DÂN CHỦ & CÁC HÌNH THỨC ĐẠI DIỆN




(Chương 1 & Chương 2 – Phần 3, sách CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN của Phạm Đoan Trang)
Phạm Đoan Trang

Phần III - DÂN CHỦ
Phần này bàn về một vấn đề có lẽ thường gặp nhất khi nói đến chính trị: dân chủ và những mặt trái của nó.
Đây cũng là khái niệm khiến người Việt Nam, đặc biệt các blogger, facebooker tranh cãi thường xuyên trên mạng; và nếu không có đủ kiến thức, không nắm chắc “cơ sở lý luận”, bạn trẻ rất dễ đi từ vị thế người ủng hộ dân chủ sang vị thế một người đầy nghi ngờ, yếm thế và rồi chống lại dân chủ.
Chương 1 - ĐỊNH NGHĨA DÂN CHỦ
Có nhiều định nghĩa về dân chủ. (Trong khoa học chính trị, dường như khái niệm nào cũng có nhiều hơn một định nghĩa, và định nghĩa nào cũng đúng). Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu hai định nghĩa, một của Austin Ranney, một của Schmitter và Karl. Sở dĩ tác giả chọn hai định nghĩa này để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam là bởi vì từ chúng, ta có thể mở rộng phân tích được nhiều điều khác cũng rất bổ ích.
ĐỊNH NGHĨA DÂN CHỦ CỦA AUSTIN RANNEY 1
Dân chủ là một hình thức tổ chức chính quyền theo các nguyên tắc sau:
  • -  Quyền quyết định tối cao thuộc về người dân;
  • -  Tất cả mọi người đều bình đẳng về chính trị;
  • -  Tất cả mọi người đều được có tiếng nói;
  • -  Đa số thống trị; thiểu số phải theo đa số.
  • Sau đây, chúng ta sẽ đi sâu vào từng nguyên tắc.
  • 1. Quyền quyết định tối cao thuộc về người dân
  • Nguyên tắc này có nghĩa là: Quyền quyết định tối cao thuộc về tất cả mọi người chứ không phải một cá nhân (như trong chế độ độc tài cá nhân) hay một nhóm người (độc tài tập thể). Mọi người đều tham gia quyết định một cách trực tiếp (dân chủ trực tiếp) hoặc ủy quyền cho đại diện thay mặt mình quyết định (dân chủ đại diện).
Một nguyên tắc xem ra không có gì khó hiểu. Chỉ có ba điểm mà bạn cần lưu ý:
(1) Từ “mọi người” ở đây được hiểu là mọi công dân có đầy đủ năng lực hành vi.
(2) Chúng ta đang nói về “quyền quyết định tối cao” – nghĩa là quyền ra quyết định cuối cùng trong các vấn đề quan trọng của cả cộng đồng, chứ không phải quyền ra quyết định về đủ mọi vấn đề;
(3) Trong chế độ dân chủ đại diện, việc người dân ủy quyền cho đại diện không có nghĩa là người dân mất quyền tham gia và quyết định.
2. Mọi người đều bình đẳng về chính trị
Những chính trị gia mị dân có thể ưa thích câu nói: Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Nhưng thật ra, như chúng ta đều thấy, con người sinh ra vốn dĩ không bình đẳng, mà khác nhau (và chênh lệch) về đủ thứ – chủng tộc, ngoại hình, thể trạng, trí tuệ, hoàn cảnh gia đình v.v. Sinh ra đã không bình đẳng thì quá trình lớn lên, trưởng thành và cuộc sống sau này càng không thể bình đẳng với nhau.
Vì thế cho nên bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã phải điều chỉnh nhận định trên thành: Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng về nhân phẩm và quyền.
Còn nguyên tắc thứ hai về tổ chức chính quyền một cách dân chủ theo Austin Ranney, chỉ là “mọi người đều bình đẳng về chính trị” mà thôi, và bình đẳng về chính trị có nghĩa là bình đẳng về cơ hội gây ảnh hưởng tới chính sách: Tất cả mọi người đều có cơ hội như nhau để gây ảnh hưởng tới chính sách công, tới tiến trình ra quyết định tối cao.
Cơ hội như nhau để gây ảnh hưởng” đó được cụ thể hóa hơn nữa, thành: Tất cả mọi người đều có các quyền về chính trị như nhau.
Quyền chính trị là những quyền của công dân được tham gia một cách có ý nghĩa vào tiến trình chính trị của nhà nước. Chúng bao gồm: quyền bầu cử (bỏ phiếu); quyền ứng cử và tranh cử; quyền thành lập và tham gia các tổ chức, hội nhóm, kể cả đảng phái chính trị... mà không bị phân biệt đối xử.

Có một sự khác biệt thú vị giữa quan niệm về “bình đẳng về chính trị” của các nước phương Tây tự do và các nước cộng sản. Triết lý dân chủ tự do của phương Tây cho rằng, bình đẳng về chính trị, tức bình đẳng về khả năng gây ảnh hưởng, nghĩa là bình đẳng về các quyền chính trị. Còn các nước cộng sản lại tư duy khác: Bình đẳng về khả năng gây ảnh hưởng tức là bình đẳng về khả năng kiểm soát các nguồn lực kinh tế, phương tiện truyền thông đại chúng, v.v. Với tư duy này, họ can thiệp vào thị trường để hỗ trợ, nâng đỡ những đối tượng họ cho là cần “tạo điều kiện”, kìm kẹp, gây thiệt hại những đối tượng họ cho là cần kiềm chế, và luôn cố gắng đảm bảo mỗi ngành nghề, mỗi địa phương đều có phương tiện truyền thông đại chúng (báo chí, đài phát thanh-truyền hình...) riêng – nhưng tất cả lại không độc lập mà phải do họ “quản lý”.
3. Tất cả mọi người đều được có tiếng nói
Với nguyên tắc này, mọi nền dân chủ đều phải đảm bảo những cơ chế mà thông qua đó, tất cả mọi người đều được tham vấn, được có ý kiến trong tiến trình hoạch định chính sách.
Những cơ chế đó là gì? Có thể bạn đã nhìn ra một số rồi: một nền truyền thông tự do, một hệ thống giáo dục tự do, tư pháp độc lập, mọi công dân đều có quyền tự do tư tưởng, tự do biểu đạt, tự do học thuật, và còn nhiều nữa.
4. Đa số thống trị (đa số thắng thiểu số)
Đây có lẽ là nguyên tắc đáng chán nhất trong các nguyên tắc của dân chủ. Theo đó, khi có mâu thuẫn, bất đồng, chính quyền phải hành động theo ý nguyện của đa số.
Trong nhiều trường hợp, điều đó không tránh khỏi khiến thiểu số bất mãn. Sự bất mãn nếu quá lớn, hoặc nếu cứ kéo dài, thường xuyên và liên tục, không được giải quyết, có thể sẽ đẩy mâu thuẫn tới chỗ bùng nổ thành xung đột trong xã hội, và đây là một hệ quả tồi của dân chủ.
Làm thế nào để giải quyết vấn đề đa số thống trị thiểu số, gây bất mãn? Câu trả lời là: Phải làm sao để tất cả mọi người trong xã hội đều đồng ý với nhau về luật chơi, chứ họ không nhất thiết phải đồng ý về kết quả cuộc chơi. Tương tự như trong bóng đá: Bạn có thể phẫn nộ trước việc đội tuyển U-20 Việt Nam thua Thái Lan, vì cho là kết quả thi đấu đó quá vô lý, nhưng bạn vẫn phải chấp nhận các luật chơi của trận bóng, ví dụ như trọng tài là vua trên sân trong thời gian thi đấu.
Vậy, điều quan trọng thứ nhất là phải thiết kế một xã hội sao cho trong xã hội đó, một thiểu số có thể bất mãn lúc này lúc khác về một sự kiện, nhưng không phải là bất mãn về cách thức xã hội vận hành để dẫn đến sự kiện ấy. Ngoài ra, điều quan trọng thứ hai là phải làm sao để mỗi một nhóm thiểu số nào đó đều chỉ bất mãn lúc này lúc khác thôi, chứ không phải bất mãn thường xuyên, liên tục.
*
ĐỊNH NGHĨA DÂN CHỦ CỦA PHILIPPE C. SCHMITTER VÀ TERRY LYNN KARL 2
Dân chủ là một hệ thống quản trị đất nước, trong đó, nhà cầm quyền phải chịu trách nhiệm – về tất cả các hoạt động của họ thuộc địa hạt công cộng – trước công dân, và công dân thực thi điều đó một cách gián tiếp thông qua, hay là nhờ có sự cạnh tranh hợp tác giữa những người đại diện cho họ, do họ bầu ra.
Sau đây, chúng ta phân tích từng khái niệm được đề cập đến trong định nghĩa này:
1. Hệ thống quản trị
Trả lời cho câu hỏi người ta có thể nắm giữ các cơ quan nhà nước chính như thế nào, những ai là người được chấp nhận hoặc bị loại khỏi tiến trình đó, đặc điểm của những người đó là gì, người ta có thể làm gì để vào được cơ quan nhà nước, trong việc ra các quyết định ràng buộc cả cộng đồng thì có những luật lệ, quy tắc gì...
Ta hiểu rằng, “hệ thống quản trị” ở đây cũng giống như “hình thái tổ chức chính quyền” trong định nghĩa của Austin Ranney, và nó cũng chính là “chế độ”. Và dân chủ cũng chỉ là một trong các hệ thống quản trị xã hội, một trong các hình thái tổ chức chính quyền. Ngoài chế độ dân chủ, xã hội loài người còn kinh qua nhiều kiểu chế độ khác, ví dụ như: quý tộc, độc tài, độc tài toàn trị, quân chủ chuyên chế, v.v.
2. Nhà cầm quyền
Hay còn gọi là nhà cai trị. Đó là (những) người nắm quyền lực và có thể ra lệnh cho người khác một cách chính danh – nghĩa là được xã hội chấp nhận.
Bạn có thể nghĩ, nếu vậy thì bằng bạo lực và dối trá, kẻ độc tài cũng có thể buộc cả xã hội phải chấp nhận hắn là nhà cai trị hay sao? Đúng vậy, kẻ độc tài có thừa khả năng để được công nhận là nhà cai trị. Điểm khác biệt với chế độ dân chủ là:
(1) Hắn đã có được quyền lực bằng cách nào? (Bằng cách cướp chính quyền, lừa đảo dân chúng, đe dọa và khủng bố dân chúng, hay thông qua một cuộc bầu cử tự do và công bằng?); (2) Hắn có chịu trách nhiệm trước công dân về những hành động của hắn trong địa hạt công cộng hay không, và như thế nào?
3. Địa hạt công cộng
Từ “công” (tiếng Anh: public) có nghĩa là “của chung”, ngược với “tư” là “của riêng” (private). Địa hạt công cộng, theo nghĩa hẹp, là không gian công cộng, tức là tất cả những khu vực mà cộng đồng có thể đến – như đường xá, công viên, quảng trường, các không gian mở... Theo nghĩa rộng, nó là lĩnh vực công cộng, gồm toàn bộ những quy tắc, thông lệ mang tính tập thể, ràng buộc xã hội và có sự cưỡng chế thi hành của nhà nước.
Nhà cai trị trong chế độ dân chủ phải chịu trách nhiệm trước công dân về các hành động, hành vi, lời ăn tiếng nói của mình trong địa hạt công cộng, đó là điều chắc chắn. Ở trong không gian tư, của riêng họ, thì vấn đề trách nhiệm mới còn phải xem xét tùy trường hợp.
4. Cạnh tranh và hợp tác
Một trong các lý do dẫn đến tâm lý thù ghét dân chủ, là vì người ta ghét cạnh tranh, ghét các khái niệm “phe phái”, “lợi ích nhóm, hay “nhóm lợi ích”, “tư tưởng cục bộ”... Thế nhưng, cạnh tranh – giữa các chính trị gia, các đảng phái, tổ chức, nhóm lợi ích, phe phái – lại là một nhược điểm cần thiết của dân chủ.
Song song với cạnh tranh là hợp tác. Các chính trị gia hay các phe nhóm cũng thường xuyên phải thỏa hiệp, duy trì hợp tác để có thể cạnh tranh. Và ngay cả người dân cũng phải hợp tác với nhau (thông qua xã hội dân sự) để bảo vệ mình trước chính quyền, không để xảy ra lạm quyền và độc tài. (Xem Chương VI, “Xã hội dân sự”, trong Phần V, “Tương tác chính trị”).
5. Đại diện
Một chế độ dân chủ, nếu không thực thi dân chủ trực tiếp, thì sẽ phải có đại diện cho mỗi cộng đồng, mỗi nhóm lợi ích trong xã hội, để các đại diện đó tham gia vào tiến trình ra quyết định.
Những đại diện ấy là các chính trị gia, tức người làm chính trị chuyên nghiệp, xem làm chính trị là nghề của họ. Xã hội nào, nhà nước nào cũng phải có chính trị gia chuyên nghiệp. Vấn đề chỉ là: Những đại diện đó được chọn ra như thế nào, và sau đó họ phải chịu trách nhiệm trước người dân về các hành động của họ ra sao. Bây giờ chúng ta sẽ bàn về vấn đề đại diện.
---
Chú thích Chương 1:
  • 1- “Governing: An Introduction to Political Science”, Austin Ranney, 8th edition, Prentice Hall.
2- “Democracy: A Reader”, Larry Diamond & Marc F. Plattner, John Hopkins University Press, 2009.
***

Chương 2 - CÁC HÌNH THỨC ĐẠI DIỆN
Đại diện theo khu vực địa lý
Đây là hình thức đại diện đơn giản nhất: Cả nước được chia thành nhiều khu vực địa lý, gọi là các đơn vị bầu cử. Việc chia này phải đảm bảo làm sao để các đơn vị bầu cử có số dân tương đương nhau. Mỗi đơn vị bầu cử rồi sẽ chọn ra một đại diện, được bầu ra theo đa số phiếu. Để hệ thống này vận hành hiệu quả thì ranh giới của các đơn vị bầu cử đều phải được định kỳ xác định lại và sửa đổi cho phù hợp với tỷ lệ tăng trưởng dân số.
Ưu điểm của hình thức đại diện này là đơn giản, tiện lợi, cử tri chỉ việc bỏ phiếu để chọn ra một đại diện trong đơn vị bầu cử của mình. Cử tri là dân ở đơn vị bầu cử, cho nên họ hiểu địa phương mình, hiểu các vấn đề của địa phương mình hơn người ngoài, và vì thế họ dễ dàng chọn ra đúng người có khả năng đại diện cho họ hơn. Về phía ứng cử viên, hình thức đại diện này ít tốn kém, bởi ứng cử viên chỉ phải vận động tranh cử trong một đơn vị bầu cử, thay vì phải đi khắp cả nước.
Do đơn giản, tiện lợi, dễ thực hiện, nên đây cũng là hình thức đại diện sơ khai nhất, lâu đời nhất.
Nhược điểm của hình thức đại diện theo khu vực địa lý thì khá nhiều:
Thứ nhất là tính cục bộ, địa phương. Cả cử tri lẫn ứng cử viên, trong quá trình tranh cử, đều có xu hướng chỉ quan tâm đến các vấn đề của địa phương mình mà không lưu tâm về các vấn đề của quốc gia. Sau khi trúng cử, vị đại diện được bầu ra cũng sẽ cục bộ như vậy để mong giữ được tín nhiệm của cử tri trong khu vực bầu cử của mình. Và cũng vì cục bộ, cử tri nói chung sẽ thích bầu cho ứng cử viên là người có gốc gác, sinh sống ở địa phương của mình, không bầu cho “người ngoài”, bất kể người ngoài tài đức đến đâu.
Thứ hai là dân số của các đơn vị bầu cử có thể thay đổi (tăng, giảm) theo thời gian, và điều đó ảnh hưởng tới khả năng đại diện của vị đại diện. Do đó, khi đã theo chế độ đại diện theo khu vực địa lý, ranh giới giữa các địa phương thường phải được điều chỉnh – sáp nhập, chia tách, thay đổi – cho phù hợp với dân số. Vấn đề là đảng cầm quyền có thể tranh thủ việc này để thay đổi dân số, thay đổi số phiếu theo hướng có lợi cho mình. Đó là một xảo thuật trong chính trị, gọi là gerrymander.
Gerrymander có nghĩa là hành vi thay đổi đường ranh giới, diện tích, kích thước của một đơn vị bầu cử, nhằm giành lợi thế không chính đáng, không công bằng cho một cá nhân, tổ chức hay đảng phái. Khái niệm này chưa có cách gọi tiếng Việt.
Trong tiếng Anh, gerrymander là từ ghép giữa “gerry” và “mander”. Gerry là họ của Elbridge Gerry (1744-1818), chính trị gia người Mỹ, Thống đốc bang Massachusetts. Còn “mander” xuất phát từ “salamander”, có nghĩa là con rồng lửa.
Vào năm 1812, Thống đốc Gerry đã ký một luật vẽ lại bang Massachusetts nhằm giành lợi thế cho đảng mình trong một cuộc bầu cử thượng viện, và kết quả là đảng Dân chủ-Cộng hòa của ông ta đã chiến thắng. South Essex, một trong các district ở khu vực Boston, sau khi bị vẽ lại, có hình dáng trông rất giống một con rồng lửa. Về sau, báo chí phe đối lập chế ra từ “gerrymander” để chỉ trích ông Thống đốc.
Kinh nghiệm của các nước (như Canada, Úc, Anh và nhiều nước châu Âu) là: Để giảm nguy cơ đảng cầm quyền lợi dụng địa vị lãnh đạo của mình để thay đổi ranh giới hành chính các địa phương trong thời gian tại vị nhằm làm lợi cho mình trong bầu cử, việc xác định ranh giới và phân chia đơn vị bầu cử nên được giao cho một cơ quan độc lập chịu trách nhiệm. Ví dụ như ở Úc, công việc đó là của Hội đồng Bầu cử Austrlia, một cơ quan hiến định, độc lập về chính trị, không trực thuộc quốc hội, cũng không của chính phủ.

Hạt South Essex sau khi vẽ lại. Biếm họa được đăng trên một tờ báo ở Boston, Massachusetts, vào tháng 5/1812.
Ở Việt Nam dưới thời cộng sản, trong suốt hàng chục năm, việc sửa lại địa giới hành chính, sáp nhập hay chia tách tỉnh cũng xảy ra không ít lần. Ví dụ Hà Đông và Sơn Tây sáp nhập thành tỉnh Hà Tây (năm 1965), 10 năm sau lại ghép thêm với Hòa Bình thành Hà Sơn Bình. Năm 1991, Hà Sơn Bình tách thành Hà Tây và Hòa Bình như giai đoạn từ 1965 đến 1975. Việc sáp nhập, chia tách này dĩ nhiên không nhằm điều chỉnh dân số và người đại diện cho phù hợp, mà xuất phát từ những mục đích chỉ chính quyền biết. Và trên thực tế, luôn luôn có một nhóm người hưởng lợi lớn từ việc đó, trong đó có những người may mắn, nhưng đa số hưởng lợi là do nắm lợi thế về thông tin quy hoạch, một cách bất công.
Riêng nhân dân các địa phương bị “ghép, nhập” thì luôn khổ sở, vì mỗi lần địa phương thay đổi ranh giới hành chính là lại một lần cư dân phải làm lại hết giấy tờ. Tệ hơn nữa, dân còn phải chịu thiệt thòi trong quá trình dịch chuyển, mua bán nhà và đất, bởi họ không có thông tin, họ ở địa vị bất lợi. Hẳn là bạn đọc nào cũng đã từng nghe những chuyện, những giai thoại kiểu như “nhà nọ bán đất, vừa bán hôm trước thì hôm sau giá mảnh đất họ bán tăng gấp cả trăm lần”. Đó là bởi vì họ không có may mắn để biết trước thông tin quy hoạch... nhưng tất nhiên đó là một chuyện khác rồi.
Nhược điểm thứ ba của đại diện theo khu vực địa lý, là ngay cả trong một đơn vị cử tri, vẫn có thể có những nhóm thiểu số không được đại diện bởi cộng đồng của họ quá nhỏ yếu, không đủ để có tiếng nói trong quá trình bầu cử. Ta lấy ví dụ, tỉnh Hà Giang có thể có cả một đoàn đại biểu Quốc hội, nhưng trong đó, không ai đại diện cho sắc dân Pu Péo vì cộng đồng người Pu Péo quá ít dân (khoảng 600-700 trên cả nước), không đủ để bầu được ai trong đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh.
Hỏi: “Cái status này có nói về Hà Nam Ninh. Trước đây, tôi còn có nghe nói về Cao Bắc Lạng, Hà Tuyên Thái? Nhờ chú chỉ giáo về những địa danh đó và cùng chia sẻ hiểu biết kiến thức lịch sử này (dĩ nhiên là “sự thật”). Xin cảm ơn chú.
Đáp: Đây là trò của Lê Duẩn, theo kế của Lê Đức Thọ. Khi cặp bài trùng này mới ra Bắc, mọi nhân sự cấp tỉnh đều do Trường Chinh bố trí từ trước. Muốn xóa bỏ ảnh hưởng của Trường Chinh, Duẩn gộp nhiều tỉnh lại làm một. Ba bí thư của ba tỉnh nay chỉ còn một (3 chủ tịch, 3 trưởng ty... cũng vậy). Sẽ xảy ra sự tranh giành, Duẩn- Thọ có thể ung dung chọn người trung thành với mình trong ba người. Ở cấp huyện cũng diễn ra theo cùng một bài bản. Vì thế mới xuất hiện những tỉnh mới: Hà-Nam- Ninh, Hà-Sơn-Bình, Lao-Hà-Tuyên, v.v. Việc quản lý một địa bàn rộng vượt quá khả năng của các quan tỉnh, họ càng phụ thuộc sự chỉ đạo của trung ương (tức Duẩn- Thọ). Hy vọng cách giải thích này đáp ứng được câu hỏi của bạn.
(Bạn đọc Duc Dao hỏi nhà văn Vũ Thư Hiên trên facebook cá nhân của ông Vũ Thư Hiên, ngày 26/1/2017).
Đại diện theo tỷ lệ
Đại diện theo tỷ lệ tức là mỗi thành phần, mỗi nhóm trong xã hội đều có đại diện (trong Quốc hội hoặc cơ quan nhà nước nào khác có bầu cử) với số lượng tỷ lệ thuận với dân số của thành phần hay nhóm xã hội đó.
Ưu điểm: Hình thức đại diện này nhằm đảm bảo các cộng đồng khác nhau trong xã hội đều được có tiếng nói. Xã hội như vậy sẽ có khá đa dạng tiếng nói, và những cơ quan dân cử như quốc hội cũng vậy. Sẽ không nhóm nào không được có đại diện, dù họ là thiểu số đến đâu.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chúng ta chia xã hội thành các thành phần, nhóm hay cộng đồng khác nhau căn cứ vào tiêu chí hay đặc điểm gì. Chẳng hạn:
- Nếu theo sắc tộc, cả nước Việt Nam có 54 nhóm (trong đó Kinh là nhóm đông dân nhất, do đó, sẽ phải có số lượng người đại diện cao nhất).
- Nếu theo tôn giáo, cả nước sẽ phải có hàng chục nhóm, trong đó có cả nhóm những người “không theo tôn giáo nào” – họ cũng cần được đại diện. 1
- Nếu theo ngôn ngữ...
- Nếu theo nghề nghiệp...
- Nếu theo thành phần kinh tế...
- Nếu theo học vấn, giáo dục, thu nhập...
Bạn thấy đấy, việc xác định một cơ sở để phân nhóm rất phức tạp, gây tranh cãi, và đó là nhược điểm thứ nhất của đại diện theo tỷ lệ. Hình thức đại diện này còn một số nhược điểm khác như sau:
Thứ hai, nó giữ nguyên sự phân loại và phân nhóm trong xã hội, cũng như ấn định luôn một nhóm, ngay từ đầu, là đa số hay thiểu số (để từ đó ấn định số lượng người đại diện cho nhóm). Rất khó có sự thay đổi một nhóm từ thiểu số thành đa số hay ngược lại.
Thứ ba, nó duy trì và có thể thúc đẩy mâu thuẫn trong xã hội. Cũng có những ý kiến cho rằng đại diện theo tỷ lệ làm xã hội mất ổn định về chính trị.
Ở các nước dân chủ, các nhóm thiểu số có xu hướng tự tổ chức mình lại thành đảng phái. Người ta cho rằng các đảng, với tư cách là những tổ chức làm chính trị chuyên nghiệp, sẽ là đại diện tốt nhất và sẽ bảo vệ lợi ích của thành viên đảng mình cũng như của những người mà nó đại diện. Tuy nhiên, phân loại theo lợi ích, đường lối chính trị, ý thức hệ thì không thể phân chia cả xã hội được vì có những người, những nhóm người chẳng theo đường lối chính trị, ý thức hệ nào; trong khi đó, nguyên tắc của việc phân loại là không để sót thành phần nào không thể xếp loại.
Hệ thống tuyên giáo (tuyên truyền - giáo dục) cộng sản Việt Nam thường cố làm cho dân chúng nghĩ rằng “đảng nào thì cũng chỉ lo cho quyền lợi của đảng ấy thôi”, nhiều đảng thì sẽ có sự tranh giành quần chúng, và chia rẽ, gây mất ổn định chính trị. Kết luận của cộng sản: Đa đảng là loạn.
Thật ra, vốn dĩ hình thức đại diện theo tỷ lệ có thể tạo ra cạnh tranh và mâu thuẫn giữa các lợi ích khác nhau, cũng như thuộc tính cố hữu của chính trị là mâu thuẫn, cạnh tranh và hợp tác. Điều quan trọng là làm sao để tất cả các nhóm thiểu số đều có đại diện do họ bầu ra, đều có tiếng nói, và được bảo vệ thích hợp, trong khi người thắng cử vẫn là người được đa số phiếu bầu.
Đại diện theo tỷ lệ và có ưu tiên cho thiểu số
Một trong các nguyên tắc của dân chủ, như đã nêu ở đầu Phần III này, là tất cả mọi người đều phải được có tiếng nói. Như vậy, trong trường hợp có những nhóm nhỏ quá, không đủ để có đại diện trong quốc hội, thì để đảm bảo quyền lợi cho họ, phải dành sẵn cho họ một số lượng ghế nhất định. Ví dụ, cộng đồng người Pu Péo phải luôn có sẵn một ghế trong quốc hội, ở bất kỳ khóa nào. Đó là sự ưu tiên cho thiểu số.
Tất nhiên, không phải ai cũng tán đồng việc dành ưu tiên cho thiểu số thiệt thòi, vì thế vấn đề này vẫn có thể gây tranh cãi và chia rẽ. Khi đó, hoặc khi vị đại diện của nhóm thiểu số kia cũng quá yếu kém về năng lực để có thể bảo vệ quyền lợi của nhóm mình, có thể tạo một cơ chế để ông/bà ta không tham gia tiến trình ra quyết định nữa, nhưng vẫn được tham vấn đầy đủ và thậm chí giữ vai trò cố vấn. Như đã nói, điều quan trọng để thực thi dân chủ là làm sao để, dù đa số thắng thiểu số, nhưng tất cả các nhóm thiểu số đều có đại diện do họ bầu ra, đều có tiếng nói, và được bảo vệ thích hợp.
*
Chú thích Chương 2:
1- Rất khó thống kê được chính xác số lượng tôn giáo và các nhóm tôn giáo ở Việt Nam, nhất là khi dưới thời cộng sản, có nhiều nhóm hoạt động ngầm, không đăng ký và không chấp nhận sự kiểm soát của chính quyền. Họ không được chính quyền thừa nhận, thậm chí còn bị đàn áp nặng nề.
Nếu chỉ xét những nhóm có đăng ký, tính đến đầu năm 2016, ở Việt Nam có 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo được công nhận. (Số liệu do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân cung cấp cho Đức Hồng y Reinhard Marx – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức – trong chuyến thăm Việt Nam của Đức Hồng y vào tháng 1/2016).
P.Đ.T.
__________

Luật KhoaCuốn Chính trị bình dân được xuất bản qua trang thương mại điện tử Amazon với mức giá 20 USD (tương đương khoảng 450.000 đồng). Bản điện tử cũng được xuất bản trên Smashword với giá 5 USD (tương đương khoảng 120.000 đ).

Như tác giả đã nhiều lần thông báo trên Facebook cá nhân, toàn bộ số tiền bán sách được chuyển cho Quỹ Lương Tâm, một quỹ từ thiện được lập ra để giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Nếu đọc bản PDF và muốn trả tiền mua sách, bạn đọc có thể gửi tiền tới Quỹ Lương Tâm theo tài khoản ngân hàng:

Nguyễn Quang A
Số tài khoản: 0541000287869, Vietcombank Chương Dương, Hà Nội
Hoặc tài khoản Paypal: quyluongtamvn@gmail.com

Chúng tôi đề xuất mức giá đối với bản PDF là 50.000 đồng.

Bạn đọc ở các nước khác Việt Nam có thể đặt mua bản in cuốn này trên Amazon (https://goo.gl/pqNeR8) hoặc liên hệ với bà Mạc Việt Hồng (Ba Lan) qua Facebook (https://www.facebook.com/viethong.mac).

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn