“Đường dẫn xuống địa ngục lót toàn bằng thiện ý” – về một đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ

Hoàng Dũng

Unknown

Bài dưới đây là một phiên bản có bổ sung về những đề xuất trước đây về cải tiến chữ Quốc ngữ, về trường hợp cải tiến chữ viết ở Trung Quốc thời Mao Trạch Đông và ở Liên Xô thời Stalin. Đã đăng trên báo Phụ nữ (báo giấy) sáng nay.

clip_image001

Dư luận đang dậy sóng vì một bài đăng trong kỷ yếu của một cuộc hội thảo về chữ Quốc ngữ. Tác giả của bài báo cáo đó là PGS TS Bùi Hiền. Ông cho VTC News biết đã nghiên cứu vấn đề cải tiếng chữ Quốc ngữ đã 30 năm. Kết quả là những đề xuất táo bạo, giảm số lượng ký tự từ 38 xuống 31 chữ bằng cách thay ng bằng q; đ bằng d; c, k, q bằng k; ph bằng f; s, x bằng s; gi, d, r bằng z; nh bằng n’; th bằng w; v.v. Mà đó mới chỉ là phụ âm, còn cải tiến về nguyên âm thì ông hứa hẹn sẽ công bố vào tháng 3/2018.

Lý do của sự cải tiến này, theo ông là chữ quốc ngữ không triệt để theo nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt.

Không khó để thấy rằng đề xuất của ông rất bấp bênh về mặt thực tiễn. Trước hết, những thay thế như ng bằng q, th bằng w, … sẽ gây khó khăn không đáng có khi học sinh học ngoại ngữ vì chữ Việt trở thành một ngoại lệ duy nhất trên thế giới: không có hệ chữ viết Latin nào lại gán cho các con chữ q, w một cách phát âm như thế. Thứ hai, cách viết cải tiến của ông dựa vào tiếng Hà Nội, do đó việc nhập một ch-tr, s-x, gi-d-r sẽ tạo ra hàng loạt các từ đồng tự (homograph), gây trở ngại cho việc nhận hiểu nghĩa từ: chẳng hạn các từ tracha đều viết là ca; saxa đều viết là sa; gia, dara đều viết là za. Đó là chưa kể tại sao lại loại trừ sự phân biệt tr-ch, s-x, d-r vốn phổ biến ở các phương ngữ khác, viện lý do phải căn cứ vào tiếng Hà Nội. Thứ ba, việc nghiên cứu 30 năm của ông về việc cải tiến chữ Quốc ngữ vẫn để lộ khuyết điểm rất khó hiểu: củaqu vốn đọc rất khác nhau lại đều được viết là kủa, vi phạm cái nguyên tắc do chính ông đề ra: “mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt”. Thứ tư, sự cải tiến một cách quyết liệt như thế sẽ tạo ra một đứt gãy văn hóa giữa các thế hệ, giữa những người chỉ biết cách viết “mới” với di sản tư liệu chữ Quốc ngữ “cũ”. Thứ năm, muốn khắc phục phần nào (chỉ phần nào thôi) sự đứt gãy văn hóa đó, phải tốn một khoản tiền khổng lồ để chuyển kho tư liệu vốn được viết theo cách viết “cũ” sang cách viết “mới”.

clip_image002

Nhưng trên hết, cái ý tưởng giải quyết chữ viết chỉ dựa vào âm vị học chẳng qua chỉ là làm sống dậy một cái xác tưởng đã rữa nát. Năm 1897, Hội Ngữ âm học quốc tế ra đời và công bố hệ ký tự gọi là IPA, làm dấy lên một phong trào rầm rộ đòi cải tiến chữ viết, nhưng luôn luôn kết thúc bằng sự thất bại nặng nề, trừ hai ngoại lệ: Liên Xô và Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, từ năm 1956, chữ “phồn thể” bị thay bằng chữ “giản thể”. Nhưng thực ra, công việc không đơn giản: năm 1964, nhà nước lại có quy định mới; năm 1977 ban hành một cuộc cải cách rộng lớn hơn, trong đó thay 248 chữ giản thể bằng những chữ giản thể khác; năm 1986 cuộc cải cách này bị bãi bỏ, mà một lý do chính được cho là do người ủng hộ cuộc cải cách này là Trương Xuân Kiều, nhân vật thuộc “tứ nhân bang”; nhà nước chính thức quay lại danh sách các chữ giản thể năm 1964 tuy không phải chấp nhận tất cả, mà thu hẹp danh sách này. Tất nhiên, việc sử dụng chữ giản thể chỉ thực hiện ở Trung Quốc là chính, chứ ở Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao,… thì người dân vẫn quen dùng phồn thể. Như thế, việc áp dụng “giản thể” là một việc phức tạp, trải qua nhiều đợt sửa đổi khác nhau và là một chuyện mệnh lệnh hành chính, người dân bắt buộc tuân theo.

Ở Liên Xô, đầu thế kỷ XX, ngay sau khi Cách mạng Nga thành công, nhà ngữ văn học Aleksey Shakhmatov, người đứng đầu Hội nghị Xem xét việc đơn giản hóa chính tả đã đề xuất việc cải cách chữ Nga và đã được nhà nước Nga chấp thuận. Tháng 12 năm 1917, A. V. Lunacharsky, bộ trưởng Bộ Giáo dục, ban hành một văn bản buộc tất cả các cơ quan, trường học thuộc nhà nước và chính phủ phải chuyển không trì hoãn sang dùng lối viết mới… từ ngày 1 tháng 1 năm 1918, tất cả các ấn bản của chính phủ và nhà nước, định kỳ hay không định kỳ đều phải in theo lối mới.

Hai trường hợp trên đều có một điều kiện thiết yếu: đó là những đất nước có chế độ tập quyền mạnh, có khả năng cưỡng bách dân chúng phải thực hiện mọi quyết định hành chính, thậm chí có khi còn vượt quá phạm vi hiệu lực của quyết định đó. Chẳng hạn, quyết định do A. V. Lunacharsky ký trên bề mặt không tác động đến các ấn phẩm tư nhân, nhưng trên thực tế, nhà nước Liên Xô thực hiện chính sách cực quyền về xuất bản, nên không có nhà xuất bản tư nhân nào lúc ấy dám dùng chữ Nga theo lối cũ. Như thế, đằng sau sự thành công đó, lý do khoa học đóng vai trò rất khiêm tốn.

Nói rõ hơn, nếu để cho chữ viết sống cuộc đời tự nhiên của nó, mà thiếu yếu tố cưỡng bách, thì cải cách chữ viết không thể thành công. Chữ Pháp và nhất là chữ Anh, xét trên quan điểm âm vị học, bất hợp lý một cách cùng cực và không thiếu những đề nghị cải cách. Nhưng vì những lý do dễ hiểu, sự thay đổi chỉ diễn ra dần dà (có khi vài thế kỷ!) và trong một số điểm tương đối nhỏ, thông qua những cá nhân, tổ chức hoặc ấn phẩm có uy tín lớn, chẳng hạn đối với tiếng Pháp là Voltaire, Viện Hàn Lâm, các từ điển Littré, Larousse, Robert,… Cho đến nay, tình trạng “bất hợp lý” của chữ Pháp và chữ Anh vẫn không thay đổi gì đáng kể mặc dù Pháp và Anh có những nhà ngôn ngữ học xuất sắc hàng đầu thế giới.

Tình hình tương tự đối với chữ Quốc ngữ. Một điều dễ thấy: chữ Quốc ngữ không “hoàn hảo”. Chính vì thế, năm 1902, nghĩa là cách đây hơn một thế kỷ, một Uỷ ban cải cách chữ Quốc ngữ được thành lập tại Hà Nội do Jean Nicholas Chéon đứng đầu, tổ chức một hội nghị suốt ba ngày xung quanh vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ, đề ra chủ trương triệt để tôn trọng nguyên tắc mỗi chữ một giá trị kí âm. Năm 1906, lại thêm một hội nghị nữa. Sau khi đất nước bị chia cắt, ở miền Nam, năm 1956 tại Ðại hội Văn hóa toàn quốc, Ủy ban Ngôn ngữ đưa ra kiến nghị sửa đổi một số cách viết chữ Quốc ngữ; vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ còn được tái khởi động cùng với sự ra đời của Ủy ban Ðiển chế Văn tự (1973). Ở miền Bắc, trong Hội nghị Cải tiến chữ Quốc ngữ năm 1960, Ban Ngôn ngữ (Viện Văn học) mà đại diện là Hoàng Phê đọc một báo cáo, được xuất bản vào năm sau, nhan đề Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ (Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1961). Sau khi đất nước thống nhất, trong các năm 1978 và 1979, một số hội nghị được tổ chức xoay quanh vấn đề chuẩn mực hoá chính tả và thuật ngữ khoa học; những báo cáo quan trọng được đăng trên tạp chí Ngôn ngữ số 3+4 (1979).

Về cá nhân, không ít người đề xuất cải cách chữ quốc ngữ, như Nguyễn Văn Vĩnh năm 1928 và các tác giả Vi Huyền Đắc, Phạm Xuân Thái sau đó; hay như Nguyễn Bạt Tụy 20 năm sau (1949).

clip_image003

Dẫn ra như thế để thấy vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ không có gì mới. Ông Bùi Hiền tuyên bố là chữ Quốc ngữ có nhiều điểm bất hợp lý, thiếu khoa học thì ngay từ hội nghị 1902 người ta đã làm điều này rồi. Một số đề xuất của tác giả (như k thay cho c, q, k; z thay cho d) cũng đã được hội nghị này nêu lên.

Tuy nhiên, tất cả nỗ lực vừa kể, trong đó có đóng góp của những nhà ngôn ngữ học thực sự, sau hơn 100 năm, cho đến nay hoàn toàn không có kết quả gì.

Tác giả Bùi Hiền cho rằng đề xuất của mình bị nhiều người phản đối vì “[…] thói quen của nhiều người vẫn chứa đựng tính bảo thủ, phản xạ phủ nhận” và “Khi một số cơ quan truyền thông đọc được ở đó và nhận thấy đấy là vấn đề hay và đưa ra nhưng họ lại chưa tìm hiểu kỹ về cơ sở khoa học của nó, vì vậy khi đăng tải lên báo chí khiến vấn đề bị "ném đá"”. Hơn 100 năm trước, Nguyễn Văn Vĩnh than: “Mấy năm nay có người bàn cách sửa đổi chữ quốc ngữ cho phải lẽ nhưng chẳng lý nào bằng thói quen của người ta, cho nên tuy đã có nghị định y lối Kuốk-ngữ tân-thứk, mà không ai chịu theo, tân thứk lại mang tiếng oan rằng khéo vẽ vời cho nhiễu sự” (“Chữ quốc ngữ”, Đông Dương tạp chí, số 33, 1913).

Oan chăng? Sự thất bại của những ý định cải cách chữ viết theo kiểu “cả gói”, “một lần cho xong” hẳn có lý do. Ngày nay, giới chuyên môn hiểu rằng chữ viết có chức năng hoàn toàn khác với lời nói bởi một lẽ đơn giản: nó đọc bằng mắt chứ không phải nghe bằng tai, do đó nhận diện từ ngữ qua chữ viết không giống như nhận diện từ ngữ trong lời nói. Cho dẫu có đồng âm đi nữa, thì tyti cho người ta một nhận thức rất khác, gợi những liên tưởng rất khác. Không phải ngẫu nhiên mà ty Giáo dục thì thường viết với y trong khi ti tiện thường viết với i; đồ hình (graphic) của i dễ xui người ta nghĩ đến cái gì đó nhỏ bé. Và thật là bất nhã nếu viết tên hai ca sĩ Quang Lý và Khánh Ly thành Quang Lí và Khánh Li. Khi một hệ chữ viết tồn tại hàng trăm năm, thì chữ viết là văn hóa, là hồn chữ. Cho nên, mọi cải tiến theo kiểu của ông Bùi Hiền tuy có khuấy động dư luận, nhưng cũng như bao đề xuất tương tự, chỉ là – nói như một thành ngữ phương Tây – cơn bão trong tách trà, sẽ mau chóng qua đi và hoàn toàn không để lại dấu vết gì.

Ông Bùi Hiền có thiện ý. Nhưng thiện ý thôi, chưa đủ. Người ta chẳng đã nói “Đường dẫn xuống địa ngục lót toàn bằng thiện ý” (The road to hell is paved with good intentions) hay sao?

H.D.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn