Chủ nghĩa Marx còn lại những gì? (Phần 3)

Đặng Xuân Canh

Giáo sư Nguyễn Đình Cống đã cho đăng một loạt 4 bài (Bản chất con người; Vật chất và ý thức; Đấu tranh giai cấp; Giá trị thặng dư) để chứng minh tính chất đất sét trong đá tảng của chủ nghĩa Marx-Lenin. Tôi xin bổ sung tiếp một bài “Chủ nghĩa Marx còn lại những gì?” để góp phần vào một khẳng định: “Sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu xuất phát từ bản chất của học thuyết Marx”.

Bài có 3 phần, gồm:

1- Chủ nghĩa Marx là một hệ tư tưởng sai ngay từ đầu.

2- Tiên tri của Marx về xã hội cộng sản dựa vào một học thuyết giả khoa học.

3- Chủ nghĩa Marx còn lại những gì?

Đặng Xuân Canh

Phần 3: Chủ nghĩa Marx còn lại những gì?

Tư bản (Das Kapital) của Marx là tác phẩm nền tảng của chủ nghĩa cộng sản. Đó là một tác phẩm kinh điển đỉnh cao của Marx, xuất bản tại Đức năm 1867. Trong cuốn sách này Marx đã vạch ra mô hình về sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản và giải pháp của Marx. Marx coi đó là cuốn kinh thánh của giai cấp công nhân. Ông hy vọng cuốn sách đó sẽ giáng một đòn lý thuyết chí mạng vào giai cấp tư sản khiến nó không thể sống được.

Mô hình của Marx vạch ra rằng chủ nghĩa tư bản luôn luôn có xu hướng khủng hoảng nên chắc chắn nó sẽ tự diệt vong và đem lại niềm tin rằng chế độ tư bản chủ nghĩa phải bị lật đổ và thay thế nó bằng chủ nghĩa cộng sản. Nói đến chủ nghĩa Marx không thể bỏ qua cuốn Tư bản. Nội dung cơ bản của mô hình Marx là:

1- Thuyết giá trị lao động

Marx đã phát hiện ra hệ thống Ricardo phù hợp với mô hình của ông diễn tả sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Trong hệ thống của Ricardo, lao động đóng vai trò then chốt trong việc xác định giá trị. Giá trị của hàng hóa phải tương ứng với số giờ lao động bình quân được dùng để làm ra hàng hóa đó.

2- Học thuyết giá trị thặng dư

Marx gọi lợi nhuận và lợi tức là giá trị thặng dư. Đó là một bước logic ngắn gọn để kết tội các nhà tư sản là kẻ bóc lột lao động. Marx đã đưa ra một công thức toán học cho học thuyết giá trị thặng dư của ông là: Tỷ lệ lợi nhuận “p“ (hay tỷ lệ bóc lột lao động) bằng giá trị thặng dư (s) chia cho giá trị sản phẩm cuối cùng (r).

Công thức toán học đó được viết là: p = s / r (công thức a).

Ví dụ: nhà sản xuất thuê công nhân sản xuất váy rồi bán váy với giá 100 USD / mỗi sản phẩm. Lao động chỉ có giá 70 USD / mỗi sản phẩm. Ở ví dụ này, tỷ lệ bóc lột là: p = 30 / 100 = 0,3 = 30%.

Marx chia giá trị sản phẩm cuối cùng thành hai dạng tư bản là tư bản bất biến (C) và tư bản khả biến (V) . Tư bản bất biến đại diện cho nhà xưởng và máy móc thiết bị sản xuất. Tư bản khả biến là chi phí nhân công. Từ đó Marx đưa ra phương trình toán về tỷ lệ lợi nhuận của nhà tư sản thu được là: p = s / [ V + C ] (công thức b).

Marx cho rằng lợi nhuận và sự bóc lột của nhà tư sản được tăng thêm bằng cách kéo dài ngày lao động. Marx còn cho rằng nhà tư sản đưa máy móc và công nghệ tiên tiến vào sản xuất chỉ đem lại lợi ích cho nhà tư sản chứ không có lợi gì cho công nhân. Kết quả là để nhà tư sản bóc lột nhiều hơn.

Marx lập luận rằng tiền lương trả cho công nhân phải chiếm toàn bộ tiền thu được từ sản xuất và dùng lập luận đó để chứng minh rằng chủ nghĩa tư bản là thủ phạm gây ra “cuộc đấu tranh giai cấp“ giữa công nhân và nhà tư sản.

3- Lợi nhuận giảm dần và sự tích lũy tư bản

Sự tích lũy tư bản không ngừng tăng lên nhằm đáp ứng yêu cầu cải tiến hàng hóa để cạnh tranh và làm chi phí nhân công giảm xuống. Muốn cải tiến hàng hóa phải tăng thêm chi phí về máy móc và công nghệ, khiến tăng tư bản bất biến (C), do đó giảm lợi nhuận (xem công thức b), đưa đến một cuộc khủng hoảng trong chủ nghĩa tư bản do “quy luật lợi suất giảm dần“. Các doanh nghiệp lớn sản xuất được sản phẩm rẻ hơn để thắng lợi trong cạnh tranh, các công ty lớn trở nên tập trung hơn, dẫn đến sự phá sản của nhiều nhà tư bản nhỏ, công nhân thất nghiệp gia tăng.

4- Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản

Chi phí sản xuất hạ, lợi nhuận của nhà tư bản giảm, sức mạnh độc quyền, mức tiêu dùng của xã hội giảm, công nhân thất nghiệp là những điều kiện dẫn tới những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn và rộng hơn, đưa đến sự suy thoái của chế độ tư bản chủ nghĩa. Tất cả bắt nguồn từ thuyết giá trị về lao động. Đó là kết luận của Marx và Engels (sách của Marx và Engels, 1848). Khi đưa ra kết luận này Marx đã bỏ qua định luật về thị trường của nhà kinh tế Say nói rằng thị trường có xu hướng hướng tới trạng thái cân bằng và toàn dụng lao động.

5- Chủ nghĩa đế quốc của chủ nghĩa tư bản tiền tệ

Các nhà tư bản có năng lực trong việc tích lũy vốn và tạo ra các thị trường mới ở trong nước và nước ngoài đã gây ấn tượng mạnh đối với Marx. Tuyên ngôn của Đảng cộng sản của Marx và Engels năm 1848 đã viết về hiện tượng này: ”Trong suốt thời kỳ thống trị hiếm hoi một trăm năm của mình, giai cấp tư sản đã tạo ra lực lượng sản xuất đồ sộ và khổng lồ hơn tất cả các thời kỳ trước gộp lại“. Marx, Engels và sau đó, các nhà Macxit luôn luôn mô tả chủ nghĩa tư bản và các công ty lớn là “những tên đế quốc cố hữu“ bóc lột công nhân nước ngoài và khai thác cạn tài nguyên của các nước đó.

6- Chủ nghĩa duy vật lịch sử

Marx chịu ảnh hưởng của hai triết gia là Hegel và Feuerbach.

Hegel đã có ảnh hưởng sâu sắc đến Marx trong sự phát triển tiến trình quyết định luận kinh tế của Marx. Chính đề cơ bản của Hegel là “mâu thuẫn“ (về bản chất), là gốc rễ của mọi sự vận động và sự sống. Hegel đã mô tả mâu thuẫn này theo phép biện chứng, rằng các lực lượng chống đối nhau cuối cùng sẽ tạo ra một lực lượng mới. Một “chính đề“ được hình thành sẽ tạo ra một “phản đề“ phát triển theo hướng ngược lại, và đến lượt nó sẽ tạo ra một “hợp đề“ mới. Hợp đề mới đó lại trở thành một “chính đề“, và quá trình cứ lặp lại theo sự tiến bộ của văn minh. Marx đã áp dụng phép biện chứng đó của Hegel vào quan điểm quyết định luận về lịch sử của Marx. Tiến trình lịch sử của Marx được mô tả bằng cách sử dụng khái niệm của Hegel, rằng từ chế độ chiếm hữu nô lệ là chính đề trong thời kỳ Hy Lạp cổ có phản đề của nó là chế độ phong kiến trong thời kỳ Trung cổ, tạo thành hợp đề là chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản là chính đề mới xuất hiện sau thời kỳ khai sáng. Phản đề của nó là chủ nghĩa xã hội, rồi dẫn tới đỉnh cao là chủ nghĩa cộng sản.

Xã hội cộng sản này không phải là chỗ dung nạp mọi thành phần, mọi tầng lớp xã hội hiện hữu. Thông qua chuyên chính vô sản, các giai cấp, các thành phần không phải là vô sản, trong đó kể cả các trí thức như kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, luật gia là những nhân tố sáng tạo trong lực lượng sản xuất, thì trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản, Marx gộp vào tầng lớp trung đẳng (tức tiểu tư sản) cùng với các nhà tiểu công nghiệp, tiểu thương nghiệp, thợ thủ công, trung nông, là lớp người không nhiệt tình với cách mạng vô sản, bảo thủ thậm chí là phản động, sẽ biến mất, chỉ còn lại giai cấp vô sản thuần nhất, khi đó xã hội cộng sản không còn phân chia giai cấp, không xung đột giai cấp, hoàn toàn bình đẳng giữa người và người.

7- Giải pháp của Marx là Chủ nghĩa xã hội cách mạng

Với cách lập luận như trên, Marx tin rằng quá trình lịch sử tất yếu sẽ hướng tới hình thái xã hội cao hơn cả là xã hội cộng sản và Marx thấy rằng để đạt được nó cần thiết phải có cách mạng. Marx (cùng Engels) là người đầu tiên đề xuất dùng bạo lực để lật đổ chính quyền tư sản, thiết lập chủ nghĩa xã hội cách mạng. Điều này thể hiện trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản năm 1848, tại Quốc tế thứ nhất năm 1860 và tại Công xã Paris năm 1871. Marx tán thành “nền chuyên chính độc tài“, ủng hộ việc xóa bỏ hoàn toàn sở hữu tư nhân vì cho rằng sở hữu tư nhân là nguyên nhân của xung đột giai cấp. Marx (và sau này cả Engel) cũng đồng tình với Proudhon rằng đã xóa sở hữu tư nhân thì không cần đến trao đổi hàng hóa, do đó không có mua bán, không cần đến tiền tệ (sau này Pôn Pốt đã thực hiện đúng như vậy).

Nhưng tất cả những điều tiên đoán này của Marx đã không xảy ra. Sau này Leszek Kalakowski, cựu lãnh đạo của Đảng cộng sản Ba Lan đã tuyên bố: ”Tất cả những lời tiên tri quan trọng của Marx hóa ra đều sai lầm“. Trên thực tế nhiều vấn đề đã ngược lại với tiên đoán của Marx:

- Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, tỉ lệ lợi nhuận không giảm.

- Giai cấp lao động không rơi vào cảnh ngày càng bần cùng. Tại các nước công nghiệp mức sống trung bình của công nhân đã tăng. Tầng lớp trung lưu không biến mất như Marx dự đoán, trái lại đã tăng.

- Sau các cuộc suy thoái, chủ nghĩa tư bản vẫn phát triển, năng động.

- Ở các nước tư bản, không nảy sinh các xã hội xã hội chủ nghĩa không tưởng mà Marx hình dung.

Tại sao Marx sai lầm?

- Trước tiên phải nói đến những sai lầm về kiến thức của Marx trong thuyết về giá trị lao động. Marx đã sai khi bác bỏ quy luật thị trường của Say và phủ nhận thuyết giá trị của Say nói rằng giá trị của hàng hóa và dịch vụ sẽ được xác định bằng lợi ích. Theo Say, nếu các cá nhân không có nhu cầu về một thứ hàng hóa nào đó thì họ không cần biết có bao nhiêu lao động được đặt vào đó và với họ, thứ hàng đó vẫn không có giá trị. Ngược lại ví dụ ngọc trai được con người lặn tìm nó vì nó có giá trị chứ không phải nó có giá trị bởi vì con người mất công lặn tìm nó. Còn có nhiều thứ hàng liên tục tăng giá trị ngay cả khi những thứ hàng đó cần rất ít lao động chẳng hạn nghệ thuật và đất đai.

Marx cũng đã bế tắc không giải quyết được “vấn đề chuyển đổi“, vấn đề về tỷ suất lợi nhuận và giá trị. Trong tập 1 của bộ Tư bản, Marx khẳng định giá biến động hoàn toàn theo thời gian lao động, do đó Marx kết luận rằng các ngành cần nhiều vốn sẽ ít khả năng sinh lời hơn các ngành cần nhiều lao động. Nhưng khả năng sinh lời tương đương nhau ở tất cả các ngành trong dài hạn, do vốn và các khoản đầu tư có thể di chuyển từ các ngành có khả năng sinh lời thấp tới các ngành có khả năng sinh lời cao hơn.

- Thứ hai là Marx sai lầm khi đánh giá thấp kiến thức và công việc vạch chiến lược kinh doanh, quản lý, điều hành của các nhà tư bản và các nhà doanh nghiệp, phủ nhận công lao to lớn của họ trong việc chấp nhận đầu tư mạo hiểm, cung cấp vốn để doanh nghiệp có khả năng sinh lời.

- Sau khi Marx qua đời, có sự thay đổi vị trí trong các giai cấp kinh tế trong xã hội tư bản. Ngày càng nhiều công nhân có cổ phần, trở thành cổ đông trong các công ty cổ phần, làm chủ sở hữu một phần các công ty nơi họ làm việc.

- Marx có quan điểm rất ngoan cố và bảo thủ đối với vai trò của máy móc thiết bị sản xuất tiên tiến trong sản xuất hàng hóa. Marx không thừa nhận máy móc và công nghệ đã giúp công nhân vận hành công việc sản xuất đỡ nặng nhọc hơn, xóa bỏ bớt sự “tách ly người lao động“ (alienation) mà Marx đã từng buộc tội rằng máy móc chỉ giúp nhà tư bản bóc lột công nhân nhiều hơn. Marx không thừa nhận rằng máy móc còn tạo thêm các việc làm mới, đưa đến tăng năng xuất lao động trên mỗi đơn vị giờ công lao động, dẫn tới mức lương công nhân cao hơn.

Phải chăng Marx là nhà phản kinh tế?

Marx được đào tạo ban đầu từ môi trường triết học. Từ lĩnh vực này Marx chuyển hướng nghiên cứu về kinh tế chính trị học. Michael Harrington cho rằng Marx không hiểu thấu đáo về vai trò của vốn, về thị trường, giá cả và tiền tệ trong việc thúc đẩy sự dư thừa vật chất của loài người. Harrington cũng cho rằng chính chủ nghĩa tư bản chứ không phải chủ nghĩa Marx, đã giải phóng người lao động khỏi xiềng xích của sự nghèo khổ, độc quyền và áp bức, đem đến nhiều thành tựu hơn cả sự ảo tưởng của Marx về hy vọng, về hòa bình, về sự dư thừa và thể hiện nghệ thuật của loài người “hoàn thiện“. Harrington kết luận Marx đã ngây thơ khi cho rằng chủ nghĩa xã hội không tưởng của ông có thể đạt được sự tăng trưởng cao về mức sống cho người lao động. Chủ nghĩa lý tưởng của Marx đã đưa chúng ta trở về thời kỳ nguyên thủy, nếu không nói là man rợ với lối sống bộ lạc. Vì những lẽ đó Harrington cho rằng Marx là một nhà phản kinh tế (anti-economist).

Chủ nghĩa Marx còn lại những gì?

Marx có tính khí mạnh mẽ. Từ khi học ở bậc trung học, Marx đã bộc lộ năng lực suy nghĩ độc lập và năng lực phản biện, Marx đã viết trong một bài luận văn: ”Lịch sử coi những người đấu tranh cho hạnh phúc của mọi người là vĩ nhân“ và sau này Marx đã hành động theo ý tưởng nhân văn đó. Khi học ở đại học, Marx sở hữu một khả năng tư duy trừu tượng rất nhạy bén và sắc sảo mà thiếu cái đó thì không thể trở thành nhà triết học. Marx vì thế được nhiều người đánh giá là thiên tài. Thế nhưng nhiều học thuyết và dự báo kinh tế của Marx đã được chứng minh là không chính xác. Tuy vậy trong bộ Tư bản của Marx vẫn còn những yếu tố có giá trị và đáng được quan tâm:

1- Vấn đề quyết định luận kinh tế

Trong quy luật về chủ nghĩa duy vật biện chứng của Marx, Marx đoan chắc rằng các lực lượng kinh tế hoặc vật chất của xã hội sẽ xác định “kiến trúc thượng tầng” về pháp lý, chính trị, tôn giáo, thương mại của nền văn hóa quốc gia. Ngày nay hầu hết các nhà xã hội học đều công nhận vai trò quan trọng của lực lượng kinh tế trong xã hội.

2- Vấn đề về các giai cấp trong xã hội

Học thuyết của Marx về ý thức giai cấp và xung đột giai cấp đã thu hút sự quan tâm của các nhà sử học và xã hội học. Họ đã đưa ra những câu hỏi sau đây xem ra có vẻ là mâu thuẫn nhau:

- Giai cấp cầm quyền đã bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của họ thông qua các quá trình chính trị đến mức nào?

- Phải chăng bộ phận làm chủ và kiểm soát của cải và phương tiện sản xuất áp đảo xã hội?

- Có phải “luật pháp và chính trị“ là trợ thủ của tư bản công nghiệp?

- Vì sao các công đoàn lại được cho phép tồn tại?

- Vì sao các trường đại học có khoa Nghệ thuật và khoa Kỹ thuật lại được giảng dạy về chủ nghĩa Marx?

- Vì sao không phải lúc nào các công ty đa quốc gia cũng thắng trong các vụ kiện tụng?

- Nếu nhà nước bị khống chế bởi lợi ích của chủ nghĩa tư bản thì tại sao cuộc Đại suy thoái vẫn xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ?

Karl Popper cho rằng những tờ báo Mácxit mang thành kiến giai cấp không bao giờ có thể giải đáp được đúng những câu hỏi này.

3- Mối quan hệ tiền tệ

Marx đã bình luận về vai trò tiến hóa của chủ nghĩa tư bản như cách nghiên cứu của một nhà kinh tế tài chính.

Trong chương 3 bộ Tư bản, Marx dùng cách phân tích hệ thống trao đổi hàng hóa của hai hàng hóa C và C’, cho thấy sự trao đổi diễn ra là: C – C’.

Khi đưa tiền (M) vào trao đổi, mối quan hệ trở thành: C – M – C’.

Lúc này tiền là đại diện trung gian trao đổi của hai hàng hóa. Thông thường, trong quá trình sản xuất từ hàng hóa thô tới sản phẩm cuối cùng, tiền được dùng vào trao đổi một số lần.

Trọng tâm của chế độ tư bản là sự sản xuất hàng hóa và dịch vụ hữu dụng. Tiền đơn giản chỉ là trung gian của sự trao đổi, một phương tiện dẫn đến mục tiêu.

Marx chỉ ra rằng nhà tư bản tiền tệ rất dễ nhìn thế giới khác đi và tiến gần đến khái niệm “kiếm tiền“ hơn là làm ra hàng hóa và dịch vụ hữu ích. Marx mô tả cách thức kinh doanh mới này là: M – C – M’.

Diễn giải theo cách khác, nhà doanh nghiệp sử dụng tiền (vốn) của anh ta để sản xuất một hàng hóa, đến lượt nó sẽ được bán lấy nhiều tiền hơn (M’ > M). Bằng cách tập trung vào tiền như là sự bắt đầu và kết thúc của các hoạt động, các nhà tư bản rất dễ có cái nhìn sai về mục đích cuối của hoạt động kinh tế – sản xuất và trao đổi hàng hóa. Mục tiêu không còn là C (hàng) mà là M (tiền). Cuối cùng thì cơ chế thị trường tiến thêm một bước nữa, tới điểm mà tại đó các hàng hóa và dịch vụ không tham gia nữa.

Quá trình trao đổi trở thành: M – M‘. Giai đoạn cuối này phản ánh thị trường vốn hoặc thị trường tài chính, như là các thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán (cổ phiếu và trái phiếu). Đến lúc này mọi thứ trở nên dễ dàng hơn để chủ nghĩa tư bản hàng hóa trở thành chủ nghĩa tư bản tài chính thuần túy, rời bỏ xa hơn cái gốc sản xuất hàng hóa của nó. Trong môi trường này, các nhà doanh nghiệp thường quên đi mục tiêu tổng thể của hệ thống kinh tế - sản xuất hàng hóa và dịch vụ hữu ích - chỉ chú trọng vào việc “kiếm tiền“, dù là thông qua kỹ thuật giao dịch ngắn hạn, hay đơn giản là kiếm tiền từ một tài khoản ngân hàng hay từ tín phiếu kho bạc. Rốt cuộc mục tiêu kiếm tiền đạt được tối đa bằng cách cung cấp các hàng hóa và dịch vụ hữu ích. Đó là một bài học cần phải học đi học lại nhiều lần trong thế giới thương mại. Ở đây, ta có thể thấy văn hóa tư bản có thể dẫn tới sự đánh mất về cả mục tiêu cuối và ý thức cộng đồng. Khuynh hướng rời bỏ mục tiêu của hoạt động kinh tế chân chính luôn luôn thách thức, nhắc nhở các nhà kinh tế, các nhà đầu tư và các công dân trở về với nền tảng ban đầu.

Tóm lại học thuyết kinh tế của Marx có thiếu sót. Chủ nghĩa xã hội cách mạng của Marx là ảo tưởng. Có thể Marx đã nóng vội. Nhưng học thuyết Marx không bị chối bỏ hoàn toàn. Những phân tích triết học về chủ nghĩa tư bản thị trường như trên vẫn là những yếu tố có giá trị và đáng quan tâm đến tận ngày nay.

Chỉ vài năm sau khi bộ Tư bản của Marx được xuất bản, một thế hệ các nhà kinh tế Châu Âu mới đã xuất hiện. Họ đã sửa chữa sai sót của Marx và của các nhà kinh tế học cổ điển và mang lại một cuộc cách mạng thường trực về kinh tế. Họ là Keynes, Samuelson, Hayek, Milton Friedman và nhiều người khác nữa.

Nguồn tư liệu: Mark Skousen (2007): ”The Big Three in Economics: Adam Smith, Karl Marx, John Maynard Keynes“, và “Karl Marx dẫn đầu cuộc nổi dậy chống chủ nghĩa tư bản“ - NCQT tháng 5-2014.

Đ.X.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn