Biến động nhân khẩu nhưng chính quyền địa phương không biết?

Nguyễn Hồng Phúc

Nhiều người hoạt động trong các hội đoàn dân sự, chỉ cần rời khỏi nhà là gần như nhân viên công lực biết ngay. Thế nhưng lại có rất nhiều thanh niên phải tha hương mưu sinh tận xứ người, lúc có chuyện xảy ra như vụ thảm cảnh container Anh quốc hôm 23-10, thì phía quản lý Việt Nam lại… ngơ ngác (!?)

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg-vuf6zvsx52_KCnnkqbiSWrpMF4-SF3wJqLN0yzelZBvVhuKFSpjtRIt5G7TgGJsGlhVCGVpsQ4Kb5W-XQm-Oo_DljsnEXc8o2KbO_sD7RLbAhUorzVLTJx-FMTk85JFAvne6Ax9OXME/s640/Ho-Khau.jpg

Phải chăng các biến động nhân khẩu đã không được cập nhật trong cái gọi là ‘sổ hộ khẩu’? Hay đây là sự tắc trách của chính quyền địa phương?

Sổ hộ khẩu đã ‘hoàn thành sứ mệnh lịch sử’?

Hình mẫu gốc của chế độ hộ khẩu ở Việt Nam là hệ thống hộ khẩu (âm Hán ngữ là hùkǒu) của Trung Quốc. Giống như ở Trung Quốc, hộ khẩu ở Việt Nam được sử dụng để quản lý kinh tế cũng như an ninh trật tự xã hội.

Tại miền Bắc trước năm 1975, sự hiện diện đầu tiên của hệ thống hộ khẩu trong một văn bản pháp lý vào năm 1957 với Thông tư 495-TTg, ban hành nhằm hạn chế sự di chuyển của người dân từ các vùng nông thôn tới các thành phố Hà Nội và Hải Phòng thời chiến tranh.

Sau đó, hệ thống hộ khẩu được áp dụng chính thức toàn miền Bắc từ năm 1964 theo Nghị định 104-CP, trong đó đưa ra những tiêu chí cơ bản của hệ thống. Nghị định này được ban hành theo đề nghị của Bộ Công an, cơ quan chịu trách nhiệm thi hành, phản ánh tầm quan trọng của hệ thống này như một biện pháp đảm bảo an ninh của một quốc gia trong tình trạng chiến tranh.

Từ tháng 4 năm 1975, chính sách quản lý dân cư bằng hộ khẩu được mở rộng trên toàn quốc, với lý do chính là thực thi chế độ kiểm soát từng hộ gia đình, bên trong có những ai và người này phải chịu trách nhiệm về người kia nên canh chừng lẫn nhau.

Hệ thống hộ khẩu gắn chặt với việc phân phối lương thực, đất đai, nhà cửa, giáo dục, y tế và việc làm. Không có hộ khẩu đồng nghĩa với việc sống mà không có các quyền và các dịch vụ mà Nhà nước cung cấp cho công dân. Hầu như tất cả các quyền dân sự của một cá nhân chỉ có thể được đảm bảo với sự có mặt của hộ khẩu.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEilrE0ZIarS6VBRVoF8pAjJpcx67bw4bTpPEALkkSPTzRSpQcsFOJ9_uEpfql7hhW5Vhtyr5mDD0wwRgNC0O6dDTh0kijbIM_RIQdJH07nyBY-5_VvCAwEN0SygDZHZHbVLOtKNblvOYhE/s640/Opn3y4nl.jpg

Sau khi nền kinh tế bao cấp bị bãi bỏ, đời sống của người dân vẫn bị đóng khung trong chế độ kiểm soát hộ khẩu, đưa tới sự hình thành của hai thành phần xã hội là người có hộ khẩu ở tại chỗ, và di dân không có hộ khẩu, hay còn được gọi là lao động nhập cư nếu may mắn thì được xét cấp loại hộ khẩu tạm, có ký hiệu từ KT1, KT2, KT3.

Qua vụ việc nghi vấn có người Việt Nam bị tử vong trong thảm nạn di dân trái phép tại Anh Quốc hôm 23-10, thì khi chính quyền các địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An đã lúng túng xác định danh sách những người dân có hộ khẩu ở địa phương, nhưng thực tế lại không có mặt tại nơi cư trú, cho thấy ngoài việc cần xem xét lại cung cách quản lý được chia theo ô khu phố lâu nay trên bản đồ hành chính địa phương của lực lượng cảnh sát khu vực, thì cái gốc ở đây là chuyện quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu dường như không còn thích hợp về quyền tự do cư trú được quy định ở Luật Cư trú.

Sao không áp dụng Luật Hộ tịch?

“Nhà nước bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền tự do cư trú của công dân phải bị xử lý nghiêm minh. Nhà nước có chính sách và biện pháp đồng bộ để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân” - Trích Điều 5. Bảo đảm điều kiện thực hiện quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú, Luật Cư trú.

Như vậy về nguyên tắc thì tất cả người Việt Nam được quyền cư trú bất kỳ nơi nào trên đất nước của mình; và nếu xuất cảnh hợp pháp, thì quyền cư trú đó của công dân Việt Nam tiếp tục nhận sự bảo hộ của luật pháp Việt Nam: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện hợp tác quốc tế về quản lý cư trú phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế; thực hiện điều ước quốc tế liên quan đến quản lý cư trú mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. (Điều 7, Luật Cư trú).

Thực tế hiện nay từ vụ nghi vấn có nhiều người lao động Việt Nam bị thiệt mạng trong container tại Anh Quốc hôm 23-10, cho thấy cần đẩy nhanh việc thay đổi quản lý hành chính từ sổ hộ khẩu của Luật Cư trú, sang dữ liệu cá nhân được quy định tại Luật Hộ tịch.

Theo như quy định của Luật Hộ tịch, có hiệu lực vào đầu năm 2016, Chính phủ chịu trách nhiệm thiết lập một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số và thẻ căn cước công dân, với số căn cước được gắn với cơ sở dữ liệu này.

Dữ liệu quốc gia với những thông tin cơ bản về mỗi cá nhân, bao gồm giới tính, dân tộc và tình trạng hôn nhân. Dữ liệu này cũng cung cấp thông tin nơi thường trú, cũng như nơi cư trú hiện tại.

Tuy nhiên ở đây cần có sự dung hòa của hai lập luận thường gặp, thứ nhất, khi các hệ thống lưu trữ thông tin cá nhân quá rộng, thường bị  những nhà hoạt động bảo vệ quyền tự do dân sự lo ngại, rằng thông tin này sẽ bị chính phủ hoặc các nhóm tội phạm lợi dụng.

Thứ hai, chiều ngược lại, nhiều người ủng hộ cho rằng việc lưu trữ thông tin hộ gia đình, nơi cư trú... sẽ đơn giản hóa quá trình tiếp cận các thông tin cần thiết, phục vụ cho việc hoạch định chính sách.

N.H.P.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn