Các nước phương Tây lên tiếng về tình hình biểu tình ở Hong Kong

BBC

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Phong trào biểu tình ở Hong Kong không có dấu hiệu sẽ sớm chấm dứt, còn Trung Quốc tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ và coi việc biểu tình là "hành vi gần như khủng bố".

Cho tới hôm 19/8, nhiều xe bán quân sự được nhìn thấy tập trung tại Thâm Quyến, nơi nhìn sang Hong Kong.

Tin tức nói hàng ngàn cảnh sát có vũ trang đã đóng quân tại nơi này.

Bắc Kinh tiếp tục nói những gì đang diễn ra tại Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc, và yêu cầu các nước khác không can thiệp.

Tuy nhiên, các chính trị gia và giới chức nhiều nước trên thế giới không nghĩ như vậy.

Mỹ: Tổng thống Donald Trump cảnh báo

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ Nhật cảnh rằng nếu Trung Quốc thực hiện một cuộc đàn áp giống như sự kiện Thiên An Môn 1989 với người biểu tình Hong Kong, thì một thỏa thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trở thành "một điều rất khó thực hiện".

Tuy nhiên, ông Trump nói rằng "nếu Chủ tịch Tập ngồi xuống với đại diện của người biểu tình... ông ấy sẽ đạt được cái gì đó".

Ông Trump nói ông Tập là "một người rất thông minh", người có khả năng nhanh chóng đạt được thỏa thuận.

Trước đó, Quốc hội Mỹ đưa ra dự luật H.R. 3289: Hong Kong Human Rights and Democracy Act of 2019, dự luật này nếu được thông qua sẽ buộc chính quyền Mỹ hàng năm phải duyệt xét lại việc cho Hong Kong hưởng các quy chế đặc biệt như hiện nay.

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Anh: Đảng đối lập kêu gọi London thảo luận với Trung Quốc

Một quan chức cao cấp trong đảng Lao động đối lập ở Anh vừa kêu gọi chính phủ của ông Boris Johnson hãy đối thoại trực tiếp với Trung Quốc, và thúc giục Bắc Kinh tôn trọng nguyên tắc 'một quốc gia, hai chế độ' đối với nơi từng là thuộc địa này của Anh.

Được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Hong Kong theo thỏa thuận giữa London và Bắc Kinh tiếp tục được duy trì một số quyền tự do.

"Chúng ta phải có đối thoại thích hợp với chính phủ Trung Quốc", ông John McDonnell, người theo dõi vấn đề chính sách tài chính, nói với BBC.

"Tôi trông đợi chính phủ Anh nay phải nêu rất rõ ràng quan điểm của mình: đó là chúng tôi trông đợi chính phủ Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận đó".

Chính phủ Anh đã kêu gọi "tất cả các bên hãy bình tĩnh".

Trước đó, hôm 15/8, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh, nói rằng London "cần phải kiềm chế trong việc nói hoặc làm bất kỳ điều gì có thể can thiệp hoặc làm suy yếu quy tắc pháp quyền tại Hong Kong".

Đại sứ Lưu Hiểu Minh nói tại London rằng "nhiều chính trị gia Anh cứ ngỡ như Hong Kong vẫn đang còn trong thời là thuộc địa của Anh". Bản quyền hình ảnh REUTERS

Canada: Ra tuyên bố chung cùng EU, bảo vệ quyền biểu tình của người dân Hong Kong

Canada ra tuyên bố chung với EU, theo đó bảo vệ quyền biểu tình của người dân Hong Kong.

Ngoại trưởng Chrystia Freeland và quan chức phụ trách đối ngoại của EU, Federica Mogherini, trong tuyên bố ra tối thứ Bảy 17/8 nói "các quyền tự do căn bản, bao gồm quyền biểu tình ôn hòa... cần phải được tiếp tục tôn trọng".

Cả Canada và EU ủng hộ "quyền tự trị ở mức độ cao" của Hong Kong đối với Trung Quốc, bản tuyên bố chung nói thêm.

Tòa đại sứ Trung Quốc tại Canada phản ứng với một tuyên bố trên website rằng Canada cần "ngay lập tức chấm dứt việc can thiệp vào quan hệ của Hong Kong và các mối quan hệ nội bộ của Trung Quốc".

"Trong tình hình hiện thời, Canada cần phải thận trọng lời nói và việc làm liên quan tới vấn đề Hong Kong", một phát ngôn viên không nêu danh của Tòa Đại sứ [TQ] tại Canada được trang tin CBC của Canada dẫn lời.

Cả phe ủng hộ lẫn phe chống dự luật dẫn độ Hong Kong tập hợp tại nhà ga Broadway-City Hall SkyTrain Station ở Vancouver, Canada hôm 17/8/2019. Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã không mấy suôn sẻ kể từ sau vụ Canada hồi tháng 12 bắt giữ một quan chức cao cấp của hãng công nghệ Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, theo trát bắt của Mỹ, và việc Bắc Kinh trả đũa với việc bắt giữ hai công dân Canada đến nay chưa thả.

Pháp: Giới chức Hong Kong cần đối thoại với người biểu tình

Ngoại trưởng Pháp đề nghị giới chức Hong Kong đối thoại với người biểu tình.

Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian hôm thứ Tư 14/8 nói giới chức cần nối lại các cuộc đàm phán với người biểu tình để tìm giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng Hong Kong.

Trước đó, hôm 13/8, Tổng thống Emmanuel Macron và các dân biểu thuộc Đảng La République En Marche (LREM) của ông đã ký một thư ngỏ kêu gọi "huy động lực lượng chính trị" để phản đối tình trạng cảnh sát đàn áp người biểu tình ở Hong Kong.

Úc: Thủ tướng Morrison kêu gọi tìm giải pháp ôn hòa

Thủ tướng Scott Morrison hôm thứ Sáu 16/8 thúc giục Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Carrie Lam hãy "lắng nghe cẩn thận" và hợp tác hướng tới tìm giải pháp ôn hòa cho tình thế hiện thời.

Ngay lập tức, Bắc Kinh phản ứng giận dữ.

Đại sứ Trung Quốc tại Australia, ông Cheng Jingye trong tuyên bố ra hôm thứ Bảy 17/8 nói rằng đây "hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc", và cảnh báo chính phủ ông Morrison chớ can thiệp bằng việc ủng hộ "những kẻ cực đoan bạo lực" tại Hong Kong.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/world-49397118

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn