Cá sấu khóc con mồi!

Nguyễn Tường Thụy

Báo chí đưa tin “Lãnh đạo Thành ủy TPHCM nhắn tin ủng hộ người nghèo”. Thông tin cho biết, Văn Phòng Thành ủy phối hợp các ban Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Tp. HCM vận động đóng góp bằng tin nhắn cho Quỹ “Vì người nghèo”. Kèm theo là hình ảnh đủ mặt lãnh đạo Tp. HCM quần áo là lượt, xếp hàng ngay ngắn, đều tắp, mỗi người cầm một máy điện thoại nhắn tin “ủng hộ người nghèo”.

Phản ứng của cư dân mạng là dị ứng với việc này. Người ta cho đó là trò hề, trò lừa mị. Chuyện nhắn tin ủng hộ người nghèo lại vào đúng lúc vụ thu hồi và cướp cả nghìn héc ta đất ở Thủ Thiêm, đẩy hàng nghìn người vào cảnh không nhà ở, không kế sinh nhai, có người phải đi ăn xin được khui ra, làm cho dư luận phẫn nộ mà chưa biết xử lý ra sao. Tổng số thu được trong “chiến dịch” nhắn tin ấy là hơn 400 triệu đồng, bằng 2 mét vuông đất rao bán ở Thủ Thiêm.

Tại sao họ phải diễn rồi đưa tin và hình ảnh lên phương tiện thông tin đại chúng? Họ muốn thể hiện lòng thương xót bao la với người nghèo? Họ muốn làm tấm gương để nhân dân soi vào và cùng giúp đỡ người nghèo như họ?

Nhưng người nghèo, cần đến 20 nghìn đồng của họ từ đâu ra? Có phải đó là hậu quả từ sự lãnh đạo, quản lý kém cỏi của họ, biến Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông thành Tp. HCM như ngày nay? Có phải rất nhiều trong số đó là nạn nhân của những cuộc cướp bóc, trong đó có người dân Thủ Thiêm mà thủ phạm không phải là ai khác mà là chính là những người lãnh đạo bất tài, độc ác và tham lam? Với người nghèo Thủ Thiêm, thủ phạm chính là chính quyền Tp. HCM. Thế mà cũng chính lãnh đạo thành phố này nay lại đứng sắp hàng nhắn tin để ủng hộ họ. Người ta thấy trong đám lãnh đạo đó có cả ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy là người phải chịu trách nhiệm chính trong sai phạm bán rẻ tới 6 lần đất công ở Phước Kiển (huyện Nhà Bè). Thật là hài hước, trơ trẽn. Dư luận cho rằng, việc nhắn tin ủng hộ người nghèo này là cá sấu khóc con mồi. Một hình ảnh so sánh rất thuyết phục. Không hiểu tại sao, họ có thể làm được những việc ấy mà không biết xấu hổ.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgrRVdrEfwyPCnWC__FnAs0syHzujCmeZnnh-h3R95SovsLHdmP-B7bP5fhueq5ALYAYep9Ivn02Ie2ZR2ib7zlEE8tmFc8Tx-HGG0oxHX7NfVnQlfhIKLpTLO7G8V4umMh286yM9ddxR4/s640/unnamed.jpg

Lãnh đạo TPHCM nhắn tin ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo". Ảnh SGGP.

Và bây giờ, ai còn coi họ là tấm gương mà noi theo, khi mà xã hội đã phơi bày tất cả những sự thối nát dưới sự lãnh đạo, quản lý của họ? Chính họ cũng biết người dân không còn tin vào họ, tới mức phải mang cả gốc gác của mình ra để hứa “tôi không gạt bà con đâu”.

Việc phát động ủng hộ người nghèo là không sai, nhưng tại sao không để người ta tự giác, ai hưởng ứng có thể nhắn tin vào lúc nào tiện, một tin hay nhiều tin, hoặc chuyển tiền vào tài khoản tiếp nhận là tùy người ta. Và ai mà biết được họ đang làm gì với chiếc điện thoại đang mở trên tay? Nhắn tin ủng hộ? Lướt mạng hay là hẹn hò gì đấy? Vậy việc gì phải mất thời gian kéo nhau đi làm cái chuyện kệch cỡm, giả tạo khó coi ấy.

*

Vụ “nhắn tin” chỉ là một trong rất nhiều việc nhằm mục đích tuyên truyền thường thấy hàng ngày, ở đâu cũng có, cấp nào cũng có, từ cơ sở đến trung ương.

Vì kém cỏi trong việc điều hành quản lý đất nước nên nhà cầm quyền phải tạo ra những hình ảnh tuyên truyền để lấp liếm đi những chuyện làm như mèo mửa.

Một Đinh La Thăng đi dọn rác kéo theo cả một bầy tùy tùng hộ tống và hàng chục tờ báo để tuyên truyền. Sau đó thì rác vẫn hoàn rác. Một cơn mưa nhẹ cũng làm cho cả thành phố ngập nước.

Hình ảnh công an quá xấu trước mắt nhân dân nên thỉnh thoảng phải dựng lên những cảnh công an giúp đỡ dân, dắt người già, trẻ em qua đường. Trong khi đó, những video công an trấn áp dân, đánh đập, hạch sách dân vẫn được dân tung đều đều lên mạng.

Lãnh đạo leo lên xe bus để chụp hình, cho xe lăn một đoạn để sau đó, tất cả lại đi làm bằng xe hơi đắt tiền. Thành phố tiếp tục kẹt xe và giao thông tiếp tục hỗn loạn.

Những “cây lãnh tụ” được trồng ở khắp nơi, gắn biển tên ông này bà nọ. Thực ra ông ta chẳng làm gì ngoại việc tay đeo găng bêu nửa xẻng đất, cán vằn vện xanh đỏ và cầm bình nước do người khác đưa tận tay rưới qua, dưới chân là tấm thảm lót cho khỏi bẩn giày. Trong khi đó rừng phòng hộ tiếp tục bị xâm chiếm để xây biệt phủ, những cây hàng trăm năm tuổi từ đại ngàn ùn ùn chạy về xuôi, biến thành những vật dụng xa xỉ cho lãnh đạo, tư bản đỏ hoặc trọc phú gặp thời.

Những đại biểu quốc hội tiếp xúc với cử tri đã chọn sẵn, nghe ngóng, hứa hẹn, thậm chí nhận đơn để rồi khi về, dân gọi điện thì bỏ trốn, nỗi oan của dân vẫn còn đó, đất nước vẫn trì trệ, tụt hậu.

Nhiều lắm những hình ảnh như thế. Làm những chuyện ấy để qua mắt dân là vô ích, là coi thường dân. Người dân bây giờ đâu dễ bị lừa mị.

Cần chấm dứt ngay những trò kệch cỡm, lố bịch ấy mà đi thẳng vào những việc thực chất.

Đó là hãy trả lại cho dân những gì vơ vét được. Số đó có thể làm cho hàng triệu người thoát nghèo.

Hãy tập trung vào những việc có ích cho dân, cho nước để chuộc sai lầm. Hãy bớt đi những độc ác, tham lam hay phá hoại. Đất nước và nhân dân đã khổ lắm với các người.

Trước mắt, cần lôi những kẻ đã gây tội ác với nhân dân Thủ Thiêm ra xử nghiêm minh. Phải trả lại cho dân những phần đất cướp ngoài qui hoạch và bồi thường nhà cửa cùng các thiệt hại khác cho họ. Không được lấy đất và tiền của dân xây nhà hát giao hưởng, để cho đám xưng là tinh hoa quý tộc gì đó chửi dân ngu không biết thưởng thức nghệ thuật.

Cuối cùng phải lo làm sao cho Sài Gòn trở lại danh hiệu Hòn ngọc Viễn Đông. Phá thì phải làm lại, âu cũng chỉ là một đòi hỏi công bằng.

N.T.T. VNTB gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn