Chủ nghĩa Marx còn lại những gì? (Phần 2)

Đặng Xuân Canh

Giáo sư Nguyễn Đình Cống đã cho đăng một loạt 4 bài (Bản chất con người; Vật chất và ý thức; Đấu tranh giai cấp; Giá trị thặng dư) để chứng minh tính chất đất sét trong đá tảng của chủ nghĩa Marx-Lenin. Tôi xin bổ sung tiếp một bài “Chủ nghĩa Marx còn lại những gì?” để góp phần vào một khẳng định: “ Sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu xuất phát từ bản chất của học thuyết Marx”.

Bài có 3 phần, gồm:

1- Chủ nghĩa Marx là một hệ tư tưởng sai ngay từ đầu.

2- Tiên tri của Marx về xã hội cộng sản dựa vào một học thuyết giả khoa học.

3- Chủ nghĩa Marx còn lại những gì?

Đặng Xuân Canh

Phần 2

Tiên tri của Marx về xã hội cộng sản dựa vào một học thuyết giả khoa học

Khi Karl Marx còn sống, học thuyết về quy luật tiến hóa sinh vật của Darwin đã gây nguồn cảm hứng sâu sắc đối với Marx, để từ đó Marx suy đoán quy luật tiến hóa xã hội loài người, sẽ từ cộng sản nguyên thủy tiến hóa dần đến một xã hội cộng sản mà ở đó không còn giai cấp, không còn người bóc lột người, không còn nhà nước, bình đẳng tuyệt đối giữa người và người, của cải dồi dào đến mức mọi người làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Có lẽ vì vậy, trước mộ của Marx ở nghĩa trang Highgate - London, Engels đọc điếu văn, đã ví Marx là “Darwin của khoa học xã hội“.

Không may cho Marx, học thuyết tiến hóa sinh vật của Darwin mà Marx dựa vào, đã và đang bị nhiều nhà khoa học trong giới khoa học sinh vật, sinh hóa, cổ sinh học phê phán là một học thuyết giả khoa học.

Trang New Scientist, chuyên đề “Cuộc khủng hoảng mang tên thuyết tiến hóa“ đã đăng bài “Darwin sai ít nhất ở 9 luận điểm chính” sau đây:

1- Thuyết Darwin sai với Quy luật tạo sinh

Louis Pasteur, nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực vi sinh vật học đã tuyên bố:” Sự sống phải bắt nguồn từ sự sống“, theo đó, hiểu đơn giản thì con cái phải do cha mẹ sinh ra. Một sinh vật có ý thức, dù là một tế bào đơn giản nhất cũng không thể được tạo ra từ sự kết hợp ngẫu nhiên của những nguyên tử hóa học vô thức (do Darwin tưởng tượng). Đó là một định luật đã được Pasteur chứng minh bằng thực nghiệm, có tên là Định luật tạo sinh (The law of biogenesis).

2- Darwin đã để “một khoảng trống hoàn toàn“ trong thuyết tiến hóa của ông

Tế bào nhân sơ (do Darwin tưởng tượng) không tiến hóa lên tế bào nhân chuẩn qua đột biến mà qua dị hợp cộng sinh (symbiosis). Sự kiện các vi khuẩn đơn bào tiến hóa thành những tế bào lớn hơn và phức tạp hơn chúng gấp trăm lần là một khoảng bị bỏ trống trong thuyết tiến hóa của Darwin. Nhà sinh vật học Jonatthan và nhà toán học William Dembski kết luận: Không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy có những dạng sống đơn giản hơn mà từ nó nhân sơ tiến hóa thành.

3- Tưởng tượng của Darwin hoàn toàn ngược với những lưu trữ hóa thạch về sự bùng nổ sự sống trong kỷ Cambri

Cách đây khoảng 530 triệu năm đã xuất hiện đột ngột hầu hết các nhánh động vật chính mà các lưu trữ hóa thạch đã chứng minh. Trước đó hầu hết các sinh vật chỉ là những cá thể đơn giản. Chỉ trong vòng 70 đến 80 triệu năm, sự tiến hóa gia tăng với một tốc độ ngạc nhiên và bí ẩn. Darwin đã từng ghi trong cuốn sách Nguồn gốc các loài của ông rằng sự hóa thạch trong kỷ Cambri đã đặt ra một mâu thuẫn đối với thuyết tiến hóa của ông vì thuyết tiến hóa của Darwin nói ngược lại rằng sự tiến hóa diễn ra từ từ từng tí một và trải qua một quãng thời gian vô cùng dài.

4- Thuyết tiến hóa của Darwin không có các mắt xích kết nối trung gian

Chính Darwin nói: Số lượng các hình thái trung gian phải đã từng tồn tại trên trái đất với số lượng rất lớn. Tại sao không thể tìm thấy chúng trong các lớp địa tầng? Giáo sư Stephen J. Gould của đại học Harvard cho biết: Mọi nhà cổ sinh vật học đều biết rằng các lưu trữ hóa thạch chứa đựng rất ít các dạng sinh vật trung gian. Quá trình chuyển đổi giữa các nhóm chỉ có thể nói là xảy ra một cách đột ngột.

5- Thuyết Darwin ngược với tính cố định, không thay đổi của sinh vật

Tính cố định (stasis) của hầu hết các giống loài hóa thạch xuyên suốt quá trình tồn tại lâu dài của nó như được thấy trong địa chất đã được tất cả các nhà cổ sinh vật học công nhận một cách hiển nhiên. Điều này trái với thuyết Darwin, nhưng chưa được nghiên cứu chi tiết.

6- Không như tưởng tượng của Darwin, chưa có bằng chứng nào cho thấy thông tin có thể tiến hóa thông qua đột biến.

Norbert Weiner, giáo sư Toán học của đại học MIT, được coi là cha đẻ của ngành điều khiển học (cybernetics) khẳng định: Thông tin trong DNA là thông tin. Thông tin không phải là vật chất hay năng lượng. Chủ nghĩa vật chất nào thất bại trong việc nhận thức điều này sẽ không thể sống sót nổi một ngày. Thông tin không phải là vật chất nhưng nó có thể được chuyển tải thông tin thông qua vật chất. Chưa có bằng chứng nào cho thấy thông tin có thể tiến hóa hay cải tiến thông qua đột biến. Do đó không thể nào tin rằng có thể xảy ra sự tiến hóa ngẫu nhiên và mù quáng.

7 – Đấu tranh sinh tồn không phải là động lực chính cho tiến hóa sinh vật như Darwin nghĩ

Các nhà khoa học tại đại học Bristol cho rằng “không gian sinh sống“ mới là động lực chính cho tiến hóa sinh vật. Các nghiên cứu đã nêu ra rằng những thay đổi lớn trong tiến hóa đã xảy ra khi động vật di chuyển đến một không gian sinh sống mới, chưa bị chiếm cứ bởi những động vật khác.

8- “Cây sự sống“ của Darwin không diễn tả đúng thực tế

Eric Bapteste, nhà sinh vật học của đại học Pierre & Marie Curie của Pháp cho rằng “Chúng ta không có bằng chứng nào chứng minh cái cây sự sống của Darwin là một hiện thực“. Những thí nghiệm di truyền trên vi khuẩn, cây cối và động vật ngày càng tiết lộ rằng các loài khác nhau lai hợp nhiều hơn chúng ta từng nghĩ. Điều này có nghĩa là thay vì các giống loài chỉ đơn giản truyền thừa xuống giống nòi riêng rẽ của nó, nó còn trao đổi, lai tạp với những nhánh tiến hóa khác. Kết quả là một bụi rậm sự sống phức tạp hơn nhiều so với cái gọi là “cây sự sống“ của Darwin.

9 - Người không tiến hóa từ vượn như Darwin tưởng tượng ra

Các kết quả nghiên cứu hiện đại cho biết quan niệm cho rằng DNA của vượn giống DNA của người đến 99% không còn đúng nữa, hiện nay con số này chỉ là 93%. Có những khác biệt lớn xảy ra ở cấu trúc cơ thể, não bộ, trí khôn, hành vi giữa người và vượn.

Căn cứ vào đâu để nói thuyết tiến hóa của Darwin là giả khoa học?

Trong cuốn “Sự tiến hóa của sinh vật“, do NXB sách báo hàn lâm ở New York xuất bản năm 1977, Pierre Paul Grassé, nguyên Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Pháp, nguyên Chủ nhiệm khoa Sinh học tiến hóa của đại học Sorbonne – Paris (*) là người trong nghề đã cho rằng thuyết tiến hóa của Darwin là giả khoa học vì nó không phản ánh lý thuyết khoa học và đã có những căn cứ thực tế sau đây:

- Thuyết tiến hóa của Darwin là một lý thuyết hoàn toàn vô bằng chứng, thậm chí có nhiều bằng chứng giả mạo nhưng lại đóng vai trò một khoa học chính thống.

- Trong thuyết tiến hóa, những tiên đề ẩn giấu trong những phép ngoại suy tùy tiện, thường là thiếu căn cứ, tạo ra một thứ giả khoa học. Nó làm cho nhiều nhà sinh hóa và sinh học tin rằng sự đúng đắn của các khái niệm nền tảng đã được chứng minh rồi, làm cho họ lầm đường khi họ tin vào những giả định của thuyết tiến hóa nhự một tiên đề. Ví dụ một giả định có trong thuyết tiến hóa là: “sự đột biến làm cho sinh vật biến đổi dần dần từng tí một, sau một thời gian tích tụ thành một biến đổi lớn, biến loài này thành loài khác, tức là tiến hóa“. Các nhà tiến hóa coi giả định đó của Darwin là một tiên đề, một sự thật hiển nhiên không cần bàn cãi. Từ tiên đề ấy, họ đưa ra những suy diễn tưởng tượng và những từ ngữ hàn lâm làm cho nhiều người tưởng lầm là một khoa học. Kèm theo những suy diễn đó còn là những hình vẽ tưởng tượng, những bằng chứng giả mạo, trở thành một thứ giả khoa học.

Pierre Paul Grassé khuyến khích mọi người, nhất là những người đang tin vào thuyết tiến hóa của Darwin, nên biết một sự thật là hầu hết những bằng chứng mà thuyết tiến hóa đưa ra trong hơn 150 năm qua đã bị chứng minh là sai, có nhiều bằng chứng là giả mạo.

Pierre Paul Grassé giải thích: Bất kể số lượng đột biến có thể nhiều đến đâu chúng cũng không tạo ra một dạng tiến hóa nào. Đó là vì chúng bị xóa bỏ bởi chọn lọc tự nhiên. Như vậy có nghĩa là chính chọn lọc tự nhiên (thuyết của Darwin) sẽ loại bỏ những đột biến, vì hầu hết đột biến gây bất lợi cho sinh vật. Đây là điều hoàn toàn phù hợp với thực tế và chính vì vậy đột biến không dẫn đến tiến hóa. Ngày nay khoa học đã có nhiều khám phá mới, sự thật ngày càng được sáng tỏ, số lượng các nhà khoa học phản đối thuyết tiến hóa của Darwin ngày càng nhiều.

Trong cuốn “Bác bỏ chuyện hoang đường của học thuyết Darwin“ (Darwinism: the Refutation of a Myth) xuất bản năm 1987 tại Beckingham - Kent, nhà sinh học Đan Mạch nổi tiếng Soren Lovtrup đã chỉ ra: Thuyết tiến hóa nói bò sát biến thành chim. Nếu đúng vậy phải có sinh vật trung gian là bò-sát-chim, một loại bò sát mọc cánh để tiến tới bay. Nhưng cánh của bò-sát-chim (hay chim-bò-sát) mới nhú ra đã trở thành vật cản, một bộ phận vướng víu, một thứ vô dụng đối với con vật, làm khổ con vật. Chọn lọc tự nhiên sẽ phải hủy bỏ cái cánh vô dụng đó, thay vì thúc đẩy nó phát triển. Hóa ra chọn lọc tự nhiên lại chống lại sự “tiến hóa“ mà Darwin tưởng tượng. Nói cách khác, chính lý thuyết của Darwin chống lại Darwin.

Adam Sedgwick, cha đẻ của địa chất học hiện đại, người đầu tiên khám phá ra những hóa thạch của “kỷ Cambri“ chỉ rõ: Bằng chứng hóa thạch của kỷ Cambri cho thấy hầu hết các sinh vật ta thấy ngày nay đều ra đời gần như đồng thời cùng một lúc. Đó là bằng chứng mạnh mẽ bác bỏ học thuyết Darwin.

Quá trình tiến hóa chỉ được tiết lộ thông qua những sinh vật hóa thạch. Vì vậy kiến thức về cổ sinh học là điều kiện tiên quyết. Chỉ cổ sinh học mới có thể cung cấp những hóa thạch đó như là bằng chứng và tiết lộ cho chúng ta biết quá trình hoặc cơ chế của tiến hóa. Trong thuyết tiến hóa, Darwin đã biến những phỏng đoán, những giả định của ông thành những nguyên lý tổng quát mà không có bằng chứng thực tế nào đủ tin cậy để từ đó quy nạp thành những kết luận mang tính định luật.

Tại sao một học thuyết đã bị nhiều nhà khoa học phản bác như thế vẫn còn hiện diện ở nhiều trường đại học và trong giáo trình về chủ nghĩa Marx-Lenin ở Việt Nam?

Học thuyết Marx ra đời vào cuối những năm 40 của thế kỷ 19. Thuyết tiến hóa sinh vật theo con đường chọn lọc tự nhiên của Darwin (và Alfred Wallace) ra đời vào năm 1859. Ở thời điểm đó, thuyết tiến hóa của Darwin được nhiều nhà khoa học chấp nhận, đưa vào giảng dạy trong nhiều trường đại học. Chỉ đến cuối thế kỷ 20, khoa học mới có nhiều phát minh mới, có thể bác bỏ thuyết tiến hóa của ông. Vì giả thuyết của Darwin đang thịnh hành nên việc sửa đổi nó không thể một sớm một chiều.

Đối với các bạn đọc không phải là những nhà cổ sinh học, nói về thuyết Darwin có thể giúp gì cho bạn?

Bài này không nhằm mục đích giới thiệu với các bạn về học thuyết Darwin mà nhằm hỗ trợ tài liệu để các bạn tự xét học thuyết Marx được xây dựng dựa vào một học thuyết giả khoa học như thế có đáng tin cậy không.

(*) Pierre Paul Crassé còn là tiến sĩ danh dự của đại học Brussels và đại học Ghent (Bỉ), đại học Basel (Thụy Sĩ), đại học Bonn (Đức), đại học Madrid, đại học Barcelona (Tây Ban Nha), đại học São Paulo (Brazil), là Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học New York, Viện sĩ Viện hàn lâm Hoàng gia về khoa học và nghệ thuật của Bỉ.

(Còn tiếp)

Đ.X.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn