Dự án Bauxite Tân Rai: “Lãi giả, lỗ thật”

Nguyễn Hữu Phước


Bài có bổ sung so với bài đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 25-2018.


                                                                            Bauxite Việt Nam



Đến nay vừa tròn 10 năm thử nghiệm dự án bauxite trên Tây Nguyên theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 245/TB-TW.

Sau nhiều lần bị chậm tiến độ, từ năm 2013 đến nay, 2 dự án bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) lần lượt đã đi vào hoạt động. Việc công khai minh bạch các kết quả hoạt động của hai dự án này đã không được thực hiện, dẫn đến việc đánh giá không khách quan ngay cả ở nghị trường Quốc hội.


“Một nửa sự thật thì không phải là sự thật”

Trước hết, dự án bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) đã được TKV cho hạch toán chi phí, lỗ lãi, doanh thu, v.v. theo hai đơn vị đều là thành viên trực thuộc TKV, gồm:
(i) Ban QLDA tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng có trụ sở tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, số đăng ký hoạt động: 4216000014-DNNN (sau đây gọi tắt là BQL);
(ii) Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng-TKV có trụ sở tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, mã số doanh nghiệp 5800939133-CTTNHH (sau đây gọi tắt là Cty nhôm).
Tương tự, dự án bauxite Nhân Cơ (Đắk Nông) cũng được TKV cho hạch toán chi phí, lỗ lãi, doanh thu… theo hai đơn vị đều là thành viên trực thuộc TKV, gồm:
(i) Ban QLDA nhà máy alumina Nhân Cơ- Vinacomin, có trụ sở tại huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông, mã số chi nhánh MSCN: 5700100256-050-DNNN;
(ii) Công ty nhôm Đắk Nông – chi nhánh tập đoàn TKV có trụ sở tại huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông, mã số chi nhánh: 5700100256-066-CTTNHH.
Như vậy, tuy tên gọi khác nhau, nhưng thực chất đối với cả hai dự án bauxite ở Lâm Đồng và ở Đắk Nông TKV đều áp dụng mô hình song trùng tồn tại cả Ban QLDA và đơn vị sản xuất. Trong đó, hai ban QLDA (chuyên về quản lý đầu tư XDCB) của hai dự án đều thực hiện hạch toán sản xuất kinh doanh ngay cả khi dự án đã đi vào sản xuất.

Các khoản lỗ của dự án Tân Rai được “che đậy” như thế nào?

Bài viết này tổng hợp các số liệu chính thức trong các báo cáo tài chính (Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ) đã được kiểm toán của dự án Tân Rai để cung cấp cho bạn đọc cũng như các vị đại biểu Quốc hội những thông tin tổng hợp toàn diện về kết quả hoạt động của dự án bauxite-alumina Tân Rai trong 5 năm qua (2013-2017).
Như trên đã nêu, “bí quyết” làm cho dự án Tân Rai có “lãi” là 1 dự án nhưng được phân bổ chi phí và hạch toán theo 2 đơn vị khác nhau. Và, TKV chỉ công bố kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị được “phân công” hạch toán có lãi là Cty nhôm Lâm Đồng-TKV, còn đơn vị được phân công hạch toán lỗ là Ban QLDA tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng thì không được công bố, hoặc công bố không đồng thời.
Các phương tiện thông tin đại chúng thường chỉ được tiệm cận với báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty Nhôm Lâm Đồng.
Việc lỗ/lãi của các đơn vị này hoàn toàn phụ thuộc vào “ý kiến chỉ đạo” về phân bổ chi phí giữa hai đơn vị. Cụ thể như sau:
1/ Phân bổ tài sản: Mặc dù dự án đã đi vào sản xuất, nhưng trong giai đoạn 2013-2017 có tới 94% giá trị tài sản của dự án Tân Rai vẫn do BQL hạch toán (Ví dụ, năm 2013, tổng tài sản của dự án là 15.902 tỷ (lấy số chẵn), trong hạch toán đã được TKV phân bổ cho BQL 15.088 tỷ, cho Cty nhôm 814 tỷ). Trong suốt 5 năm qua, tỷ lệ tài sản được phân bổ cho BQL hạch toán chiếm trung bình 93,8%, cho Cty nhôm 6,2%. Cụ thể như trong bảng sau:
Phân bổ tài sản của 1 dự án để hạch toán theo 2 đơn vị khác nhau, tỷ đồng.


Đồ thị phân bổ tài sản của 1 dự án để hạch toán theo 2 đơn vị
2/ Phân bổ nguồn vốn nợ phải trả: Tương tự như chỉ tiêu tổng tài sản, nguồn vốn nợ phải trả của dự án cũng được phân bổ cho BQL 94,1 %, và cho Cty nhôm chỉ có 5,9%. Cụ thể xem bảng sau:
Phân bổ nguồn vốn nợ phải trả của 1 dự án cho 2 đơn vị hạch toán, tỷ đồng.


Tương tự, vốn chủ sở hữu của dự án cũng được phân bổ cho BQL 92,6%, và cho Cty nhôm 7,4%. Cụ thể qua các năm xem bảng sau:
Vốn chủ sở hữu của 1 dự án được phân bổ hạch toán cho 2 đơn vị


3/ Phân bổ doanh thu và chi phí:
Mặc dù BQL dự án không quản lý sản xuất, nhưng vẫn được “phân bổ” tới 60% doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ. Còn đơn vị quản lý sản xuất kinh doanh là Cty nhôm Lâm Đồng chỉ được phân bổ 40% doanh thu. Cụ thể xem bảng sau:
Phân bổ chỉ tiêu doanh thu thuần, tỷ đồng


Sự mập mờ tiếp tục trong hạch toán đã lên đến “tột đỉnh” khi BQL cũng được tính “ghi danh” tới 60% “giá vốn hàng bán”, còn đơn vị sản xuất là Cty nhôm chỉ có 40% “giá vốn hàng bán”. Cụ thể qua các năm như sau:
Giá vốn hàng bán của dự án, tỷ đồng.


Sự “phân công” hạch toán như trên đã làm méo mó bức tranh toàn cảnh của dự án.
4/ Trách nhiệm trả lãi vay cũng được phân bổ cho cả đơn vị không có trách nhiệm. Tổng tiền lãi vay phải trả trong giai đoạn 2013-2017 của dự án là 1.351,3 tỷ đ. Số tiền này lẽ ra phải “bổ” cho Cty nhôm, nhưng lại được BQL đứng ra thanh toán theo “cân đối” chung của tập đoàn.
Tiền lãi vay phải trả của 1 dự án đã đi vào sản xuất nhưng được phân bổ cho BQL



5/ Cuối cùng, do cách phân bổ chi phí để hạch toán như trên, trong giai đoạn 2013-2016 Công ty Nhôm Lâm Đồng luôn có lãi (nhỏ) còn BQL dự án luôn có lỗ (lớn), và dự án luôn trong tình trạng lỗ. Sang đến 2017 do giá alumina tăng vọt theo giá nhôm nên dự án đã đạt mức lãi 347,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng mức lỗ lũy kế đến hết 2017 của dự án Tân Rai vẫn rất cao, lỗ 2568,4 tỷ đồng. (xem bảng sau).
Tổng lợi nhuận sau thuế của dự án, tỷ đồng.


Đánh giá tổng hợp về kinh tế-tài chính dự án Tân Rai
Các chỉ số đánh giá tổng hợp về tình hình kinh tế-tài chính của dự án bauxite-alumina Tân Rai được tổng hợp như sau:


Số liệu trong bảng trên cho thấy:

  • Tỷ lệ doanh thu trên tổng tài sản rất thấp, tối đa mới đạt 60,2%
  • Nếu tính lợi nhuận thuần: dự án lỗ từ khi đi vào hoạt động đến nay (2013-2017);
  • Tỷ lệ lỗ trên vốn chủ sở hữu tuy đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao, tới 17,2%.
  • Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu tuy đã giảm nhưng vẫn lớn hơn 2,17 lần;
  • Các hệ số thanh khoản đều ở mức rất thấp;
  • Số ngày tồn kho của sản phẩm tuy đã giảm nhưng vẫn hơn 30 ngày;
  • Kỳ thu tiền luôn ngắn hơn kỳ thanh toán, dự án luôn phải chiếm dụng vốn của đối tác. v.v.

Tóm lại:
1/ Theo báo cáo kiểm toán kết quả của 5 năm hoạt động (2013-2017) không có cơ sở để kết luận dự án bauxite-alumina Tân Rai đã cắt được lỗ.
2/ Riêng năm 2017, dự án có lãi hơn 268 tỷ VND là do sự đột biến (tăng cao, đạt mức kỷ lục trong giai đoạn 2013-2017) của giá alumina trên thị trường quốc tế. Cụ thể, giá alumina bình quân trên TG các năm gần đây đã thay đổi như sau (U$/tấn)


3/ Tổng số lỗ cộng dồn của dự án Tân Rai tính đến hết 2017 đã lên tới hơn 2568 tỷ VND.
4/ Tình trạng kinh tế của dự án có phần được cải thiện vào cuối năm 2017 nhưng vẫn trong tình trạng rất kém hiệu quả.

N.H.P.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn