Ông Michael Nguyễn: “con chốt” người Mỹ may mắn

Diễm My

David Brown trong bài Nền tư pháp Việt Nam kỳ lạ cho ông Michael Minh Phương Nguyễn đã trở thành “một con chốt trong cuộc đối thoại hàng năm của Hà Nội với Hoa Kỳ về quyền tự do dân sự”.

Michael Nguyễn đã được trả tự do và đưa thẳng về Mỹ đoàn tụ với gia đình sau 27 tháng tù giam ở Việt Nam. Đây là nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi của các dân biểu Hoa Kỳ, luật sư cùng gia đình của ông trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, với áp lực từ Quốc hội và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì việc phóng thích ông chỉ là vấn đề thời gian.

Trong khi phía Việt Nam gọi đây là một cử chỉ nhân đạo.

Con chốt may mắn

Một người không phải giới bất đồng chính kiến đã được phóng thích và trục xuất thẳng về Mỹ hai tuần sau cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt - Mỹ mà theo ông Michael cho biết ông hoàn toàn không biết gì đến việc được phóng thích cho tới khi ông có mặt ở sân bay Sài Gòn.

Ông Michael tiết lộ ông đã bị công an Việt Nam bắt cóc cùng với ba người khác mà không biết lý do gì, cũng không có lệnh bắt giam. Ông bị công an mặc thường phục bắt, bịt mắt, còng tay rồi đưa đi bằng xe ô tô hồi 7-7-2018.

Ông cũng cho biết thêm là đã bị “giam giữ và thẩm vấn trong 16 giờ liền, suốt trong nhiều ngày”.

Trong hai năm và bốn tháng ngồi tù, ông Michael cho biết ông không được liên lạc với gia đình trong hai tháng đầu, sau đó được nhận thư của gia đình mỗi năm tuần, nhưng những lá thư đó đều được quản giáo đọc.

Trong suốt 11 tháng liền ông không được tiếp xúc với luật sư bào chữa. Khi ra toà, dù được báo rằng ông có thể tự giải thích, nhưng khi ông bắt đầu nói, thì họ ngăn lại. Họ buộc ông phải im lặng.

Theo ông Michael, trước khi ra tòa một ngày, ông gặp một luật sư công, và luật sư không thể nào bào chữa cho ông được vì chỉ có một ngày tiếp xúc một xấp hồ sơ cao 12 inch (30cm), hay ‘bằng chứng’ chống lại ông Michael. Luật sư không có thời gian để đọc cũng như chất vấn các hồ sơ đó tại phiên tòa.

Rốt cuộc họ đưa cho tôi một văn bản viết sẵn, công tố viên buộc tôi ký vào dù tôi biết trong văn bản đó không chứa đựng lời lẽ khai báo của chính tôi. Tôi hoàn toàn không có cơ hội tự biện hộ cho mình. Họ tuyên bố tại phiên tòa là tôi được quyền giải thích nhưng khi tôi bắt đầu nói thì họ ngăn tôi lại, họ tìm cách bịt miệng tôi”.

Trong thời gian bị giam giữ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã yêu cầu gia đình ông không được công khai nói về những gì xảy ra ở Việt Nam, vì có thể khiến trường hợp của ông thêm khó giải quyết. Vì vậy ông cũng sẽ không nói thêm về việc của của ông để không ảnh hưởng đến người khác.

Ông Michael có được các Dân biểu Hoa Kỳ vận động, có một người em cột chèo là luật sư, Đại sứ Mỹ ở Việt Nam giúp đỡ và ông đã được tự do sau 27 tháng bị giam cầm chỉ vì ông là người Mỹ gốc Việt.

Những “con chốt” không may

Ông Michael kể rằng khi bị giam ở Thủ Đức, ông gặp nhiều người nước ngoài và cảm thấy ông là người may mắn vì những người đó không có ai đấu tranh giúp họ, không có được sự tự do như ở Hoa Kỳ, và không có một người vợ như vợ ông.

Đó là những người nước ngoài. Ông Michael nếu bị giam giữ cùng các phạm nhân án an ninh người Việt thì có lẽ ông sẽ cảm thấy ông còn may mắn hơn đến vạn lần. Họ thậm chí còn không biết có được xếp vào hạng những con chốt để còn có cơ hội được thí trên bàn cờ chính trị hay không.

Những trải nghiệm của ông trong trại giam và toà án tại Việt Nam có lẽ làm cho Mỹ và phương Tây kinh ngạc nhưng với những tù nhân lương tâm ở Việt Nam thì chẳng có gì là lạ.

Ông Micheal đã được nhận thư từ của gia đình sau hai tháng bị giam cầm dù là quản giáo có đọc thư của ông, làm cho ông cảm thấy sự riêng tư bị xâm phạm. Ông vẫn còn được an ủi khi biết được tin tức của gia đình.

Còn những tù nhân án an ninh khác và gia đình họ không có được may mắn đó, họ không được liên lạc với bất kỳ ai qua bất kỳ hình thức nào trong suốt thời gian điều tra vụ án.

Tất cả thông tin tối thiểu về sức khoẻ chỉ được “nghe” qua cán bộ trại giam hay từ điều tra viên, người bị giam giữ lại còn mù mịt hơn về tình hình gia đình ở bên ngoài dù họ vẫn nhận được tiền lưu ký và thực phẩm từ gia đình gửi vào.

Ông Phạm Chí Dũng và gia đình đã không trao đổi thư từ hay liên lạc gì thêm 20 ngày nữa là tròn đúng một năm trời; với gia đình ông Nguyễn Tường Thụy hay Lê Hữu Minh Tuấn cho đến nay là gần nửa năm trời cắt đứt mọi liên lạc trực tiếp.

Điều ông kể về luật sư tiếp xúc hồ sơ vụ án chỉ một ngày trước khi ra toà cũng không phải là điều mới trong nền tư pháp Việt Nam. Hôm 15/10/2020, Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết với việc kết thúc điều tra vụ án Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, các luật sư được phép đăng ký bào chữa tại VKSND Tp. HCM. “Quy định trong thời hạn 24 giờ, Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ cấp Thông báo cho người đăng ký bào chữa”.

Tuy nhiên trong thực tế, các luật sư sau khi đăng ký phải chờ đợi rất lâu và rất hiếm khi được sao chụp hồ sơ tại viện. Tất cả thủ tục và thông tin trao đổi đều được thực hiện tại “chuồng cu”.

Ra toà với những án bỏ túi, không ai còn lạ gì chuyện quan toà ngắt cả lời bị cáo lẫn luật sư. Người nào “lỡ có thái độ lồi lõm” và “nghe lời luật sư ngáo”, lại còn được mạng xã hội ủng hộ không khéo lại được cho hưởng án nặng hơn so với đề nghị của viện kiểm sát cho “bõ ghét”.

Những nhà báo hay bất kỳ những người bất đồng chính kiến nào đang trong chốn lao tù liệu đã phải ngồi đến 16 tiếng đồng hồ một ngày hay hơn để bị thẩm vấn, liệu họ có bị ngược đã hay thậm chí tra tấn hay không? Liệu họ và gia đình có được ai đó yêu cầu cầu phải giữ kín và kiệm lời để cho vụ án của họ không bị ảnh hưởng?

Với một nền tư pháp kỳ lạ như ở Việt Nam thì không có gì là không thể xảy ra!

D.M.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn