Mười năm người ấy ra đi (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 41)

Tương Lai

Mới đó mà đã mười năm, bao nhiêu nước chảy qua cầu.

Câu thơ của Việt Phương, người bạn thân thiết của anh Sáu Dân, người thật sự là bộ óc lớn trong Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt, nghẹn ngào nỗi đau xé ruột:

Người có biết đời yêu người đến thế

Đời cần người lúc này bao xiết kể

Người đừng đi đứng đi đừng đi…”

Người đã đi rồi, để thốt lên nỗi đau xé ruột ấy Việt Phương cũng lại đã ra đi theo người anh lớn của mình. Lịch sử có những thách thức thật nghiệt ngã. Ai rồi cũng phải tuân theo cái quy luật ấy. Chỉ có điều, oái oăm làm sao khi những người đất nước cần, cuộc đời muốn níu kéo họ lại, thì họ lại cứ phải lần lượt ra đi.

Ấy vậy nhưng, đáng day dứt không phải là cái chết, cho dù của những vĩ nhân hay những người ta thuơng yêu nhất, mà day dứt thảm thương hơn là, những gì đã chết trong trái tim và khối óc của con người, khi người ấy vẫn còn sống, vẫn đang sống. Chính vì vậy xin được nhắc lại một kỷ niệm. Trong bài thơ chép tay gửi cho tôi, người viết những câu thơ trên, anh Việt Phương có dẫn lời B. Brecht, một tác gia Đức mà anh Phương biết tôi rất thích, “cái đáng sợ không phải là chết mà là sống rỗng tuếch”. Cũng chính vì thế, có những người đã vĩnh viễn nằm xuống, cho dù “đó là sự thức tỉnh cuối cùng” với những người đang tiếp tục sống như chúng ta hôm nay vẫn khiến cho trái tim ta đau buốt, đặc biệt vào thời điểm này.

Vậy thì hiểu sao đây ý nghĩa câu “cái chết là sự thức tỉnh cuối cùng”, triết lý thâm trầm của Walter Scott, nhà văn người Scottland, tác giả của cuốn sách tôi đã đọc ngấu nghiến từ lâu trong một giai đoạn mà loại sách như vậy còn hiếm, cuốn “Aivanhô” (Ivanhoe). Đúng là đã từng có những cái chết đã thực hiện sứ mệnh nghiệt ngã ấy theo những cách khác nhau. Ở đây xin chỉ nói đến “sự thức tỉnh cuối cùng” ấy bằng sự ra đi của Ông Sáu Dân, một sự thức tỉnh mãnh liệt, mà hôm nay chúng ta tưởng niệm mười năm ngày ấy. Đó là lý do buổi hội ngộ hôm nay của chúng ta.

Trước mắt tôi đây có hai vị nhân sĩ mà ông Sáu Dân quý trọng, cụ Huỳnh Công Minh, nguyên linh mục Tổng Đại diện Giáo phận Sài Gòn và giáo sư Nguyễn Thái Hợp, Giám mục địa phận Vinh, người đã sáng lập và là Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, tên của vị Tổng Giám mục có mối thâm tình với Võ Văn Kiệt; tôi mạo muội nhắc đến câu của Mark Twain: “Bất cứ ai sống đủ lâu để hiểu được cuộc sống là gì, biết rõ chúng ta cần đội ơn Adam sâu sắc đến thế nào, đó là nhà hảo tâm vĩ đại đầu tiên của nhân loại. Người mang cái chết tới thế gian này”. Suy ngẫm về ý nghĩ thâm trầm của một nhà văn lớn, cây bút khôi hài vào bậc nhất của nước Mỹ, sinh đúng vào ngày sao chổi Halley xuất hiện 1835 và mất cũng lại đúng vào lần xuất hiện lần sau năm 1910 khiến tôi hiểu ra được phần nào câu “Chúa Trời rót sự sống vào cái chết và cái chết vào sự sống mà không làm rớt một giọt nào (God pours life into death and death into life without a drop being spilled).

Để chờ sự giảng giải của hai vị, tôi xin mạnh dạn nghĩ rằng, “sự thức tỉnh” mà sự ra đi quá vội vã của ông Sáu Dân kính yêu dành cho chúng ta hôm nay chính là sự thức tỉnh nghiệt ngã trước thế nước chông chênh do những toan tính của một thế lực chịu áp lực nặng nề của Bắc Kinh thao túng, điều mà sinh thời Ông Sáu Dân thường trực cảnh giác và tìm mọi cách góp phần ngăn chặn cho đến những ngày cuối cùng khi ông đột ngột ra đi.

Cảnh giác ngay từ những ngày đầu tiên ông tiếp cận được với một thực tiễn đắng cay của ảnh hưởng Mao ít.  Năm 1951 vượt Trường Sơn ra Việt Bắc dự Đại hội II của Đảng, sau Đại hội, ông được cử “đi thực tế” rút kinh nghiệm về công tác thuế nông nghiệp tại nông thôn miền Bắc. Ông bắt đầu hiểu ra và, như ông nói, đã “dị ứng” với những bài học mà các cố vấn Trung Quốc chuyển tải vào nước ta, ông từ chối không đi Bắc Kinh và xin trở về ngay Nam Bộ.

Ông kể cho chúng tôi nghe tâm trạng của mình khi được giải thích về Hội nghị Genève, rồi vĩ tuyến 17 dưới sức ép của Bắc Kinh ra sao. Họ viện trợ vũ khí và cố vấn sang giúp ta đánh thực dân xâm lược nhằm tạo ra một “phên dậu” cho họ theo toan tính lâu dài theo kiểu mà người xưa gọi là “bá đạo” của họ, sau thời kỳ “giấu mình chờ thời” đang ôm mộng bành trướng trở thành siêu cường đã buộc ta phải ngừng chiến và chấp nhận vĩ tuyến 17 khi mà thế chiến lược của ta đang thuận lợi có thể giành những thắng lợi lớn hơn mà họ e ngại về một Việt Nam lớn mạnh nằm sát biên giới họ sẽ là chặn lại mưu đồ tràn xuống Đông Nam Á. Điều đó càng lộ rõ khi họ dùng bè lũ  diệt chủng Pon Pốt tấn công biên giới phía Nam ngay vào khi vết thương chiến tranh cơ thể đất nước ta chưa kịp băng bó. Khi bị thất bại thảm hại thì họ Đặng phát động cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 để bắn tín hiệu rằng họ đang muốn tìm đồng minh mới để giúp họ khôi phục lại vị thế đã mất.

Nhận ra được những toan tính của các nước lớn đang biến Việt Nam thành con tốt trên bàn cờ trong cuộc chơi của các nước lớn, ông Sáu Dân và những người từng nằm gai nếm mật với ông dần hiểu ra bộ mặt thật của Bắc Kinh. Ông kể khi ông “tập kết vờ” nhằm che mắt địch để rồi ém thuyền chờ để đưa ông Lê Duẩn về một địa điểm đã được chuẩn bị giữa cánh đồng nước bao quanh ở Bạc Liêu, ông ngày càng hiểu sâu hơn những mưu toan bẩn thỉu của ông bạn “cùng ý thức hệ”. Cũng chính vì thế, như ông kể lại, đã tranh cãi nảy lửa với Lý Bằng, Thủ tướng Trung Quốc, sau Hội nghị Thành Đô như thế nào khi với tư cách Thủ tướng ông có mặt trong đoàn do ông Tổng bí thư Đỗ Mười dẫn đầu ra sao.

Kể lại chuyện này, ông Sáu Dân bỗng trầm tư khiến chúng tôi hôm ấy nín lặng đợi một chuyện “bí mật” gì đó, nhưng rồi ông chỉ chậm rãi nhắc đến một tình tiết mà mãi sau này ông mới được biết là “trong những cuộc đấu tranh gay cấn về mặt ngoại giao thì ngay trước một cuộc gặp với đoàn ta Kissinger đã gặp Hoàng Chấn, đại sứ Trung Quốc tại Paris. Không biết lần ấy Trung Quốc đã toan tính nhưng gì với Mỹ mà cho đến 4 năm sau đó, vào những phút cuối cùng của chế độ Sài Gòn, Dương Văn Minh còn được Bắc Kinh mời chào qua một viên tướng Pháp đã hồi hưu. Nếu thỏa thuận thì Bắc Kinh sẽ có cách giữ lại Sài Gòn và Miền Nam, nhưng tướng Dương Văn Mình với suy nghĩ “đã trót đi với Pháp rồi với Mỹ, nay lại bán nước cho Trung cộng nữa sao” đã từ chối toan tính của Trung Quốc”.

Giọng ông trầm hẳn xuống khi ông kể lại với chúng tôi một chuyện cam go mà ông phải xử lý liên quan đến mưu toan thâm độc của Bắc Kinh: dù “hết sức kính trọng anh Ba Duẩn, nhưng kiên quyết không chấp hành lệnh của anh ấy qua anh Sáu Thọ truyền đạt việc cho tàu của Trung quốc cập cảng Sài Gòn, tôi tin rằng rồi anh Ba Duẩn sẽ hiểu quyết định của tôi. Nếu cho nó vào đây rồi nó cứ neo đậu lại, ì ra không chịu đi thì các anh làm cách nào? Bắt nó, nổ súng đánh nó à, nó lại không lu loa lên và tạo cớ để tấn công xâm lược ta sao? Tôi nói tôi đã cho rải mìn dày đặt dưới sông Sài Gòn rồi, ngay cả cập bến Cần Giờ cũng không được huống hồ cảng Sài Gòn”. Tôi đã có dịp viết điều này trong cuốn “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi 2017” với nhận thức rằng “Nếu không thường trực một tinh thần cảnh giác cao trước mọi mưu ma chước quỷ của kẻ thù thì không thể có sự quyết liệt ấy” tr. 255).

Cho đến khi đã thôi hết mọi chức vụ ông vẫn đau đáu nỗi lo về thế nước chông chênh vì bàn tay của Trung Quốc đã thò quá sâu vào đất nước ta, cài đặt những người mà họ đã khống chế được vào bộ máy lãnh đạo, thậm chí còn vào sâu hơn nữa. Điều này chẳng có gì khó hiểu và “bí mật” cả. Chắc chúng ta còn nhớ cũng mới gần đây, một thiếu tướng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Bộ Công an, Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân đã công khai cảnh báo: “Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chúng ta. Mà không phải thời ông Tập Cận Bình đâu, ông khác lên cũng sẽ như vậy thôi. Câu chuyện là, bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào… họ làm suy yếu từ bên trong… bọn xấu nó cài cắm, nó móc ngoặc, nó lôi kéo đó. Hồi xưa chỉ một vài người là đã nguy hiểm rồi, đã chết rồi. Bây giờ… đã có con số đến hàng trăm, mà hàng trăm không chỉ là con số dừng lại, mà trăm này có thể cộng với trăm kia nữa”. Điều này giải thích tại sao tuy đã thôi mọi chức vụ và cho dù tuổi đã cao, ông Sáu Dân vẫn không một phút buông lơi suy nghĩ để tìm cách góp phần tháo gỡ những khó khăn, thoát khỏi hiểm nghèo mà đất nước đang gặp phải. Ngay những lúc tưởng như phải bó tay thì ông vẫn cố tìm giải pháp theo hướng “còn nước còn tát” cho dù chỉ với 1% hy vọng. Câu chuyện về một “giải pháp tình thế” ông đưa ra trước ngày Đại hội X chuẩn bị bỏ phiếu mà một cây bút nọ đã đưa vào sách xuất bản ở Mỹ, nhiều người đã đọc hoặc đã biết, tôi nghĩ không phải nói ra ở đây làm gì.

Chỉ xin gợi lên một trăn trở mà giờ đây ngẫm lại, tôi hiểu cái giải pháp tình thế “còn nước còn tát” ấy là một minh chứng sống động về thái độ sống của một người hiểu rõ mục đích cao cả phải hướng tới, không câu nệ vào những “nguyên tắc” cứng đờ sẽ bóp chết một khả năng ấp ủ có thể chuyển thành hành động hiện thực. Đây không phải là lần đầu tiên Võ Văn Kiệt tỏ rõ bản lĩnh quyết đoán và dám chịu trách nhiệm, quyết định theo đúng tính cách của ông. Với trọng trách Bí thư Khu ủy Khu 9 trong một tình thế cực kỳ phức tạp, ông chỉ thị cho Binh vận Khu 9 không phổ biến chủ trương “năm cấm chỉ” của binh vận Miền sau Hiệp định Paris 1973 là một ví dụ.

Mà đâu phải chỉ trong chiến tranh. Cuộc chiến đấu giữa sáng tạo, đổi mới với bảo thủ, giáo điều trong thời bình cũng cam go không kém. Có khi còn phức tạp hơn, vì chen vào đó là những khuyết tật của con người như đố kỵ, kèn cựa nhỏ nhen, những tính toán thiển cận đến độ bẩn thỉu của một tầm nhìn hạn hẹp! Quyết định về đường dây tải điện 500KV Bắc-Nam của Võ Văn Kiệt trên cương vị Thủ tướng là một minh chứng sống động cho điều ấy. Chúng ta cũng đã biết ít nhiều về những ví dụ khác nữa trong những quyết định đầy cam go, thách thức bản lĩnh của người lãnh đạo đúng nghĩa mà ông Sáu Dân đã từng thể hiện.yentu1.gif

Võ Văn Kiệt hiểu quá rõ ngón võ cổ truyền của Tàu trong việc mua chuộc rồi khống chế bằng mọi thủ đoạn tinh vi để cài cắm những người mà họ đã dự liệu trước vào những cái ghế quyền lực cao nhất mà họ dễ bề thao túng để thực thi những mưu toan thâm độc của họ. Và đó cũng là những day dứt của ông chỉ mấy ngày trước khi ông vĩnh viễn nằm xuống. Tôi nói “mấy ngày” vì nhớ đến lúc ông Sáu Dân gặp tôi lúc 11h30 ngày 19.5.2008 tại nhà số 6 ở Hồ Tây, Hà Nội sau cả buổi sáng thực hành những nghi lễ quen thuộc vào lúc sức khỏe của ông không tốt, ông nói lời xin lỗi vì phải ngả lưng trên ghế dài, gác hai chân lên ghế ngồi để nói chuyện: “Tôi vừa yêu cầu phải thả ngay hai nhà báo [tức là hai nhà báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ vừa bị bắt], còn giữ họ ngày nào thì người ta càng mừng ngày ấy”. Tôi hiểu “người ta” nói đây không phải là ai khác ngoài Bắc Kinh.

Anh Việt Phương có kể cho tôi nghe chuyện Võ Văn Kiệt và Võ Nguyên Giáp đã từng nói trực tiếp với một nhân vật lãnh đạo đã chịu sự thao túng của Bắc Kinh quá nặng nề nhằm khuyên ông ta nên nghỉ đi và phản ứng của ông ta ra làm sao. Ông Sáu Dân cũng đã nhìn ra được viễn cảnh đen tối khi Bắc Kinh đã chuẩn bị những con bài kế tiếp. Nghĩ về nỗi lo đau đáu của ông, đôi khi lẩn thẩn khâu ghép những sự kiện, những tình tiết mà thoạt nhìn chỉ là những ngẫu nhiên, song khớp nối chúng lại theo dòng chảy của thời cuộc, tôi không sao gạt đi nổi những day dứt về sự ra đi đột ngột của ông. Giờ đây nghĩ kỹ lại, tôi giật mình nhớ đến cuộc điện thoại của anh Huyên gọi tôi bay ra Hà Nội vì “anh Văn cần gặp”, để rồi sau chỉ chừng 20 phút nói chuyện ở phòng khách Đại tướng đứng lên tiễn tôi hẹn lần sau gặp sẽ nói chuyện nhiều hơn, rồi nắm tay tôi chậm rãi bước ra khỏi phòng khách. Dừng lại ở bậc thềm, ông nói đủ cho tôi nghe “Anh vào nói với Sáu Dân về nhà mà nằm”. Câu chuyện này tôi đã có dịp viết trên “Mênh mông thế sự” số 47, tháng 10.2016. Dạo ấy ông Sáu Dân bệnh, phải vào Viện để bác sĩ chuyên khoa chăm sóc. Thấy tôi, ông cười “Vừa về à”. Khi nghe tôi khẽ nói lời nhắn, ông lại cười “Thôi được, hôm nay tôi về”.

Đành rằng, thứ được coi là lý do để sống cũng là lý do tuyệt vời để chết như Albert Camus, người đưa ra ánh sáng những vần đề đang thách thức lương tâm nhân loại trong thời đại chúng ta đã viết, nhưng điều ấy không trấn an được nỗi khắc khoải trong tôi mỗi lần nhớ đến nét mặt và ánh mắt của ông Sáu Dân mười năm trước đây trong lần được ngồi trò chuyện cuối cùng để nghe ông chia sẻ mối ưu tư về vận nước. Tâm niệm một khuyến dụ thấm đẫm triết lý lạc quan, điều quan trọng không phải là chết như thế nào mà là đã sống như thế nào, ông Sáu Dân đã sống một cuộc đời đáng sống rồi ra đi vào tuổi 86 cũng là thuận lẽ trời. Ấy thế mà mười năm đã trôi qua, mỗi lần đối diện với những gì đang diễn ra, những điều mà ông Sáu Dân từng khắc khoải lo âu và không một phút lơi lỏng tinh thần cảnh giác, ý chí chiến đấu và hành động quyết liệt chống quân xâm lược, lòng tôi vẫn xót xa quặn đau vì không còn có ông trong những ngày sóng gió mà ý chí và sức mạnh của Dân đang trỗi dậy, tạo thành một làn sóng có thể “nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” như cảnh báo của Hồ Chí Minh từ giữa thế kỷ trước!

Mỗi dịp lên lại Yên Tử, nơi tiến hành lễ cầu siêu và đặt bài vị của Võ Văn Kiệt trên gian thờ Tam vương tại chùa Hoa Yên, không hiểu sao trong tôi vẫn xao động mối liên tưởng đến lời của Hải Lượng Thiền sư thế kỷ XIV: “Người ta thấy Điều ngự Đệ nhất Tổ đến chùa Hoa Yên thì bảo Ngài xuất gia. Ta biết rằng Đức Ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công, trong nước vô sự, nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, sợ người ta dao động cho nên nhằm được ngọn núi Yên Tử là cao nhất, phía Đông nhìn về Yên Quảng, phía Bắc liếc sang hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, dựng lên ngôi chùa, thường thường dạo chơi để xem động tĩnh để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm”. Vẫn biết rằng từ một góc nhìn khác đã có lời bình rằng nói vậy là “làm giảm đi cái đẹp lớn lao của ông vua hóa Phật, làm lệch lạc cái động cơ và mục đích tu hành rất cao cả, thiêng liêng của vua Phật Trần Nhân Tông”. http://www.chungta.com/File.aspx/image=jpeg/0a105b16b14f4d6aa36468ce2d56e941-30_yentu8.jpg/30_yentu8.jpg

Mỗi một góc nhìn đều có thể đưa ra những nhận định. Nhưng nếu đóng khung trong một hướng tiếp cận xuất phát từ một giáo lý, mà chưa đạt tới một khát vọng tâm linh thẳm sâu ánh rọi chiếu của một triết lý vô ngôn, sẽ không cảm nhận được thông điệp của thiền sư Hải Lượng về hiện tượng vua Phật Trần Nhân Tông cởi hoàng bào, khoác áo cà sa, song chưa bao giờ lơi lỏng việc ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm. Điều này sử cũ chép khá nhiều. Sau này, “Việt Nam Sử lược” của Trần Trọng Kim cũng nhắc lại những lời Nhân Tông răn dạy vua Anh Tông ra sao.

Chìm sâu trong thông điệp của vị thiền sư thế kỷ XIV là quan điểm duyên sanh của Phật giáo “sự tồn vong của dân tộc có liên hệ mật thiết đến sự tồn vong của mỗi cá thể làm nên dân tộc đó. Cho nên, dù mục tiêu cuối cùng của đời sống Phật giáo là sự giải thoát, tức là đạt đến tự do tuyệt đối cho mỗi con người, nhưng mục tiêu đó chỉ đạt được nhờ vào mối tương quan với các cá thế khác trong một cộng đồng”, như giáo sư Lê Mạnh Thát viết. Chính vì vậy, một câu hỏi thường đặt ra trong suy tư của tôi về hiện tượng tiến hành lễ cầu siêu Võ Văn Kiệt tại chùa Hoa Yên-Yên Tử, rồi ông là người duy nhất trong những nhân vật đương đại được thờ tại chùa này trong gian thờ tổ, bài vị ông được đặt ở ban thờ Tam vương phải chăng không là một sự kiện ngẫu nhiên, mà là một cơ duyên hiếm có. Ở đây phảng phất bóng dáng mối duyên sanh mà thiền sư Lê Mạnh Thát, một bộ óc uyên bác tôi có hân hạnh nhiều lần đàm đạo và lĩnh hội được những “suy gẫm về thân phận con người” trên quan điểm duyên sanh ông đã giảng giải.

Dù sao thì ý tưởng này cũng chỉ là một liên tưởng, một suy luận thuần túy chủ quan, đúng sai cần được xem xét. Song cái phẩm cách “biết xem thiên hạ là công, trong nước vô sự, nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng” luôn như con hổ đói chực vồ mồi phải thường trực cảnh giác, thì điếu ấy là di sản thiêng liêng Võ Văn Kiệt được kế thừa từ vua Phật Trần Nhân Tông mà xá lỵ của Ngài được gìn giữ tại Huệ Quang Kim Tháp phía trước chùa Hoa Yên, ngôi chùa thiêng nằm ở vị trí “đầu rồng”, nơi bài vị Võ Văn Kiệt được đặt ở ban thờ Tam Vương như vừa nói. Chỉ có điều, với Võ Văn Kiệt thì luôn “biết xem thiên hạ là công” từ bối cảnh trong nước không “vô sự” chút nào cả, mà lại bung bét vì cuộc chiến quyền lực đang vào hồi gay cấn càng làm cho thế nước chông chênh, cho nên cái “mối lo” của ông lại giằng xé trái tim ông cho đến khi ông phải nhắm mắt xuôi tay.

Điều đó thì chắc không là suy luận chủ quan, mà là cảm nhận sâu sắc của chúng ta hôm nay gặp nhau tại đây nhân mười năm ngày mất, để tưởng niệm ông, người suốt đời vì một chữ Dân. Anh Sáu Dân ơi, lúc này đây anh có thể mỉm cười nơi chín suối  vì sức mạnh của Dân đang như sóng trào, như thác đổ với những cuộc dân xuống đường biểu tình chống dự luật “Đặc khu Kinh tế”, một toan tính nguy hiểm dâng thịt trước mồm hổ đói; chống dự luật “An ninh mạng” bịt miệng dân, mở đường cho việc đẩy tới thể chế độc tài, toàn trị, phản dân chủ, dìm đất nước vào tối tăm, lạc hậu hơn nữa. Luật “đặc khu” đã phải tạm dừng.

Quyền lực đã lùi một bước trước sự phẫn nộ của dân. Bạo lực đã tỏ ra bất lực trước ý chí quật khởi, tạo thành một phản ứng dây chuyền, lan tỏa rất mạnh và sẽ còn mạnh hơn nữa vì ngọn lửa của sự phẫn nộ đang gọi dậy truyền thống yêu nước của dân ta .

Những gì đang diễn ra đã thêm một lần khẳng định quy luật của lịch sử: đẩy thuyền là Dân mà lật thuyền cũng là Dân.

Anh Sáu Dân ơi, chúng tôi đang làm theo di huấn của Anh.

Sài Gòn, ngày 11.6.2018

T. L.

Chú thích ảnh: Từ trên xuống

1.Tổ Tư Vấn Võ Văn Kiệt

2. Cảnh quan Yên Tử.

3. Chùa Hoa Yên.

4. Đọc bài Tưởng niệm.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn