Xử án theo Luật hay theo… Nghị quyết của Đảng?



Thảo Vy (VNTB)



Tính đến thời điểm hiện nay, ở vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh, phía công tố đã căn cứ theo Nghị quyết của Đảng để luận tội.



Cụm từ mang tính chất chính trị được áp dụng cáo trạng như vậy là vi hiến.
Trong cáo trạng và lời luận tội của Viện Kiểm sát đã dùng cụm từ “lợi ích nhóm” trong vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh - cụm từ này không quy định trong Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 1999 và BLHS năm 2015 (phiên bản sửa đổi 2017).
Luật sư Phạm Công Hùng - cựu thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, tham gia bào chữa cho một bị cáo trong vụ án này cho biết: “Phiên tòa kết thúc phần tranh luận nhưng vẫn còn ngổn ngang những ý kiến khác nhau, trong đó sự khác biệt lớn nhất giữa luật sư và Kiểm sát viên (KSV) trong vụ án này, đó là: KSV đưa thêm tình tiết “lợi ích nhóm” vào bản luận tội đối với các bị cáo bị truy tố về tội: “cố ý làm trái…”.



Ảnh minh họa.

Tôi không nhất trí, nên đã tranh luận với KSV rằng: BLHS khẳng định chỉ những hành vi quy định trong BLHS mới bị coi là tội phạm, và chỉ những tình tiết tăng nặng quy định trong BLHS mới được áp dụng để xem xét tăng nặng hình phạt đối với bị cáo. Theo đó cụm từ “lợi ích nhóm” không quy định trong BLHS, nên KSV đưa thêm vào bản luận tội… là không hợp pháp và gây bất lợi cho các bị cáo!”.

Áp dụng tình tiết “Lợi ích nhóm” như vậy là việc công nhiên hạn chế quyền con người, trái nguyên tắc Hiến định (Điều 14 Hiến pháp 2013: 1.Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng).
Tình tiết “lợi ích nhóm” có thể là trường hợp phạm tội có tổ chức giữa những người có chức vụ, có quyền hạn trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng, cố ý làm trái trong lĩnh vực kinh tế, và cũng có trường hợp không trực tiếp tham gia, nhưng vì lợi ích nhóm nên vẫn gây thiệt hại cho Nhà nước, cho xã hội về mọi mặt.

Nói như luật sư Nguyễn Hồng Hà, tất cả chỉ mới dừng lại là vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng Đảng. Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa được luật hóa nên không thể tùy tiện trong văn bản, quyết định tố tụng khi giải quyết vụ án cụ thể. Đây còn là nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Văn kiện Đảng không phải là Luật pháp

Trên thực tế cụm từ “lợi ích nhóm” được sử dụng trong các văn kiện của Đảng. Trong các bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 3 (tháng 10/2011), Hội nghị lần thứ 4 (tháng 12/2011), Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần sử dụng cụm từ “lợi ích nhóm”.

Tuy nhiên về lý thuyết, văn kiện Đảng không phải là quy định pháp luật, người dân và các viên chức không có trách nhiệm bắt buộc phải làm theo. Các nội dung trong văn kiện Đảng, trong phát ngôn của Tổng Bí thư không mang giá trị pháp lý điều chỉnh các hành vi dân sự, hình sự của công dân.

Như vậy, nếu ông Tổng Bí thư kiên quyết “nhất thể hóa”, thì cũng không thể nóng vội trong những cáo buộc kiểu “lợi ích nhóm” từ văn kiện Đảng. Để đảm bảo cho công tác phòng, chống và xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế có tính chất “lợi ích nhóm”, từ hoạt động thực tiễn, Quốc hội có trách nhiệm bổ sung tình tiết này để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

Trong thời gian tình tiết “lợi ích nhóm” chưa được luật hóa, các cơ quan tiến hành tố tụng không sử dụng, hoặc cần hạn chế việc những cụm từ mang tính chất chính trị thể hiện trong văn bản, quyết định tố tụng, trong lời luận tội…

Giả dụ như chấp nhận cụm từ “lợi ích nhóm” như cáo buộc trong vụ án liên quan ông Đinh La Thăng, ông Trịnh Xuân Thanh. Câu hỏi tiếp theo: những nhóm đó bao gồm các cá nhân nào? Lời khai của ông Đinh La Thăng ở hôm xét xử sơ thẩm về “chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ”, thì tại sao chủ tọa phiên tòa không yêu cầu ông Tổng Bí thư - người đứng đầu Bộ Chính trị hầu tòa để đối chất, vì rất có khả năng ông Tổng Bí thư nằm trong nhóm lợi ích như công tố cáo buộc?

T.V.
VNTB gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn