúng về logic.

9. Khoản 1 Điều 10 "Áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp" của Thông tư 24/2013/TT-BTTTT Quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, quy định:

"1. Hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông được thực hiện căn cứ vào quy chuẩn chuyên môn trong lĩnh vực thông tin và truyền thông hiện hành (bao gồm Tiêu chuẩn quốc gia và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông) và các văn bản pháp luật có liên quan đến nội dung cần giám định".

Nhưng 02 Bản KLGĐ của Hội đồng giám định Bộ TT&TT không căn cứ vào quy chuẩn chuyên môn hay văn bản pháp luật nào mà hoàn toàn theo chủ quan của những người giám định.

III. Đề nghị HĐXX:

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Với các lý lẽ nêu trên;

Căn cứ khoản 1 "Không có sự việc phạm tội" Điều 107 và 227 Bộ luật tố tụng hình sự 2003,

Tôi đề nghị HĐXX xem xét tuyên không có tội và trả tự do cho bà Trần Thị Nga.

Tôi xin chân thành cám ơn sự lắng nghe của các quý vị,

TP Phủ Lý, ngày 25/07/2017.

Người bào chữa

Luật sư Hà Huy Sơn

Nguồn: https://www.facebook.com/huyson.ha.3/posts/1170924483053241

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn